Tuy quan họ đã có chỗ đứng trong lòng khán giả miền Nam nhưng nghệ sĩ Quý Thăng vẫn mang nhiều trăn trở: “Giữ gìn bản sắc gốc của quan họ Bắc Ninh là nguyên tắc bất di bất dịch nhưng làm được điều đó không dễ. Người Nam hát quan họ, ít nhiều cách phát âm, nhả chữ theo hướng Nam Bộ. Do vậy, tôi luôn yêu cầu học viên phải phát âm, hát đúng chất Bắc”.
“Ăn một miếng trầu, cầm lấy. Ăn một miếng trầu, không ăn cầm lấy, không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng… Trầu này trầu tính trầu tình, ăn vào cho đỏ môi mình môi ta”.
Thật bất ngờ khi giữa thành phố mang tên Bác, được nghe làn dân ca quan họ mượt mà của những liền anh áo the, khăn đóng, liền chị mớ ba, mớ bảy xứ Kinh Bắc. Làn điệu ấy không chỉ gợi nhớ về cố hương trong lòng những người con Bắc Ninh mà còn làm say đắm bao tâm hồn sinh ra trên mảnh đất phương Nam trù phú. Người có công mở đường và phát triển quan họ vào miền Nam là nghệ sĩ Quý Thăng – một “anh Hai quan họ” thứ thiệt.
Hiện nghệ sĩ Quý Thăng là chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) quan họ Mười Nhớ và Giám đốc Công ty Văn hóa nghệ thuật Kinh Bắc có trụ sở trên đường 28, quận Gò Vấp. Không chỉ hát quan họ phục vụ lực lượng Quân đội, Công an nhân dân, quần chúng và bè bạn quốc tế, nghệ sĩ Quý Thăng còn đào tạo những giọng ca triển vọng, mở hàng trăm lớp dạy miễn phí cho những ai đam mê làn điệu này.
Nhắc lại tháng ngày mang quan họ vào lập nghiệp ở TP HCM, nghệ sĩ Quý Thăng trầm ngâm bảo rằng đó là cuộc hành trình đầy chông gai. Sinh ra tại Hà Nội nhưng lớn lên tại xã Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh, từ nhỏ, ông đã sớm bén duyên với làn điệu thắm tình này. Trong kháng chiến chống Mỹ, với chất giọng đằm thắm, mượt mà, ông tham gia hát quan họ phục vụ các lực lượng vũ trang rồi được cử đi học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội).
|
Nghệ sĩ Quý Thăng (thứ 2 từ phải sang) và các nghệ sĩ CLB Mười Nhớ trong một tiết mục. |
Năm 1984, nghệ sĩ Quý Thăng chuyển vào TP HCM và học ngành Thanh nhạc dân tộc tại Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam và Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM). Kể từ đây, ông bắt đầu bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, sáng tác, dạy và hát quan họ…
“Định cư ở TP HCM, tôi cùng các anh chị em trong Hội đồng hương Hà Bắc (nay là Bắc Ninh, Bắc Giang) lập nên nhóm hát. Hát cho đỡ nhớ quê. Nhưng đi xem văn nghệ nhìn nghệ sĩ hát quan họ nhưng vận áo vest, mặc đầm, tôi trộm nghĩ khán giả miền Nam cũng có nhiều người nghe quan họ nhưng lối hát, hình thức biểu diễn của nghệ sĩ chưa đúng. Tôi nghĩ phải làm gì đó cho làn điệu quê mình” – nghệ sĩ Quý Thăng chia sẻ.
Để giữ gìn nguyên gốc quan họ, nhiều lần ông về quê để tìm áo the, khăn mỏ quạ, học cách têm trầu, vấn khăn và tìm hiểu làn điệu quan họ cổ. Khó khăn vấp phải ngày đầu chính là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các dòng nhạc. Quan họ lúc đó vẫn còn khá lạ lẫm với công chúng chỉ quen nghe nhạc nhẹ, đờn ca tài tử Nam Bộ. Không hiếm lần đoàn đang hát mà khán giả kéo nhau bỏ về.
Hơn 20 năm gắn bó với CLB, nghệ sĩ Quý Thăng không nản lòng để đưa làn điệu quê hương đến với công chúng miền Nam. Bằng những buổi biểu diễn phục vụ bà con đồng hương nhỏ lẻ, phục vụ đám cưới, mừng thọ, tham gia chương trình “Dân ca và nhạc cổ truyền” trên Đài Tiếng nói Việt Nam… nhiều đơn vị bắt đầu tìm đến và ngỏ lời mời. CLB không chỉ tham gia biểu diễn ở hội nghị, khách sạn mà còn góp mặt trong các sự kiện lớn như: Hội nghị APEC 2006, Hoa hậu Trái đất 2010 tại Nha Trang…
Một điều đáng ngạc nhiên là tham gia các lớp học hát quan họ có không ít học viên quê ở Tiền Giang, Long An, Cà Mau… Mới đây trong dịp biểu diễn phục vụ Công an Đồng Nai, lãnh đạo Công an tỉnh mời ông dạy hát quan họ cho chiến sĩ. Ông gật đầu, sẵn sàng dạy miễn phí. Thắc mắc, ông cười xòa: “Người ta có yêu quan họ mới học. Được vậy mình vui lắm rồi. Cốt sao dạy cho anh em hát thật hay, thể hiện được cái tình, cái duyên quan họ”.
Tuy quan họ đã có chỗ đứng trong lòng khán giả miền Nam nhưng tâm sự với tôi, nghệ sĩ Quý Thăng vẫn mang nhiều trăn trở: “Giữ gìn bản sắc gốc của quan họ Bắc Ninh là nguyên tắc bất di bất dịch nhưng làm được điều đó không dễ. Người Nam hát quan họ, ít nhiều cách phát âm, nhả chữ theo hướng Nam Bộ. Do vậy, tôi luôn yêu cầu học viên phải phát âm, hát đúng chất Bắc”.
Cũng không ít người học hát, nghe quan họ như một thú vui, theo phong trào chứ không hiểu gì về cái hay, cái đẹp làn điệu dân gian mà bác học này. Ngoài ra, tiền cát-xê một buổi biểu diễn không cao khiến nhiều học trò tài năng do ông dày công đào tạo bỏ “cuộc chơi” hoặc làm thêm để mưu sinh. Đời sống của nghệ sĩ theo dòng nhạc cổ truyền khá chật vật nếu không muốn nói là nghèo túng. Hầu hết gắn bó với nghề bởi lòng đam mê
Quỳnh Nga (Theo CANN Online)