Nguồn gốc dân ca Quan họ

Dân ca, qua truyền khẩu, đã không ngừng biến thiên, thu nhận những tinh túy của nhiều thế hệ, mỗi người một chút, để cuối cùng trở thành một tác phẩm hoàn chỉnh của sự sáng tạo tập thể.

Dân ca Quan họ là một loại hình dân ca nổi tiếng của Việt Nam, là niềm tự hào của người dân vùng Kinh Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung. Dân ca Quan họ là một nghệ thuật được hợp thành bởi nhiều yếu tố như: âm nhạc, lời ca, phục trang, lễ hội, .. Dân ca Quan họ với âm điệu và nội dung lời ca phong phú là bức tranh phản ảnh cuộc sống muôn mặt và là nét văn hóa tiêu biểu của người dân vùng Kinh Bắc. Những khúc ca như Người ơi người ở đừng về, Giã bạn, Mời trầu… càng hát, càng nghe, lại càng “ngấm” nghệ thuật diễn tả cảm xúc của cha ông ta ngày xưa.

Vài nét về vùng đất Kinh Bắc

Kinh Bắc là tên gọi một vùng đất rộng lớn ở phía Bắc kinh thành Thăng long, nằm trong vùng văn hóa châu thổ sông Hồng Hà và sông Thái Bình. Vùng đất Kinh Bắc có truyền thống văn hóa và truyền thống làng nghề từ rất lâu đời. Người ta đã thống kê qua lịch sử khoa cử của các triều đại phong kiến, từ khoa thi đầu tiên (1075 – triều Lý) đến khoa thi cuối cùng (1919 – triều Nguyễn), Kinh Bắc có 645 tiến sĩ và tương đương tiến sĩ, chiếm tỉ lệ hơn 1/4 của cả nước. Kinh Bắc có các làng nghề truyền thống nổi tiếng như: làng tranh Đông Hồ, làng giấy Đống Cao, làng đồng Đại Bái, làng chạm khắc Phù Khê… Kinh Bắc còn có nhiều danh lam thắng cảnh, đình, đền, chùa cổ kính. Người dân Kinh Bắc gắn bó trong tình làng nghĩa xóm, trong lao động cần cù, khát vọng yêu thương… và chúng đã hóa thân vào trong những làn điệu tha thiết của Quan họ truyền từ đời này qua đời khác.

Từ xa xưa, vùng Kinh Bắc là xứ sở của Quan họ. Dưới thời Pháp thuộc Kinh Bắc chia làm hai tỉnh là Bắc Ninh và Bắc Giang, năm 1963 hai tỉnh được sáp nhập thành tỉnh Hà Bắc và đến 1997 lại tách làm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Các làng Quan họ đa số tập trung chung quanh thị xã Bắc Ninh, chỉ có vài làng nằm rải rác ở Bắc Giang nên Bắc Ninh được xem là quê hương của Quan họ. Trên mảnh đất Bắc Ninh, Bắc Giang, có nhiều dân tộc sinh sống nhưng Quan họ chỉ tồn tại và phát triển trong cộng đồng dân tộc Kinh. Người ta cũng đã thống kê được có 49 làng Quan họ trên đất Kinh Bắc.

Nguồn gốc của Quan họ

Cho đến nay, tuy có nhiều công trình nghiên cứu kỹ lưỡng về Quan họ nhưng chúng ta vẫn chưa xác định được nguồn gốc của nó. Có rất nhiều truyền thuyết nói về nguồn gốc của Quan họ, chúng ta có thể điểm qua các truyền thuyết được nhiều người nhắc đến như sau:

1. Lê Văn Hảo trong Bắc Ninh tỉnh khảo dị (bản chép tay, thư viện Paris) viết:

“Làng Viêm Xá kết nghĩa với làng Hoài Bão. Diêm Xá (1) mở hội thờ thần vào mồng 4 tháng Giêng và mồng 10 tháng Tám. Mỗi lần có hội, Diêm Xá mời một đoàn trai làng Hoài Bão sang. Sau khi tế lễ xong thì tổ chức ca hát. Bên Viêm Xá toàn là nữ, bên Hoài Bão toàn là nam. Trai gái hai làng hát đối đáp với nhau. Dân Viêm Xá quan niệm rằng năm nào làng không cử hành lễ hội như vậy thì trong làng sẽ xảy ra nhiều chuyện bất an, người vật bị ốm, mùa màng thất bát, buôn thua bán lỗ, dân làng cãi cọ nhau, trai gái sinh ra tật hư nết xấu. Vì vậy mà có hát Quan họ”.

