Trầu têm cánh phượng là hình ảnh đẹp, gợi về truyện cổ tích Tấm Cám và tục ăn trầu đã trở thành tập quán, truyền thống của dân tộc Việt. Từ xa xưa, miếng trầu đã đi vào thơ ca, huyền thoại, cổ tích… phản ánh nhiều nét đẹp văn hóa, thăng hoa tình cảm, tình yêu thương con người, hình thành văn hóa vùng rõ rệt.
Trước hết, miếng trầu gợi về những sự tích, những câu chuyện cổ, được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, mang đậm bản sắc dân tộc. Truyện Trầu cau, qua truyền miệng thêm bớt của nhiều thế hệ, những tình tiết “nguyên thủy” đã được khoác cái áo của lễ giáo cho phù hợp với đạo Khổng-Mạnh. Đến nay, chủ đề của Trầu cau lại trở thành câu chuyện luân lý, đạo đức, khuyên con người xích lại gần nhau hơn, vị tha hơn để sống chan hòa, nhân ái trong cuộc sống hội nhập.
Câu chuyện Trầu cau khép lại bằng tục ăn trầu-một phong tục truyền thống của nhân dân ta để tô đậm tình cảm sắt son, thủy chung đẹp đẽ. Miếng trầu bao giờ “cũng là đầu câu chuyện” để bắt mối lương duyên và những khi có lễ nhỏ, lễ lớn, cưới xin, hội hè, ma chay… đều không thể thiếu miếng trầu. Vì thế mà truyện Trầu cau đã bất chấp thời gian mà sống mãi với nhân gian.
Hình tượng trầu têm cánh phượng của cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám cũng có từ rất xưa. Truyện được nảy sinh từ vùng đất Kinh Bắc. Vì thế, cô Tấm có dáng dấp của Chị Hai quan họ. Rất hiếu thảo, duyên dáng, tình tứ và khéo léo. Miếng trầu của cô Tấm đã trở thành một hình tượng đẹp, có sức quyến rũ độc đáo và mang đậm sắc thái văn hóa vùng, rất đáng trân trọng. Miếng trầu têm cánh phượng còn mang nét đẹp biểu trưng, đầy tự hào của người Kinh Bắc. Có thể nói, mỗi câu chuyện đều thắm đượm tình người, có giá trị nhân bản và nhân văn sâu sắc.
Trầu là món ăn không giải quyết việc đói, no. Người ta ăn trầu là để thưởng thức vị cay thơm của lá trầu không, vị chát của vỏ, vị ngọt bùi của cau, vị nồng nàn của vôi… tất cả hòa quyện với nhau trong một màu đỏ sẫm. Nhiều người ăn trầu đã thành thói quen, rồi thành nghiện-nghiện trầu. Nhưng điều kì diệu của thói nghiện trầu phải chăng là ở chỗ, người ăn thấy nó gắn bó với số phận con người; bởi tách riêng, thì cay đắng, éo le, nhưng khi đã hòa chung thì tình cảm của họ lại thắm tươi, đẹp đẽ:
“Tách riêng, thì đắng, thì cay.
Hòa chung, thì ngọt, thì say lòng người.
Tách riêng, xanh lá, bạc vôi.
Hòa chung, đỏ thắm máu người, lạ chưa?
… Chuyện tình ngày xửa, ngày xưa!…“.
(Sự tích Trầu cau-Hồng Quang)
Theo phong tục Việt Nam, miếng trầu rất quen thuộc, dễ kiếm. Trầu tuy rẻ tiền nhưng chứa đựng nhiều tình cảm, nhiều ý nghĩa. Giàu nghèo ai cũng có thể có, vùng nào cũng có, từ Bắc chí Nam. Ăn trầu là một phong tục truyền thống, nhưng cách têm trầu thì lại mang rõ dấu ấn văn hóa của vùng miền.
Nói đến trầu têm cánh phượng là nói đến miếng trầu vùng Kinh Bắc. Cũng vẫn nguyên liệu ấy, nhưng cách têm đẹp, kiểu cách, đã thể hiện sự khéo léo của những liền chị-người gái quê Kinh Bắc. Vì thế, miếng trầu có sức hấp dẫn đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai, dù chỉ một lần được mời.
Trong giao tiếp ứng xử, “miếng trầu là đầu câu chuyện“. Miếng trầu thường đi đôi với lời chào và một thái độ của người mời khách. Người lịch sự không “ăn trầu cách mặt“, nghĩa là đã tiếp, thì tiếp cho khắp – “Tiện đây ăn một miếng trầu. Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là?“.
Việc mời trầu cũng thể hiện sắc thái tình cảm tinh vi, tế nhị. Quý nhau mời trầu, ghét nhau theo phép lịch sự, cũng mời trầu. Ca dao có câu: “yêu nhau cau sáu bổ ba; ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười“. Còn không có trầu mà tiếp khách vẫn mời trầu như Nguyễn Khuyến, là một trường hợp lạ-“Đầu trò tiếp khách, trầu không có. Bác đến chơi nhà, ta với ta”.
Đặc biệt nữa là miếng trầu hôi đãi khách của Hồ Xuân Hương. Miếng trầu có cái gì thật khác thường, chất chứa đầy sự thách thức và một bản lĩnh của người mời:
-“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi.
Này của Xuân Hương đã quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại.
Đừng xanh như lá bạc như vôi“.
(Mời trầu-Hồ Xuân Hương)
Bài thơ chưa đưa nữ sĩ vào con đường tuyệt vọng, nhưng vẫn ngân lại trong lòng người một nỗi buồn lai láng. Nó phản ánh số phận không mấy suôn sẻ, thể hiện bản lĩnh người phụ nữ trong cuộc sống của xã hội tự khiêm.
Nét đặc trưng tiêu biểu của miếng trầu là được dùng nhiều trong lối ứng xử giao duyên giữa trai thanh gái lịch và được thể hiện khá nhiều trong thơ ca:
-“Trầu vàng nhá lẫn cau xanh
Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời“.
(Ca dao)
Có thể tình yêu làm họ gắn bó, hòa quyện, cùng nhau làm nên cái mùi vị thơm cay, cái hơi men nóng bừng, cái sắc đỏ đẹp tươi ấy: “Có trầu mà chẳng có cau. Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm!”; hoặc “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông. Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?”… (Tương tư-Nguyễn Bính).
Mời trầu không ăn, thì trách móc nhau: “Đi đâu cho đổ mồ hôi; chiếu trải không ngồi, trầu để không ăn; – Thưa rằng bác mẹ tôi răn! Làm thân con gái, chớ ăn trầu người” – (Ca dao). Một khi đã quen hơi bén tiếng, trai gái cũng mượn miếng trầu để tỏ tình, để tán tỉnh:
– “Từ ngày ăn phải miếng trầu,
Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu.
– Một thương, hai nhớ, ba sầu,
Cơm ăn chẳng được, ăn trầu cầm hơi“.
(Ca dao)
Nếu yêu nhau mà không lấy được nhau, thì chẳng khác gì “có trầu, có vỏ, không vôi. Có chăn, có chiếu, không người nằm chung”. Ca dao than rằng – “yêu nhau chẳng lấy được nhau. Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già”. Miếng trầu không đắt đỏ gì, chỉ “ba đồng một mớ trầu cay”, thế nhưng cũng rất có thể “miếng trầu nên dâu nhà người”.
Ngày nay, để răng trắng, có thể nhiều người không biết ăn trầu, nhưng theo phong tục trong ngày hỏi cưới, giỗ chạp… nhà ai cũng có trầu. Vì miếng trầu là tục lệ, là tình cảm nên dẫu ăn được hay không ăn cũng chẳng ai từ chối-“Cho anh một miếng trầu vàng; mai sau anh trả lại nàng đôi mâm”.
Ngày xưa, ăn trầu còn sợ bị bỏ “bùa mê”, “bùa yêu” nên ta có thói quen “ăn trầu thì mở trầu ra; một là thuốc độc, hai là mặn vôi”. Vì “miếng trầu là đầu câu chuyện”, là “đầu trò tiếp khách”, lại là biểu tượng cho sự tôn kính được phổ biến dùng trong các lễ tế thần, tế gia tiên, lễ tang, lễ cưới, lễ thọ, lễ mừng… nên têm trầu cũng đòi hỏi phải có mỹ thuật. Nhất là lễ cưới, lễ hội vùng Kinh Bắc, trầu thường được têm nhiều theo kiểu cánh phượng-miếng trầu cô Tấm.
Trầu têm cánh phượng đã thành tục lệ truyền thống lâu đời, có “cau róc trổ hoa, cau già dao sắc”; từ lá trầu, quả cau, cho đến cách bổ, cách têm trầu cũng thật nhiêu khê! Có trầu quế, trầu hồi; cũng có trầu cay, trầu hôi; có cau tươi, cau khô, cau già, cau non, cau quả to, cau quả nhỏ; cau tiễn chũm long đào… Trầu têm cánh phượng thường dùng để đãi khách quý, được têm bằng cau chũm tiễn long đào. Cánh têm này cũng đòi hỏi phải chọn lá trầu quế vừa tầm để cắt tỉa cánh phượng, chọn vỏ đỏ dày để cắt trang trí phần đuôi. Muốn cho miếng trầu thêm đẹp, người ta thường cài thêm vào cùng miếng vỏ một cánh hoa hồng, tạo thành đuôi phượng, làm miếng trầu thêm lộng lẫy với sắc màu sặc sỡ, tươi tắn.
Trầu cánh phượng thường được bày trên đĩa đặt ở bàn tiệc, dùng làm vật trang trí. Mỗi đĩa trầu có thể bày từ 5 đến 10 miếng, đầu châu vào giữa, đuôi có cánh hồng ở phía ngoài, trông rất sang trọng, lịch thiệp và đẹp. Có nơi người ta bày trầu theo kiểu khác. Trầu được cắm trong lọ hoặc li thủy tinh; trong li không đựng nước mà đựng gạo. Mỗi miếng trầu cánh phượng được cắm bằng que tre nhỏ dài chừng 20 cm vào đầu cau, trông như một cành hoa lạ. Tùy theo cỡ bàn to nhỏ mà cắm nhiều ít cho phù hợp; mỗi lọ ít nhất cũng cắm từ 5 đến 7 “bông”, thành một lọ hoa đẹp! Có thể đặt trang trí trên bàn tiệc cùng hoa tươi, trông rất kiểu cách, ấn tượng.
Ngày nay, trong tiệc cưới ở một số làng quê Kinh Bắc, trầu cánh phượng được têm rất cầu kỳ; mỗi miếng đựng trong một hộp nhựa màu trong suốt, hình vuông hoặc trái tim. Trước khi tiễn quý khách ra về, chủ nhà mời mỗi người một miếng trầu tính trầu tình, – “Trầu têm cánh phượng xinh xinh, chở trao cho thắm môi mình, lòng say“. Để khi cầm miếng trầu têm cánh phượng trên tay, ai cũng bùi ngùi, phấn chấn, cảm động đến khó tả, dù chỉ một lần được nhận.
Hình tượng trầu têm cánh phượng của cô Tấm trong truyện Tấm Cám không chỉ còn là huyền thoại, là ảo ảnh siêu thực. Miếng trầu têm cánh phượng đã bước từ cổ tích ra ngoài cuộc sống. Rất bình dị, gần gũi, nhưng cũng không kém phần cao sang quyến rũ, vẫn tồn tại qua thời gian để thăng hoa nét đẹp truyền thống một vùng quê.
Nhìn các liền chị têm trầu mà cứ ngỡ là cô Tấm vừa chui ra từ vỏ thị, đang sống giữa cuộc đời, thiết tha tình tứ, giăng mắc cùng lời ca Quan họ -“Dao vàng bổ miếng cau hoa. Bày lên đĩa sứ, mang ra thết chàng“. Miếng trầu cánh phượng vì thế mà đậm đà bản sắc văn hóa Kinh Bắc, thấm đượm tình người, có giá trị nhân bản và nhân văn sâu sắc.
Theo BBN
Nhận têm trầu cánh phượng dịp lễ tết, cưới hỏi… tại TPHCM. Liên hệ: C. Nhung 0942222025. Địa chỉ: 825 Trần Hưng Đạo F1 Q5 TPHCM.