I. KHÁI NIỆM VỀ GIỌNG VÀ TÍNH CHẤT CÁC GIỌNG TRONG QUAN HỌ: 

Trong quan họ, khái niệm giọng được hiểu theo nhiều cách khác nhau rất phức tạp. Muốn nhận thức được khái niệm này, trước hết phải căn cứ vào những quan niệm của các quan họ Bắc Ninh, xem họ hiểu thế nào là giọng và đặt tên cho giọng theo phương pháp nào.

Hát Quan Họ bắt nguồn từ những lối hát đối đáp nam nữ có từ rất lâu đời.

Hát Quan Họ bắt nguồn từ những lối hát đối đáp nam nữ có từ rất lâu đời.

A. Những cách hiểu khác nhau của quan họ Bắc Ninh về khái niệm giọng.

1. Trường hợp thứ nhất, giọng là âm sắc của tiếng hát mỗi người. Khi nghe một nghệ nhân quan họ khen một chị hát quan họ cùng thôn rằng: “Chị Lân có giọng thổ đồng hay lắm”. Như thế là họ hiểu nghĩa chữ “giọng” từ một khái niệm sơ giản về âm sắc, nói về màu sắc và tầm cữ của giọng hát thiên nhiên, thuộc về khoa học thanh nhạc.

Nhưng không phải họ dừng lại ở chỗ khái niệm sơ giản ấy, danh từ giọng trong quan họ được hiểu theo khái niệm về âm điệu trong nhiều trường hợp.

2. Trường hợp thứ hai, giọng chỉ một âm điệu chung của nhiều bài hát cụ thể. Khi nghệ nhân quan họ nói: giọng hừ la, tức là có những bài hát cụ thể (ở địa phương quan họ gọi là câu) cùng chung một âm điệu riêng, âm điệu ấy được đặt tên là hừ la. Vậy thì hừ la là một âm điệu riêng, đường bạn là một âm điệu riêng, la rằng là một âm điệu riêng, v.v… Cho nên khi nghệ nhân quan họ nhắc bạn hát lên một câu hừ la khác, tức là hát lên một bài cụ thể với lời ca khác nhưng cùng chung âm điệu hừ la, tức là giọng hừ la. Và như thế là: giọng hừ la gồm nhiều câu (lời ca), và câu hừ la (hừ la vui vẻ thế này…) là lời ca của một bài cụ thể theo giọng hừ la. Không thể nhầm lẫn giọng với câu. Giọng là để chỉ về âm điệu, còn câu là để chỉ về lời ca.

3. Trường hợp thứ ba, giọng không chỉ riêng một âm điệu, mà còn là chỉ chung một tổng số âm điệu của nhiều bài hát cụ thể được xếp thành một loại. Ví dụ như: tổng số các giọng hừ la, giọng la rằng, giọng đường bạn, giọng tình tang, giọng lên núi lên nương, giọng cái hời cái ả (mặc dù từng giọng đều có âm điệu riêng biệt) đều được xếp chung vào một loại và cũng được gọi chung là một giọng: giọng lề lối. Cho nên ta không lạ gì khi nghe thấy nói giọng hừ la thuộc về giọng lề lối (hai danh từ giọng dùng lẫn lộn); ý giả muốn nói âm điệu hừ la nằm trong một loại giọng gồm nhiều âm điệu khác nữa, tên loại giọng ấy là lề lối và theo đúng thủ tục hát quan họ, bất cứ một cuộc hát nào cũng phải bắt buộc hát mở đầu bằng loại giọng đó.

Một thí dụ khác: giọng vặt (còn gọi là giọng vụn) là chỉ chung một tổng số những âm điệu riêng biệt, khác nhau, có đến hàng trăm âm điệu riêng, có thể cũ, có thể mới sáng tác và không cần có thứ tự gì nhất định (mỗi âm điệu riêng ấy cũng gọi là giọng như trường hợp thứ hai đã nói: giọng lão, giọng lý, giọng ru, giọng chèo, giọng tuồng, giọng huỳnh, giọng hãm, giọng năm cung, giọng mười thương, v.v…).

Một thí dụ khác: giọng giã bạn là chỉ chung một tổng số những âm điệu riêng biệt khác nhau, lời ca khác nhau, được hát lên lúc sắp từ giã nhau, vào cuối cuộc hát, như bài: Giã bạn, Chia rẽ đôi nơi

4. Trường hợp thứ bốn, giọng để chỉ các âm điệu khác nhau nhưng cùng chung một nguồn gốc.

Ví dụ như: giọng tuồng gồm nhiều âm điệu khác nhau với nhiều lời ca khác nhau cùng chung một nguồn ở tuồng mà được cải biên, sáng tạo, quan họ hóa. Giọng chèo, giọng lý, giọng văn v.v… cũng đều theo ý nghĩa đó. Cho nên ta không lạ gì khi thấy bài hát này có âm điệu phảng phất Sa lệch của chèo, bài kia có âm điệu phảng phất Hồi tiếu của chèo, nhưng cả hai bài với hai âm điệu khác nhau ấy cùng chung một nguồn gốc là chèo, nên vẫn được xếp chung vào giọng chèo.

5. Trường hợp thứ năm, giọng để chỉ một âm điệu phụ mở đầu cho một âm điệu chính hay kết hợp với một âm điệu khác. Đó là giọng bỉ với âm điệu riêng của nó mở đầu cho nhiều bài hát có âm điệu chính, thường gọi là bỉ đầu. Có khi bỉ kết hợp với một giọng khác thì gọi cả hai tên, ví dụ giọng bỉ chèo, giọng bỉ hãm. Chỉ có một trường hợp duy nhất hát giọng bỉ suốt từ đầu đến cuối trong bài Năm canh.

6. Trường hợp thứ sáu, giọng để chỉ nhiều âm điệu khác nhau được tổng hợp trong một bài hát cụ thể với nhiều lời ca khác nhau.

Thí dụ: giọng năm cung, giọng ba mươi sáu giọng gồm nhiều âm điệu khác nhau được tổng hợp lại thành một bài với nhiều lời ca khác nhau. Cho nên ta không ngạc nhiên khi thấy bài ba mươi sáu giọng gồm đủ cả giọng lý, giọng chèo, giọng văn .v.v… bàiNăm cung gồm các giọng: la rằng, đường bạn, tình tang, giọng phú, giọng sai.

B. Nhân dân vùng quan họ Bắc Ninh đặt tên cho các giọng theo phương pháp nào?

Cách hiểu nghĩa về giọng như trên rất phức tạp, lúc thì theo tính chất thanh nhạc, lúc thì chỉ về một âm điệu riêng, lúc thì chỉ tổng số âm điệu xếp thành loại, lúc thì chỉ tổng số âm điệu khác nhau trong một bài, lúc thì chỉ nhiều âm điệu cùng chung một nguồn, lúc thì chỉ một âm điệu phụ mở đầu hoặc kết hợp với một âm điệu khác.

Chính vì vậy mà cách đặt tên cho các giọng cũng thực là tuỳ tiện, không theo một phương pháp khoa học nhất định. Một số tên gọi các giọng không cố định chính vì nó là một thuật ngữ, một danh từ chuyên môn, do nhiều nơi, nhiều người thuộc từng địa phương khác nhau sáng tạo nên và hiểu theo những khía cạnh khác nhau.

Ví dụ:

1. Cùng một bài hát, có nơi căn cứ vào tính chất thanh nhạc mà đặt tên giọng là giọng sổng (ở Đống Cao gọi là giọng thổng) tức là âm điệu thoát giọng thoát hơi; có nơi lại căn cứ vào lời ca, tiếng đệm trong bài mà đặt tên giọng như: hừ la, la rằng (chính là là rằng) hoặc a rằng, hoặc tôi rằng, chỉ vì mở đầu bằng câu: hừ la, là rằng, tôi rằng, a rằng1; có nơi lại căn cứ vào lề lối hát mà đặt tên là giọng ngay chỉ vì theo lề lối đáng lẽ là phải hát hừ la trước, nhưng vì hừ la cổ quá ít người biết hát nên vào đầu hát ngay la rằng, tôi rằng hoặc a rằng, nên gọi là giọng ngay (theo bà May ở thôn Bò Sơn, cụ Huyền ở Y Na).

Thế là cùng một bài hát với một giọng, một âm điệu giống nhau, những người hát quan họ đặt tên cho giọng có 3 cách: giọng sổng, giọng la rằng (tôi rằng, a rằng), giọng ngay.

2. Có bài hát đặt tên là giọng lão, chỉ căn cứ vào bài hát này phỏng theo bài hát của một nhân vật chèo là ông lão say (theo ông Tập, ở Viêm Xá).

3. Có bài hát đặt tên là giọng lính, chỉ căn cứ vào nội dung bài hát có nói về người lính (Trấn thủ lưu đồn, Chẻ tre đan nón).

4. Có bài hát căn cứ vào tính chất âm điệu, ví dụ âm điệu buồn thì gọi là giọng ai.

5. Có trường hợp căn cứ vào nguồn gốc của bài hát mà đặt tên giọng, ví dụ, giọng tuồng, giọng chèo, giọng văn…

6. Có trường hợp các bài mở đầu bằng bỉ và kết hợp với một giọng khác như chèo, hãm, thì đặt tên kép: bỉ chèo, bỉ hãm…

7. Có bài hát lấy tên địa phương gốc đặt cho giọng, ví dụ giọng Huế là một điệu hát phỏng theo một điệu ca Huế.

8. Có trường hợp tất cả một số giọng (âm điệu) bắt buộc hát theo một trình tự nhất định, được xếp cùng một loại cũng gọi là giọng. Những bài hát mở đầu hát theo trình tự và bắt buộc đối giọng gọi là giọng lề lối. Những bài hát vào giữa cuộc đủ các thứ giọng không cần hát theo trình tự trước sau thì gọi là giọng vặt. Những bài hát lúc sắp từ giã nhau, hát không theo trình tự và không bắt buộc đối âm điệu gọi là giọng giã bạn.

Cách đây khoảng 40 năm, ở làng Viêm Xá (Diềm) có mở một hội lớn và người ta đề một bản yết cáo để mở cuộc thi hát lấy giải quan họ. Theo bản yết cáo đó, ta thấy họ hiểu nghĩa chữ giọng và đặt tên cho giọng bằng nhiều cách, bằng nhiều phương pháp với nhiều khía cạnh khác nhau.

Dưới đây là bản yết cáo với những tên gọi các giọng (do chúng tôi gạch dưới, in chữ đứng):

Viêm Xá thuỷ tổ sang ta,
Đặt điều ca xướng đức bà sinh ra1
Xưa nay nam nữ trẻ già,
Nối giòng tiền cổ ắt là hiển vinh.
Ngẫm xem các giọng cho tinh,
Ai mà ca được phân minh rõ ràng.
Giai gái tiếng đất, vật sang2,
Ai mà ca được vẻ vang trên đời.
Hừ la kính chúc mấy lời,
Tôi rằng xếp đặt ở nơi ý mình.
Bạn lan, tình tang, ố tình3,
Gạo ngang, gạo dọc, cho xinh cái hừng4.
Cơm vàng, chiền chiện đã từng,
Thơ đúm, đàn đúm, tin mừng phong thư.
Cầm bằng, tình rằng thờ ơ,
Lên giọng đi cấy, ngâm thơ một mình.
Năm canh, phú dọc hữu tình,
Mười cung gẩy gót, năm cung giãi lòng.
Giọng Huế, ta lý, đường trong,
Đàn ngọt, đàn lẩy nhớ mong hãm, quỳnh.
Đào nương ý ức tính tình,
Ru hời, giọng lý lại thêm sênh tiền.
Buôn bông, con mắm thề nguyền,
Dang tay bẻ quạt, thêm phiền ông trăng.
Liện trang, Mường mán ca rằng,
Còn các giọng lá nói năng vô vàn.

Bản yết cáo làm bằng văn vần này gồm có các giọng, nhưng chưa thực hoàn toàn đầy đủ và chính xác. Chẳng hạn như một bài có chữ bẻ quạt thì dùng luôn hai tiếng bẻ quạt để làm tên cho giọng; về bài Ông trăng, trong quan họ có lắm giọng, lắm bài có chữ ông trăng, vậy trường hợp giọng ông trăng ở đây là chưa rõ nói về bài nào. Chính vì vậy cho nên bản yết cáo này chỉ là một ước lệ rất tương đối để đặt tên giọng.

C. Sắp xếp các giọng như thế nào cho đúng, cho khỏi lầm lẫn.

Như ở trên đã nêu rõ, cách hiểu nghĩa chữ giọng và cách đặt tên cho giọng là cả một vấn đề phức tạp, gây nhiều rối ren. Nếu không biết sắp xếp lại các giọng cho đúng và hiểu theo nghĩa cho đúng thì nhất định sẽ lạc hướng.

Theo chúng tôi, nên sắp xếp giọng chia thành loại theo trình tự một cuộc hát như sau:

1. Loại những bài hát mở đầu, thường gọi là giọng lề lối hay giọng cổ (theo các nghệ nhân quan họ, những bài hát thuộc loại này có từ lâu đời). Khi đã hiểu giọng lề lối hay giọng cổ là một loại giọng thì ta có thể xếp như sau :

Loại giọng lề lối (còn gọi là giọng cổ),gồm có:

– Giọng hừ la (thực tế là hừ là).

– Giọng la rằng (thực tế là là rằng, còn gọi là tôi rằng, a rằng, còn gọi là giọng ngay, giọng sổng hoặc thổng).

– Giọng đường bạn (còn gọi là bạn lan)

– Giọng tình tang (giọng cây gạo)

– Giọng lên núi lên nương

– Giọng cái hời, cái ả.

Và một số giọng khác, tất cả là 36 giọng theo như các lão nghệ nhân quan họ nói, nhưng đến nay đã quên mất một số.

2. Loại thứ hai thuộc giọng sổng. Loại này gồm tất cả các bài có riêng một âm điệu hát trước lúc mở cuộc hoặc nối tiếp sang loại giọng vặt. Thí dụ như trước khi hát các bài bắt buộc thuộc về giọng lề lối thì hát một bài chúc theo giọng sổng, hát hết bài thuộc loại giọng lề lối rồi thì hát một hoặc hai câu giọng sổng trước khi chuyển sang loại giọng vặt.

3. Loại thứ ba là loại giọng vặt (hoặc vụn) gồm tất cả các giọng linh tinh: giọng nhà tơ, giọng chầu văn, giọng Huế, giọng ai, giọng luyện, giọng sai, giọng lý, giọng tuồng, giọng chèo, giọng lượn, giọng lão, giọng lính, giọng chúc, giọng huỳnh, giọng hãm, giọng năm canh, giọng mười cung, giọng năm cung, giọng kể chuyện, giọng nhớ, giọng thương, giọng cung kiếm, giọng khoan đề, giọng nguyệt tà, v.v…

4. Loại thứ tư là loại giọng giã bạn gồm có tất cả các bài hát cuối cùng để từ giã nhau.

Hát Quan họ dưới thuyền

D. Tính chất của các loại  giọng và một số giọng.

Chúng tôi không đi sâu vào mặt nghệ thuật âm nhạc trong phần này mà chỉ điểm qua tính chất của các âm điệu trong quan họ về các loại giọng và một số giọng trong các loại giọng.

1. Loại giọng cổ hay giọng lề lối, theo các cụ lão thành trong vùng quê hương quan họ, có những âm điệu xưa nhất thì loại giọng này tiết tấu chậm chạp, rề rà, âm điệu thường ở âm khu thấp, tầm cữ hẹp, đường nét của giai điệu đều đều. Càng về sau, những tính chất kể trên càng biến đổi.

2. Giọng sổng dùng một làn điệu để hát cho thoát giọng. Những câu thuộc giọng la rằng của loại giọng lề lối có làn điệu và tính chất như vậy nên gọi là giọng sổng.

3. Bỉ cũng có trong dân ca Mường (tức là ví), (trong chèo gọi là vỉa) có tính chất hát ngâm không có nhịp điệu. Tác dụng và vị trí của bỉ trong quan họ cũng giống vỉa trong chèo, chỉ khác ở chỗ vỉa chèo có riêng từng loại cho các điệu hát. Tính chất âm nhạc của vỉa chèo có khi là nói, có khi là ngâm; còn ở quan họ bỉ chỉ có một làn điệu. Làn điệu của bỉ mềm mại, lên bổng xuống trầm, không có tiết tấu rõ rệt.

Nó có thể chỉ là một đoạn mào đầu nhưng nó cũng có thể biểu hiện những tình cảm nhất định. Trong những bài hát có bỉ, nếu nội dung câu bỉ gắn bó với nội dung toàn bài thì câu bỉ không bao giờ tách rời khỏi bài (như trường hợp bài Tuấn Khanh chường). Nếu không, nó có thể bị loại bỏ như trong trường hợp bài Ông Tơ trước có bỉ, sau bỏ đi. Một điểm đặc biệt của bỉ về phương diện lời ca là không dùng tiếng đệm, tiếng đưa hơi, mà thường phô diễn thẳng câu thơ ra nhạc điệu.

4. Loại giọng vặt có nhiều âm điệu phong phú nhất, thường ngắn gọn về giai điệu. Tiết tấu của loại giọng vặt linh hoạt, không đều đều, đơn điệu như giọng lề lối. Sắc thái của các âm điệu về loại giọng này rất phong phú, thanh thoát, tươi sáng như: Trèo lên quán dốc, Hoa thơm bướm lượn; Có khi duyên dáng, đượm vẻ hài hước như: Yêu nhau cởi áo cho nhau, Trống cơm, cũng có khi buồn man mác, như Đợi chờ. Giọng vặt dùng nhiều đệm lót rất sinh động, phong phú.

Trong loại giọng vặt, phải kể đến giọng hãm. Giọng hãm nguồn gốc ở lối hát nhà tơ, có một phong cách rõ ràng, dùng nhiều tiếng đưa hơi sau mỗi câu hay đoạn, ít dùng đệm lót và đệm nghĩa. Lời ca thường dùng lối bố cục đảo, thể điệu có khi ở dạng khuyết, ví dụ:

                                                                                      Nhất quế nhị lan,
                                                                                      Nhất xinh, nhất lịch khôn ngoan trăm bề.
                                                                                      Người ngoan ai chả nâng niu,
                                                                                      Hoa thơm ai chả chắt chiu trên cành.
                                                                                      Là thú hữu tình,
                                                                                      Vì huê nên phải lánh mình tìm huê,
                                                                                      Cho trọn một bề.

Những điệu hát nhà tơ du nhập vào quan họ như Bích phấn đề thi, Nhất quế nhị lan… đều có một phong cách với đặc tính riêng không thể lẫn được với các giọng khác. Nhưng nó biến hóa đến mức độ nào đó thì hoàn toàn biến chất và hóa thành quan họ. Ta có thể lấy bài Bóng quế giải thềm làm thí dụ. Bài này có nhiều người gọi nó là giọng hãm, nhưng đem so với đặc tính chung của các điệu hãm thì nó không dùng nhiều tiếng đưa hơi mà lại dùng nhiều đệm lót, nhạc điệu tiết tấu linh hoạt. Trong hệ thống giọng vặt còn phải kể đến giọng chầu văn. Trong quan họ những bài gọi là giọng luyện, giọng sai đều là nguồn gốc ở chầu văn, hát rất dài, rất nhiều chương khúc, tuy nhiên lắm khi nó cũng trở thành giản đơn và nội dung không hoàn chỉnh vì các nghệ nhân quan họ chưa tiếp thu được trọn vẹn các đặc tính về nhạc điệu của chầu văn.

Nói tóm lại muốn hiểu rõ nội dung phong cách và lề lối trong một cuộc hát quan họ, trước hết chúng ta phải nắm vững được ở vùng quê hương quan họ người ta hiểu thế nào là giọng, đặt tên giọng ra sao, rồi sắp xếp theo hệ thống như thế nào cho đúng, và sau đó tìm hiểu một phần nào tính chất âm điệu của các giọng. Có nắm vững được như vậy thì mới không khỏi bỡ ngỡ, lạc hướng trong cái rừng quan họ đầy những giọng và do đó mới đi sâu được vào các mặt khác để thưởng thức một cách toàn diện nghệ thuật của dân ca quan họ.

II. VỀ LỐI HÁT QUAN HỌ:

A. Địa điểm hát:

Như ở trên đã nói, hát quan họ có tính tập thể giữa các quan họ kết bạn. Trong những ngày bình thường họ đi lại thăm hỏi nhau, thường hát vào buổi tối ở trong nhà, nam ngồi một bên, nữ ngồi một bên. Thuở xưa, phụ nữ còn ngồi trong buồng hát vọng ra. Nhưng đó chỉ là lần đầu mới đến kết bạn, thăm viếng nhau. Khi đã quen thân rồi thì địa điểm hát cũng thực là linh động. Trong ngày hội, hát quan họ không phải chỉ hát ở cửa đình; các bọn quan họ gặp nhau ban ngày, mời nhau ca hát ở trên đồi, ven rừng, dọc đường cái, bên bờ ao hoặc thả thuyền trên mặt hồ, mặt sông. Hát dưới thuyền có vẻ nên thơ, nhưng số người dưới thuyền cũng phải hạn chế. Mỗi bên chỉ cử ra một đôi hát khá (bọn nam cử hai người, bọn nữ cử hai người) ngồi trên một chiếc thuyền nan nhỏ vừa lượn quanh hồ vừa hát.

B. Trình tự và không khí của một cuộc hát lề lối

Hát ở ngoài trời, bất kể nắng hay mưa, nam đều che ô và nữ đội nón thúng quai thao. Che ô và đội nón như vậy có thể là để làm thêm vẻ duyên dáng, thẹn thùng, tránh những con mắt soi mói của người chung quanh, hoặc để có thể qua những  bóng ô, bóng nón thấp thoáng mà liếc nhìn người bạn đối đáp với mình; nhưng cũng có thể về mặt nghệ thuật ca hát làm cho tiếng hát của mình được thêm phần âm vang, rung cảm.

Hát Quan họ ngoài trời

Hát Quan họ ngoài trời

Nghệ nhân quan họ thường gọi hát theo đúng trình tự là hát lề lối, và hát không đúng  lề lối là hát chơi, hát vui mà thôi.

Thoạt đầu, nếu là một cuộc hát lề lối, bên nữ hoặc bên nam đứng lên mời sẽ mở đầu bằng giọng hừ la với câu:

Hừ la vui vẻ thế này,
Hội nào bằng hội xe dây trăng già.
Bên bạn sẽ đối lại bằng một câu hừ la khác:
Hôm nay vui vẻ thế này,
Vui tầy đám hội đốt cây nhang trầm.

Có thể hát nhiều câu hừ la và nếu bên đứng ra mời trước lại hát theo giọng hừ la nữa thì bên bạn vẫn còn phải đối giọng như trên, và cứ thế mãi. Vì giọng hừ la là một giọng rất cổ, không phải ai cũng hát được, cho nên nơi nào không biết giọng hừ la thì có thể mở đầu bằng giọng la rằng (có người gọi là tôi rằng hoặc giọng ngay). Phong cách của la rằng gần giống như hừ la, cho nên có người vẫn lầm tưởng hừ la còn gọi là la rằng, sau đó đến các giọng khác là bạn lan, tính tang, cây gạo, lên núi, cái ả v.v…

Tất cả những giọng trên đây gọi chung là giọng cổ hay giọng lề lối, là những giọng bắt buộc phải hát đến trong một cuộc hát và là những giọng có từ lâu đời truyền lại không thêm bớt. Các cụ già nhất kể rằng ngày xưa có những 36 giọng cổ, nhiều giọng đến nay không còn trong lề lối chỉ vì không mấy ai biết hát nữa, như các giọng phong thư, gửi bạn, thơ đúm, đàn đúm… Hiện nay ở vùng quan họ chỉ còn một số cụ như các cụ Bánh 92 tuổi ở Viêm Xá, cụ Nguyễn Thị Luật 84 tuổi ở Đào Xá, cụ Ngô Thị Tư 80 tuổi ở Lũng Giang.v.v… còn nhớ một phần nào.

Hai người trong bọn nam chẳng hạn lấy giọng trước, ầm ừ ở trong cổ họng rồi dần dần, từ nhè nhẹ đến cao hẳn lên, những tiếng ừ, hừ, hự, à, là, i, hi… theo âm cữ của giọng mà hát lên, sau đó từng đôi bên nữ cất giọng hát đối lại.

Nếu bên nữ chậm chưa trả lời được thì bên nam sẽ hát lên một câu:

Cung môn treo cửa mành mành
Gần mà chẳng được nghe canh đồng hồ.

hoặc là nói:

Xin mời liền chị ca lên một canh để chúng em xin tiếp.

Đôi bên nam nữ có khi hoàn toàn dựa vào các bài có sẵn, có khi sáng tạo, thêm bớt lời ca và âm điệu vào những giọng sẵn có, họ cố gắng bẻ cho hay và gìn chữ cho nền. Mỗi khi đồng ca như vậy, họ luôn luôn nhìn mặt nhau để khi lựa lời lựa giọng mà bắt giọng bắt câu sao cho khỏi thừa, khỏi thiếu, khỏi so le.

Bên này hát lên một câu mà bên phải đối đối đúng thì một anh hay chị bên này lên tiếng: Câu cửa ngõ rồi đấy! Hoặc: Dạ thế là tương hằng rồi đấy ạ!. Và nếu bên bạn hát không đúng câu đối giọng thì bên này có ý kiến: Thưa liền anh, liền chị,  bất hợp đấy ạ! Nếu anh Ba vướng phải một câu khó đối của chị Ba, anh Năm hoặc anh Tư… sẽ nhắc một anh khác, anh Sáu chẳng hạn: Anh Sáu dẫn đi, hoặc anh Sáu kéo đi để cho anh ấy luồn! Ý giả nhắc rằng: Anh hát chính đi, để anh ấy hát dựa theo.

Có khi một đôi hát chậm chạp, không rõ ràng, một bạn trong bọn nhắc nhở: Hát sắp lên chứ, sao trễ thế, bắt giọng thế chưa được, ý giả muốn bảo: Các anh hát nhịp nhàng hơn, nhanh hơn lên, lựa giọng hát theo chưa đúng. Sau khi hát xong các bài thuộc giọng lề lối để mở đầu, các quan họ sẽ chuyển sang hát một hay hai câu thuộc về loại giọng sổng, để kết thúc phần mở đầu và chuyển sang các câu thuộc về loại giọng vặt. (Bài la rằng mà lại hát cuối cùng để kết thúc là vì nó thuộc giọng sổng). Khi đã hát đến giọng vặt thì không theo một thứ tự, lề lối nhất định, tuy nhiên những câu quen thuộc vẫn phải hát trước, vẫn phải đối giọng.

Hát về khuya, các quan họ bạn nghỉ để ăn uống. Bắt đầu vào bữa ăn, họ hát giọng chúc, cũng thuộc về loại giọng vặt hay vụn. Ăn uống xong xuôi, họ vẫn tiếp tục hát. Thường hát các bài giọng hãm, giọng huỳnh cũng thuộc về loại giọng vặt. Càng về khuya, các bạn quan họ càng “yêu nhau về giọng, say nhau về lời”, họ hát đủ các bài về loại giọng vặt, vụn khác như: giọng khoan đề, nguyệt tà, cung kiếm, năm cung, năm canh, mười cung, mười thương .v.v…

Trời đã quá khuya, khi các bài giọng vặt vẫn chưa hát hết, hoặc đã hát hết, có nghĩa là cuộc hát đã có thể kết thúc thì theo thủ tục họ chuyển sang hát những bài thuộc về loại giọng giã bạn để chia tay nhau. Bên hát từ giã, bên hát mời ở lại, hai bên nhớ nhung, quyến luyến, không nỡ rứt ra được mà về.

Một cuộc hát quan họ theo trình tự và lề lối như vậy không phải chỉ để diễn ra trong chốc lát, mà có thể kéo dài tới mấy ngày mấy đêm. Theo lời một nghệ nhân là bà Khắc ở Viêm Xá kể lại, ông cụ thân sinh ra bà thuở xưa đi hát ở Đông Mai (Mơi) đến năm đêm, năm ngày mới song cuộc hát. Những câu nói như thế là thường nghe trong khi trò chuyện với các nghệ nhân quan họ hát lâu năm.

C. Quan họ hát đôi và đối đáp theo giọng

Lề lối này hầu như đã thành một quy ước cố định: hát từng đôi một, một đôi nam ở bọn này hát với một đôi nữ ở bọn khác. Khi đôi đang hát bị mệt hoặc không đối đáp được thì có thể thay đổi đôi khác. Trong một đôi của mỗi bên, có người hát chính gọi là dẫn giọng và người hát phụ gọi là luồn giọng. Người dẫn giọng phải là người hát khá, thuộc nhiều, có khả năng đối đáp sành sỏi. Người hát phụ chỉ đỡ giọng cho người hát chính. Luồn giọng mà hát khá thì hai giọng nghe như một, ngược lại nếu luồn giọng mà chưa tinh thông thì lắm khi nghe đôi chỗ chuyệch choạc hoặc bắt vào các câu, các đận (có người gọi là đặn, tiếng chuyên môn của những người đi hát quan họ dùng để chỉ các khúc, các đoạn trong bài hát) không được đều).

Quá trình ca hát theo quy ước trên đã tạo ra những đôi bạn bao giờ cũng hát với nhau tưởng chừng như vĩnh cửu bởi vì họ rất hợp giọng nhau và hát đôi rất ăn khớp với nhau. Họ đã thích ứng với nhau về kỹ xảo (láy, rung…), về cả mức độ thông thuộc các câu hát. Do đó trong quan họ người ta thường quen với những tên kép như: ông Thà, ông Sơn; bà May, bà Đua; ông Ngẫu, ông Thuần v.v…

Sự hình thành những đôi bạn như vậy biểu hiện một sự hợp tác nghệ thuật trên tinh thần tập thể, khoa học, chứ không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên. Đi sâu vào cách thức ca hát là cách đối đáp. Bên nam hát một câu (tức là một bài hát), bên nữ đối lại một câu cùng âm điệu, nhưng lời ca phải khác, ví dụ như bên nam hát câu Lúng liếng thì bên nữ phải đối lại câu Thuyền thúng – Hai câu này là lời ca khác nhau, mà âm điệu giống nhau.

Với những nghệ nhân quan họ, đối giọng tức đối âm điệu là chủ yếu; nhưng cũng có khi đối cả ý. Thí dụ nếu bên nam hát Bốn mùa, bên nữ đối lại Bốn phương là đối cả âm điệu lẫn đối ý và như thế là trúng cách. Nói chung các câu quan họ đều đối đáp theo thể thức đó. Nhưng cũng có trường hợp yêu cầu của đối ý phá bỏ khuôn khổ của đối âm điệu (đối giọng), ví dụ: bên nam hát câu: Mười nhớ, bên nữ đối lại câu Mười thương, âm điệu của Mười nhớ không giống âm điệu của Mười thương. Hiện tượng không tôn trọng đối âm điệu (đối giọng) trong quan họ chỉ là một ngoại lệ. Tuy nhiên cũng lại cần nhận định thêm là hai câu Mười thương, Mười nhớ tuy không cùng một âm điệu, nhưng lại cùng thuộc loại giọng vặt. Những bài thuộc giọng giã bạn cũng thuộc hiện tượng ngoại lệ này.

D. Lề lối và cách tính điểm của một cuộc thi hát lấy giải

Như ở trên đã nói về phần tổ chức và sinh hoạt quan họ, vào mùa cơm mới, xôi mới, hoặc những ngày đầu năm, trong những dịp hội hè, đình đám, thường có tổ chức hát thi lấy giải. Những cuộc thi hát ví, hát trống quân, hát xoan là những loại dân ca đơn điệu, người hát chỉ cần thuộc hoặc sáng tác lời ca là chủ yếu còn phần nhạc từ đầu cuộc đến cuối cuộc chỉ hát theo một âm điệu nhất định. Trái lại, thi hát giải quan họ bắt buộc phải lấy đối giọng tức là về phương diện âm nhạc là chủ yếu.

Bản thân sự đối giọng là một động cơ thúc đẩy quan họ phát triển ngày càng giàu về mặt số lượng âm điệu và lời ca, cho nên thi hát quan họ có một tác dụng phát triển nghệ thuật mạnh mẽ, bởi vì người nào có được nhiều điệu hát mới, câu hát mới thì sẽ thắng cuộc; ai không đối lại được một điệu hát nào đó là thua cuộc.

Việc thi hát thực ra cũng không vượt qua những lề lối đã quy định như trên đã trình bày. Nhưng tuỳ nơi, tuỳ hoàn cảnh, các làng đặt giải có thể đưa ra những định lệ cụ thể hơn, bó hẹp hơn. Nếu không có định lệ cụ thể thì cứ y nguyên lề lối mà hát. Nếu muốn có định lệ thì làng treo giải phải có yết cáo trước. Dưới đây là bản sao nguyên văn của một bản yết cáo thuở xưa:

“Ngày… tháng… niên hiệu 

Dân chúng tôi ngày này là ngày lành thi tài cầu phúc. Các anh chị em ai biết hát quan họ xin mời anh chị em đến. Dân chúng tôi có treo một giải thưởng là: Hai bao trà, một vuông nhiễu điều và tiền hai đồng.

Chúng tôi chỉ treo giải quan họ, còn như bốn giọng tuồng, chèo, sẩm, lý thì cấm, và mỗi giọng tiễn, hậu, bắt, bỉ chỉ lấy giọng quan họ. Phải hát năm câu lề lối trước để mở đám. Còn giải quan họ thì bên nào thắng nhiều câu thì được. Hạn trong hai ngày hai đêm không có nơi nào giật giải thì làng giữ giải được lấy .

Kính mời các quý khách vãng lai, trai thi mạnh, gái đua tài đến để giữ giải”.

Qua bản yết cáo trên chúng ta thấy có mấy điểm cần lưu ý:

– Đây chỉ là một định lệ của một làng trong nhiều định lệ khác tuỳ theo điều kiện và sở thích của từng làng đặt ra.

– Trong bản yết cáo, chủ yếu lấy nhiều câu là chính và lại cấm các giọng ngoại. Có lẽ sở dĩ cấm mấy giọng tuồng, chèo, sẩm, lý là vì muốn tránh sự lạm dụng quá đáng của các giọng không phải quan họ. Nhưng nếu đem biến các bài hát tuồng, chèo, sẩm, lý theo phong cách quan họ, khi hát lên đối phương thấy đó là câu quan họ mà không đối được phải chịu thua thì mới coi là hợp lệ. Nhiều giải quan họ thường ngã ngũ về trường hợp này.

– Năm câu lề lối tức là các giọng cổ bắt buộc: hừ la, la rằng, đường bạn, cây gạo, cái ả v.v… Khi hát giải, các giọng lề lối không được tính và coi là bắt buộc, phàm những ai đứng ra thi đều phải biết cả, nếu không biết thì không được dự giải.

Về tính điểm trong việc chấm giải thì làm thế nào? Người chủ khảo bày ra trước mặt mình hai hàng chén đều nhau (mỗi hàng độ 5 cái). Cứ mỗi câu hát trước thì đối phương phải có một câu hát cùng giọng đối lại; nếu không đối được sẽ coi là thua một câu, người chủ khảo rút một cái chén trong hàng thứ nhất ra và cứ tiếp tục như thế để tính điểm cho cả hai bên.

Cũng có địa phương treo giải quan họ ra lệ cho phép hát tất cả các giọng khác, chỉ cần đối đúng và hơn giọng là thắng. Tùy từng nơi, định lệ thi giải có thể thay đổi nhưng trường hợp sau đây là trường hợp khá phổ biến: trước khi vào hát giải hai bên quan họ mỗi bên hát một câu chúc, câu này thuộc giọng sổng. Sau đó, hát sang 5 câu lề lối rồi mới chính thức bước vào hát giải. Bên giữ giải có quyền ra 5 câu trước bất kỳ là câu gì (miễn là trong quan họ). Sau mỗi câu, bên kia phải đối lại. Hết năm câu của bên giữ giải, đến lượt bên phá giải lại ra năm câu và bên giữ giải cũng phải đối lại từng câu một. Nếu hòa lại tiếp tục một đợt khác. Cứ sau ba đợt mới tính điểm phân thắng bại (Theo cụ Huyền 68 tuổi, ở Y Na).

Có khi những trường hợp tranh giải hát suốt ba ngày mới ngã ngũ. Cũng có trường hợp, một bọn quan họ có sẵn bài rất mới lạ, mới sáng tác, chắc chắn hát là thắng cuộc, nhưng vì say mê hát, nên họ giữ lại, đợi đến lúc hát đã thỏa mãn mới đưa ra để chấm dứt.

Các nghệ nhân nói có người rất tài, cứ lắng nghe kỹ âm điệu và câu của đối phương, là có thể sáng tác ngay, đối lại đúng tiêu chuẩn, và vượt được đòn bí hiểm (Bà Thanh ở Vân Khám)./.