2. Nguyễn Duy Kiện trên Việt Báo ngày 21/2/1940 viết:

“Đã lâu lắm từ thời thượng cổ, nhân dân hai làng Lũng Nhai và Tam Sơn giao hảo với nhau rất thân mật. Hễ làng nào có việc quan, hôn, tang, tế… thì báo cho làng kia biết để dân làng kia cử vài người đại biểu, đem đồ lễ sang viếng hoặc mừng nhà hữu sự. Làng Tam Sơn hằng năm cứ tháng Giêng có lễ vào đám thờ cúng thành hoàng, trong làng mở hội, các cụ bên Lũng Nhai lại sang chơi. Sáng ngày 13 tháng Giêng, họp nhau 5-7 cụ ông, 5-7 cụ bà và một số đông nam thanh nữ tú biết hát kéo nhau sang Tam Sơn. Bên Tam Sơn cũng cử một số người ra thù tiếp. Sau khi đã ngồi trên dưới thứ tự tại đình thì bắt đầu hát. Trai bên này hát, gái bên kia đáp, còn các cụ thì ngồi nghe. Từ thuở ban sơ cổ đại, hai làng cứ theo tục này mà di truyền. Đó cũng là nguồn gốc của hát Quan họ”.

3. Trong Dân ca Quan họ Bắc Ninh (Lưu Hữu Phước – Nguyễn Văn Phú – Nguyễn Viêm – Tú Ngọc, Nhà xb Văn Hóa – 1962) có in lại 8 truyền thuyết về nguồn gốc Quan họ của nhóm tác giả Lưu Khâm – Nguyễn Đình Tấn – Nguyễn Viêm, một trong những truyền thuyết đó như sau:

“Ông Tập ở Viêm Xá (Võ Giàng) cho biết: Cách nay 12 đời có hai người làm quan thị vệ trong triều, một người quê ở Diềm (2), một người quê ở Bịu (2). Hiện nay ở Diềm còn di tích lăng mộ, ở Bịu không còn. Hồi còn quan hai người có chơi với nhau, đến khi về hưu thì giao ước kết bạn đi lại, nếu ở làng ai có vui như cưới xin, khao lão thì mời cả hai họ về dự. Thời đó nhân dân vẫn có hát Đúm, nhưng từ khi hai họ này kết bạn thì người ta đem những câu hát Đúm vào để ca hát trong những ngày vui đó. Từ đó lưu truyền tục lệ này. Cứ hội Diềm tháng 8, hội Bịu tháng 1, người ta lại tụ họp, ngồi chung quanh một ngọn đèn lớn để ca hát và Quan họ do đó sinh tên (hai họ nhà quan hát với nhau) và từ đấy gọi ‘Quan họ’ thay thế cho hát Đúm”.

Còn nhiều truyền thuyết khác, nhưng cái chung của đa số các truyền thuyết đó là lối hát đối đáp giữa hai họ, hai làng, hai đối tượng. Về thời điểm phát sinh của Quan họ cũng có khác nhau như: thời thượng cổ, thời Lý, thời Trần, thời Lê… Song chúng ta nhận thấy rằng, ban đầu đa số Quan họ được hát với tính chất lễ nghi trong các dịp tế lễ ở đình làng, miếu, chùa, mừng thọ, khao lão… Dần dần, tính chất trữ tình được tăng cường đã trả nó về với cuộc sống đời thường để trở thành một lối sinh hoạt rộng rãi trên nhiều địa điểm khác nhau: trong nhà, trên đồi, trên sông… Trong đó, Quan họ cũng dựa vào những ngày hội cúng tế, nhưng đó chỉ là cái dịp để người ta tổ chức hát giao duyên chứ không phải với nội dung nghi lễ. Vì thế mà trong đời sống dân Kinh Bắc có rất nhiều lễ hội hát Quan họ như: “Hội Lim”, “Hội Ó”, “Hội Hiếu ở Lũng Nhai – Tam Sơn”, “Hội trên thuyền ở Bùi”…

Tuy về nguồn gốc chưa được xác định rõ ràng, nhưng làng Viêm Xá được nhắc tới nhiều nhất trong các truyền thuyết. Hiện nay Viêm Xá có 4 hội làng trong một năm – điều mà cả 49 làng Quan họ ở vùng Kinh Bắc không nơi nào có được – đặc biệt ngày nay Hội Vua Bà là lễ hội dài ngày nhất và thu hút đông đảo người hát Quan họ nhất, nên Viêm Xá được dân Kinh Bắc xem như là làng Quan họ gốc và thủy tổ của các làn điệu dân ca ấy là Vua Bà (hiện đang được nhân dân thờ phụng tại đền thờ trên làng Viêm Xá).

Nét khác biệt trong Quan họ truyền thống và Quan họ mới

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Quan họ, Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng Quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc (44 làng ở Bắc Ninh, 5 làng ở Bắc Giang) với hàng ngàn bài hát lời cổ mộc mạc, dân dã mang nét đẹp riêng vừa thiêng liêng, vừa cổ xưa mà rất Việt Nam.

Hát quan họ

Hát quan họ

Quan họ truyền thống là hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi liền anh, liền chị phải am hiểu tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ. Quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê. Đôi liền anh đối đáp với liền chị đươc gọi là hát hội, hát canh; hát cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, hát thờ, hát mừng.
“Chơi quan họ” truyền thống không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức. Nhiều bài quan họ truyền thống vẫn được các liền anh, liền chị “chơi quan họ” ưa thích đến tận ngày nay như: Hừ La, La rằng, Tình tang, Bạn kim lan, Cái ả, Cây gạo…
Quan họ mới còn được gọi là “hát quan họ”, là hình thức biểu diễn quan họ chủ yếu trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng như dịp Tết, lễ hội, hát phục vụ du lịch… Quan họ mới có hình thức biểu diễn phong phú hơn quan họ truyền thống, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp và hát có múa phụ họa…Quan họ mới cải biên các bài bản truyền thống theo hai cách: không có ý thức và có ý thức. Trong đó, hình thức hát quan họ có nhạc đệm được coi là cải biên không có ý thức, những bài cải biên cả nhạc và lời của bài quan họ truyền thống được coi là có ý thức.
Dù là quan họ mới hay quan họ cũ thì cũng đều là những nét đặc sắc được lưu truyền, đúc kết qua nhiều năm. Nhưng hiện nay, quan họ mới được sử dụng nhiều hơn bởi không gian quan họ truyền thống đang mất dần, trong khi đó, các sân khấu biểu diễn đang ngày một nhiều hơn./.

Phóng sự nguồn gốc quan họ

Mời các bạn cùng xem phóng sự Nguồn gốc quan họ để hiểu thêm về nét văn hóa đặc sắc của người dân xứ Kinh Bắc.

Hữu Trịnh

(1) Viêm Xá còn gọi là Diềm Xá nay thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
(2) Diềm: làng Diềm Xá (Viêm Xá); Bịu: làng Bịu Sim.

Tài liệu tham khảo:
– Quan họ – nguồn gốc và quá trình phát triển (Đặng Văn Lung – Hồng Thao – Trần Linh Quý, Nhà xb KHXH – 1978)
– Dân ca Quan họ Bắc Ninh (Lưu Hữu Phước – Nguyễn Văn Phú – Nguyễn Viêm – Tú Ngọc, Nhà xb Văn Hóa – 1962)

Thảo luận cho bài: "Nguồn gốc dân ca Quan họ"

3 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương