Về Kinh Bắc nghe quan họ giao duyên

Dân ca Quan họ tuy không ồn ã như những sân khấu ca nhạc trẻ, nhưng không bởi vì thế mà làm vợi đi nhu cầu thưởng thức văn hoá tinh thần của đông đảo công chúng, nhất là trước sự bùng nổ của các loại hình văn hoá, nghệ thuật chuyên nghiệp hiện nay.

dan-ca-quan-ho-ven-nguyen-net-dep-vung-kinh-bac-59726.jpg

Có thể khẳng định, từ lâu dân ca Quan họ vẫn luôn được xem là nguồn tài sản văn hoá phi vật thể vô giá của người dân Kinh Bắc nói riêng và là tài sản văn hoá truyền thống đặc sắc của cả nước với nhiều đặc điểm- mỹ tục cần được kế thừa. Nói đến dân ca Quan họ, là nói đến một nét đẹp văn hoá được truyền từ đời này qua đời khác, nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị tinh thần.

Theo dòng chảy của thời gian, dân ca Quan họ ngày càng khẳng định tính chất phong phú về mặt thể loại, mà nó còn được kế thừa và phát huy đến độ tinh tế. Quan họ cuốn hút cả những người lần đầu tiên thưởng thức, làm rung động cả những người chưa một lần đặt chân lên đất Quan họ. Tận hưởng các làn điệu dân ca Quan họ, người nghe như được đắm mình vào không gian tĩnh lặng, êm đềm của những miền quê cổ xưa với những cây đa, bến nước, sân đình và câu dân ca Quan họ trong mỗi dịp tết đến, xuân về, hay trong các lễ hội, đình đám của người dân Kinh Bắc. Cảm giác bồng bềnh của làn điệu dân ca Quan họ được khắc hoạ tinh tế, mộc mạc, vừa phảng phất hương đồng gió nội, vừa sâu lắng, ngọt ngào, bởi chỉ có: “Làng Quan họ quê tôi” mới có “tháng giêng mùa hát hội/ những đêm trăng sáng gọi/ con sông Cầu, làng bao xanh/ ngang lưng làng quan họ xanh xanh”…hay còn đó những: “Làng Quan họ quê tôi” mới có “những đình hồ bán nguyệt/ chị hai tựa mạn thuyền/ anh hai ngồi bẻ lái”… Có thể nói, được đắm mình vào không gian văn hoá cổ của người Quan họ qua cách thể hiện của các anh hai, chị hai, chị ba, chị tư… với lối diễn xuất tình tứ, những làn điệu dân ca Quan họ càng trở nên mượt mà như chính sóng nước của con Sông Cầu lơ thơ quấn lấy những làng quê Quan họ xanh xanh.

Thưởng thức các làn điệu dân ca Quan họ, người nghe còn hiểu được cội nguồn sinh hoạt văn hoá của người “Kinh Bắc” là ca hát giao duyên, nhất là mỗi độ tết đến xuân về. Quan họ còn được xem là lối chơi trong sáu tỉnh, ngoài năm thành chỉ có Bắc Ninh. Lối chơi của người Quan họ vừa lịch lãm, vừa tinh tế, gắn bó thuỷ chung và quý trọng quan hệ tình bạn Quan họ. Nó được thể hiện rõ nét bởi: “Tỉnh Bắc có lịch, có lề/ có nghề buôn bán, có nghề cửi canh/ có nghề se chỉ học hành, có nghề tô vẽ tờ tranh bốn mùa… Ca dao xưa có nói và hát về cái duyên rằng: ” Còn duyên buôn cảnh, bán hồng/ hết duyên buôn mít cho chồng gặm xơ/ còn duyên kén chữ giai tơ/ hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng”… còn người Quan họ hát về cái duyên rằng: ” Còn duyên ngồi gốc cây thông/ hết duyên ngồi gốc cây hồng hái hoa/ có yêu em sang chơi cửa, chơi nhà/ cho thầy, mẹ biết đuốc hoa định ngày”… Và cho dù “Quan họ tuy có lắm bạn thì lắm, nhưng vẫn chờ người ngoan”. Nét đặc sắc của dân ca Quan họ còn được thể hiện ở những ca từ giao duyên tình tứ mang đậm nét văn hoá riêng của người Kinh Bắc. Dù đi xa, hay về gần, dù lần đầu đặt chân lên đất Kinh Bắc… song lòng mến khách của người Quan họ vẫn trước, sau như một: “Gặp đây ăn một miếng trầu/ không ăn cầm lấy/ cho nhau vừa lòng/ trầu này, trầu tính, trầu tình/ ăn vào cho đỏ môi mình, môi ta/ miếng trầu là miếng trầu vàng… Hay hát về tình yêu đôi lứa, Quan họ vừa thể hiện đằm thắm, rất mực thuỷ chung, vừa thể hiện sự mãnh liệt của tình yêu: “Đứng ở đằng xa, yêu nhau đứng ở đằng xa/ con mắt liếc lại, bằng ba đứng gần/ em còn son, anh cũng còn son/ ước gì ta được, làm con một nhà/ em về, anh về, thưa với mẹ cha”…

Vẫn biết dân ca giao duyên nam nữ vùng miền nào cũng đằm thắm say mê, song chỉ đến với các “liền anh, liền chị” Quan họ mới thấy tấm lòng của người Quan họ tỏ tình trong dân ca da diết tới mức nào. ” Yêu nhau cởi áo cho nhau/ về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay/ yêu nhau trao nhẫn cho nhau/ về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay/ yêu nhau tháo nhẫn cho nhau/ về nhà mẹ hỏi, qua cầu đánh rơi”. Và cứ thế, văn chương Quan họ cùng giai điệu âm nhạc và phong cách thể hiện của các liền anh, liền chị đã lôi cuốn người nghe không thể rời xa được cuộc hát. Mặc dù đã được nghe nhiều về dân ca Quan họ, nhưng được trực tiếp thưởng thức các làn điệu dân ca ngay trên đất Kinh Bắc quả là điều may mắn, bởi Quan họ vốn là một nét văn hoá đặc sắc đã từ lâu được nhiều người mến mộ.

Tạm biệt Kinh Bắc, chia tay với các liền anh, liền chị trong giai điệu da diết, ngọt ngào của bài hát “Người ơi, người ở đừng về”, lời chị “Hai Cải”, Trưởng đoàn Quan họ tỉnh Bắc Ninh còn đọng mãi trong tôi với một tình cảm chân tình, sâu sắc: ” Mong các anh đến hội lại về”.

Theo Báo ĐCSVN

Thảo luận cho bài: "Về Kinh Bắc nghe quan họ giao duyên"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương