Người ta gọi là một giọng mà không gọi là một bài, một điệu quan họ vì, có giọng chỉ có một vài câu, không thành bài. Những giọng đó người quen đi hát đều thuộc lòng âm điệu, mới hát lên họ đã biết là thuộc giọng gì rồi. Ví dụ người ta thường gọi: giọng đường bạn, giọng ngay, giọng sổng v.v…

Quan họ là một nguồn vô tận về dân ca ở Bắc Ninh. Nhưng chúng tôi được biết, được nghe đã có tới hàng trăm giọng khác nhau. Đó là chưa kể những giọng cổ thất lạc đi mà các cụ bảy tám mươi tuổi và những người trẻ, mới, không thuộc hết. Và, không kể cả những giọng mà chúng tôi chưa được nghe hoặc chưa sưu tầm được.

Mỗi giọng lại có nhiều lời khác nhau. Cứ nghe một chị nói như sau đây thì ta cũng thấy là văn chương trong quan họ phong phú đến chừng nào:

“Các anh cứ để chúng tôi hát ba ngày đêm liền cũng chẳng hết được văn chương của chúng tôi! Và cam đoan với các anh là mỗi lời một khác!…”

Điều chúng ta cần nhận định trước tiên là có một số giọng quan họ ghi chép và phổ biến không giữ được đúng tính chất của quan họ nữa. Một là khi ghi không những đã sai, người ghi còn phóng tác thêm ra nữa. Hai là một đôi giọng đã bị lai, tiểu tư sản hóa đi đến nỗi có giọng nghe du dương như một kiểu ngâm thơ nào đó, không còn giữ được tính chất thắm thiết, phơi phới… của quan họ.

gqh_1357887838002

Cuộc thi giọng hát hay Dân ca Quan họ

Quan họ có những giọng đặc cổ, nghĩa là giữ nguyên bản chất đặc biệt của loại dân ca quan họ, không bị pha trộn hay ảnh hưởng một thứ nhạc khác. Lại có những giọng dé kim, là những giọng có ảnh hưởng của những nét nhạc cổ khác nhau: chèo, cô đầu, thầy cúng, miền Trung, miền Nam… Nhưng giọng nào của quan họ cũng có đặc tính của nó, không trộn lẫn đi đâu được (sẽ nói sau trong phần đặc tính của nhạc quan họ).

dangxa_1357985669028

Một canh hát Quan họ cổ

Các cụ ở Bồ Sơn đã có câu hát:

Năm mươi hai giọng ngân nga
Mười cung, năm khách, hừ la, tang tình
Đường bạn, giọng ngay, giọng chênh
Giọng sổng, giọng lý, huê tình, giao duyên
Kể từ các tích, các thiên,
Kiểu lẩy, Nhị độ, như biên trong lòng…

Dựa vào các giọng đó, nhân dân dọn ra không biết bao nhiêu giọng hay khác nữa. Vì nhiều nghệ nhân chỉ biết hát không chú ý hỏi xem tên là những giọng gì, nên khi ta hỏi đến là không biết. Và cũng vì thế nên có những giọng không có tên hoặc người ta gán nhầm cho nó những cái tên khác.

Sau đây là một số giọng có tên hẳn hoi, do một số lớn các cụ biết quan họ ở thôn Bồ Sơn đã giới thiệu tên sẵn có, hay đặt cho nó một cái tên mới. Thường trong một cuộc hát, khi sửa soạn vào hát, người ta cất tiếng thử giọng, sóng giọng với nhau. Hát chậm, hát thấp đều đều với nhau cho quen bằng:

1. Giọng hừ la (có lẽ phải gọi là hừ la mới đúng?) Giọng này cũng ví như vỡ nước của chèo. Giọng này chỉ có mấy câu:

Hừ la vui vẻ thế này
Hội nào bằng hội giăng già se dây…

Chỉ như vậy mà cứ âm a, âm ư, láy đi, láy lại, quay đi quay lại giằng dai đến hàng phút đồng hồ mà chưa dứt. Dễ mà thành ra khó hát!

Giọng hừ la và bốn giọng sau đây thường được gọi là những giọng lề lối, tức là những cổ điển quan họ, đặc biệt là không bị pha trộn với những giọng khác, mà người thi hát phải hát trước tiên, như là luật lệ bắt buộc vậy:

1. Giọng hừ la.

2. Giọng ngay.

3. Giọng tình tang.

4. Giọng đường bạn.

5. Giọng lên núi (lên nương).

Năm giọng trên rất khó hát. Có nhiều câu vắt cao lên, hoặc láy, rung không rõ âm thanh, không vào nhịp!

Sau khi hát lề lối xong, người ta thường hát đến giọng:

6. Giọng sổng, hoặc

7. Giọng vụn (cũng có người gọi là giọng vặt) là những giọng dễ hát, không tốn hơi lắm, để cho vỡ giọng thêm ra, trước khi sang những giọng khó khác.

Giọng sổng và giọng vụn thuộc vào loại như những bài hát phổ thông của ta hiện nay, rất phong phú, rất tự do trong thể nhạc, trong sáng tác. Sau khi hát khá nhiều giọng sổng hoặc giọng vụn rồi, họ hát lung tung, muốn hát giọng gì cũng được. Nhưng, dưới đây, chúng tôi tạm xếp loại những giọng cùng loại với nhau để ta dễ nhớ. Thí dụ đến các giọng:

8. Giọng quan họ tuồng

9. Giọng quan họ chèo

10. Giọng quan họ nhà tơ

11. Giọng quan họ chầu văn

12. Giọng quan họ Huế

13. Giọng dầu

14. Giọng ai

15. Giọng sai

16. Giọng luyện

17. Giọng buồn

18. Quan họ lý (Hành vân, Sài Goòng…)

19. Quan họ ru

20. Quan họ đò đưa

21. Quan họ Kiều

22. Quan họ chèo (Trấn thủ lưu đồn…)

23. Quan họ đường bể

24. Quan họ lượn là những giọng đã pha trộn những hơi nhạc của đủ các loại dân ca khác, ở khắp các địa phương.

quanhocauhatjpg_1357985755343

Quan họ – câu hát giao duyên của người Việt

Mỗi giọng trên đây có một tính chất đặc biệt. Không giọng nào giống giọng nào. Ví dụ như giọng quan họ chèo khi hát lên nghe na ná như một giọng nào đó của chèo nhưng lại không phải chèo, mà giọng này lại có những “hơi nhạc” đặc biệt của quan họ không trộn lẫn đi đâu được.

Hát hết những giọng trên đây thì đêm cũng đã về khuya. Tất cả quan họ nghỉ để lại ăn uống no say một lần nữa. Khi bắt đầu uống, họ hát:

25. Giọng chúc (tức là chuốc rượu)

Khi ăn xong, uống nước họ hát:

26. Giọng hãm

Khi ăn uống xong xuôi cả, họ hát:

27. Giọng huỳnh

Vào cuộc hát thì lại có thể tiếp tục đến các giọng:

28. Giọng kể chuyện

29. Giọng năm canh

30. Giọng mười cung

31. Giọng năm cung

Rồi những giọng linh tinh khác, như:

32. Giọng với

33. Giọng thương nhớ

34. Giọng đờn

35. Giọng chênh

36. Giọng lão

37. Giọng cung kiếm

38. Giọng bốn mùa (bốn phương)

39. Giọng khoan đề

40. Giọng nguyệt tá, v.v…

Cuối cùng trước khi chia tay ra về họ hát giọng:

41. Giọng giã bạn

Khi hát giọng cuối cùng này, một bên hát từ tạ ra về, một bên hát mời giữ lại, vẫn giọng ấy.

Hát đến câu giã bạn, có người không muốn dứt ra về. Vừa nghe vừa khóc vì nhớ nhau và khi về đi ngủ còn mơ màng như mình vẫn đang hát với nhau vậy. Cũng có người có giọng tốt, nhớ kỹ, hát được ba mươi sáu giọng (là một bộ gồm ba mươi sáu mẫu của ba mươi sáu giọng khác nhau như ở chèo. Hoặc cũng ví như những cái suites dài của nhạc Âu châu). Tức là một giọng dài, thay đổi nhịp điệu, ca khúc luôn luôn mà hát giọng nọ vẫn ăn với giọng kia, nghe không chối tai.

Các nhạc sĩ chúng ta rất cần nghiên cứu các cách bắc cầu, chuyển thể, chuyển giọng, chuyển nhịp điệu, chuyển tình cảm… của giọng ba mươi sáu giọng này. Quan họ có nhiều giọng và phong phú như vậy, có lẽ cũng vì lý do sau đây:

Vì họ đối giọng là chính?

Đi hát quan họ thi lấy giải, lấy tiếng. Thua nhau vì ít giọng thì ức. Được vì nhiều giọng hơn thì phấn khởi. Do đó những nghệ nhân có tài trong quan họ đi xa về gần, được nghe nhiều những điều lạ, phóng tác thêm thành những giọng mới.

Mà, những giọng đó phải gọi là giọng quan họ vì nó vẫn có cái hơi quan họ không trộn lẫn đi đâu được.

Cũng do vấn đề muốn thêm giọng mới nên có người đi học ở đâu được một giọng, thí dụ như sa mạc chẳng hạn, đem về là cứ thế hát cả một câu sa mạc, gần như in sa mạc thật (hoặc là nhớ không kỹ quên đi hay phóng tác thêm ra). Họ hát lên mẫu đó rồi gắn liền một câu quan họ nào đó thế là thành một giọng mới rồi…/.