NSƯT Thuý Cải: Giữ mãi nét duyên quan họ

Chúng tôi phải thuyết phục mãi, NSƯT Thúy Cải mới đồng ý gặp bởi lần nào ngỏ ý viết bài, bà cũng ngần ngại: “Cô về hưu gần 5 năm rồi, có gì để viết nữa đâu“. Giống như khi ngồi trò chuyện, bà luôn tâm niệm: “Những gì cô làm được là nhờ anh chị em trong đoàn và chồng con ủng hộ, giúp đỡ, yêu thương“…

NSND Thúy Cải

NSND Thúy Cải

Một buổi sáng tháng tư ngồi trò chuyện cùng “chị Hai quan họ” nức tiếng năm nào trên chính mảnh đất Kinh Bắc đã giúp chúng tôi thêm hiểu, thêm yêu cái duyên quan họ đằm thắm, mặn mà không chỉ trong câu hát mà còn trong từng lời ăn, tiếng nói, cách ứng xử của người nghệ sĩ dù tuổi đời đã chạm ngõ lục tuần này.

Chẳng cần nói địa chỉ, chỉ cần hỏi nhà NSƯT Thúy Cải thì cậu xe ôm trẻ ở ngay đầu đường cao tốc đã chỉ vanh vách. Nhà riêng của NSƯT Thúy Cải nằm trên con phố chính khá sầm uất của thành phố Bắc Ninh. Nhưng chỉ cần bước qua ô cửa là tất cả những gì ồn ào, náo nhiệt đều ở lại bên ngoài. Một không gian đậm chất quan họ chạm vào du khách với nón thúng quai thao, khăn mỏ quạ, trang phục mớ ba mớ bảy… NSƯT Thúy Cải chia sẻ, căn nhà vừa là nơi đoàn tụ của cả gia đình bà, vừa là trụ sở của Công ty cổ phần Truyền thông Quan họ Ngôi sao do chính nghệ sĩ Thúy Cải làm Giám đốc. Về hưu, bà những tưởng mình sẽ yên tâm nghỉ ngơi, bù đắp những tháng ngày mải mê sự nghiệp… Nhưng rồi, chỉ vắng quan họ vài tháng bà đã cảm giác mình không phải là… mình. Yêu và hiểu mẹ, con gái bà bàn bạc lập công ty cùng mẹ giới thiệu, quảng bá những làn điệu quan họ tới du khách trong và ngoài nước, cũng là cách để bảo tồn vốn văn hóa quý giá này. Công ty không chỉ là sợi dây nối kết các thành viên gia đình với nhau trong tình yêu quan họ mà còn là nơi bà truyền dạy những làn điệu quan họ cho các thế hệ trẻ yêu nghệ thuật.

Đối với nhiều khán thính giả bấy nay, nhắc tới quan họ không thể không nhắc tới NSƯT Thúy Cải. Bà cùng các liền anh, liền chị như NSƯT Quý Tráng, nghệ sĩ Lệ Ngải được ví như những cánh chim đầu đàn của Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh (giờ là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh). Năm 1969, khi Đoàn được thành lập thì cũng là năm cô thiếu nữ Thúy Cải vừa tuổi trăng tròn gia nhập đoàn. Trước đó, 12 tuổi, Thúy Cải đã nức tiếng trong vùng nhờ giọng hát quan họ trong vắt, mượt mà khó ai bì kịp. Vùng đất Kinh Bắc thơ mộng bên bờ sông Đuống đã bồi đắp cho mỗi người dân nơi đây một tình yêu với nghệ thuật. Cụ bà thân sinh ra nghệ sĩ Thúy Cải là người hát quan họ rất hay. NSƯT Thúy Cải vẫn nhớ những đêm trăng sáng, sau mỗi buổi cấy cày gặt hái, mẹ mình lại cùng các bạn hát đối đáp, giao duyên. Cứ thế, những làn điệu quan họ ngấm vào Thúy Cải lúc nào không hay. Năm, sáu tuổi, Thúy Cải đã hát đầy cảm xúc những bài quan họ như “Cây trúc xinh”, “Mời nước”, “Mời trầu”… Có lần, một đoàn bộ đội qua làng, các chú bộ đội yêu cầu Thúy Cải hát tặng một bài quan họ. Nhiều tháng sau, Thúy Cải vẫn còn nhận được thư của các chú bộ đội gửi về nói rằng vẫn nhớ tiếng hát của Thúy Cải và chỉ mong được nghe cô bé hát.

Mười sáu tuổi, Thúy Cải gia nhập Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh dù nghệ nhân Nguyễn Đức Siêu  – khi ấy là Trưởng đoàn đi chọn diễn viên đã nhắm chị gái của Thúy Cải vì nhan sắc có phần trội hơn. Nhưng cụ bà thân sinh ra nghệ sĩ Thúy Cải với kinh nghiệm của mình kiên quyết cho Thúy Cải đi bởi bà quan niệm “nhất thanh, nhì sắc”. Hơn nữa, theo bà, ở Thúy Cải còn có tố chất quan trọng của người hát, đó là “trường cổ đại thanh”. Thúy Cải đi văn công nhưng không hề nhàn nhã, sung sướng như mọi người vẫn tưởng. Ngày ấy, Trưởng ty Văn hóa Lê Hồng Dương có chủ trương khôi phục lại vốn quan họ cổ đang nằm trong 49 làng quan họ, Thúy Cải cùng các bạn trong Đoàn xuống tận các làng để học các nghệ nhân. Ban ngày, các nghệ nhân làm gì, các nghệ sĩ cũng xắn tay vào làm, từ nhổ mạ, cấy lúa, hái dâu… để rồi khi đêm xuống, công việc tạm hết, các nghệ nhân mới truyền dạy hát. Làm lụng vất vả, ăn uống lại kham khổ nên mỗi lần về nhà, bà con hàng xóm lại kêu đi văn công gì mà gầy đen hơn ở nhà. Thế nhưng, ngày ấy, chẳng ai thấy mệt, thấy khổ. Vui sướng nhất là mỗi ngày lại học thêm được làn điệu mới. Thành quả của chục năm gian khổ ấy là hơn 200 làn điệu quan họ được khôi phục với hơn 500 bài hát đối. Các nghệ sĩ vừa khôi phục vừa tuyên truyền tình yêu quan họ đến với người dân. Đoàn không có ôtô, các nghệ sĩ ban ngày phải trực tiếp xắn quần đẩy xe bò chở loa đài xuống từng thôn, xã.

Đất Bắc Ninh sản sinh ra nhiều nghệ sĩ quan họ nhưng để khán giả yêu, khán giả nhớ, hay gọi là có được cái “duyên quan họ” thì không phải ai cũng may mắn như Thúy Cải. Chỉ cần khoác trên mình bộ trang phục liền chị, chít cái khăn mỏ quạ, trong Thúy Cải có một cảm giác khác lạ ùa đến; từ ăn nói tới đi đứng tự nhiên, nhẹ nhàng, khoan thai đúng chất “người quan họ”.

Còn chất giọng “vang, rền, nền, nảy” đặc trưng không lẫn vào ai được thì ngoài năng khiếu trời phú là cả quá trình rèn luyện học tập từ các nghệ nhân. NSƯT Thúy Cải bảo, có lẽ không ai học dài như bà. Học từ những tháng ngày non nớt cầm đèn dầu đi học nghệ nhân. Ban ngày đi gánh nước, đêm xuống mới học đàn, học hát. Tới khi thành nghệ sĩ có tên tuổi rồi bà vẫn cần mẫn học. Nhiều người yêu quan họ đều đồng ý rằng nghe Thúy Cải hát một lần sẽ nhớ, nhớ rồi sẽ thích và thích rồi sẽ mê. Với nghệ sĩ Thúy Cải, dù biểu diễn cho những sân khấu đơn sơ nơi vùng sâu, vùng xa hay những sân khấu sang trọng ở nước ngoài, dù khán giả là những người dân lao động chân lấm tay bùn hay những chính khách thì cứ được hát là hạnh phúc. Năm 1982, lần đầu tiên Thúy Cải được cùng NSND Thanh Hoa, nghệ sĩ Ái Vân… đi biểu diễn ở nước ngoài. Kết thúc tiết mục rồi mà khán giả vẫn vỗ tay vang dội khiến các nghệ sĩ phải ra chào tới 3 lần. Hay có lần mang dân ca quan họ sang Nhật Bản, ảnh nghệ sĩ Thúy Cải trong trang phục liền chị được treo rất to bên đường khiến Thúy Cải vô cùng hãnh diện… Hạnh phúc với bà còn là khi gặp những vị khách bất ngờ tới nhà. Chị Ngọc Lương – con gái nghệ sĩ Thúy Cải kể: “Mẹ không có nhà thì thôi chứ có nhà thì lúc nào cũng có khách”. Có khi là cụ già 80 tuổi nằng nặc đòi con dẫn tới gặp nghệ sĩ Thúy Cải chỉ để nói một câu: “Tôi xem, nghe cô hát từ ngày trẻ, giờ nhìn thấy cô rồi, sau này có nhắm mắt cũng an lòng”. Hay khi biểu diễn cho những đơn vị bộ đội, bất ngờ có người thổ lộ: “Tôi yêu giọng hát của cô từ thời còn là lính Trường Sơn nghe từ chiếc đài bán dẫn áp sát vào tai, giờ mới có điều kiện được gặp ngoài đời”. Cứ ngày lễ tết là nhà bà lại đầy quà, khi là con gà, cân gạo của những học trò đến học “cô Cải” mà cô Cải luôn không lấy tiền.

40 năm trong nghề, ngoài giọng hát quan họ say đắm lòng người, NSƯT Thúy Cải còn là một Trưởng đoàn hết lòng vì quan họ. 18 năm ở cương vị Trưởng đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh (từ 1996 – 2004), nghệ sĩ Thúy Cải không chỉ nỗ lực để anh chị em trong đoàn có thể sống tốt bằng nghề mà còn cố gắng để quan họ đến được với nhiều vùng quê trong cả nước. Bà đôn đáo mang quan họ vào phía Nam gây dựng nhóm hát dân ca “Mười nhớ”. Chưa kể nhiều lần bà đi nói chuyện ở các trường đại học để lớp trẻ hiểu và yêu quan họ. Việc UNESCO công nhận quan họ là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại có công rất lớn của người nữ Trưởng đoàn xông xáo này. Cả đời gắn bó với quan họ, giờ đây, nhiều lúc trong những giấc ngủ chập chờn buổi trưa, bà vẫn mơ thấy mình đang hát quan họ. Chị Ngọc Lương thì bảo, tuổi thơ của 2 chị em gắn liền với ông bà vì mẹ đi biểu diễn công tác liên miên.

Nhìn vợ chồng nghệ sĩ Thúy Cải ân cần chăm sóc nhau mới thấy đó là cuộc sống mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng mơ ước. Trong suốt buổi trò chuyện, NSƯT Thúy Cải luôn tâm niệmå: Nếu không có chồng con, mình không làm được gì hết. Học cùng nhau ở Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh rồi sau này công tác cùng đoàn, vợ chồng nghệ sĩ Thúy Cải luôn cùng nhau trong mọi hành trình. Bà cười vui, tính ra ông chở bà đi diễn hỏng tới 8 cái xe đạp và 2 cái xe máy. Khi nghệ sĩ Thúy Cải – ngoài việc là Trưởng Đoàn Quan họ Bắc Ninh còn tham gia Hội đồng nhân dân tỉnh, là đại biểu Quốc hội (khóa IX) – nghĩa là công việc rất bận rộn thì chồng bà đã tình nguyện lo lắng việc nhà cửa, con cái cho bà yên tâm công tác.

Mặc dù được phong tặng danh hiệu NSƯT từ năm 1988 và từng vinh dự nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất, đến nay, nhiều người cùng lứa với bà đã nhận danh hiệu NSND thì Thúy Cải vẫn là NSƯT. Nhiều người chia sẻ ý kiến rằng, đó là điều chưa công bằng với bà vì không chỉ là nghệ sĩ biểu diễn với nhiều thành tựu, Thúy Cải còn là người cần mẫn đến với các làng quan họ, có công sưu tầm, bảo tồn, giới thiệu quan họ đến với công chúng. Hỏi chuyện này, NSƯT Thúy Cải vui vẻ: “Cứ được là nghệ sĩ trong lòng nhân dân là tôi vui lắm rồi”. Bà chỉ ngậm ngùi cho các nghệ nhân – những người thầy của mình, người còn, người mất không quản ngày đêm truyền dạy lại cho thế hệ trẻ nhưng họ lại chưa từng nhận được một chế độ gì. Bà chỉ một lòng cảm ơn vì được sinh ra trên đời, được uống nước sông Cầu, cảm ơn quê hương đã sản sinh ra những làn điệu quan họ mượt mà để bà vinh dự là sứ giả mang đến cho khán giả. Trước sau, bà chỉ gửi gắm tâm nguyện ai yêu quan họ hãy đến với bà, bà sẵn sàng truyền dạy bất cứ khi nào sức khỏe còn cho phép

Thảo Duyên

Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/NSUT-Thuy-Cai-Giu-mai-net-duyen-quan-ho-330872/

Thảo luận cho bài: "NSƯT Thuý Cải: Giữ mãi nét duyên quan họ"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương