Dân ca Quan họ Bắc Ninh – Niềm tự hào quê hương

Bắc Ninh – Kinh Bắc, miền Quan họ ngàn năm văn hiến, nơi đây có dòng sông Cầu nước chảy lơ thơ, có núi Hồng Vân, có chùa Phật Tích, có những người con giai, con gái cần cù lao động, thiết tha yêu đời. Với tài sáng tạo của người Quan họ, quá trình tồn tại của Dân ca quan họ Bắc Ninh là một quá trình liên tục sàng lọc cái cũ, phát triển cái mới, từ không gian, bài bản tới các hình thức diễn xướng cho phù hợp với con người và cuộc sống của từng thời kỳ mà Quan họ tồn tại. Chính vì vậy, mãi đến tận hôm nay, Dân ca Quan họ Bắc Ninh vẫn đang mỗi ngày nở hoa kết trái, đã trở thành một tài sản phi vật thể đặc biệt quý giá với những đặc trưng tiêu biểu mà ta khó có thể tìm thấy ở những loại hình dân ca, nhạc cổ truyền khác.

Dân ca Quan họ Bắc Ninh là biểu hiện tình cảm của những người Quan họ, tình cảm trong sáng, thuỷ chung, trân trọng, quý trọng và đề cao lẫn nhau chứ không riêng là tình yêu nam nữ như các loại hình dân ca giao duyên khác.

Dân ca Quan họ Bắc Ninh có sức lan toả và thu hút sự mến mộ của không những người trong nước mà cả bạn bè, du khách quốc tế. Chính vì vậy, ngày 30 tháng 9 năm 2009, tại thủ đô Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, UNESCO đã công nhận Dân ca Quan họ Bắc Ninh là “Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đó là niềm vinh dự và tự hào vô hạn của nhân dân vùng Quan họ, tỉnh Bắc Ninh và cả nước, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao trong việc bảo tồn, phát triển loại hình dân ca – sản phẩm tinh thần quý báu này.

dan-ca-quan-ho-bac-ninh-niem-tuu-hao-que-huong(Vinh danh Nghệ nhân Dân ca Quan họ – ảnh: ĐKT)

Quan họ Bắc Ninh là sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian có từ lâu đời của nhân dân các làng quê Bắc Ninh. Nhưng không phải vùng nào, làng quê nào cũng có sinh hoạt văn hóa Quan họ, mà sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian này chỉ xảy ra và tồn tại ở một số địa vực nhất định của tỉnh Bắc Ninh xưa kia. Đó là vùng hợp lưu của ba dòng sông cổ: sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê và sông Tiêu Tương với trung tâm là thành phố Bắc Ninh ngày nay – nơi có 31/49 làng Quan họ gốc. Các làng quan họ gốc của thành phố Bắc Ninh tập trung tại một số xã, phường như: xã Hoà Long có 6 làng, phường Vạn An có 3 làng, xã Khúc Xuyên có 2 làng, xã Phong Khê có 3 làng, phường Võ Cường có 4 làng, phường Kinh Bắc có 4 làng, phường Vũ Ninh có 3 làng, xã Khắc Niệm có 3 làng, phường Ninh Xá, phường Vệ An và phường Thị Cầu có 1 làng.

Khi nhắc đến Quan họ chúng ta không thể không nhắc đến các nghệ nhân Quan họ, đó là những người đã đưa quan họ đến được với mọi người và cũng chính các nghệ nhân Quan họ là người đã làm cho quan họ tồn tại và phát triển đến ngày nay. Họ không chỉ hát để phục vụ nhu cầu của chính bản thân họ đó là niềm đam mê Quan họ mà họ còn giúp bảo tồn Quan họ bằng việc cung cấp tư liệu cho những nhà nghiên cứu, nhà quản lý cũng như việc truyền dạy Quan họ cho các thế hệ sau. Thành phố Bắc Ninh là đơn vị có nhiều làng Quan họ gốc nên số lượng các nghệ nhân Quan họ cũng rất đông. Để ghi nhận được công lao đóng góp to lớn của các nghệ nhân, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đã ra quy chế và quyết định công nhận danh hiệu nghệ nhân Quan họ. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 41 nghệ nhân, trong đó thành phố Bắc Ninh có 32 nghệ nhân.

Như vậy, thành phố Bắc Ninh là đơn vị có nhiều làng Quan họ gốc và số lượng nghệ nhân Quan họ nhiều nhất, đây cũng là niềm tự hào lớn lao của nhân dân thành phố Bắc Ninh. Những nghệ nhân Quan họ cũng như nhân dân Bắc Ninh luôn có ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong cuộc sống hiện nay để xứng đáng với danh hiệu: Dân ca Quan họ Bắc Ninh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại.

(Nguồn: Phòng Văn hoá và Thông tin thành phố)

Thảo luận cho bài: "Dân ca Quan họ Bắc Ninh – Niềm tự hào quê hương"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương