Quan họ miền viễn xứ

Quedlburg là một thành phố nhỏ khiêm tốn nằm ở phía đông bắc của Cộng hòa Liên bang Ðức. Chiều hè của vùng khí hậu ôn đới Ðông Âu này khác lạ. Nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 25-27oC, thỉnh thoảng lại gợn xen những làn gió nhẹ thoảng qua.

quan-ho-tai-lien-bang-duc

Tôi thả bộ một mình trên hè phố. Phố ở đây là nối liền những dãy nhà kiến trúc cổ Tây Âu chắc dày bề thế uy nghiêm. Hai bên đường là san sát hàng cây cổ thụ, bồ đề, bạch dương tán lá gọn cao. Dừng bước trước một ngã tư đợi tín hiệu đèn đường. Tôi giật mình ngỡ ngàng, cảm giác đến từ không tưởng:

Sông Cầu nước chảy… lơ thơ… Chứ đôi ta í i – Ðôi ta thương nhớ…” Tiếng hát đục trầm, nhưng ấm ngọt giọng nam, vọng ra từ cửa sổ tầng hai ngôi nhà ngay sát lưng tôi. Sông Cầu dòng sông Quan họ xa cách nơi đây gần 10.000 km bỗng chốc gợn sóng trong tôi chao đảo. Không chút băn khoăn do dự tôi nhấn chuông cổng số 37 tự tin.

Cổng mở đón tôi là một khuôn mặt tươi, mắt sáng nụ cười đôn hậu. Cái siết tay thật chặt, thật lâu trong hoan hỷ. Tôi tự giới thiệu mình là người Bắc Ninh nên nghe được anh hát Quan họ ở nơi xa xôi cách trở này mới có ý muốn gặp, có gì cảm phiền xin được anh thông cảm!

– Ở bên này được đón khách quê nhà là chúng tôi được bạc, được vàng đấy anh ạ, rất vui, hạnh phúc mời anh vào nhà!

Phòng khách nhỏ đẹp gọn gàng tranh treo tường là bộ tứ quý gợi hình ảnh quê hương. Anh thong thả rót trà, chén trà bốc khói hương vị thơm của chè Thái Nguyên không thể lẫn, ngan ngát nơi đất khách quê người này. Tôi lựa lời vào đề trước:

– Ở bên này mà anh vẫn giữ hương vị, hồn cốt quê hương, anh vẫn dùng chè Thái Nguyên, anh vẫn hát dân ca Quan họ làm tôi xúc động.

Anh là Ngô Minh Cửu quê anh là vùng quê Nam sông Ðuống của Bắc Ninh. Anh vốn là học sinh đi học nghề từ những năm đầu thập kỷ 80 ở Tiệp Khắc. Sự kiện Ðông Âu sụp đổ. Hiệp định dạy nghề không còn hiệu lực, anh thành kẻ lưu vong. Vật lộn với nghiệt ngã bằng đủ mọi nghề để kiếm sống. Năm 1990 anh sang CHLB Ðức tìm cách hợp pháp hóa giấy tờ định cư rồi đón vợ sang, ổn định cuộc sống đến bây giờ. Anh bồi hồi tâm sự:

– Sẽ không thể kể hết gian truân vất vả của chúng tôi giữa đất nước văn minh, hiện đại này. Chỉ chia sẻ với anh về đời sống tinh thần của chúng tôi là thật nghèo nàn, thiếu thốn. Nhớ nhà, nhớ quê hương đất nước có lúc muốn cháy lòng. Là người Bắc Ninh tôi dồn hết tình cảm nhớ thương đó cho dòng dân ca Quan họ đặc sắc của quê mình. Chúng tôi hay hát và nghe hát dân ca. Cứ mỗi khi nghe hoặc hát hình ảnh của quê hương lại sống động hiện về. Cây đa, bến nước sân đình, mái chùa ngói cổ rêu phong đao cong vút, tháp chùa nhấp nhô huyền bí. Tiếng chuông gợi cảm thả vào thinh không khi chiều tà mờ ảo. Giữa khung cảnh quê hương thơ mộng ấy lời ca Quan họ đằm thắm mượt mà trong sáng ý tình. Những anh Hai ô lục soạn, áo the khăn xếp. Những chị Hai nón thúng quai thao, yếm đào áo mớ ba mớ bẩy thướt tha rực rỡ trong hoa xuân, nắng xuân ngày hội, đốt lên trong tôi ngọn lửa tình yêu đến vô bờ. Chúng tôi tự hào khi Quan họ của mình được vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Chúng tôi yêu thích, mến mộ những nghệ sỹ tài ba như Thúy Cải-Lệ Thanh-Quý Tráng-Thúy Hường… Còn ở bên này trong các chương trình văn nghệ vào những dịp đầu xuân, họp mặt đồng hương, hay ngày 8-3… Quan họ đều được chú trọng hát nhiều, có bài còn được yêu cầu hát lại lần 2. Chúng tôi còn tổ chức được những cuộc giao lưu riêng cho Quan họ. Bạn bè từ khắp: Berlin-Hamburg-LeipZig và cả PraHa (Cộng hòa Sec) cũng sang. Chúng tôi làm sân khấu đẹp, có ánh sáng nghệ thuật có nhạc kèm. Những “Mời trầu”, “Còn duyên”, “Rẽ phượng chia loan”… nối tiếp nhau không dứt đến tận đêm khuya vẫn muốn chưa “Giã bạn”.

– Vậy trong các bài Quan họ anh thích bài nào nhất?

– Lời ca trong Quan họ nghe thoảng qua có vẻ dân dã mộc mạc nhưng nghĩ kỹ lại rất sâu sắc ý tình. Thanh cao tao nhã mà lại ý tứ khiêm nhường, bài nào cũng thấy yêu thấy thích. Nhưng ám ảnh trong tôi là bài “Bèo dạt mây trôi” vì nó vô tình chạm vào góc khuất tình cảm chúng tôi những kẻ tha hương. Nó là tiếng gọi thiêng liêng của quê hương, tiếng gọi về tuổi thơ, về cội nguồn quá khứ nơi sâu thẳm trái tim…

Chia tay anh trong bắt tay như chẳng muốn rời chúng tôi hẹn đinh ninh sẽ gặp nhau vào Xuân Bính Thân giữa hội Lim Quan họ quê nhà. Ngày ấy trong anh chắc sẽ vơi đi những nhớ thương khát khao mơ ước hướng về quê nhà của những người con xa xứ!

Ngô Côn (Báo Bắc Ninh)

 

Thảo luận cho bài: "Quan họ miền viễn xứ"

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương