Người quan họ muốn thưa đôi lời

Có nghệ sĩ trung ương, tôi không tiện nói tên, bài quan họ Ai xuôi về, người quan họ hát là “ngỏ cửa à bên nay a ra chào” thì người ta lại hát “ngỏ cửa à, đêm nay a ra chào”…

Quan họ đã được UNESCO công nhận là di sản đại diện, nét đặc sắc của văn hoá vùng Kinh Bắc được cả thế giới biết đến nhưng người quan họ vẫn muốn nói đôi lời nhằm bổ sung cho “cái đã được biết đến” ấy thêm chính xác hơn, cụ thể hơn. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với liền anh Xuân Mùi, người đã có hơn 40 năm gắn bó với quan họ và hiện đang là Phó đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh.

Quan họ đã được công nhận Di sản phi vật thể của nhân loại, là người gắn bó hơn 40 năm với quan họ, anh đón nhận thông tin này với tâm trạng thế nào?

– Chúng tôi đã mong đợi tin này từ lâu rồi. Quan họ xứng đáng là di sản của nhân loại, không chỉ của Bắc Ninh, không chỉ của Việt Nam. Quan họ tiềm ẩn những yếu tố văn hoá sâu sắc rất nhân bản mà bất kỳ xã hội nào cũng cần tôn vinh, như sự thuỷ chung, tình nghĩa giữa con người, xóa đi biên giới không gian, thời gian

Chẳng hạn như câu hát: Nghĩa người em bắc lên cân; Bên vàng nặng chín, bên ân nặng mười. Hoặc Nghĩa người chẳng biết để đâu, Em để tay áo lâu lâu em dò.

Một ví dụ khác: Ngày nay chúng ta kêu gọi “thế giới là mái nhà chung”, nhưng từ rất lâu rồi, người quan họ chúng tôi đã hát Hôm nay tứ hải giao tình, Tuy là bốn bể nhưng sinh một nhà.

Với những giá trị sâu sắc ấy, việc quan họ được công nhận di sản không làm chúng tôi bất ngờ. Hồ sơ quan họ đã được làm từ mấy năm trước, sau đó khi công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có hiệu lực thì phải làm lại, nên chúng tôi đã phải chờ rất lâu. Giờ thì chúng tôi rất vui mừng vì UNESCO đã đánh giá đúng giá trị của quan họ. Tôi cũng như tất cả anh em trong đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh, những người dân không chỉ của Bắc Ninh đều có quyền tự hào đã có thêm một di sản được thế giới biết đến.

quan-ho-lang-lim

Giới nghiên cứu chia quan họ thành quan họ làng, quan họ đoàn, quan họ đài… Các anh có cảm thấy “chạnh lòng” không khi có những nhận xét: quan họ cổ đã mất rồi, giờ chỉ còn quan họ đoàn và quan họ đài?

– Việc phân biệt như thế không làm chúng tôi chạnh lòng vì đó là cách gọi của những người quan sát từ bên ngoài, nói cách khác họ là người ngoại đạo. Quan họ đoàn như chúng tôi là quan họ chuyên nghiệp, đại diện cho quan họ Bắc Ninh, còn quan họ làng là quan họ của những người không ăn lương nhà nước, không chuyên nghiệp. Hàng ngày người ta làm những công việc đồng áng, vì yêu thích mà người ta hát quan họ thôi. Còn quan họ đài lại khác hơn, cũng là quan họ chuyên nghiệp nhưng không phải chuyên nghiệp của người Bắc Ninh mà của người… trung ương.

Tôi có thể tự tin nói rằng, chính sự ra đời của quan họ đoàn đã làm sống lại quan họ hát canh.

Anh có thể nói rõ hơn?

– Vào những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, trước nguy cơ quan họ “biến mất”, ngay người Bắc Ninh cũng chỉ loáng thoáng biết về quan họ, đoàn của chúng tôi ra đời. Bản thân chúng tôi khi được tuyển vào đoàn quan họ chỉ biết duy nhất một bài quan họ là Xe chỉ luồn kim. Còn những bài khác bị lẫn với chèo không thể phân biệt được.

Khi chúng tôi về các làng quan họ để sưu tầm các làn điệu, trai gái trong làng nhìn chúng tôi như người… hành tinh khác, vì không thể tưởng tượng những người trẻ trung lại đi học quan họ. Người ta quen nghĩ chỉ những cụ già móm mém mới thỉnh thoảng hát quan họ vào mùa xuân thôi, hát như cúng ở chùa. Chính qua chúng tôi mà họ yêu quý chúng tôi, và yêu quý cả quan họ. Họ học quan họ không từ ông họ, bố họ mà học từ chúng tôi.

Diễn viên đoàn quan họ đi tới đâu thì phong trào phát triển đến đó. Chúng tôi học từ các cụ, rồi chúng tôi dạy lại thanh niên của các làng. Ở các làng đó dần dần có những đội quan họ, nhờ thế sau này các làng quan họ có phong trào ca hát quan họ. Có nhiều “nghệ nhân” quan họ thật ra lại học hát từ đoàn quan họ, từ thế hệ bọn tôi, sau chúng tôi cả chục năm. Còn những nghệ nhân quan họ theo đúng nghĩa chỉ còn hiếm hoi một vài người, trẻ nhất cũng đã 85 tuổi, có những người trên dưới 100 tuổi.

Trong những chương trình biểu diễn chuyên nghiệp, sao đoàn không diễn những làn điệu theo đúng phong cách cổ?

– Trong cơ chế thị trường như hiện nay, để khán giả, nhất là giới trẻ, chịu nghe quan họ như chúng tôi biểu diễn là khó lắm rồi. Họ thích nghe nhạc rock, hiphop… hơn. Nếu đưa quan họ cổ, hát không nhạc đệm, hát đôi ra sân khấu thì khán giả chưa nghe được, mà chỉ dành cho những nhà nghiên cứu, nhà báo… trong những buổi biểu diễn chọn lọc. Đã có một số trường đại học, cao đẳng mời chúng tôi nói chuyện về quan họ, buổi biểu diễn có 50% là quan họ cổ.

Sắp tới đây, khi đoàn quan họ lên thành nhà hát sẽ có hai bộ phận, một là quan họ cải biên nâng cao, một là đoàn quan họ truyền thống có bộ phận sưu tầm nghiên cứu. Ở đó ai muốn nghe hát canh sẽ hát canh, ai muốn tìm về sự “dân dã” của quan họ thì có thể đến tìm hiểu.

Quan họ đoàn có giữ được hết những làn điệu cổ của quan họ không?

– Riêng thống kê các làn điệu quan họ cổ cũng có những số liệu rất khác nhau, người nói 175 làn điệu, người nói 220 làn điệu, có người nói 300 làn điệu. Nhưng theo tôi tất cả chỉ là “ước chừng”, vì không có cơ sở nào để khẳng định chính xác số làn điệu của quan họ.

Trong hơn 40 năm theo nghề, tôi cũng đã vài chục năm lặn lội nghiên cứu và sưu tầm quan họ từ khi quan họ chỉ như những đốm lửa sắp tàn

Qua vài chục năm nghiên cứu, sưu tầm, tôi cũng chỉ nói được quan họ có khoảng trên 200, gần 300 làn điệu. Còn muốn có con số chính xác thì phải có một hội nghị khoa học chuyên đề bàn về vấn đề này. Cùng một giai điệu của một bài hát nhưng có tới 5-6 dị bản, vậy có tính là có 5, 6 làn điệu không? Hay người ta sẽ quy về 3 làn điệu chính, còn đâu là dị bản?

Tôi có thể lấy ví dụ, bài Xe chỉ luồn kim có 3-4 lối hát, có thể coi là 3-4 giai điệu không hay chỉ là một? Hoặc bài Cây trúc xinh, quan họ có một bài cổ, một bài phổ thông? Vậy là hai hay là một? Vậy nên ai nói chính xác có bao nhiêu làn điệu thì tôi cho rằng chưa chuẩn? Chưa kể, nếu bảo có 175 làn điệu, nhưng còn 20 làn điệu đang ở trong dân ta chưa tìm được hết thì sao?

Gần đây có những làn điệu quan họ mới ra đời để làm giàu thêm “vốn” không?

– Một số nghệ nhân và diễn viên quan họ sau này tạo thêm một số làn điệu, có thể từ một làn điệu cụ thể người ta cao hứng sáng tác thêm một làn điệu na ná như thế. Đặc biệt, cụ Nguyễn Đức Sôi là người làng quan họ, là nghệ nhân đầu tiên dạy làng quan họ. Cụ sáng tác một số bài quan họ chưa từng có trong số các làn điệu quan họ trước kia. Ví dụ như bài Ăn ở trong rừng, diễn viên Khánh Hoà của đoàn dự thi toàn quốc, nếu không nói ra người ta cứ nghĩ là quan họ truyền thống nhưng đó là bài của cụ Sôi.

Trên thực tế cái mà người ta gọi là “quan họ đời mới” khá nhiều, những bài cổ bị hát sai lời, sai điệu cũng rất phổ biến, anh nghĩ gì về điều này?

– Nhiều khi tôi cũng buồn với một số nghệ sĩ hiện nay, hát nhầm lời mà không biết, chứng tỏ người đó không hiểu hết nội dung. Có nghệ sĩ trung ương, tôi không tiện nói tên, bài quan họ Ai xuôi về, người quan họ hát là “ngỏ cửa à bên nay a ra chào” thì người ta lại hát “ngỏ cửa à, đêm nay a ra chào”. Hoặc câu quan họ khá hay Nghĩa người chẳng biết để đâu, Em để tay áo lâu lâu em dòm” đã bị biên tập Nghĩa người chẳng biết để đâu, Em để túi áo lâu lâu em dòm”. Tay áo quan họ linh thiêng trang trọng, chứ túi áo người ta có thể để tiền để bánh trái, hoa quả…Tay áo quan họ người ta để những thứ linh thiêng hơn vật chất, cũng như người ta nói: Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh, chui vào tay áo.

Xin cảm ơn nghệ sĩ Xuân Mùi về cuộc trò chuyện này.

* Khánh Linh (thực hiện)

Thảo luận cho bài: "Người quan họ muốn thưa đôi lời"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương