Xứ Bắc xưa có mật độ các làng kết chạ đậm đặc vào bậc nhất của vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ. Lễ tục kết chạ giữa các cộng đồng làng xã phát triển tới mức được xem như là nguồn gốc của hát quan họ.
Theo tìm hiểu bước đầu thì có tới ít nhất là 18 cặp kết chạ giữa các làng quan họ gốc với nhau, ngoài ra còn có 3 làng quan họ gốc kết chạ với các làng khác không phải là làng quan họ gốc, còn như những làng không phải là quan họ gốc mà kết chạ với nhau thì chỉ riêng ở tỉnh Bắc Ninh xưa cũng có tới hàng chục chạ. Kết chạ là biểu hiện quan hệ của con người giữa các làng xã với nhau.
Dù được thể hiện bằng bất cứ hình thức nào, tục kết chạ của người quan họ cũng đều tập trung vào hai mặt chủ yếu là Lễ và Nghĩa, phản ánh tình người trong cộng đồng và giữa các cộng đồng. Nội dung, bản chất của tục kết chạ giữa các làng đã được phản ánh qua lời ca như một hình thức sinh hoạt văn hoá Lễ Nghĩa tiêu biểu của đất và người quan họ.
“Nghĩa người đem cất trong cơi/ Lâu lâu xếp lại, để nơi giường nằm/ Mỗi ngày ba, bảy lần thăm/ Mỗi ngày ba, bảy lần thăm nghĩa người”.
Ngày xưa, tổ chức quan họ ở cơ sở được gọi là “bọn quan họ” chứ không gọi là câu lạc bộ quan họ như ngày nay. “Bọn” là từ dùng để chỉ một tập thể đồng chất chứ không mang nghĩa xấu. Trong một làng quan họ gốc thường có nhiều bọn quan họ. Có bọn quan họ nam và bọn quan họ nữ. Các bọn quan họ kết bạn với nhau theo nguyên tắc “Âm- Dương tương cấu”. Có nghĩa là bọn quan họ nam ở làng này kết bạn với bọn quan họ nữ ở làng kia và ngược lại.
Các bọn quan họ này, ngoài việc trực tiếp phục vụ các hoạt động văn hoá của cộng đồng làng xã như: hát cầu đảo, hát diễn xướng, rước, tế, lễ… còn chủ động thăm viếng, ca hát, giao lưu giữa các bọn quan họ với nhau. Như vậy, lễ nghĩa của người quan họ trong các cặp kết chạ đã vượt ra khỏi hệ huyết thống để gắn kết các làng xã với nhau. Đây cũng là một lối chơi độc đáo của người quan họ. Mỗi bọn quan họ xưa bao giờ cũng có năm người. Số năm này biểu hiện theo thuyết “Âm Dương – Ngũ hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ ” và cũng thể hiện tình cảm anh em như chân tay có năm ngón. Năm liền anh ở bọn nam tương đương với năm liền chị ở bọn nữ. Đây là những người trực tiếp tham gia giao tiếp và ca hát quan họ, gọi chung là “chơi quan họ”. Các liền anh, liền chị quan họ được gọi tên theo thứ tự số lượng, từ “Anh Hai” đến “Anh Sáu” ở bọn nam, hoặc từ “Chị Hai”đến “Chị Sáu” ở bọn nữ. Quan họ không bao giờ gọi tên tục của nhau ra. Việc gọi tên là “Hai” hay “Ba” được căn cứ vào tài năng “chơi quan họ” của từng người. Theo đó, “Anh Hai”, “Chị Hai” là những người chơi quan họ tinh tường hơn cả. Đứng đầu mỗi bọn quan họ có “Ông trùm” ở bọn nam và “Bà trùm” ở bọn nữ. Đây là người đứng ra thành lập và điều hành các hoạt động của bọn quan họ. Nhà của “Ông trùm”, “Bà trùm” được gọi là “Nhà chứa” dùng để cho các bọn quan họ hội họp, luyện tập hay đón quan họ bạn.
Theo các nhà nghiên cứu cho biết thì thường có hai loại kết bạn quan họ: Kết bạn bền vững và kết bạn không bền vững. Loại kết bạn không bền vững, chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khoảng bốn, năm năm lại có thể thay bạn hoặc kết thêm bạn, nghĩa là một bọn có thể kết bạn với nhiều bọn khác ở các làng. Loại kết bạn này thường không phải là của những làng kết chạ với nhau. Song, phổ biến và rất được trân trọng trong vùng quan họ Bắc Ninh là loại kết bạn bền vững. Đây là loại kết bạn truyền đời theo nguyên tắc đối xứng một- một. Ví như ở làng Diềm có tới hơn chục bọn quan họ nam, nữ song duy nhất chỉ có bọn quan họ kết bạn với quan họ làng Bịu là bền vững truyền đời. Như vậy, có thể giả thuyết rằng: Tục kết bạn quan họ chính là bắt nguồn từ tục kết chạ vốn có từ xa xưa trong các làng quê xứ Bắc.
“Trong sáu tỉnh người đà chưa tỏ/ Ngoại năm thành chỉ có Bắc Ninh/ Yêu nhau trở lại xuân đình/ Nghề chơi quan họ có tinh mới tường”
Ở xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh có một làng quan họ gốc gọi là làng Diềm ( tên chữ là Viêm Xá ). Nơi đây còn bảo lưu nhiều bài bản cùng những phong cách diễn xướng và lối chơi quan họ độc đáo. Theo ý kiến đánh giá của nhiều nhà chuyên môn thì lối chơi quan họ của làng Diềm chứa đựng đầy đủ trình tự các bước lề lối của lối chơi quan họ nói chung, lại có những nét riêng của Quan họ Diềm. Làng Diềm có 9 xóm thì có tới 10 bọn quan họ. Đứng đầu mỗi bọn là một cụ được gọi là ông trùm hay bà trùm. Theo lời các cụ nghệ nhân quan họ làng Diềm kể lại thì xưa kia, có hai viên quan quê ở làng Diềm và làng Bịu chơi với nhau rất thân, chẳng khác gì anh em ruột thịt. Cũng từ đó, hai làng Diềm và Bịu kết chạ với nhau, trải qua nhiều đời, nghĩa tình gắn bó như con một nhà. Nhằm những khi có việc làng, họ mời nhau tới và cùng nhau ca hát, lâu dần rồi gọi là “Hát Quan họ”.
Hát quan họ đối đáp có lề lối là phải hát theo nguyên tắc hát đối giọng. Trong hát đối có người hát dẫn và người hát luồn. Mở đầu canh hát bao giờ cũng phải ca những bài giọng lề lối như: La rằng, Đường bạn,Tình tang, Cây gạo…sau đó mới hát đến các bài thuộc giọng vặt. Cuối cùng là những bài thuộc giọng giã bạn. Đây là tiêu chuẩn chủ yếu để đánh giá hơn kém, được thua giữa các bọn quan họ. Chính điều này đã kích thích, bắt buộc trong hát đối đáp phải có bài độc.Đó là những bài hát mới mà đối phương chưa biết song vẫn phải đảm bảo hội tụ đủ các tố chất âm hưởng riêng của âm nhạc quan họ. Do đó, trong mỗi bọn quan họ thường có một người chuyên sáng tác ra những bài đối, giọng mới. Họ chính là những “Nhạc sỹ dân gian”- tác giả của hàng trăm làn điệu quan họ được truyền khẩu từ đời này qua đời khác cho tới ngày nay.
Có thể nói, văn hoá quan họ có gốc từ tục kết chạ giữa các làng. Việc quan họ tham gia làm lễ ở đình và ca hát trong ngày lễ hội của nhau cũng là xuất phát từ quan họ của các làng kết chạ, sau dần trở thành phổ biến chung cho cả vùng quan họ. Mặt khác, có rất nhiều làng kết chạ với nhau do cùng thờ chung Thành hoàng làng. Vậy nên, việc hình thành tín ngưỡng chung của các làng cùng chạ là tất yếu. các bọn quan họ kết bạn truyền đời có gốc từ tục kết chạ do đó phải tuân thủ theo tục lệ làng xóm. Những bọn quan họ kết bạn khác ra đời sau đã lấy đó làm chuẩn mực để noi theo, dần trở thành lễ nghi phổ cập chung cho cả vùng. Và chính sự tham gia, hoà nhập vào văn hoá tín ngưỡng trong tục kết chạ, kết bạn của người quan họ tự bao đời, đã tạo ra bản sắc riêng vô cùng độc đáo của sinh hoạt văn hoá quan họ hôm nay.
Âm hưởng dân ca và nhạc POP? Xuân Nghĩa Nhiều bạn mắc sai lầm khi nói chữ POP nhưng lại nghĩ là điệu BOP (BEBOP). Đây là khái niệm sai hòan tòan. BEBOP là tên một điệu nhảy dùng cho khiêu vũ thể thao, tốc độ khoảng 90 – 100, như bài I just called to say I love you của Stevie Wonder. Còn chữ Pop là viết tắt của popular (phổ thông). Vậy phổ thông là thế nào? Rất dễ hiểu, nhạc phổ thông là nhạc ai hát cũng được. Tuy nhiên, tùy theo mỗi quốc gia, nhạc phổ thông có âm giai điệu thức khác nhau. Ở Việt Nam ta, nhạc Pop còn gọi là nhạc đại chúng, hay quần chúng. Bài hát nhạc Pop không đòi hỏi người hát phải vận dụng kỹ thuật thanh nhạc cao (mặc dù phải có thanh nhạc mới là ca sĩ). Thậm chí một người bình thường hát cũng được. Bài hát nhạc Pop không dựa vào tốc độ, có thể nhanh như Disco, chậm như Ballad, mãnh liệt như Rock, tự sự như Jazz, miễn là điệu thức không quá rắc rối, cũng không đơn điệu. 7 nốt nhạc cơ bản là đủ. Tầm cữ vừa phải, không quá rộng để người bình thường có thể hát thỏai mái, không quá hẹp khiến cho giai điệu trở nên tù túng gò bó. Cho nên nhiều nhóm hay nghệ sĩ nhạc Rock, Jazz, vẫn có những bản nhạc được xếp vào loại nhạc Pop. Thế nhưng Pop lại không mang đậm nét của thể loại Rock, Jazz, Dân ca, Thính phòng… Đặc điểm nổi bật của Pop là không cần kỹ thuật thanh nhạc cao để hát. Trong khi khi muốn hát những bản nhạc metal, ca sĩ nam cần hát ở tầm cữ giọng tenor, và nữ ở tầm cữ soprano. Mặt khác là nhạc Pop không bị nặng phần phát âm bằng phương ngữ (trong cùng 1 quốc gia); Và chính vì tính phổ thông của nó, nên nhạc cụ cũng có đặc thù riêng là dễ di chuyển nhanh gọn: trống, bass, guitar, keyboard, có thể dùng thêm kèn, violon. Âm thanh các nhạc cụ này cân chỉnh tương đương nhau, không có âm sắc nhạc cụ nào nổi trội. Chính vì vậy nhạc Pop cũng gần với nhạc Rock ở tính phổ thông về nhạc cụ. Nhưng nhạc Rock có phần rắc rối hơn ở điệu tức Blue, trong khi nhạc Pop sử dụng chủ yếu điệu thức thứ và trưởng.Vậy ca khúc âm hưởng dân ca có được xem là nhạc Pop không? Xin trả lời là: Không Mặc dù ca khúc âm hưởng dân gian ai hát cũng được. Nhưng đặc điểm đầu tiên của âm hưởng dân ca là phụ thuộc vào tính địa phương và thiếu tính phổ thông. Như bạn biết ngày xưa mỗi quốc gia đều có nhiều dân tộc, sống riêng biệt thành các quần thể ở nhiều vùng miền khác nhau. Mỗi dân tộc có một hoàn cảnh địa lý xã hội khác nhau, giọng nói khác nhau hình thành nên thể loại âm nhạc đặc trưng của mình gọi là dân ca, như dân ca Nam bộ (Hò Đồng Tháp, nhạc Tài tử, các điệu lý Nam bộ…), dân ca Bắc bộ (Hát chầu văn, ca trù, hát bội…). Nói một cách đơn giản hơn, người miền Bắc hát quan họ dễ như nói chuyện nhưng rất khó có thể nhả chữ hát được 2 câu vọng cổ miền Nam. Và người miền Nam chỉ có thể nhái giọng để hát quan họ chứ không thể hát bình thường như người miền Bắc. Mặt khác, để tạo ra âm thanh những ca khúc mang âm hưởng dân ca, cần có những nhạc cụ dân tộc đặc trưng. Âm sắc nhạc cụ như trống bass guitar keyboard chỉ là phụ. Vả lại, không riêng gì Việt Nam ta, phần lớn thang âm thể lọai dân ca trên thế giới đều là 5 nốt, khác với thang âm nhạc latin 7 nốt, và có thể sử dụng thêm 5 nốt thăng giáng bất thường thành 12 nốt. Ngay cả hiện nay, “dân ca đương đại” đang là một nét khám phá độc đáo, nhưng không thể xếp vào loại nhạc Pop vì các bản nhạc được công nhận vẫn mang nặng tính địa phương miền Bắc. Chính vì vậy, “mốt” đưa “dân ca đương đại” vào các cuộc thi thố âm nhạc gần đây đã khiến cho nhiều thí sinh miền Nam, nhất là khu vực ĐBSCL khóc dở mếu dở. Vì dù có được tập luyện công phu mấy chăng nữa, họ cũng không thể uốn lưỡi hát nổi những lắt léo trong âm giai điệu thức dân ca nơi mà họ không hề sống. |
(*) Bài viết có tham khảo và sử dụng các tài liệu:
– “Dân ca quan họ” ( Nhà xuất bản Âm nhạc – 1997 )
– “Một số vấn đề về Văn hoá quan họ” ( Trung tâm Văn hoá quan họ Bắc Ninh- 2000 )
– “Không gian Văn hoá quan họ Bắc Ninh – Bảo tồn và phát huy” ( Viện Văn hoá Thông tin – 2006)
Nguyễn Trung ANVN8 (03/2010)