Đừng vội chê ngả nón xin tiền

(TVN) Cần phải nói rõ, không ai thích hay cổ vũ cho việc “ngả nón xin tiền”. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cũng còn nhiều điều phải nhìn nhận kỹ về hiện tượng này.

‘Là dù có yêu nhau thì về…”

 (Quan họ lời cổ)

Cứ dịp này, khi làng Lim vào hội, giới báo chí lại săm soi: năm nay quan họ hội Lim có còn ngả nón xin tiền (trước khi lễ hội diễn ra), rồi quan họ ngả nón xin tiền, đại diện ban tổ chức ‘các liền anh, liền chị miễn cưỡng phải ngả nón xin tiền…”…Hàng chục năm rồi đều với điệp khúc như thế.

Trước tiên, cần phải nói rõ, không ai thích hay cổ vũ cho việc làm nói trên. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cũng còn nhiều điều phải nhìn nhận kỹ về hiện tượng này.

Miễn phí hay hơn phải trả tiền

Ai cũng biết, quan họ Bắc Ninh không phải là một loại hình nghệ thuật biểu diễn. Tức là chưa bao giờ có sân khấu và không có diễn viên chuyên nghiệp và tất nhiên chẳng bao giờ bán vé, thu tiền. Kể từ khi Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh ra đời vào khoảng thập kỷ 70 của thế kỷ trước, quan họ mới được đem trình diễn trên sân khấu nhưng với những người hiểu quan họ thì họ coi đây là “thứ quan họ mậu dịch” và họ ít khi để tâm đến nó.

nga-non-xin-tien-hoi-limHàng biển người đổ về hội Lim mỗi năm. Ảnh: Hoàng Hường

Quan họ là một cách thức giao duyên của người Bắc Ninh, cũng như câu chuyện, sự hàn huyên chúng ta nói với nhau những lúc gặp gỡ. Có khác chăng là quan họ chỉ gặp nhau vào các dịp như nhà liền anh, liền chị trong bọn quan họ nào đó có sự kiện như khánh thành nhà, mừng thọ cha mẹ… và đặc biệt là gặp gỡ ở các lễ hội mùa xuân, trong đó hội Lim là một nơi quen thuộc dần dần trở lên nổi tiếng.

Nói thế để hiểu rõ, quan họ là một hình thức giãi bày với nhau chứ hoàn toàn không phải hình thức biểu diễn lấy tiền. Trước đây, các liền, anh liền chị ở các làng quan họ đến đồi Lim với mục đích là giao duyên với nhau là chính, họ không để tâm đến yếu tố khán giả. Cách đây chừng hai chục năm thôi, chưa có hiện tượng tiền nong ở bất kỳ làng quan họ, canh quan họ nào, hội Lim cũng vậy.

Khác hẳn những loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, cái hay cái đẹp của quan họ là ở những canh hát các liền anh, liền chị tự gặp gỡ, giao lưu chứ không phải chương trình biểu diễn của Đoàn Quan họ Bắc Ninh hay bản thân các liền anh, liền chị hát ở lễ hội ngày nay. Nói quan họ miễn phí hay hơn quan họ phải trả tiền mua vé, hay ném tiền vào nón ở hội Lim là như vậy.

Ngày vui ngắn tựa tày gang…

Khi quan họ phục hồi trở lại, vào quãng đầu cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90, thế kỷ trước, tại nhiều làng quan họ bắt đầu xuất hiện những liền anh, liền chị được nhiều người biết tới. Cuộc thi hát quan họ ngày xuân do Trung tâm Văn hóa Quan họ Bắc Ninh tổ chức cũng ít nhiều góp phần nào sự nổi tiếng của một số cặp liền anh, liền chị tại một số làng quan họ, nhất là ở phần thi hát đối.

Ban đầu là cánh báo chí, một số văn nghệ sỹ… cũng vì yêu thích loại hình ca hát này tìm về. Họ quen biết với các liền anh, liền chị. Và tất nhiên, việc nghe hát đối ở một cuộc thi chưa bao giờ làm cho họ thỏa mãn. Rồi họ tìm về với các lễ hội, thưởng thức quan họ hát hội là phụ, cái đích mà họ hướng tới là nghe quan họ hát canh đích thực, nơi các liền anh, liền chị có tiếng giao duyên tại một gia đình nào đó ở làng.

Phải nói, thực sự đã có những canh quan họ cổ được tái hiện chẳng kém xưa là mấy, hay nói theo ngôn ngữ ngày nay gọi là đỉnh cao thì cũng không sai. Tất nhiên, chẳng ai bán vé hay đòi tiền mới cho khách vào nghe ở những canh hát này. Trái lại, bất cứ ai muốn vào đều được trân trọng chào đón.

Người Bắc Ninh hiếu khách, các liền anh, liền chị càng hiếu khách. Nhiều canh hát đến ba bốn giờ sáng, khách lại từ nơi xa tìm về. Thế là, nhà có gì, họ bày ra mời khách vào giữa hay cuối các canh hát. Phần nhiều, khách cảm động với cách đối đãi quá tình cảm ấy. Hơn nữa, những liền anh, liền chị đa phần đều là nông dân chân lấm tay bùn, kinh tế cũng không dư giả gì.

Khách chơi hội cũng chẳng biết có cách gì đáp lại sau khi đã được ăn, được uống, được nghe hát, nhiều khi còn được quà cáp mang về một cách rất chân tình, mộc mạc, không có sự đòi hỏi…đành rút ra ít tiền gọi là đáp lễ.  Người nọ nhìn người kia, rồi gần như ai cũng rút ví. Cách thức này, dần dần trở thành một xu thế.  Cũng từ đó, một số liền anh, liền chị, một số canh hát ban đầu là sự giao duyên tự nhiên, sau nếu không thấy “đầu tiên” thì cũng hơi nhàn nhạt.. Đương nhiên, kể cả hiện giờ, không phải liền anh, liền chị nào cũng như vậy.

Cũng vào thời điểm này, các lễ hội được phục hồi, cộng với hiệu ứng mạnh mẽ của truyền thông đã kéo khách thập phương đổ về các lễ hội nói chung, lễ hội ở Bắc Ninh – nơi gần như hội nào cũng có quan họ nói riêng – càng đông đảo. Trào lưu quan họ ngả nón xin tiền cũng bắt đầu từ đây.

Cần nói thêm, các liền anh, liền chị đến các lễ hội ngày nay phải biểu diễn phục vụ đông đảo khán giả là chính, thời gian họ tự giao duyên với nhau rất ít mà đây mới là nhu cầu thật của họ. Và thường thì Ban tổ chức Lễ hội cũng mời họ vài bữa cơm, tặng một hai chiếc khăn mặt hay một vài thứ quà có rất ít giá trị về vật chất làm kỷ niệm.

Hội Thổ Hà, nơi thường có canh hát vào đêm hai mốt tháng Giêng âm lịch khá hay bởi nó quy tụ liền anh, liền chị ở nhiều làng quan họ nổi tiếng đổ về. Tại đây, khách xem nhiều khi rất bực mình. Bởi lẽ, màn đối đáp thường vào những lúc hay nhất thì Ban tổ chức lại phải tạm dừng, kiểu như các game show truyền hình giành thời lượng cho quảng cáo, để xướng thật to “xin cảm ông A, bà B..ở địa chỉ X, Y đã hảo tâm ủng hộ chiếu quan họ Z, T..đồng…”.

Bực mình là vậy, nhưng hỏi ra mới biết, để tổ chức một canh hát, họ chỉ được chi tổng số trên một triệu đồng. “Trong khi chỉ để tặng các liền anh, liền chị về hội mỗi người một đôi khăn mặt làm kỷ niệm cũng đã hết hơn ngần ấy, quan họ đến thì ít nhất cũng phải có bữa cơm gọi là tử tế nữa chứ”… Hội Lim và các lễ hội khác cũng ở trong hoàn cảnh tương tự vậy.

Quan họ ngả nón xin tiền cũng là bởi những câu chuyện có thật đó.

  • Khôi Nguyên

Thảo luận cho bài: "Đừng vội chê ngả nón xin tiền"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương