Câu Lạc Bộ Quan họ làng Đương Xá

Đương Xá, một làng cổ thuộc huyện Yên Phong, Bắc Ninh có một Câu lạc bộ quan họ quy tụ ba thế hệ với hơn 40 thành viên. Bởi yêu quý và trân trọng gìn giữ vốn văn hóa quan họ cổ truyền của quê hương, họ đã say sưa hát 15 năm nay mà không tính chuyện tiền nong. Ở đó, có liền chị cao tuổi nhất gần 80 tuổi, có những thành viên thuộc tới 300 bài hát đối. Và trong 10 năm liền, họ luôn giành huy chương cao nhất trong các kỳ hội diễn của huyện và tỉnh.

Trước cổng gạch, các liền anh, liền chị đã khăn áo mớ ba mớ bảy chờ đón đoàn khách quý bằng những lời ca đằm thắm “Khách đến chơi nhà”. Cả chủ và khách chào nhau như thể những người thân lâu ngày không gặp.

Nhà liền chị Nguyễn Thị Quýnh, đội trưởng câu lạc bộ cũng là “tổng hành dinh” của CLB quan họ làng Đương Xá. Chị Quýnh cho biết, Đương Xá, là một nơi được coi là cái nôi của quan họ trong khoảng 50 năm gần như thất truyền. Cách đây 15 năm, khi toàn tỉnh Bắc Ninh rầm rộ với phong trào khôi phục quan họ, hai vợ chồng chị đã tự bỏ tiền túi, những đồng lương hưu ít ỏi của người lính đi sưu tầm các bài hát quan họ và tập hợp một số anh chị em trong làng, thành lập Câu lạc bộ.

Anh Nguyễn Văn Cách, người đã đồng cam cộng khổ với chị trong cuộc sống gia đình cũng như có công gây dựng Câu lạc bộ mất cách đây 3 năm. Nhắc đến chồng, chị rớm rớm nước mắt: “Quê tôi ở Tiên Du, cũng là nơi có truyền thống hát quan họ. Khi ở chiến trường, vì thích hát nên tôi thường tự sáng tác lời mời cho các làn điệu quan họ để hát cho thương binh nghe. Tôi và nhà tôi quen nhau ở trại điều dưỡng. Tôi đã chăm sóc cho anh và hát cho anh nghe ” Vì ai em thức đêm trường / Vì người đau đớn em thương” . Nhờ quan họ mà chúng tôi nên vợ, nên chồng. Sau khi ra quân, tôi về quê anh chính là làng Đương Xá. Nhưng chỉ tới khi hai vợ chồng về hưu, chúng tôi mới có điều kiện đến với quan họ một cách có bài bản.”

Quá trình sưu tầm những làn điệu quan họ cũng thật gian nan – chị Quýnh bồi hồi kể lại. Khi ấy, anh Cách và anh Hai Hiển cứ nghỉ việc đồng áng lại xách theo cái đài, lóc cóc xe đạp đi khắp các làng xung quanh Đương Xá.

dx_1357551025572Câu lạc bộ quan họ và canh hát cổ truyền

Triền miên mùa nóng cũng như mùa lạnh, hai anh em đều ngồi lì ở nhà các cụ nghệ nhân để nghe hát đến 1 – 2 giờ sáng mới về. Các cụ già, các liền anh liền chị làng khác, thấy có người ham mê, lại có chất giọng tốt, nên sẵn lòng truyền dạy.

Từ 12 thành viên, đến bây giờ, Câu lạc bộ đã có hơn 40 liền anh, liền chị. Anh Nguyễn Hải Ninh, thành viên câu lạc bộ kể: Mọi người say hát lắm, ngoài lịch tập thường xuyên tại nhà chị Quýnh, còn tự tập ở nhà với bạn hát. Trong túi mình luôn có sẵn tờ giấy chép lời bài hát, thỉnh thoảng rảnh rỗi lấy ra tập.. Nhiều khi mệt mỏi hoặc tâm trạng buồn bực, ca lên vài câu lại thấy lòng thoáng đãng…

Các cặp đôi dần dần hình thành: liền chị Oanh – Mến, Hòa – Hợp, liền anh Ninh-Hiển, Minh- Quang từng đoạt các giải nhất nhì trong các cuộc thi. 10 năm liền đội quan họ làng Đặng giành giải nhất huyện (Yên Phong).

Ngoài việc truyền dạy cho các thành viên trong Câu lạc bộ. Những thành viên chủ chốt còn giảng dạy cho thanh thiếu niên trong làng cũng như tham gia chương trình phổ cập quan họ cho cấp học phổ thông tại một số vùng. Anh Hai Hiển cười tươi tắn: ” Bao công lao học tập, gìn giữ bấy năm trời, giờ lại đem ra truyền dạy cho các thế hệ sau, lòng tôi kể như đã thoả nguyện lắm rồi”.

Trong mười năm qua, họ đã truyền dạy cho bao nhiêu học trò, cũng không thể nhớ rõ. Nhưng khi hỏi, chị có thấy sốt ruột và tiếc hay không khi truyền dạy xong, các em lại đi làm, đi lấy chồng, Câu lạc bộ lại mất đi học trò. Chị Quýnh tin tưởng bảo: ” Mình mất một thành viên nhưng chính các cháu sẽ làm hạt nhân phát triển phong trào trong các công ty hay miền quê mà các cháu sinh sống và lập nghiệp. Bởi những làn điệu quan họ có một sức sống hết sức mãnh liệt, không bao giờ tàn phai”

Tiếng lành đồn xa, Câu lạc bộ làng Đương Xá không tuần nào là không mở canh hát. Nhiều người lặn lội từ thành phố Hồ Chí Minh ra tận đây để được nghe một canh quan họ cổ. Có những buổi diễn, có sự góp mặt của những du khách từ 5 quốc tịch khác nhau. Đây là niềm tự hào của quan họ nói chung và câu lạc bộ làng Đương Xá nói riêng mà không phải loại hình nghệ thuật cổ truyền nào cũng có.

Thành viên Câu Lạc Bộ Đương Xá rộn ràng trong ngày hội

Thành viên Câu Lạc Bộ Đương Xá rộn ràng trong ngày hội

Miệt mài luyện tập, say mê biểu diễn nhưng hơn 10 năm qua các thành viên hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Họ là cán bộ nghỉ hưu, là giáo viên, là bộ đội, nhưng đông đảo nhất là những nông dân chân lấm, tay bùn, quanh năm với đồng ruộng.

Chị Quýnh nói: “Bây giờ, nhiều đoàn khách có nhu cầu thưởng thức những canh hát quan họ. Cứ lấy thời gian của họ nhiều quá, e không đành. Được sự giúp đỡ của tiến sĩ Đỗ Lan Phương và nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, đều là những người yêu quan họ ở Viện văn hóa, nghệ thuật, biến loại hình nghệ thuật này thành một sản phẩm văn hóa – một mô hình du lịch sinh thái cổ truyền. Tuy nhiên, mục đích thương mại không đặt lên hàng đầu. Từ đó, những thành viên trong câu lạc bộ sẽ được khích lệ niềm đam mê của mình.

Chúng tôi sẽ mang tới cho khách du lịch một không gian quan họ đặc sắc. Trong một ngày, họ sẽ được sống trong một không gian của quan họ cổ: đi thăm quan các di tích lịch sử văn hóa liên quan đến lịch sử dân ca quan họ Bắc Ninh như: Đền Vua Bà thủy tổ quan họ, lò gốm cổ có từ thế kỷ 14; thưởng thức ẩm thực đặc sắc của vùng Kinh Bắc và cuối cùng là thưởng thức một canh hát quan họ cổ truyền với các chặng lề luật, tuân thủ nghiêm ngặt của lối hát cổ .

Canh hát sẽ diễn ra ở sân đình, sân chùa dưới ánh sáng của những ánh nến, và đèn dầu. Các liền anh, liền chị hát đối mà là hát mộc, không có nhạc cụ.

Nhân dân

Thảo luận cho bài: "Câu Lạc Bộ Quan họ làng Đương Xá"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương