Đôi liền anh Quan họ đầy triển vọng

Tại đêm chung kết liên hoan Dân ca Việt Nam lần thứ V năm 2013 – khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ diễn ra vào cuối tháng 3 tại Trung tâm văn hoá Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh) đã có rất nhiều khán giả ngạc nhiên và bất ngờ khi thưởng thức tiết mục “Nhác trông chim sáo đổi hình” – một làn điệu Dân ca Quan họ cổ nguyên bản được thể hiện bởi cặp liền anh 8X Phạm Văn Triệu và Trần Đắc Giang đại diện cho tỉnh Bắc Ninh.

Cặp liền anh Phạm Văn Triệu (phải) và Trần Đắc Giang (trái) với tiết mục “Nhác trông chim sáo đổi hình” tại đêm chung kết liên hoan dân ca Việt Nam lần thứ V – khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ.

Cặp liền anh Phạm Văn Triệu (phải) và Trần Đắc Giang (trái) với tiết mục “Nhác trông chim sáo đổi hình” tại đêm chung kết liên hoan dân ca Việt Nam lần thứ V – khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ.

Đó cũng là một trong số 18 tiết mục dân ca đặc sắc và ấn tượng nhất được Hội đồng giám khảo chọn trình diễn trong đêm chung kết toàn quốc tại Hà Nội vào đầu tháng 5 vừa qua.

Cặp liền anh Phạm Văn Triệu – Trần Đắc Giang đã chinh phục khán giả bởi chất giọng ngọt ngào, đồng điệu trong cách xử lý nhấn nhá và luyến láy để giai điệu bài hát được phát triển liên tục, không bị ngắt quãng. Những liền anh, liền chị có thâm niên trong nghề chơi ở một số làng Quan họ gốc tâm sự: Để hát cặp nhuần nhuyễn, đạt đến độ rung giọng tinh tế và rền – nền như của Giang và Triệu chắc chắn phải có một quá trình luyện tập cùng nhau trong một thời gian dài. Nhưng thực tế thì đó là lần đầu tiên Phạm Văn Triệu và Trần Đắc Giang có sự kết hợp hát cặp với nhau.

Chia sẻ về quá trình luyện tập trước khi tham dự liên hoan, Phạm Văn Triệu kể: “Theo chương trình đăng ký ban đầu, em hát đơn ca bài “Lấy gì làm thú giải phiền”. Đây là một bài Quan họ lời cổ rất hay nhưng rất khó nên em đã có sự chuẩn bị luyện tập khá kỹ. Đến ngày biểu diễn tại vòng sơ khảo, BTC yêu cầu đổi bài khác vì trùng với tiết mục của đơn vị Bắc Giang. Khi đổi sang bài “Nhác trông chim sáo đổi hình, BTC lại yêu cầu phải hát đôi. Sau đó em và các cô chú ở Đài PT và TH tỉnh khá vất vả để tìm người hát cặp nhưng chọn qua một vài người đều thấy không phù hợp. Cuối cùng NSND Thúy Hường-người hướng dẫn em trong suốt một thời gian dài đã quyết định chọn bạn Trần Đắc Giang. Vậy là trong khoảng thời gian ngắn lại gấp như thế (chưa được 2 ngày), em và Giang đã tranh thủ từng phút, từng giờ để luyện hát cùng nhau dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của cô Thúy Hường. Có một buổi cô Hường đi biểu diễn ở tỉnh xa nên ba cô trò phải trao đổi với nhau bằng điện thoại. Lúc đó, cả cô và trò chỉ biết cố gắng hết sức có thể chứ không dám tin lại có được phần trình diễn thành công như đêm chung kết”.

Trần Đắc Giang sinh ra và lớn lên ở Thuận Thành còn Phạm Văn Triệu ở Quế Võ, cả hai đều không thuộc dòng dõi “Quan họ nhà nòi”. Họ chỉ thực sự bén duyên với Dân ca Quan họ sau khi vào học tại trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh. Nhưng hai liền anh trẻ tuổi này đều có năng khiếu, chung một tình yêu, niềm đam mê Dân ca Quan họ và ý thức sâu sắc về trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc. Cá nhân mỗi em luôn nỗ lực và bước đầu có được những thành công nhất định trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình. Triệu từng đoạt giải Nhì cuộc thi Đậm đà khúc hát dân ca năm 2008, giải Nhất ở hội thi hát ca nhạc Quan họ đầu xuân Kỷ Sửu 2009, HCV ở hội thi sân khấu ca nhạc Quan họ đầu xuân Quý Tỵ 2013. Còn Giang cũng là một giọng ca Quan họ trẻ đầy triển vọng ngay từ khi còn là học sinh trong trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và du lịch,  HCV ở Hội thi sân khấu ca nhạc Quan họ đầu xuân Quý Tỵ 2013.

Hiểu rõ về hai giọng ca trẻ này, NSND Thúy Hường chia sẻ: “Triệu và Giang không cùng lớp cũng không cùng khóa nhưng tôi từng có thời gian hướng dẫn cả hai. Chất giọng của Triệu ngọt trong sáng và như có ma lực cuốn hút người nghe mỗi khi em cất tiếng hát. Em khá thông minh trong cách xử lý các kỹ thuật, nảy hạt giỏi, nắm bắt những câu hát khó rất nhanh. Còn chất giọng của Giang khỏe, luyến láy khéo. Hai giọng đó kết hợp, bắt nhịp với nhau tương đối đồng đều, hợp lý. Nếu để chọn ra và đào tạo được một cặp liền anh hát ưng ý như Triệu và Giang chắc chắn phải mất vài năm. Tôi hy vọng, với chất giọng đặc trưng, vừa có ngoại hình tốt vừa có cốt cách của những anh hai Quan họ, hai em sẽ sớm được hoạt động trong môi trường của nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp”.

Những ai biết về Dân ca Quan họ đều hiểu rằng, để có được một “cặp đôi Quan họ hoàn hảo” không dễ. Bởi đòi hỏi hai giọng phải tương hợp bổ sung cho nhau, trong đó luôn có một người hát dẫn, một người hát luồn và hai giọng phải quện thành một. Thực tế đã có những cặp đôi Quan họ hát cùng nhau suốt thời gian dài, nhưng nếu một trong hai người không tham gia nữa thì người còn lại cũng rất khó để tìm được bạn hát mới phù hợp. Nói vậy để thấy, sự kết hợp thành công như cặp đôi Giang-Triệu là “của hiếm” và thật không dễ tìm trong giai đoạn Quan họ đang “khát” liền anh, nhất là liền anh trẻ tuổi như hiện nay.

Bài, ảnh: Thuận Cẩm

Thảo luận cho bài: "Đôi liền anh Quan họ đầy triển vọng"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương