GiadinhNet – Đến hẹn lại lên, cứ ngày mồng 6 tháng Hai âm lịch, du khách thập phương lại đổ về làng Diềm (xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) để dự lễ hội Thủy tổ Quan họ. Lễ hội vừa tưởng nhớ đến công lao của bà Thủy tổ – người đã sáng lập ra quan họ, vừa là nơi để con cháu, người xa xứ tìm về để nhớ nguồn cội.
Tương truyền Đức Vua Bà chính là người đã sáng lập ra những làn điệu Quan họ ấm lòng người
Mưa xuân tháng Hai lất phất hòa vào tiếng trống hội rộn ràng như giục bước chân du khách tìm về với lễ hội. Cũng giống như mọi lễ hội làng quê vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc, Hội Diềm vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc, không hổ danh là cái nôi quan họ lâu đời. Ngoài ao làng nơi có đền Cùng, giếng Ngọc đâu đâu trong các gian nhà ngõ hẻm đều véo von những làn Quan họ cổ da diết tâm hồn kẻ ở người đi.
Hàng vạn người từ người làng đến du khách mặc trời rét buốt đổ về đền Vua Bà trẩy hội
Mưa xuân, gió lạnh không ngăn cản được những người con quê hương về đây trao nhau câu quan họ. Người già, trẻ nhỏ không ai bảo ai, gác hết công việc rộn ràng bước chân về đền bà Thủy tổ. Có đến đây mới thầy tình yêu quan họ mãnh liệt và trường tồn, ngấm trong lời trao duyên, trong chén nước ấm trà của người làng Diềm (nay là làng Viêm Xá).
Hội bà Thủy tổ là hội lớn nhất ở làng quê Viêm Xá
Một không gian linh thiêng được tái hiện để tưởng nhớ những công lao mà bà Thủy tổ để lại cho làng. Cụ ông cụ bà mặc áo gấm linh thiêng, các liền anh liền chị khăn xếp áo the chỉnh tề. Dàn nhạc cụ gồm 9 trống, 4 chiêng do Viện Văn hóa – Thông tin trao tặng vang lên từng hồi thúc giục.
Hai vị tướng nhà trời uy nghiêm, lừng lẫy
Chưa có một làng quan họ nào lại có đội quan họ lớn và nhiều thế hệ như ở làng Diềm
Tương truyền răng, Đức Vua Bà là con gái Hùng Vương, đến tuổi cập kê nhưng không lấy chồng mà xin phép vua cha đi chu du thiên hạ. Khi bà vừa ra khỏi thành, có cơn mưa lớn bất ngờ cuốn phăng bà và các tì nữ đến Ấp Viêm Trang ( thôn Viêm Xá ngày nay). Tại đây bà đã cho dân làng khai khẩn đất hoang, dựng vợ gả chồng và dạy họ những làn điệu quan họ. Để tưởng nhớ công lao ấy, cứ vào buổi sáng khai hội mọi người lại diễn lại tích “Bà Chúa phát lệnh mở hội xuân”, mong bà cho mưa thuận gió hòa, vật thịnh dân an.
Diễn lại sự tích “Bà Chúa phát lệnh mở hội xuân”
Những làn điệu quan họ ấm áp ân tình của các liền chị
Lễ rước kiệu diễn ra uy nghiêm, do hàng trăm người dân trong làng tham gia, xuất phát ở đền Vua Bà sang đình làng, đến đền Cùng rồi quay lại đền Vua Bà.
Rước lễ hội làng Diềm
Lễ rước gồm nhiều đoàn với đủ cờ hoa, cờ xí, lọng, vật phẩm
Cụ ông Nguyễn Văn Thư chia sẻ: “Quan họ làng Diềm là do Vua Bà sinh ra, người làng Diềm yêu quan họ từ trong bụng mẹ nên ý thức được điều ấy chúng tôi luôn gìn giữ những làn điệu dân ca cho con cháu có đi đâu cũng đừng quên ơn đức Vua Bà”.
Làng Diềm là nơi duy nhất trong số 49 làng quan họ gốc của vùng Kinh Bắc có đền thờ Thủy tổ Quan họ. Tiếng quan họ vang lên suốt lễ hội, những liền anh liền chị tình tứ trao làn điệu duyên dáng và cảm ơn sự yêu mến của du khách.
Từ những người con của làng cho đến những du khách thập phương đều say đắm trong không gian hữu tình. Thưởng thức những cung bậc “ vang – rền – rền – nảy” và cảm nhận sự mến mỏi của người dân làm du khách cứ lưu luyến bước chân chẳng muốn rời.
Hát quan họ ở lễ hội làng Diềm 1
Hát quan họ ở lễ hội làng Diềm 2
Những liền anh, liền chị mời trầu và hát quan họ dưới mạn thuyền
Bên cạnh màn lễ hội, hát quan họ còn có những trò chơi dân gian: chọi gà, nặn tò he, đánh đu.
Lễ hội tôn vinh Đức Vua Bà không chỉ gói gọn trong làng Quan họ Viêm Xá mà đã trở thành nét văn hóa độc đáo trên quê hương Kinh Bắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” rất đáng trân trọng trong truyền thống dân tộc… Trẩy hội làng Diềm có thể ví như một cuộc hành hương về với cội nguồn làng Việt cổ, nơi đó mọi lo toan trần tục tạm lắng xuống cho những thanh âm trong trẻo của Quan họ vấn vít tâm hồn:
Bao giờ cho đến Hội Diềm
Cho tình thêm thắm, cho duyên thêm nồng.
Bài và ảnh: Trần Hải