Giữ gìn những giá trị vốn có của quan họ

Dân ca quan họ Bắc Ninh đã được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại và luôn luôn có sức hấp dẫn, lôi cuốn những người yêu nghệ thuật diễn xướng dân gian. Quan họ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân vùng Kinh Bắc, đồng thời đang được truyền bá sâu rộng dưới nhiều hình thức.

“Chơi”, truyền quan họ đúng cách

Tiếp chuyện chúng tôi, NSƯT- Nghệ nhân quan họ Bắc Ninh Tạ Thị Hình giảng giải khá kỹ về loại hình dân ca mà bà đã theo đuổi cả cuộc đời. Bà Hình cho biết, nghệ nhân quan họ thích dùng “chơi quan họ” hơn là “hát quan họ”. Ai cũng có thể học thuộc một làn điệu quan họ và hát được trên sân khấu. Còn “chơi quan họ” mới chính là hình thức quan họ truyền thống, đặc trưng.

Một canh hát quan họ trên đồi Lim (Bắc Ninh).

Chơi quan họ đề ra những lề lối nhất định đòi hỏi liền anh, liền chị tham gia phải am hiểu tường tận quy tắc, luật lệ, nhất là phải có vốn quan họ kha khá. Một liền anh, liền chị có thể đứng trước nhiều người và đối hát thì phải thuộc ít nhất 150 bài cùng bảy điệu cơ bản nhất: la rằng, đường bạn, tình tang, cây gạo, lên núi, cái hời, cái ả,… và có nhiều hình thức hát đối như hát theo đôi, hát theo hội, theo nhóm.

Bà Hình bảo: Chơi quan họ phần nào giống một hình thức thi đua, người nào đối được nhiều làn điệu, giọng hát hay hơn thì thắng, có đôi thi với nhau đến hai ngày trời vẫn chưa phân được thua. Nhưng tuyệt nhiên người thua không được cay cú, ganh đua. Đôi anh hai này nếu không đối được đôi chị hai kia cũng phải có lời: “Thưa hai chị, hai câu vừa rồi, anh em chúng tôi xin chịu, đến tháng tới anh em tôi sẽ trả”. Người thắng cũng không lấy đó làm tự cao, thắng không dám nhận mình thắng, ấy mới là lời văn lễ điều của người chơi quan họ.

Cho đến nay, nghệ nhân Tạ Thị Hình đã gom góp được một kho vốn làn điệu quan họ đồ sộ. Bà Hình cho biết, đã viết tuyển tập gần 300 bài quan họ tặng tỉnh và ngành văn hóa Bắc Ninh, nhưng thật ra, số lượng bài quan họ mà bà vẫn nhớ phải lên tới hơn 400 bài. Mỗi lần có khách đến, bà Hình vẫn không quên hát tặng họ đôi câu mà bà tâm đắc:”Dưới giờ mấy kẻ biết chơi/ Chơi cho phỉ chí ở đời mới thôi; trong sáu tỉnh nghe còn chưa tỏ/ Ngoài năm thành chỉ có ở Bắc Ninh. Chẳng yêu mà lại tâm tình/ Nghề chơi quan họ có tinh mới tường”.

“Nghề chơi cũng lắm công phu”, không chỉ là quan điểm của bà Hình mà còn của nhiều người yêu quan họ. CLB quan họ làng Hòa Đình gần TP Bắc Ninh là một mô hình kiểu mẫu như thế với hai lần giành giải tại các hội thi quan họ tỉnh. Nói như liền anh Trần Văn Quyến, người phụ trách CLB, thì quan họ ngoài tiêu chí “vang”, “rền”, “nền”, “nảy”, còn phải áp dụng nhiều kỹ thuật luyến láy, nhấn nhá, hãm giật, hãm lửng, buông câu, nhả chữ mới hay được, mà trong một thời gian ngắn chưa chắc học được.

Ban đầu, thành viên trong câu lạc bộ gặp nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt, tập hát, nhưng dần dần cũng đi vào nền nếp. Cùng với CLB quan họ làng Hòa Đình, đã và đang có nhiều CLB dạng như vậy ở các làng quê Bắc Ninh.

Thế hệ trẻ gánh vác trọng trách

Hiện nay, quan họ đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ giới trẻ. Trong thời buổi hội nhập văn hóa với nhiều thể loại âm nhạc xuất hiện, dân ca nói chung và quan họ nói riêng vẫn có vị trí nhất định. Việc giới trẻ có đủ sức gánh vác trọng trách bảo tồn quan họ hay không còn là một dấu hỏi.

Điều này đòi hỏi phải có cách hướng dẫn, giảng dạy chi tiết, sự đầu tư, quan tâm của các cấp chính quyền. Năm 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đã phối hợp ngành giáo dục của tỉnh đưa dân ca quan họ vào giảng dạy tại các trường học cho các em học sinh từ cấp mầm non cho đến cấp phổ thông, bắt đầu từ năm học mới 2011-2012.

Đây là động thái cụ thể của các cấp lãnh đạo nhằm tuyên truyền vốn quý quan họ vào giới trẻ. Theo nghệ nhân Tạ Thị Hình, người hát quan họ vốn không để tâm đến chuyện tiền bạc, nhưng với giới trẻ, họ còn chú tâm nhiều đến những công việc mưu sinh, gây ảnh hưởng không ít đến “thú vui” quan họ.

Là đại diện cho lớp người trẻ, anh Nguyễn Hữu Duy, một liền anh bắt đầu có tiếng ở vùng Tiên Du, Bắc Ninh trăn trở, suy nghĩ: “Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, nhiều người lợi dụng hiện tượng quan họ làm phương tiện kinh doanh. Họ hát không đến nơi đến chốn, giới thiệu về quan họ không đúng rồi ghi âm, quay hình, phát tán lên mạng làm hỏng hình ảnh quan họ. Nhưng phần đông giới trẻ đã có sự quan tâm nhất định. Bằng chứng là trong những lần đi biểu diễn, tôi đã gặp gỡ nhiều bạn trẻ đi nghe hát quan họ“.

Với tình yêu quan họ, anh Hữu Duy đã nhận lời làm người hướng dẫn cho câu lạc bộ ở địa phương đang sống, cũng như một câu lạc bộ quan họ của Hội Sinh viên Kinh Bắc trên Hà Nội. Sáng đi làm, chiều đi diễn, tối và cuối tuần lại đi dạy quan họ, bận rộn là thế nhưng anh vẫn cảm thấy vui vì “được góp công sức để mang quan họ đến với nhiều bạn trẻ”.

Những nỗ lực mà các cấp lãnh đạo và người dân Bắc Ninh trong nhiều năm qua đã bước đầu mang lại hiệu quả, nhưng để giữ gìn, bảo tồn quan họ Bắc Ninh – Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, thế hệ trẻ cần phải tự hào và ý thức được vai trò là lực lượng nòng cốt tiếp bước các “liền anh, liền chị” đi trước.

Theo ND

Thảo luận cho bài: "Giữ gìn những giá trị vốn có của quan họ"

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương