Hội Lim ai thấy chẳng thèm, ai mê quan họ nhớ ngày hội Lim. Kẻ săn tìm quan họ như lạc lối đưa chân trong một trời âm thanh giữa thơ và nhạc…
Hàng năm cứ đến tháng Giêng, những người trót phải lòng tiếng hát quan họ lại tìm về Bắc Ninh để nghe làn điệu giao duyên. Có nhiều cách để đến với hội Lim, nhưng đặc biệt và kỳ công nhất vẫn là đêm trước khi diễn ra chính hội. Đêm ấy, tại các làng quan họ sẽ có những canh quan họ rất riêng tại nhà các nghệ nhân. Không gian nhà cổ, quây quần liền anh liền chị bên chiếu hát khiến những ai đã trót mê quan họ phải cất công kiếm tìm.
Người đầu tiên chúng tôi tìm đến là cụ Nguyễn Thừa Kế, nghệ nhân quan họ của làng Duệ Đông. Đến hát với làng quan họ những ngày hội Lim, tiếng giao duyên mời trầu sẽ tự dẫn du khách đến với canh hát. Cụ Kế – người được mệnh danh là anh Cả của làng quan họ đang hát say sưa trong ngôi nhà sáu gian đậm chất Bắc Bộ.
Có về là về với hội
Có cái công… cái công đi tìm…
Không cầu kì, cụ Kế ngồi dưới chiếc tủ thờ bên cạnh một chậu hoa trà. Tiếng hát của anh Cả làng quan họ vẫn vang rền nền nảy. Không thể tin năm nay cụ đã 92 tuổi. Sau hai làn quan họ, cụ ngồi trầm ngâm kể về những tháng ngày xưa cũ. Cụ nhớ không khí hội Lim xưa. Khi đó còn vắng, làng quan họ nào đến đồi Lim trước phải chờ làng bên đến để hát đối. Và khi đã hát thì hát rất hay, đôi trai gái lại đẹp nên nhiều người vây xung quanh khiến tiếng hát ngày ấy khác hẳn bây giờ.
Khi được hỏi về tục các đôi trai gái thuộc hai hội đã kết chạ không được lấy nhau, cụ Kế điềm đạm giải thích. Các đôi liền anh, liền chị giao duyên với nhau không phải bởi tình cảm trai gái, mà là họ kết duyên quan họ. Và cái duyên ấy thiêng liêng đến độ tình cảm riêng tư phải gác lại. Từ đó cụ lý giải vì sao làn điệu quan họ bao giờ cũng có một chút thoáng buồn.
Tạm biệt cụ Kế, rời khỏi làng Duệ Đông, văng vẳng trong chúng tôi là câu hát tiễn đưa:
Người về tôi vẫn trông theo
Trông nước nước chảy
Trông bèo bèo trôi…
Người về tôi vẫn khóc thầm
Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa…
Chúng tôi tìm đến làng quan họ tiếp theo – Lũng Giang, hay còn gọi là làng Lim. Nghệ nhân quan họ của làng được nhiều người biết đến là anh hai Nguyễn Hữu Bể, con trai của nghệ nhân quan họ cổ – cụ Nguyệt. Canh hát của anh hai Bể rất khuya. Theo một liền chị trong canh hát nói: “Năm nào canh cũng hát qua đêm, đến 4-5 giờ sáng mới nghỉ để tham gia chính hội”.
Có không gian rộng, canh hát của anh Hai Bể đã thu hút được khá nhiều người mê quan họ tìm đến. Người hát suốt đêm, người nghe lặng im cảm nhận từng cái tứ trong từng làn điệu hát đối.
Trầu này trầu tính trầu tình
Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta…
Cứ thế hết canh hát này sang canh hát khác, kẻ săn tìm quan họ như lạc lối đưa chân trong một trời âm thanh giữa thơ và nhạc xao xuyến lòng người.
Nguyễn Hoàng – Văn Thanh
hi! rat hay