Lớp âm nhạc truyền thống ở đình cổ Hào Nam

Đình cổ Hào Nam nằm trên đất Ô Chợ Dừa – Đống Đa – Hà Nội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1994. Tại đây có một lớp học đặc biệt về nhạc cụ dân tộc (trống, đàn, sáo…) và ca trù, hát xẩm, quan họ… do Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân (GS. NSND) Phạm Đình Khang và nghệ sĩ Thao Giang xây dựng và trực tiếp truyền dạy.

Nằm trong căn nhà nhỏ bên cạnh đình Hào Nam, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam ra đời năm 2005 là nơi thu hút nhiều người, đặc biệt là giới trẻ ở Hà Nội tìm đến học hỏi và nghiên cứu về âm nhạc truyền thống của dân tộc. Những lớp học đặc biệt về nhạc cụ dân tộc (trống, đàn, sáo…) và ca trù, hát xẩm, quan họ… của Trung tâm luôn thu hút hàng chục học viên thuộc mọi lứa tuổi cùng tham gia.

Tại đây, trong không gian văn hóa cổ kính và linh thiêng của ngôi đình cổ, mọi người được truyền thụ kiến thức âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Có thể nói, ngay từ khi sáng lập, GS. NSND Phạm Đình Khang và nghệ sĩ Thao Giang đã dày công xây dựng Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam trở thành một cơ sở đào tạo âm nhạc dân tộc theo một phong cách rất riêng, ở đó người học không phải lên giảng đường, không phải học theo những loại giáo trình mang tính học thuật, mà được tiếp cận với các loại hình nghệ thuật truyền thống theo cách tự nhiên nhất, gần gũi với thực tế nhất và dễ hiểu nhất.

Nghệ sỹ Thao Giang đang hướng dẫn học viên cách đánh sênh trong hát xẩm.

Nghệ sỹ Thao Giang đang hướng dẫn học viên cách đánh sênh trong hát xẩm.

Một buổi học nhạc cụ truyền thống tại đình Hào Nam.

Một buổi học nhạc cụ truyền thống tại đình Hào Nam.

Nghệ sỹ Thao Giang hướng dẫn học viên cách sử dụng trống quan trong hát xẩm.

Nghệ sỹ Thao Giang hướng dẫn học viên cách sử dụng trống quan trong hát xẩm.

Nghệ sĩ Thao Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam vừa làm người thầy trực tiếp giảng dạy, vừa đảm nhiệm vai trò quản lý tổ chức các hoạt động của Trung tâm. Cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc dân gian, nên nghệ sĩ Thao Giang đã dành hết tâm huyết và niềm đam mê của mình để cùng với các nghệ sĩ của Trung tâm nghiên cứu, phục hồi nhiều bài bản cổ thuộc nhiều loại hình âm nhạc truyền thống như hát xẩm, hát văn, hát trống quân, hát quan họ… để vừa phục vụ công tác giảng dạy, vừa có thể đưa chúng đến với công chúng.

Điển hình như năm 2005, lần đầu tiên Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam tổ chức biểu diễn thành công chương trình hát xẩm ở cổng chợ Đồng Xuân (Hà Nội), đưa hát xẩm, một loại hình nghệ thuật ra đời cách đây hơn 700 năm, đang có nguy cơ bị mai một quay trở lại với đời sống đương đại. Chương trình này sau đó được Trung tâm duy trì biểu diễn thường xuyên ở chợ Đồng Xuân và nhanh chóng thu hút sự hưởng ứng của đông đảo mọi tầng lớp khán giả trong nước và du khách nước ngoài.

Sau thành công này, hơn 200 thanh niên, sinh viên của các trường đại học lớn ở Hà Nội đã nộp đơn đăng ký xin học lớp hát xẩm và học đàn, phách, trống… tại lớp đào tạo hát xẩm miễn phí do Trung tâm tổ chức tại đình Hào Nam. Tại đây, các nhạc sỹ, nghệ sĩ nổi tiếng như như NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan, Thúy Ngần… đã dành thời gian, tâm huyết truyền dạy cho các học viên. Và cũng từ những lớp học như thế này, nhiều bạn trẻ như Mai Đức Thiện, Đức Huy, Hữu Duy, Kiều Loan, Thu Phương… đã trưởng thành.

Cùng với việc phục dựng, tôn vinh nghề hát xẩm, từ tháng 6/2007, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam tiếp tục mở lớp đào tạo miễn phí cho những ai yêu thích nghệ thuật ca trù, thu hút đông đảo các bạn trẻ đến tham gia. Riêng năm 2008, Trung tâm đã đào tạo được 70 người, có 10 học viên xuất sắc được chọn biểu diễn thường xuyên cùng Câu lạc bộ Ca trù do Trung tâm thành lập. Đến nay Trung tâm đã sưu tầm được hơn 100 bài hát xẩm và hát trống quân.

Một tiết mục hát ca trù của các học viên Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.

Một tiết mục hát ca trù của các học viên Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.

Các học viên của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam biểu diễn một làn điệu quan họ Bắc Ninh.

Các học viên của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam biểu diễn một làn điệu quan họ Bắc Ninh.

Học viên của Trung tâm trình diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc.

Học viên của Trung tâm trình diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc.

Một học viên của Trung tâm độc tấu đàn nhị.

Một học viên của Trung tâm độc tấu đàn nhị.

Tiết mục xẩm “Vợ chồng nhà xẩm” của học viên Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.

Tiết mục xẩm “Vợ chồng nhà xẩm” của học viên Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Thao Giang trăn trở, âm nhạc truyền thống là tiếng nói của chính nhân dân, nhân dân đã sáng tạo nuôi dưỡng qua bao đời. Hát quan họ, ca trù, đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Âm nhạc truyền thống phần lớn biểu diễn truyền khẩu trong dân gian, chưa được giảng dạy ở trong các trường đại học nghệ thuật, nên nguy cơ thất truyền là rất lớn do không được đào tạo một cách bài bản, chính quy, khoa học.

Vì vậy, có thể nói, hoạt động đào tạo của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã, đang và sẽ góp phần vào việc bảo tồn, phát triển và tôn vinh những tinh hoa âm nhạc dân tộc Việt Nam./.

Bài: Vĩnh Hưng – Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Thảo luận cho bài: "Lớp âm nhạc truyền thống ở đình cổ Hào Nam"

2 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương