Bài dân ca Quan họ “Còn duyên” có thể coi là “A,B,C” cho những người mới học hát Dân ca quan họ Bắc Ninh bởi nó dễ thuộc, dễ hát nhưng hiểu cho đúng nội dung, ý nghĩa của lời ca thì cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Nói như vậy người viết bài này chỉ muốn bàn phần lời không bàn phần nhạc. Trừ các từ luyến láy, các từ đệm thì lời bài ca có thể từ những câu ca dao sau:
Bài ca dao còn duyên
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng
Người còn không, đây tôi (em) vẫn ở không
Đây em (tôi) chửa có chồng,
đây em (tôi) chửa có ai
Còn duyên ngồi gốc cây thông
Hết duyên ngồi gốc cây hồng hái hoa
Có yêu nhau sang chơi cửa chơi nhà
Cho thày mẹ biết để đuốc hoa định ngày
Còn duyên buôn nụ bán hoa
Hết duyên ngồi gốc cây đa đợi chờ
Đừng thấy tôi (em) lắm bạn mà ngờ
Tuy rằng tôi (em) lắm bạn nhưng tôi (em) vẫn chờ người ngoan
Nhân vật trữ tình trong bài ca dao
Xét về nhân vật trữ tình bài ca có một đại từ nhân xưng “Em” hoặc “Tôi” đều ở ngôi thứ nhất và chỉ là lời của một người. Đó là người con gái và là nhân vật trữ tình. Nhiều người cho rằng trong bài ca có hai nhân vật trữ tình: Người con gái và người con trai nên dàn dựng chương trình biểu diễn thường sắp xếp hát đối đáp. Tất nhiên trong biểu diễn việc hát theo hình thức cá nhân hay đối đáp đều có cái hay riêng của nó nhưng không vì thế mà hiểu bài ca có hai nhân vật trữ tình.
Vấn đề thứ hai có ý kiến cho rằng ba khổ thơ của bài ca là nói về ba người phụ nữ (ba nhân vật trữ tình) cùng “còn duyên”, cùng “hết duyên” nhưng với ba cách ứng xử, tính cách, khác nhau. Hai người phụ nữ ở hai khổ sau mặc dù đã “hết duyên” nhưng vẫn giữ được lễ giáo, vẫn kiên định còn người phụ nữ ở khổ thứ nhất đong đưa qua cụm từ “Kẻ đón người đưa”, thiếu tế nhị mà nói rằng “Em (tôi) chửa có chồng”. Với tôi hiểu thì chỉ có một nhân vật trữ tình và nhất quán về cách ứng xử và tính cách. Cụ thể như sau: Người phụ nữ khi còn duyên thì “kẻ đón người đưa”, “còn duyên thì ngồi gốc cây thông”, còn duyên thì “buôn nụ bán hoa” nghĩa là “có giá” là chuyện đương nhiên đến khi “hết duyên” thì sao? Ở khổ thơ thứ nhất “Đi sớm về trưa mặc lòng” và “bật mí” “tôi vẫn ở không”, “tôi chửa có chồng”, “tôi chửa có ai” như là sự gửi đi một thông điệp cũng là chuyện đương nhiên chứ không có gì là không tế nhị. Đến khổ thứ hai thì vẫn người con gái ấy nếu gặp được chàng trai nào thì chàng trai ấy phải sang chơi nhà cho thầy mẹ biết và định ngày đuốc hoa nghĩa là vẫn phải thực hiện đầy đủ nghi thức (các bước của một cuộc hôn nhân) của một lễ cưới. Sang khổ thứ ba vẫn người con gái ấy mặc dù hết duyên nhưng vẫn có “lắm bạn” vậy chàng trai nào có thích tôi thì cũng đừng “ngờ” và cũng hiểu rằng tôi “vẫn chờ người ngoan”- người tử tế. chứ nhất định không chịu “vơ bèo vạt tép” cũng như nhà thơ Hồ Xuân Hương “Thân này đâu đã chịu già tom” (Tự tình) vẫn hướng tới những “hiền nhân quân tử”. Như thế bài ca có nội dung là người phụ nữ trong hoàn cảnh “còn duyên”, “hết duyên” thì họ đã bộc lộ cách ứng xử và tính cách của họ.
Qua cách ứng xử ấy ta thấy được vẻ đẹp trong tâm hồn những người phụ nữ dù còn duyên hay đã hết duyên. Vẻ đẹp tâm hồn ấy làm nên phẩm chất của người phụ nữ Kinh Bắc nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung. Có thể khẳng định lúc nào họ cũng thẳng thắn, tự tin nhưng không kém phần tế nhị. Bao giờ họ cũng khát khao hướng tới cái đúng, cái đẹp, chờ đợi “người ngoan”, khát khao hướng tới hạnh phúc lứa đôi nhưng phải là hạnh phúc thực sự. Lời bài ca mượt mà, âm điệu du dương có thể coi là một trong những bài ca hay và dễ hát nhất trong kho tàng Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Nguyễn Đức Ngọc (Thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm, Gia Bình)
Bài “còn duyên” đối với tôi giống như “Quốc ca” của dân ca Quan họ.Đây là những lời thơ hay nhất được lưu truyền lại theo thể ca dao Bắc bộ, tất nhiên còn có nhiều dị bản. Lấy mốc năm 1920 ra đời những làn điệu Quan họ mới, thì bài “còn duyên” là đỉnh cao nhất thời đó, nó không phải của một tác giả cụ thể mà của những “cậu ấm” đất Hà thành sang hội Lim cùng với các Anh hai, Chị hai ở hội Lim “đối đáp” nhiều “canh ” mà thành. Tất nhiên khi Quan họ bắt đầu hình thành từ năm 1651 đến năm 1772 thì định hình rõ nét, trong các làn điệu đã có nhịp, có điệu (chỉ không có nhạc đệm cụ thể mà thôi) nên khi các “cậu ấm” ở Hà thành và Kinh thành Huế những năm 1920 đến chơi hội đã dùng những kiến thức thanh nhạc hiện đại học được của người Tây để ký âm một cách sơ khai cho những câu Quan họ. Đây chính là mốc thời gian Quan họ mới có nhạc đệm ra đời. Cũng có một số “cậu ấm” có trình độ kiến thức nhưng thiếu văn hóa xuyên tạc ca dao, Lời kiều…thậm chí họ còn có những hình vi vô văn hóa như gắn gương vào mũi giày để nhìn trộm các Liền chị… Những hành vi này đều bị tẩy chay quyết liệt.(Lời kể của Anh Hai Bé – cụ Ba Bé thế hệ Quan họ thứ nhất đầu thế kỷ 20 làng Quan họ Yên mẫn).