“Không có sự ghen tuông và hờn giận thì liền anh, liền chị không thể hát những câu hát tình tứ và giăng díu những hẹn hò, thề nguyện làm nức lòng bao người như vậy” – NSƯT Thúy Cải nói .
Nở nụ cười hiền hậu mời tôi vào nhà, sự cởi mở, thân thiện của cô đã khiến khoảng cách của một U20 và một U60 như gần lại. Tôi đã may mắn được lắng nghe cô trải lòng những câu chuyện của hơn 40 năm mặn nồng với duyên quan họ.
Quan họ là một sự giáo dục lớn
Sở dĩ tôi may mắn, vì những cuộc điện thoại hẹn gặp trước đó, cô đều chia sẻ “cô đã về hưu rồi, còn gì để viết nữa đâu”. Tuy nhiên, tôi vẫn tin với nhiều khán thính giả, Thúy Cải là một trong những cái tên đầu tiên được nhắc đến khi luận bàn về quan họ Bắc Ninh “kẻ ở người về”. Suy nghĩ của tôi đã được kiểm chứng khi cô vui vẻ kể: “Thời gian gần đây, nhiều Việt kiều ở Mỹ, Nhật, Canada… vẫn gọi điện cho cô tâm sự năm hết tết đến, họ lại nhớ giọng hát quan họ của Thúy Cải qua những lần lưu diễn”.
NSƯT Thuý Cải tự hào khi là một trong những viên gạch đầu tiên đặt nền móng đưa quan họ Việt Nam ra với thế giới. Trên sân khấu, Thúy Cải đằm thắm, dịu dàng và lúng liếng như thế nào thì ở ngoài đời, đằm thắm, dịu dàng và lúng liếng như thế. Thậm chí giữa đời thường mộc mạc, giản dị, cái chất nồng nàn, tình tứ trong người phụ nữ ấy dường như không có tuổi. Cô gây ấn tượng với người đối diện ở nụ cười “như mùa thu tỏa nắng”.
Một chị hai quan họ đằm thắm, tình tứ và lúng liếng trong lòng công chúng. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Hạnh phúc là được trong trí nhớ của công chúngTạm biệt “người quan họ”, tôi cứ vương vấn mãi vì sao, với rất nhiều cống hiến của nghệ sỹ cho di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, cô vẫn chỉ là NSƯT.
Vẫn nụ cười hồn hậu, cô tâm sự: “Làm một người nghệ sỹ, được sống trong trí nhớ của công chúng là hạnh phúc lắm rồi. Với tôi, danh hiệu là một sự ghi nhận và tôi luôn trân trọng mọi sự ghi nhận như thế”. |
Nhớ về những ngày tháng đầu tiên khi gặp “duyên quan họ”, NSƯT Thuý Cải thành thật: “Cơ duyên đấy cháu ạ! Mẹ là người định hướng những bước đi đầu tiên trong đời nghệ sỹ của cô”. Khoảng 5 – 6 tuổi, bé Cải “hạt tiêu” đã gây ngạc nhiên khi hát được nhiều bài giọng vặt như Mười nhớ, Mời nước, Cây trúc xinh…
Đến khi có đoàn văn hóa nghệ thuật của tỉnh về làng tuyển diễn viên, cô bé được chính mẹ mình tiến cử. Đáng lẽ, chị gái cô mới là người được chọn nhưng mẹ cô khi ấy lại “nhất định phải là Thúy Cải. Nó có cái cổ cao, “trường cổ đại thanh”, nếu “đi được với quan họ” thì sẽ phát triển hơn chị”. Cơ duyên ấy đã đưa cô đến với quan họ khi mới 16 tuổi.
Sau hơn 40 năm cống hiến hết mình cho nghiệp diễn, NSƯT Thuý Cải nói: “Đúng là một đam mê ở đời, quan họ rất hợp với tôi. Mỗi khi cất lên lời ca tiếng hát, tôi tự thấy tâm hồn mình có sự thanh bình rất lạ. Quan họ có khả năng kết nối con người với con người, giúp con người yêu thương và quý trọng, sống với nhau tình nghĩa hơn. Những câu hát mời trầu, thưa gửi là chất riêng tạo nên cái tình đáng quý”.
Trong suốt buổi trò chuyện, Thuý Cải cứ nhắc đi nhắc lại với tôi về chữ “lề lối” trong quan họ. Nghệ sỹ bảo, quan họ dạy cho mỗi người cách đối nhân xử thế phải phép. Nó là cả một kho tàng văn hóa tạo nhân cách riêng của người Kinh Bắc. Dù đi đến đâu, làm những gì, hát cho ai nghe, cô vẫn tâm niệm phải gìn giữ “lề lối” ấy trong lòng công chúng. Nó hội tụ đủ “công, dung, ngôn, hạnh” của phụ nữ Việt Nam.
“Nếu như với những nghề khác, trường khác có thể học 5 – 7 năm là thành nghề nhưng với quan họ thì người nghệ sỹ phải học cả đời. Bởi mỗi lời ca tiếng hát cất lên không chỉ để mua vui mà còn là sự kết nối, là những bài học giáo dục văn hóa lối sống cho mỗi người”.
NSƯT Thúy Cải vẫn mặn nồng với quan họ ngay cả khi đã về hưu. Ảnh D.T
Còn duyên là còn hát
Không có tình yêu thì không còn giăng díu, tình tứ“Nhiều người hỏi tôi, quan họ không lấy nhau thì có tình yêu không? Tôi nghĩ rằng có. Vì nếu không có tình yêu, không có sự ghen tuông và hờn giận thì liền anh, liền chị không thể hát những câu hát tình tứ và giăng díu những hẹn hò, thề nguyện làm nức lòng bao người như vậy. Nhưng tình yêu đôi lứa ấy là tình yêu trên nghệ thuật, nó rất đẹp và trong sáng một cách hiếm có”, NSƯT Thúy Cải cho biết. |
Dù đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng chỉ rời xa sân khấu một thời gian ngắn, Thúy Cải đã thấy nhớ nao lòng những canh hát giao duyên. Nghệ sỹ chia sẻ: “Có những buổi trưa, chỉ mới chợp mắt, hình ảnh của những ngày xưa khi còn vào nhà nghệ nhân lao động để được học hát lại ùa về trong giấc mơ tôi. Sau nhiều lần giật mình tỉnh giấc, tôi nghĩ rằng hình như với quan họ, mình vẫn còn duyên, mà đã là duyên thì không thể lẩn trốn được. Đam mê đã ngấm vào máu thịt và nó không có tuổi bao giờ”.
NSƯT Thuý Cải lật giở cho tôi xem những bài hát chép tay trên tờ giấy cũ. Ngày xưa, khi đi học hát quan họ, thế hệ của nghệ sỹ không được may mắn như các em, các cháu bây giờ, ngồi giữa lớp, giữa trường mà nghe thầy cô giảng. Hơn mười năm liền, cô và các bạn đồng nghiệp phải chia thành nhóm nhỏ, tìm đến 49 làng quan họ cổ, cùng ăn, cùng ở, cũng làm với các nghệ nhân.
“Phải làm giúp họ để họ có thời gian rảnh rỗi dạy hát cho mình. Những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, đất nước ta còn nghèo bởi chiến tranh. Các nghệ nhân có bí quyết, có kiến thức nhưng họ phải lao động vất vả lắm. Hơn nữa, tuổi cao, sức yếu, trường nghệ thuật ở xa, họ không thể lên trường dạy học được. Cứ mỗi bài hát học được, Thúy Cải lại chép tay cẩn thận vào giấy. Học được một bài mới là thích lắm, hát mãi.
Những bài học đầu đời diễn là những bài học gắn chặt với mồ hôi, công sức lao động nên với cô, vẫn còn hát được quan họ ngày nào là đáng quý lắm. Dù đi biểu diễn ở đâu, dù có khó khăn, trở ngại thế nào cô vẫn không quên những ngày nhổ lạc, trồng ngô, cắt lúa cho nghệ nhân để có được cơ hội học hát quan họ. Đó cũng là động lực giúp cô vững vàng với con đường đã chọn.
Luôn cảm thấy mình may mắn vì có một hậu thuẫn vững chắc là gia đình, nghệ sỹ cho biết: “Nếu không có mẹ chồng và chồng gánh đỡ công việc nhà thì tôi không thể hết lòng với quan họ được. Tôi biết nhiều người bạn nghệ sỹ của mình có cuộc sống riêng tư đầy trắc trở. Tuy nhiên với cô thì ngược lại “dù có lúc thăng hoa trên sân khấu nhưng không bao giờ quên phép tắc, gia phong và giữ gìn chính mình trong lề lối nghiêm ngặt của người quan họ”. Bởi thế, cô có một cuộc sống đầm ấm hạnh phúc nhiều người mơ ước.
Mới đây, có đôi vợ chồng từ Sơn La xuống, mang theo một cân chè mạn ngon tìm tới thăm cô và gia đình. Họ có nguyện vọng được gặp trực tiếp, nghe cô và bạn diễn hát bài “Đêm qua nhớ bạn” vì bài đó họ đã xem qua video hơn 1.000 lần mà vẫn chưa thấy chán. Dù cô đã lui vào sau sân khấu nhưng nhiều người vẫn nhớ đến và tìm gặp cô chỉ để cầm tay cô ngoài đời thực. “Đó là những món quà quý giá nhất trong đời diễn của một người nghệ sỹ mà tôi may mắn có được”, NSƯT Thúy Cải cho biết.
Chồng luôn là điểm tựa vững chắcNSƯT Thúy Cải không quên nhắc đến người bạn đời đã cùng mình đi qua những đắng cay, cơ cực nhất của nghiệp diễn. Từ buổi cơ hàn, chồng đã chở trên chiếc xe đạp đi khắp nơi diễn cho đến khi nghỉ hưu, mà đam mê vẫn đượm. Chồng là người động viên nghệ sỹ trở lại với nghề trong những vai trò vị trí khác nhau. Thuý Cải không ngại chia sẻ: “Ngày xưa đi biểu diễn nhiều, cũng rất nhiều người yêu quý nhưng tôi chỉ yêu một mình “ông xã” mà không có chút xao động nào. Có lẽ, lề lối quan họ đã dạy cho tôi biết sống đúng mực và giữ được cốt cách của một dâu thảo, vợ ngoan”. |
Dương Thu
Nguồn:http://www.nguoiduatin.vn/nsut-thuy-cai-khong-yeu-thi-khong-the-hat-tinh-tu-duoc-a123024.html