Từ năm 1954, chính quyền địa phương rất quan tâm đến bảo tồn và phát huy giá trị của di sản quan họ. Năm 1962, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị Quan họ lần 1/1962. Từ năm 1963 đến 1966, tỉnh Hà Bắc (gồm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang), đã tổ chức 06 hội thảo về quan họ. Năm 1969, Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thành lập để bảo tồn, phát triển và trình diễn dân ca quan họ. Tỉnh Hà Bắc thành lập trung tâm văn hóa quan họ để sưu tầm nghiên cứu nhằm bảo vệ quan họ. Tỉnh Bắc Ninh trong quyết định số 1357/QĐ-CT ngày 19-11-2003 đã quy hoạch khu đồi Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) thành khu trung tâm lễ hội dân gian, để trình diễn quan họ. Năm 2004, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bắc Ninh thực hiện dự án bảo tồn làng quan họ Viêm Xá. Hằng năm, hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang tổ chức hội thi hát đối đáp quan họ vào mùa xuân để phát hiện những giọng ca mới.
Những năm qua, Bộ Văn hóa Thông tin đã xác định Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một di sản Văn hóa đặc biệt, để bảo tồn và phát huy giá trị của nó. Năm 2003, với sự hỗ trợ của văn phòng UNESCO Hà Nội, Cục di sản văn hóa và Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bắc Ninh thực hiện “Dự án thi điểm nghiên cứu xây dựng danh sách nghệ nhân quan họ tiêu biểu” của tỉnh Bắc Ninh. Nhà nước đã phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú cho bà Tạ Thị Hình, một nghệ nhân quan họ. Các cơ quan nghiên cứu xuất bản các công trình về di sản quan họ. Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế: Bảo tồn và phát huy dân ca trong xã hộ đương đại (trường hợp quan họ Bắc Ninh ở Việt Nam) vào tháng 3/2006 (xem mục 7.c.2). Cuối năm 2006, Sở Văn hóa Thông tin Bắc Ninh tổ chức tọa đàm khoa học “Bảo tồn quan họ Bắc Ninh” . Hơn một trăm năm qua, nhiều công trình sưu tầm nghiên cứu quan họ Bắc Ninh đã được công bố (xem Thư mục nghiên cứu quan họ trong danh sách Collection of Essays on Quan họ Bắc Ninh Folk Songs, VICAS, Hà Nội, 2008).
Bản thân cộng đồng, nghệ nhân ở 49 làng quan họ Bắc Ninh đồng thuận mong muốn bảo tồn và phát huy Quan họ Bắc Ninh trong hội nghị ngày 10-11-2005 tại Bắc Ninh, trong phiếu trả lời phỏng vấn khi thực hiện kiểm kê di sản vào tháng 4, 5 và 7-2008 tại 49 làng quan họ.
Từ sau 1945 đến nay, tục kết chạ, tục kết bọn quan họ, tục “ngủ bọn”, lễ hội ở các làng quan họ có nhiều biến đổi. Các
nghệ nhân hát quan họ theo lối cổ mất dần, không còn việc thi hát lấy giải ở các làng quan họ, khiến cho sự ứng tác các bài mai một. Những thay đổi này khiến cho chính quyền cộng đồng phải khẩn trương và có các biện pháp thiết thực trong cuộc bảo vệ và phát huy giá trị của Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
– Giúp cộng đồng nhận diện và kiểm kể Dân ca Quan họ Bắc Ninh theo định kỳ từng năm.
– Hoàn thành danh sách nghệ nhân quan họ ở tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang; Xây dựng chính sách đãi ngộ với nghệ nhân như lương, phụ cấp, nhất là những nghệ nhân được phong tặng “Báu vật nhân văn sống” ở các làng quan họ trên địa bàn hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
– Hoàn thiện tư liệu và kết quả nghiên cứu về Quan họ Bắc Ninh, kể cả những làng quan họ thuộc vùng lân cận.
– Phân loại, hệ thống tư liệu lưu trữ và phục cụ cho việc tiếp cận của cộng đồng với các tư liệu về Quan họ Bắc Ninh.
– Hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cùng với cộng đồng tổ chức các liên hoan quan họ Bắc Ninh định kỳ 2 năm/lần trên cơ sở festival quan họ Bắc Ninh theo địa bàn huyện 1 năm/lần. Xây dựng đồi Lim thành một trung tâm văn hóa quan họ, có khu trình diễn, trồng lại cây xanh, trùng tu lăng Nguyễn Diễn trên đồi Lim. Xây dựng hội Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), lễ hội chùa Bổ Đá (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) thành hội hát đối đáp, hát thi giải quan họ Bắc Ninh tổ chức định kì 01 năm/lần. Khôi phục hình thức hát thờ ở hội làng Viêm Xá (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) để bảo tồn các giọng lề lối của Dân ca quan họ Bắc Ninh.
– Hỗ trợ cộng đồng phục hồi tập quán, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến Dân ca quan họ Bắc Ninh ở các làng quê, khôi phục việc thi hát lấy giải của các làng quan họ tổ chức định kỳ 01 năm/lần.
– Thành lập hiệp hội nghệ nhân quan họ Bắc Ninh, trên cơ sở các Câu lạc bộ ở các làng hiện nay, xây dựng chương trình hoạt động cho hiệp hội để tổ chức phi chính phủ này đóng vai trò tích cực trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ.
– Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam nghiên cứu giúp đỡ cộng đồng tổ chức tự quản lí, thực hiện các chương trình truyền dạy, phục hồi kĩ thuật hát quan họ theo lối hat truyền thống, tìm các giải pháp để quan họ thích ứng với sự phát triển của các phương tiện âm thanh của đời sống đương đại.
– Hỗ trợ cộng đồng xây dựng nội dung truyền dạy quan họ Bắc Ninh trong các gia đình, các lớp dạy quan họ Bắc Ninh tại cộng đồng theo địa bàn làng xã.
– Cục Di sản văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang xây dựng chuyên đề Dân ca quan họ Bắc Ninh để đưa vào giảng dạy ở nhà trường cấp 2,3 trong chương trình văn học địa phương. Thành lập khoa Dân ca quan họ Bắc Ninh trong trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật của cả hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
– Mở chuyên mục Dân ca quan họ Bắc Ninh trên báo Bắc Ninh, Bắc Giang, Đài phát thanh truyền hình Bắc Ninh, Bắc Giang định kì. Sử dụng đội truyền thanh cơ sỏ để tuyên truyền, giới thiệu giá trị của Dân ca quan họ Bắc Ninh trong cộng đồng làng xã. Xây dựng trang web về Dân ca quan họ Bắc Ninh.
– Giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về giá trị của di sản thông qua việc xuất bản và cung cấp cho cộng đồng những sản phẩm văn hóa quan họ, dân ca quan họ Bắc Ninh dưới mọi hình thức: đĩa CD, VCD, DVD, sách, tờ gấp v.v…
– Tạo mọi điều kiện để cộng đồng trình diễn/giao lưu dân ca quan họ Bắc Ninh với các cộng đồng khác trong nước và ngoài nước.
– Phối hợp ngành du lịch khai thác và phát huy giá trị di sản quan họ một cách bền vững.