Đôi điều về giữ gìn bản sắc văn hóa Quan họ

Từ những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, Bắc Ninh đã quan tâm giữ gìn, phát triển dân ca Quan họ dưới nhiều hình thức như biên chế cán bộ làm công tác sưu tầm, mở lớp dạy hát Quan họ, thành lập Đoàn dân ca Quan họ, phát động phong trào quần chúng ca hát Quan họ, tổ chức Hội thi, Hội diễn, Liên hoan tiếng hát Quan họ…

Khi dân ca Quan họ được UNESCO cộng nhận là  “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” thì việc giữ gìn, phát triển dân ca Quan họ càng được tỉnh quan tâm, có nhiều giải pháp tích cực, kể cả có chính sách đối với nghệ nhân, nhằm làm cho Quan họ phát triển.

Du khách nghe “liền chị nhí” hát Quan họ tại hội Lim.

Du khách nghe “liền chị nhí” hát Quan họ tại hội Lim.

Những năm 70 của thế kỷ XX xuất hiện cụm từ “vang, rền, nền, nảy”, như để chỉ ra những yêu cầu của hát Quan họ. Chưa rõ tác giả của mỹ từ này, nhưng tới nay không ít người vẫn sử dụng để nhận xét sau khi nghe hát Quan họ, thậm chí có người đã phát biểu trên phương tiện thông tin đại chúng, khẳng định đó là chuẩn mực của hát Quan họ. Nghĩa là người hát Quan họ phải đạt được bốn yếu tố ấy mới được bình giá là giọng hát hay. Cũng có người khi diễn thuyết cho chương trình hát Quan họ đã giải thích đại ý: vang là âm thanh vang vọng, vang xa; rền là âm thanh rền như tiếng sấm; nền là giọng hát nền nã, không chênh, không phô và nảy được giải thích là giọng hát ngân rung giòn giã…

Cần xem xét cách giải thích trên có gì sai, đúng. Vang, có âm thanh to truyền đi dội lại mạnh và lan tỏa ra xung quanh: Tiếng cười vang khắp gian phòng. Giọng hát trầm mà vang. Sấm nổ vang trời. (Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển học-2000, trang 1097). Rền, âm thanh trầm và vang vọng từng hồi đều, liên tục không dứt: Sấm rền. Súng nổ rền… (Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển học-2000, trang 827). Nền, ăn mặc đẹp, nổi, nhưng nhã nhặn, đứng đắn: Mặc chiếc áo hoa cà rất nền. (Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển học-2000, trang 665). Nảy, bắt đầu nhú ra: Hạt nảy mầm. Đâm trồi nảy lộc. Bắt đầu sinh ra. Mâu thuẫn nảy sinh từ đó. Chợt nảy ra một ý nghĩ. Tát cho nảy đom đóm mắt. (Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển học-2000, trang 659).

Theo sách đã dẫn nêu trên, chỉ ra sự khập khiễng, vô nghĩa của cụm từ “vang, rền, nền, nảy”. Bởi lẽ, nền ở đây nói tới màu sắc, (có trường hợp nói tới nền tảng, nền móng) chứ sao âm thanh, tiếng động lại nền? Nảy biểu hiện của sự sinh sôi nảy nở, sao có thể nói âm thanh nảy nở được? Vang được sách dẫn là âm thanh to truyền đi dội lại mạnh và lan tỏa ra xung quanh. Rền cũng được sách dẫn là âm thanh trầm, vang vọng. Như vậy cho thấy nói vang, rền là thừa mà chỉ nói rền đã đủ nghĩa.

Còn nhớ, năm 1974 nghệ nhân Sáu Huyền tuổi 80, ở làng Y Na, xã Kinh Bắc (nay là khu Y Na, phường Kinh Bắc) kể rằng, sau khi nghe hát Quan họ, xưa các cụ ngợi khen: Hát rền, hát khéo! Như sách đã dẫn ở trên thì rền đã hàm chứa cả vang. Qua đây cho thấy các nghệ nhân Quan họ rất tinh tế, kiệm lời, không chút chữ nghĩa mỹ từ sáo rỗng mà đầy đủ, dễ hiểu, sâu sắc.

Thiết tưởng những vấn đề nêu trên đủ chỉ ra những hiện tượng cảm tính, sính dùng mỹ từ, lợi dụng diễn đàn, phát ngôn dễ dãi làm sai lệch sự bình giá sau khi hưởng thụ các giọng hát Quan họ. Hãy tôn trọng truyền thống nhằm làm cho Quan họ hay thêm, đẹp thêm như những giá trị vốn có của chúng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Quan họ.

Thượng Luyến (Báo Bắc Ninh)

 

Thảo luận cho bài: "Đôi điều về giữ gìn bản sắc văn hóa Quan họ"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương