Vậy âm nhạc giọng giã bạn có những tính chất, đặc điểm gì, giống hoặc khác với các giọng trong toàn bộ hệ thống quan họ như thế nào?
I. NHỮNG YẾU TỐ CÓ ẢNH HƯỞNG CHI PHỐI TRỰC TIẾP HOẶC GIÁN TIẾP ĐẾN ÂM NHẠC GIỌNG GIÃ BẠN:
1. Tục kết bạn quan họ
Theo tục lệ kết bạn của quan họ là: quan họ bọn trai kết bạn với quan họ bọn gái (khác làng).
Mọi cuộc gặp gỡ dù ở mức độ tình cảm nào cũng đều phải chia tay. Nhưng chia tay của quan họ khác với một số loại dân ca khác ở chỗ: chia tay với một tình cảm đã được gắn bó cả trong câu hát và trong đời sống. Chính vì vậy mà sự chia tay của liền anh, liền chị quan họ càng đậm đà, lưu luyến.
Người về em vẫn khóc thầm
Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa
2. Bản chất giã bạn quan họ
Một số loại hình dân ca Việt Nam, khi hát chia tay cũng đồng thời là chia tay cuộc gặp gỡ. Với dân ca quan họ, chia tay trong câu hát chỉ là kết thúc một canh hát cụ thể. Bởi lẽ, ca hát chỉ là một thành tố trong tổng thể sinh hoạt văn hóa quan họ. Ví như: Ngày hội làng, các quan họ thường ra đình làm lễ, sau đó ca hát tại cửa đình, buổi tối tiếp tục ca hát trong gia đình ông trùm, bà trùm (có nơi gọi anh Cả, chị Cả), sáng ngày hôm sau đi thăm hỏi gia đình các bạn quan họ, rồi cùng nhau ra chơi hội, trong hội lại tiếp tục ca hát, rồi mới thực sự “giã bạn”.
3. Lề lối ca hát quan họ:
Hình thức ca hát quan họ là: Hát đối, đôi nam, đôi nữ. Khác với hệ thống giọng vặt, giọng giã bạn không nhất thiết phải là đối giọng. Có lẽ xuất phát từ điểm khác biệt về hình thức đối đáp, nên số lượng bài bản giọng giã bạn ít hơn so với các giọng khác trong hệ thống quan họ. Đó chính là một trong những nguyên nhân tạo nên tính phổ biến trong các bài bản giọng giã bạn. Hơn nữa giọng giã bạn được hát ở giai đoạn cuối một canh hát, do vậy mức độ tình cảm khi chia tay cũng là yếu tố chi phối trực tiếp tới lời ca, âm nhạc giọng giã bạn.
4. Lời ca:
Lời ca giọng giã bạn được hình thành từ thể thơ lục bát, hoặc lục bát biến thể. Nội dung lời ca phản ánh sâu sắc tình cảm lưu luyến chia tay của người quan họ. Ngôn ngữ lời ca mộc mạc, giàu hình ảnh gợi cảm:
II. ĐẶC ĐIỂM ÂM NHẠC:
1. Thể dạng
Qua tìm hiểu chúng tôi thấy dân ca quan họ ngoài bài bản thuộc dạng hát, còn có những bài ở dạng ngâm. Ví dụ: Phú ngũ canh…
Đối với bài bản giọng giã bạn, chủ yếu ở dạng hát. Ví dụ: Kẻ Bắc người Nam … hoặc kết hợp giữa hát với ngâm. Ví dụ: Bài Con nhện giăng mùng...
2. Bố cục
Hệ thống bài dân ca quan họ thường có những hình thức kết cấu điển hình như:
– Một bộ phận (dạng hát) như: Cây trúc xinh, Yêu nhau cởi áo cho nhau…
– Hai bộ phận:
+ Bộ phận mở đầu ngâm (bỉ) kết hợp với bộ phận chính dạng hát như: Chim khôn đỗ ngọn thầu dầu, Áo xếp nguyên…
+ Bộ phận chính dạng hát, kết hợp với bộ phận kết (đổ) ở dạng hát, hoặc dạng ngâm như: Ngồi tựa mạn thuyền…
– Ba bộ phận
Mở đầu ngâm (bỉ) kết hợp với bộ phận chính (hát) kết hợp với bộ phận kết (đổ) như: Lên núi Ba Vì, Em là con gái Bắc Ninh…
Đối với bài bản giọng giã bạn thường có kết cấu một bộ phận chính, ở dạng hát có nhịp điệu, tiết tấu rõ ràng. Trong từng bài ca chia làm nhiều trổ. Về âm nhạc, các trổ trong bài ca tương đối cân xứng nhau về cao độ, trường độ, tiết tấu… Ví như Chia rẽ đôi nơi trổ 1 lời ca “Bây giờ chia rẽ đôi nơi, kẻ về người ở như khơi mạch sầu”. Cùng với hệ thống âm đệm, câu đệm, âm nhạc kéo dài 31 nhịp 2/4. Trổ 2 lời ca “Ruột tằm chín khúc quặn đau, lòng này ai tỏ cho nhau hỡi lòng”. Cùng với hệ thống âm đệm, câu đệm, âm nhạc kéo dài 31 nhịp 2/4.
Qua phân tích hai trổ trong bài Chia rẽ đôi nơi cho một kết quả: Phần âm nhạc giữa hai trổ có chăng chỉ khác nhau chút ít về cao độ (do thay đổi thanh điệu của lời ca). Ví dụ: Chia rẽ đôi nơi…
Bên cạnh hình thức kết cấu một bộ phận ở dạng hát, giọng giã bạn còn có hình thức kết cấu hai bộ phận (dạng ngâm với dạng hát). Ở những trường hợp này, bộ phận ngâm bao giờ cũng ngắn gọn. Ví dụ: Con nhện giăng mùng…
Trong những trường hợp kết cấu tương tự với bài bản giọng giã bạn (ngâm với hát) phần ngâm của giọng vặt thường kéo dài hơn phần ngâm của giọng giã bạn. Ví như những bài Cầm sắt vân vi, Thiết tha, Đào nguyên…
3. Giai điệu
– Bước tiến hành giai điệu là những âm liền bậc, hoặc cách bậc (thường không quá quãng 5) lên xuống theo hình sóng. Ví dụ: Kẻ Bắc người Nam… hoặc Chia rẽ đôi nơi
– Nếu như bài bản giọng lề lối hiếm thấy hiện tượng chuyển giọng, chuyển điệu, giọng vặt đã có biểu hiện chuyển giọng, chuyển điệu, thì từng bài giọng giã bạn đều có những khuynh hướng, hoặc chuyển giọng, chuyển điệu một cách điêu luyện trên cơ sở điệu thức năm cung. Ví dụ: Con nhện giăng mùng…
– Thủ pháp láy lại nguyên vẹn một bộ phận trong bài ca (cả nhạc và lời) đã làm cho câu nhạc được cân đối và góp phần nhấn mạnh tình cảm day dứt, nhớ thương khi phải chia tay của quan họ. Ví dụ: Chia rẽ đôi nơi…
Đặc biệt thủ pháp láy lại nguyên vẹn âm nhạc và lời ca ở phần cuối các trổ trong bài ca như những điệp khúc nhấn mạnh chủ đề. Ví dụ: phần cuối các trổ trong bài Chuông vàng gác cửa tam quan, bài Tạm biệt từ đây, bài Chia rẽ đôi nơi…
4. Khuôn nhịp, tiết tấu
Hầu hết bài bản giọng giã bạn sử dụng loại nhịp 2/4 hoặc 4/4. Chưa thấy trường hợp nào sử dụng nhịp 3/4 hoặc 3/8 từ đầu đến cuối bài. Tiết tấu bình ổn hiếm có trường hợp đảo phách, hay chấm dật như một số bài thuộc giọng vặt (Lấy gì làm thú giải phiền, Trấn thủ lưu đồn). Có lẽ chủ yếu do tình cảm khi chia tay nên giọng giã bạn không thấy những bài ca có tiết tấu sôi nổi như trong hệ thống giọng vặt.
5. Âm đệm
Số lượng âm đệm giọng giã bạn ít hơn so với các giọng thuộc hệ thống quan họ. Trong từng bài ca, thường sử dụng từ đệm, câu đệm mang ý nghĩa như Quan họ nghỉ chúng em ra về, Đôi tôi trở ra về, Dầu lòng vậy, cầm lòng vậy v.v…
Bài ca giọng giã bạn không sử dụng âm đệm mở đầu (thường vào ngay lời chính). Hệ thống âm đệm xen kẽ lời ca ngắn gọn (xem các ví dụ đã dẫn trên). Có lẽ ở một giai đoạn lịch sử nhất định, do yêu cầu phát triển âm nhạc, bài dân ca thường sử dụng nhiều âm đệm không mang ý nghĩa cụ thể. Rồi đến một giai đoạn khác, do nhu cầu thẩm mỹ, âm nhạc và lời ca lại gắn bó song song cùng phát triển. Hệ thống âm đệm trong mỗi bài ca được lược bớt đi, những âm đệm không mang ý nghĩa cụ thể. Thay thế vào đó là những từ đệm, câu đệm có nghĩa làm cho bài ca gọn gàng, dễ hiểu, chủ đề âm nhạc và lời ca thống nhất.
6. Mối quan hệ giữa lời ca và âm nhạc
Nghệ thuật phổ nhạc vào thơ là hình thức tương đối phổ biến trong quan họ. Chính vì lẽ đó mà lời ca và âm nhạc luôn gắn bó với nhau. Tuy vậy ở mỗi loại dân ca, cũng như mỗi loại giọng trong dân ca quan họ đều có những mức độ gắn bó khác nhau. Với giọng giã bạn, lời ca và âm nhạc chỉ phản ánh một chủ đề lưu luyến, chia tay của người quan họ.
Ngôn ngữ lời ca mộc mạc giàu hình ảnh gợi cảm, lại được hình thành từ thể thơ lục bát giàu nhạc tính đã góp phần không nhỏ vào việc gợi mở những cảm xúc cụ thể cho nội dung âm nhạc. Ngược lại âm nhạc không làm đảo lộn trật tự cũng như sự gián đoạn ý tứ của lời ca.
III. KẾT LUẬN:
Chính từ những mức độ khác nhau đó đã tạo nên đặc điểm âm nhạc giọng giã bạn.
Là một loại hình văn nghệ dân gian, do vậy trong các bài bản giọng giã bạn không phải bài nào cũng mang đầy đủ những tính chất, đặc điểm âm nhạc giọng giã bạn. Nhưng ở mức độ tương đối, có lẽ từng bài ca phải có được những tính chất sau đây:
+ Bước tiến hành giai điệu là những âm liền bậc, hoặc cách bậc (không quá quãng 5) theo hình sóng.
+ Thường áp dụng thủ pháp láy lại nguyên vẹn, hoặc biến hóa trong giai điệu, hay láy lại nguyên vẹn cả âm nhạc và lời ca ở cuối mỗi trổ trong bài ca như những điệp khúc nhấn mạnh chủ đề.
– Khuôn nhịp thường áp dụng nhịp 2/4, 4/4. Tiết tấu bình ổn, không có những bài bản có tiết tấu sôi nổi.
– Âm đệm ít hơn so với các giọng cổ quan họ. Thường sử dụng từ đệm, câu đệm có nghĩa.
– Lời ca được hình thành từ thơ lục bát, hoặc lục bát biến thể, giàu hình ảnh gợi cảm, giàu nhạc tính góp phần cụ thể hóa cho chủ đề âm nhạc. Ngược lại âm nhạc không làm đảo lộn, hoặc gián đoạn ý tứ của lời ca./.
Hoắc Công Huynh/ (Trung tâm văn hóa quan họ Bắc Ninh, Một số vấn đề về văn hóa quan họ, 2000)