Nhớ lâu dài tối rất lạnh ở Trung tâm VHNT Vân Hồ – Hà Nội gần 10 năm trước, Thanh Quý với Minh Thùy hát trong ngày hội di sản, hai gương mặt trẻ và mới của đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh. Cũng hơn chừng ấy năm, từ khi Thanh Quý tham gia ghi âm trong một ấn phẩm quan họ. Cho đến album cá nhân đầu tay “Sở cầu như ý” làm năm 2012, liền chị đã đi một bước dài về nghề nghiệp.
Gần đây, ngẫu nhiên nghe một số bài quan họ cổ qua giọng Thanh Quý trong ấn phẩm này, những bài “Sở cầu như ý”, “Súc miệng ấm đồng”, “Lệnh ngự”, “Giăng bao nhiêu tuổi giăng già”, “Vốn liếng em có 30 đồng”…, “Chim khôn đỗ nóc nhà quan” hát cùng tốp nữ nhà hát quan họ, “Chim khôn đỗ ngọn thầu dầu” hát cùng đồng nghiệp Văn Tuấn…, nghe đến đâu, “thấm” đến đấy về độ mượt và đằm của giọng hát vang, trường hơi, có cái tình gửi vào câu hát. Cảm nhận của người ngoại đạo được củng cố thêm khi Thanh Quý chia sẻ: Nhiều khán giả nói với em, nghe đĩa “Sở cầu như ý” một, hai lần còn chưa “vào”, nhưng rồi càng nghe lại càng thích hơn!
Mới gặp trong một buổi tập bận rộn tại Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh sau những ngày Thanh Quý cùng anh chị em đi diễn khắp miền Bắc, lại đang chuẩn bị vào Fesstival Huế, mừng với liền chị khi biết “Sở cầu như ý” in lượt đầu 3000 bản đã phát hành hết, nay vừa tái bản thêm 6000 đĩa. Đợt làm album, chuẩn bị cả năm trời. Những bài Thanh Quý chọn đưa vào, đa số khó hát và mới đối với khán giả. Mặc dù đều là quan họ cổ, nhưng còn ít phổ biến trong công chúng. Những bài đó, về Bắc Ninh, mọi người gặp chủ yếu trong các canh hát tại nhà nghệ nhân hơn là nghe ở ngoài hội. Thanh Quý tâm sự: “Em cũng biết phần đông khán giả trẻ thích nghe những bài ca mới hơn chứ ít khi chịu nghe những bài cổ. Nhưng mình cần phải hát, phải giới thiệu những bài bản như thế cho mọi người biết đến rộng rãi hơn. Đấy mới là phần gốc của quan họ…”.
Suy nghĩ ấy, có lẽ là của những người đã thấy mình phải tự nhận trách nhiệm với quan họ, với việc làm sáng lên câu hát giữa đời sống biểu diễn và thưởng thức đang nhiều những nhận định, đánh giá đa chiều. Rồi sự hiểu biết, sự yêu thích quan họ cũng nhiều màu vẻ, mức độ. Mà sự nhìn nhận đâu có bao giờ là đồng nhất! Thậm chí còn trái chiều nữa! Nên những người hát quan họ, yêu thương câu hát đến mê đắm cả lòng mình trước, sẽ luôn luôn và lâu dài chuyên chú vào việc giúp mọi người cảm nhận được vẻ đẹp của quan họ. Với Thanh Quý, trước kia, những người đã bền bỉ thực hiện nhiệm vụ tự thân ấy là các nghệ nhân: Cụ Bàn, cụ Nhi, bà Hình, ông Sân… mà liền chị có dịp học hỏi, rồi đến những thầy cô – đồng nghiệp đi trước trong nghề hát như các NSƯT Thúy Cải, Quý Tráng, Lệ Ngải, Khánh Hạ… Và bây giờ, chắc chắn phải đến lượt những người thuộc thế hệ của mình thôi, liền chị tâm sự: “Có nhiều suy nghĩ, đánh giá khác nhau về dòng chảy quan họ, về quan họ đoàn, quan họ trên sân khấu. Những người theo nghề biểu diễn như chúng em, có lẽ cách hay nhất là hát, là thể hiện sao cho tốt, không xa rời những giá trị cổ truyền”. Thanh Quý là Phó Đoàn 2 của nhà hát, là đoàn tập hợp nhiều giọng ca trẻ, góp phần lan tỏa quan họ rộng rãi trên sân khấu, sử dụng âm nhạc và đưa những yếu tố dàn dựng vào các tiết mục. Vừa đáp ứng nhu cầu của nhiều thành phần khán giả, làm sao để những gì được trình diễn có sự mới mẻ, nhưng lại không được đánh mất nội dung, phong cách bài hát. Đó là những đòi hỏi không ngừng với những người như Thanh Quý.
Đương nhiên, muốn làm điều đó, ngoài sự thấm thía, ngoài tình yêu, cũng phải nhìn đúng khả năng của mình để xác định có nên theo nghiệp lâu dài hay không. Thanh Quý thấy mình, trong thời gian này, có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nghề. Và quan họ với liền chị, trước kia chưa hiểu, chưa thích, nhưng bây giờ đã thành điều gì đó thiêng liêng không thay đổi được. “Nghe và hát, hiểu dòng chảy của quan họ, hiểu lời ca, giai điệu, sẽ thấy quan họ tình tứ, đắm đuối như thế nào”, liền chị chia sẻ.
Bắt đầu từ khi Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Bắc Ninh tuyển học sinh theo diện đào tạo nguồn vào năm 2001, cô học trò người thôn Dương Húc, xã Đại Đồng, Tiên Du, Bắc Ninh vốn mê văn nghệ nhà trường nhưng vẫn chưa tự tin cho lắm, đã mạnh dạn đăng ký thử bài “Đêm qua nhớ bạn”. NSƯT Khánh Hạ “chấm” ngay với lời nhận xét, giọng của Quý vang, sáng, hát quan họ rất hợp! “Khi ấy em mới nghĩ rằng em có thể hát quan họ” – Thanh Quý nhớ lại. Đi học trong trường, được trang bị “vốn liếng” 150 bài trong ba năm, gọi là cơ sở, bao quát cả ba chặng hát giọng lề lối, giọng vặt và giọng giã bạn. Còn lại, để thêm vốn liếng, kỹ năng, kinh nghiệm, cần phải tranh thủ những đợt nhà trường tạo điều kiện cho xuống làng Diềm, làng Lim học nghệ nhân. Và nhất là phải tự học. Cho đến khi ra công tác rồi vẫn phải sắp xếp thời gian biểu diễn, việc cơ quan, việc nhà để tiếp thu từ các nghệ nhân được nhà hát mời lên thỉnh giảng, hoặc cất công xuống làng học hỏi thêm. Lại cũng phải chịu khó theo các nghệ sĩ kỳ cựu. Thanh Quý học từ cô Khánh Hạ kỹ thuật nẩy và sự khéo léo trong nhả chữ, học cô Thúy Cải về phong cách biểu diễn và cách tập cho giọng vang. Cô Lệ Ngải cũng hướng dẫn cho Quý kinh nghiệm thể hiện một số chỗ khó hát. Thầy Quý Tráng nhiều năm qua, uốn nắn cho cô học trò rất nhiều về cách thể hiện, biểu diễn, và góp ý, rèn giũa cho Quý nhiều bài khó trong album “Sở cầu như ý”.
Năm 2005, nữ nghệ sĩ – liền chị Nguyễn Thanh Quý – Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh, cùng giành giải A Liên hoan hát dân ca Việt Nam với tiết mục song ca bài “Lấy gì làm thú giải phiền”. Năm sau, Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, Quý được HCV song ca bài “Tiên sa xuống cõi trần chơi” và HCB đơn ca bài “Lý cây đa”. Đến liên hoan năm 2012, một HCB nữa dành cho Thanh Quý và đồng nghiệp trong tiết mục song ca bài “Tương phùng tương ngộ”. Hồi còn học trong trường, hai năm 2002 và 2003 tham gia Liên hoan tiếng hát các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc, Thanh Quý cũng từng được giải A và B đơn ca. 10 năm theo nghiệp hát và quãng thời gian dài hơn thế đã đi theo quan họ, thêm yêu thương, sẻ chia và thêm trải nghiệm khi làm vợ, làm mẹ, khi đến với khán giả nhiều miền đất, Thanh Quý thấy mình đang đằm thắm hơn, và liền chị nghĩ đến những điều còn ở phía trước.
Bài: Nguyễn Quang Hưng
Ảnh – Internet: Thanh Quý
(Theo: Thời Nay)