Ngôn ngữ Quan họ

Ngôn ngữ trong Quan họ

Dân ca quan họ là loại hình nghệ thuật phong phú, độc đáo của dân tộc ta. Giá trị của dân ca quan họ cổ truyền được thể hiện không chỉ bằng những bài ca lời đẹp, hạc hay, bằng phong cách lịch sự, trang nhã… mà bằng cả những lề lối, tập quán đặc sắc kèm theo nó.

Liền anh, liền chị trong quan họ luôn giao du, đi hát với nhau, nhưng không bị sa vào rượu chè, vào những quan hệ buông thả. Khi đi hát thì rất vui vẻ, say sưa, nhưng tránh nhất là thái độ lả lơi sàm sỡ.

doi-dap-quan-ho

Về cách xưng hô, quan họ lịch sự, nhún nhường, thường tự xưng là em, dù đó là nam hay nữ, già hay trẻ: ví như: “Thưa chị hai, chị ba, biết thì ca trước lên để anh em chúng em tiếp bước theo sau”. Hoặc khi được liền anh mời trầu, liền chị đáp lại:

Chị em chúng em cả sữa no căng
Ăn trầu đã vậy biết nói năng thế nào

Bên liền anh cũng như bên liền chị đều tôn trọng nhau, cho nên trong câu quan họ, họ thường gọi nhau là người.

Người ơi! Người ở đừng về
Người đừng tưởng gió trông mây…

Người về em dặn người rằng
Đâu hơn người ấy, đâu bằng đợi em

Nếu chúng ta thấy chữ chàng trong câu quan họ thì đó là ca dao mà quan họ mượn vào:

Chăn chiếu ai trải giường này
Đêm qua chàng ngủ đêm nay chàng nằm

Đến chữ mình người ta cũng thấy suồng sã quá, nên khi hát quan họ đã đổi chữ mình thành chữ tình.

Đêm qua ghé nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói, thương tình bấy nhiêu

Trong giao tiếp, quan họ, ngoài việc xưng hô ý tứ, tôn trọng nhau, lời ăn ý ở cũng đợc nghệ nhân răn dạy rất chu đáo, không gặp gì nó nấy, gập gì làm nấy. Các cụ dặn rằng: Đã là người làng quan họ. Không phải chỉ biết hát mà am hiểu cả lề lối, tập quán nữa. Lại phải hiểu từng lời ăn ý ở đến những tập tục ăn nói, lúc đứng ngồi. Quan họ muốn mời nhau về nhà hát phải nói năng ý tứ lắm.

“Mời quan họ liền anh sang chơi bên nhà chúng em, trước là thăm thầy mẹ chúng em, sau là cho chúng em học đòi quan họ vài đôi lối…”

Và liền anh đáp lời: “Em đỡ lời chị Hai, chúng em chỉ sợ nắng mưa thì tốt lúa đồng, chúng em năng đi lại thì thầy mẹ lại coi thường chúng em ra”.

Ngay trong lúc nói “kháy” nhau, ý muốn nói vốn liếng của các liền anh về quan họ chưa có là bao, đừng tỏ ra ta đây, thì người quan họ cũng rất lịch sự: “Dạ thưa anh Hai, anh Ba… biết thì đi chợ xa, còn chị em chúng em không biết thì đi bảy mươi ba cái chợ gần đấy ạ”.

Có các nói rurn rẩy (danh từ của “đường quan họ”): “Thực là anh Hai cứ đánh lửa cho đau lòng khói”. Cách nói đưa đẩy: “Anh Hai, anh Ba nói mà như sấm bên Đông, chớp động bên Tây, mưa tỉnh Hà Nội mà đây ướt đường đấy ạ”. Hoặc cách nói khách khí: “Dạ thưa chị Hai, đã có lòng sang đất nhà chúng em, thì cho anh em chúng em được thừa tiếp dăm ba lối nữa”.

Khi hát đối đáp, nếu bên liền chị ra một vế đối, bên liền anh đáp đúng thì bên liền chị lên tiếng: “Dạ, thưa liền anh, tương hằng rồi đấy ạ”. Nếu bên liền anh ca sai thì bên liền chị lê tiếng: “Dạ thưa liền anh, ca bất hợp rồi đấy ạ”.

Khi canh hát đã về khuya, quan họ chủ trương mời mọi người giải lao ăn cơm, họ nói bằng một giọng văn hoa, lễ phép, khiêm tốn: “Hôm nay bên liền chị sang bên đất nhà em, anh em nhà em có mâm cơm, thì đầu mâm đĩa muối, cuối mâm đĩa gừng, mâm đan bát đàn, để xin mời đương quan họ dựng đũa, lên chén, để anh em chúng mình được thừa tiếp đấy ạ”.

Trong bữa ăn, các liền anh thấy các liền chị ăn uống nhỏ nhẹ rụt rè thì mời khéo:

Cơm hẩm ăn với rau dưa
Quan họ làm khách em chưa bằng lòng, đấy ạ.

Liền chị đáp lại:

Liền anh nói vậy chứ:
Cơm trắng ăn với thịt gà
Tuy rằng ăn ít nhưng mà no lâu đấy ạ.

Tiếng nói của quan họ thật là ý nhị, thật là văn hoa. Ngôn ngữ trong quan họ mềm mại, khéo léo, tinh tế và đậm đà tình người. Người quan họ không chấp nhận sự thô kệch, vụng về, mà coi trọng sự lịch thiệp, thanh nhã trong mọi cử chỉ, giao tiếp. Lề lối, tập quán trong quan họ tuy không ai soạn thành văn, nhưng từ đời này, qua đời khác mọi người đều tuân thủ. Nếu quan họ nhỡ một lời, làm vụng một việc thì lòng riêng cứ băn khoăn mãi.

Thảo luận cho bài: "Ngôn ngữ Quan họ"

3 Comments

  • Bài viết thì hay nhưng có lẽ bạn không hiểu lịch sử văn hóa Quan họ .Trên hình ảnh có “tít” Thi hát đối dân ca quan họ… Đã “Dân ca” rồi sao lại còn “hát”; Không được dùng từ này vì phạm húy với ông Trương Hát..
    Câu :
    Chị em chúng em cả sữa no căng
    Ăn trầu đã vậy biết nói năng thế nào
    Không dùng từ “trầu”; trong câu ca quan họ phải biến đổi thành “giầu”.
    Trong câu: “Anh Hai, anh Ba nói mà như sấm bên Đông, chớp động bên Tây,
    Phải sửa thành “Anh Hai, anh Ba nói nà như sấm bên Đương, chớp bên Đoài,..Trong văn hóa QH chữ Đông phải đổi thành Đương vì hai lý do:
    – Ý nghĩa của chữ Đương
    – Phạm húy với cụ thủy tổ thành hoàng Thành Bắc ninh…. Đông Bính Đại Vương
    Còn xóm Tây gọi là xóm Đoài…
    Bạn viết bài như vậy góp phần làm mai một quan họ. chúc bạn thành công

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương