Phiếm luận hai chữ “Quan họ” trong từ tổ “Dân ca quan họ”

Ngày nay, Dân ca Quan họ đã được Tổ chức Giaó dục Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc ( UNESCO ) công nhận là loại hình văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vậy hai chữ “Quan họ ” nên hiểu như thế nào cho thỏa đáng ? Cũng có một số tác giả đã đặt ra vấn đề này và phân tích, lập luận để cắt nghĩa theo lí lẽ riêng của mỗi người.

Các cụ nghệ nhân quan họ

Các cụ nghệ nhân quan họ

Chúng ta đều biết Kinh Bắc là địa danh có nền văn hiến từ xa xưa, là nơi vẫn giữ được truyền thống văn hóa lâu đời, thể hiện qua nhiều thư tịch giá trị, không ít nhân tài, cùng là những mĩ tục thuần phong còn giữ gìn được tới ngày nay. Từ những đặc điểm ấy của Kinh Bắc, chúng tôi tìm hiểu hai chữ ” Quan họ ” theo cách phân tích danh từ ghép này với sự độc lập của nó, lấy cái nghĩa khả dĩ thông thoát, không khiên cưỡng, áp đặt theo chủ quan ; đồng thời xem xét cái nghĩa ấy có phù hợp với lối hát Quan họ và các tục lệ khác ở nơi đây hay không. Cho nên chúng tôi không dùng những truyền thuyết rất khác nhau trong dân gian để giải thích hai chữ Quan họ, không đặt ra những giả định; vì nhận thấy nếu làm như thế là thiếu căn cứ xác thực và không đáng tin cậy. Để cắt nghĩa hai chữ ” Quan họ “, xin đưa ra bốn luận cứ sau đây :

1. Dùng cái nghĩa đơn thuần vốn có của từ ngữ Quan họ.

Theo chúng tôi, chữ Quan nghĩa là sự dính líu, liên thuộc mà nó được dùng trong các chữ : Liên quan, Tương quan, Quan hệ, Hữu quan. Với chữ Quan này, dù cho nó là chữ Hán hay chữ Nôm thì chúng đều có nghĩa như nhau; vì theo các cách cấu tạo của chữ Nôm, đây cũng là một trường hợp đặc biệt đã mượn chữ Hán, đọc theo âm Hán-Việt, và cũng hiểu theo nghĩa của nó luôn.

Xét về chữ Họ, vì âm đọc là Nôm cho nên chắc chắn đây là chữ Nôm, và theo chúng tôi nên hiểu theo nghĩa phổ quát là họ hàng, tộc họ.

Như vậy, Quan họ nghĩa là mối liên quan họ hàng.

2. Tục lệ Kết chạ.

Kết chạ là hình thức kết giao tình nghĩa cũa vài làng cùng thờ một vị Thành hoàng, hoặc cùng làm một nghề nên cùng thờ vị Nghệ tổ đã sáng lập ra cái nghề ấy. Thành hoàng là vị Thần cai quàn, che chở và định đoạt phúc họa cho cộng đồng người trong một hoặc vài làng. Nghệ tổ là vị truyền dạy cho người ta cái nghề để mưu sinh. Vì vậy, dân làng đối với Thành hoàng cũng như những người cùng nghề đối với Nghệ tổ chẳng khác gì con cháu đối với Tổ tông của mình
vậy. Cho nên, ý nghĩa của việc Kết chạ thực chất là sự kết họ với nhau, nghĩa là đôi bên có mối liên quan họ hàng mà các cụ xưa gọi tắt là Quan họ.

Như vậy có hai loại họ hàng :
a. Họ hàng của những người cùng huyết thống từ một ông Tổ. Trường hợp này gọi là họ tộc, họ đương.
b. Họ hàng của những người không cùng huyết thống, nhưng đã kết chạ, nghĩa là kết họ với nhau. Trường hợp này gọi là Quan họ hoặc Đương Quan họ. Chính chữ Quan dùng để phân biệt hai loại họ hàng vừa nêu.

3. Tục lệ trai gái hai làng đã kết chạ thì không được kết hôn với nhau, vì rằng hai làng đó có mối liên quan họ hàng với nhau rồi.

4. Xét nội dung ca từ trong các bài Dân ca Quan họ.

Hiện nay chúng tôi mới sưu tầm và kí âm lại được hơn 400 bài Dân ca Quan họ lời cổ, trong đó 100 bài đã được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2005. Hầu hết trong các bài đó, nội dung lời ca đều mô tả nỗi lòng nhớ thương sầu muộn, tự than thân trách phận, tỏ ý oán trách Ông Tơ Bà Nguyệt của những cặp trai gái yêu thương nhau mà không thể lấy được nhau, nguyên cớ chỉ vì hai làng đã kết nghĩa họ hàng với nhau mà thôi.

Trên cơ sở 4 điểm đã trình bày, chúng tôi hiểu hai chữ Quan họ như sau : ” Quan họ là từ tổ dùng để chỉ sự kết họ của hai hay một số cộng đồng người, trên cơ sở những cộng đồng người này cùng thờ một vị Thành hoàng hoặc một vị Tổ sư nào đó. ”

Tục truyền rằng : Ông Hiếu Trung Hầu là người đã đặt ra lối hát đối đáp giao duyên. Về sau có rất nhiều người mê chuộng lối hát này đã tôn thờ ông, coi ông là vị Nghệ tổ của ” Nghề chơi Quan họ”, để rồi từ đó, tục hát Quan họ vẫn còn lưu truyền tới ngày nay ở đất Kinh Bắc.

Tác giả: Lâm Minh Đức

Thảo luận cho bài: "Phiếm luận hai chữ “Quan họ” trong từ tổ “Dân ca quan họ”"

2 Comments

  • Ngoài nhạc sỹ Hồng thao, có lẽ hôm nay đọc bài viết này tôi mới cảm nhận được sự nghiêm túc trong việc sưu tầm và bảo tồn Quan họ. Làng Yên xá xưa thờ thành hoàng là đức bính Công, không hiểu sao trên các trang chính thống tỉnh BN viết là thờ hai vị tướng họ Trương; Yên xá xưa nay là Thụ ninh, Yên mẫn, Thị chung và hình thành thêm Vệ an có nghĩa là vệ an không phải là làng QH cổ, cũng như xưa không có làng Tiền an, từ khi hình thành sau năm 1878 Tiền an đã là phố chợ….Thụ ninh, Yên mẫn, Thị chung và Vệ an gốc chỉ một họ Nguyễn với các chi khác nhau, sau này mới có dâu rể các họ khác. Hiện đã sưu tầm và ký âm hoàn chỉnh 1086 bài QH; từ điển QH đã có, quyển lịch sử QH đã hoàn chỉnh; quyển lịch sử đất và người Kinh bắc đã hoàn chỉnh. Một cách tiếp cận và nhìn nhận hoàn toàn khác với các nhận định, truyền thuyết đang lưu hành. Tất cả đều có thời gian và lý do cụ thể vào các năm: 1734, 1772, 1768, 1787, 1920, 1960, 1992, 2017.. các cụ có công tạo dựng QH đều còn đền thờ, bài vị và bia đá. Tại sao gọi là QH, chơi QH, Giầu cánh phượng, Anh hai, Chị hai.. đều có diễn giải cụ thể.Ông Trấn Thanh – Hiếu Trung Hầu Nguyễn Đình Diễn mới thực sự là ông tổ QH không phải tục truyền.Tục kết bọn, kết bạn đã có từ trước khi QH ra đời, Quan họ trước đó chỉ người sau chỉ “giọng hát”. Kết chạ là trai gái hai làng không được lấy nhau chỉ là truyền thuyết quá mức, thực tế đơn giản hơn nhiều….Cám ơn ông Lâm Minh Đức nếu có điều kiện tôi sẽ gửi ông tài liệu cụ thể.

  • Cháu nghĩ lời Quan họ là lời cổ, thuần Việt.
    Cớ gì chữ Quan lại là tiếng Hán Việt nhỉ.

    Và theo như lời thêm của bác Hainam bên trên, “tục kết bọn, kết bạn” đã có từ trước khi “Quan Họ” ra đời. Vậy ông Trấn Thanh có thể là người tổng hợp các làn điệu và diễn đặt thêm luật lệ chứ không hẳn là người khởi thuỷ sáng tạo ra từ các làn điệu Quan họ từ đầu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương