Bài thơ đã được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc năm 1978 thành bài hát Làng Quan họ quê tôi – một trong những bài hát đặc sắc và tiêu biểu cho sự ảnh hưởng của âm nhạc bác học đến dân ca.
Sự tác động của dân ca Quan họ đến thơ là một tất yếu, bởi trong dân ca Quan họ có những mạch ngầm cảm xúc phù hợp với mạch cảm xúc của thi ca và đó cũng là mạch cảm xúc của con người Việt Nam. Chính giá trị nghệ thuật đó là nguồn thi hứng, nguồn chất liệu dồi dào để nhà thơ viết lên những vần thơ đậm chất Quan họ. Nguyễn Phan Hách sinh ra, lớn lên trên vùng quê Quan họ, là người say mê và am hiểu Quan họ. Chính tình yêu và tâm hồn đồng điệu với những làn điệu Quan họ đã khơi nguồn cảm xúc để nhà thơ viết bài Làng Quan họ, bài thơ đã tái hiện được những nét văn hóa cổ truyền của Quan họ với những:
Tháng giêng mùa hát hội
Áo nâu ướp hương trầm
Nón thúng quai thao rủ
Buông dài nếp xống thâm
Đối với người dân vùng Kinh Bắc mùa xuân tháng giêng là mùa của lễ hội, tình yêu đôi lứa. Bài thơ nhắc đến những hình ảnh quen thuộc của Quan họ ở đấy là những câu ca, nón thúng quai thao, áo nâu, cửa đình, rồi đến hình ảnh chị cả tựa mạn thuyền, Quan họ về trao duyên… tất cả cho thấy một không gian văn hóa của người Kinh Bắc hiện lên trên trang thơ đầy ắp chất Quan họ.
Bên cạnh đó Làng Quan họ còn là những vần thơ miêu tả về không khí chiến đấu chống Mỹ của dân tộc, lời ca Quan họ theo người chiến sỹ lên đường ra trận, người phụ nữ đưa chồng, tiễn người yêu cũng bằng câu hát:
Em tiễn anh lên đường
Đứng bên bờ em hát
Muốn gửi đi theo anh
Cả dòng sông trong mát.
Với người Kinh Bắc câu ca Quan họ giờ đây không chỉ là câu hát đơn thuần trong những ngày lễ hội, nó còn là những tâm tư nguyện vọng, là tình cảm quê hương, là tình yêu đôi lứa và hơn hết được lồng vào tình yêu đất nước.
Từ sáng tác của thi ca đến âm nhạc bác học là một quá trình sáng tạo và biến đổi. Đến năm 1978 bài thơ Làng Quan họ được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc và có tên là Làng Quan họ quê tôi. Như vậy sau mười năm bài thơ tồn tại theo đúng nghĩa của một bài thơ, Làng Quan họ đã được chắp lời ca tiếng hát từ đó tồn tại trong một loại hình nghệ thuật mới. Ở đây phải kể đến vai trò của người nhạc sĩ là rất quan trọng, Nguyễn Trọng Tạo đã thổi vào bài thơ một sức sống mới, một tâm hồn đồng điệu giữa thi ca và âm nhạc, từ đó tạo ra sự hài hòa cân đối và sâu lắng. Khi trở thành một tác phẩm âm nhạc, bài hát Làng Quan họ quê tôi đã có một sức sống mới, có sự biến đổi để phù hợp trong môi trường tồn tại của mình. Đối chiếu giữa hai văn bản của thơ ca và âm nhạc chúng ta rất dễ dàng nhận ra điều đó. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã bắt được cái hồn của bài thơ, ông không lấy nguyên mẫu từng câu từng chữ trong Làng Quan họ, mà sử dụng những câu, những đoạn phù hợp với ý tưởng của mình.
Cho đến nay bài hát Làng Quan họ quê tôi từ một tác phẩm âm nhạc bác học trở thành một bài hát dân ca, chính xác hơn là lẫn vào dân ca và tồn tại như một bài dân ca Quan họ, đây thật sự là một trường hợp hy hữu và rất đặc biệt. Có được điều này bởi trong Làng Quan họ quê tôi chứa đựng những yếu tố của Quan họ, từ lời ca đến nhạc điệu đều đạt đến chuẩn mực của một bài Quan họ với những câu thơ sâu lắng, duyên dáng và nhạc điệu nhẹ nhàng, tình tứ. Nhà thơ và người nhạc sĩ đã có sự đồng cảm, gắn tình yêu quê hương đất nước với tình yêu lứa đôi, gắn truyền thống với hiện tại.
Từ Làng Quan họ đến Làng Quan họ quê tôi biểu hiện sự ảnh hưởng của Quan họ đối với thi ca, thi ca đối với âm nhạc bác học và âm nhạc bác học đối với dân ca (âm nhạc dân gian). Có thể nói đây là hiện tượng tiêu biểu cho ảnh hưởng của văn nghệ dân gian đến những sáng tác hiện đại và ngược lại. Hiếm có một loại hình nghệ thuật dân gian nào lại có được sự ảnh hưởng đến văn chương mạnh mẽ như Quan họ và cũng hiếm có một bài thơ nào lại được sáng tác và trở thành một bài dân ca Quan họ hay đến vậy. Bài hát Làng Quan họ quê tôi đã tồn tại trong những môi trường như thế.