Nghệ sỹ Ưu tú Thúy Cải – Bốn mươi năm lẻ vẫn còn duyên

Tôi tìm gặp Nghệ sỹ Ưu tú Thúy Cải trong ngôi nhà của chị trên đường Trần Hưng Đạo thành phố Bắc Ninh. Tôi lại được nghe chị hát đôi câu Quan họ, lại ngắm dung nhan của chị. Lạ kì thay sức bền của giọng hát, sự nền nã của cô gái Quan họ vẫn còn lưu giữ mãi ở giọng ca ấy, ở ánh mắt, nụ cười ấy.

Bốn mươi hai năm rồi chị thủy chung với Quan họ. Công việc chính của Thúy Cải bây giờ là nghỉ ngơi, vui cùng con cháu, đi thăm lại các nghệ nhân, bạn bè, thỉnh thoảng chị lại dạy Quan họ cho các bạn trẻ, tổ chức các nhóm hát đến với những người yêu Quan họ trong và ngoài tỉnh.

Nghệ sĩ ưu tú Thúy Cải

Nghệ sĩ ưu tú Thúy Cải

Chị kể, quê chị, xã Phật Tích, huyện Tiên Du không phải là làng Quan họ cổ. Giọng hát và tình yêu đối với Quan họ chị được truyền từ người mẹ thân yêu của mình. Bà vốn là một liền chị ở làng Quan họ cổ Ném Đoài, xã Khắc Niệm. Từ một cô bé nông thôn chỉ đi học và chăn trâu, cắt cỏ, ngày 20 tháng 5 năm 1969 – một ngày chị không bao giờ quên, cô bé Cải, mới 16 tuổi, đang học cấp 2, được tuyển vào đội Quan họ, trực thuộc đoàn nghệ thuật Hà Bắc. Cũng là chuyện tình cờ. Nghệ nhân Nguyễn Đức Siêu về định chọn người chị gái của Thúy Cải, nhưng khi nghe chị thử giọng, thầy lại chấm chị.

Hồi ấy Thúy Cải còn gầy lắm, nhưng bù lại cô có giọng hát mượt mà đậm chất Quan họ. Mới học được một năm ở trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh, các diễn viên Quan họ được bác Lê Hồng Dương, hồi đó là Trưởng ty Văn hóa Hà Bắc cử về các làng Quan họ cổ để sưu tầm, nghiên cứu, thể nghiệm các làn điệu Quan họ. Công việc hàng ngày của các diễn viên là nhổ mạ, gánh phân, cày bừa, cấy gặt với người nông dân các làng quê Quan họ, đồng thời tranh thủ sưu tầm các làn điệu dân ca từ các nghệ nhân trong các làng. Mấy năm đi sưu tầm, nghiên cứu, thể nghiệm là một khoảng thời gian mà Thúy Cải và anh chị em trong đoàn hiểu biết, học tập được rất nhiều về lễ hội, phong tục và những làn điệu Quan họ cổ. Đó là cái vốn ban đầu để rồi sau này trở thành hành trang đi theo họ suốt cả cuộc đời nghệ thuật.

Những người tâm huyết với Quan họ hiểu rằng, nếu không khai thác vốn cổ quí giá đó, nó sẽ đứng trước nguy cơ bị thất truyền. Những nghệ nhân lưu giữ những làn điệu tinh tế, mượt mà ấy hầu hết tuổi đã cao. Một mai các cụ về cõi vĩnh hằng, những vốn quí ấy cùng các cụ nằm mãi dưới tầng đất sâu thì tiếc lắm. Kì lạ thay các cụ ông, cụ bà nông dân mê đắm Quan họ vô cùng coi Quan họ như lẽ sống của đời mình. Khi truyền dạy cho các diễn viên trong đoàn, các cụ đem hết tất cả vốn liếng cũng như nhiệt tình bất chấp tuổi tác và sức khỏe. Chính những nghệ nhân già đó đã truyền cho Thúy Cải cũng như các diễn viên trong đoàn một sức mạnh, một tình yêu sâu sắc để gắn bó cả cuộc đời mình với Quan họ.

Tháng 1 năm 1969 đoàn Dân ca Quan họ được thành lập. Là một trong những diễn viên đầu tiên của đoàn, Thúy Cải không bao giờ quên những năm, tháng gian nan vất vả của buổi ban đầu. Chị nhớ mãi hình ảnh các nghệ nhân là thầy dạy các diễn viên trẻ của đoàn. Các nghệ nhân cứ dạy thôi, dạy rất say sưa, nhiệt tình nhưng chẳng có tí đãi ngộ, bồi dưỡng nào. Các thầy lại cùng chia sẻ cái thiếu đói, cái vất vả với diễn viên.

Hồi ấy không nhiều người yêu Quan họ như bây giờ đâu. Nói là đoàn cho oai chứ cũng chỉ được gần chục diễn viên, trong đó có bốn năm diễn viên là nữ. Họ là những người trẻ tuổi phần lớn xuất thân từ các làng Quan họ cổ, có giọng hát, có tình yêu Quan họ mà gắn bó với đoàn. Họ vẫn say sưa đi thực tế, say sưa luyện tập còn tương lai của đoàn sẽ dẫn anh chị em đi đến đâu, lúc đó cũng chẳng định liệu trước được. Đoàn cũng có nhiều cuộc tuyển chọn diễn viên, Quan họ lúc bấy giờ chưa có sức hấp dẫn nên cũng rất ít người hăng hái tham gia. Có những người đến với Đoàn rồi, nhưng không chịu nổi cuộc sống khó khăn, gian khổ lại đành dứt áo ra đi.

Việc mặc trang phục Quan họ cũng đã được chú ý ngay từ buổi đầu. Hồi ấy làm gì có được vải the như bây giờ, chị em trong đoàn chỉ được may áo năm thân bằng vải diềm bâu nhuộm màu nâu non. Nhiều người không muốn mặc. Còn chị chị vẫn mặc đều mỗi khi đi biểu diễn. Thầy Siêu khen chị mặc trang phục vào như tố nữ trong tranh Đông Hồ, chị vui lắm. Cứ mỗi lần lãnh đạo đi họp, đi giao lưu các tỉnh với mục đích giới thiệu làn điệu dân ca quê mình, Thúy Cải lại được đi cùng. Lúc đầu chỉ đơn ca những làn điệu Quan họ mà thôi, sau này về dàn dựng hát đôi, hát tốp mới cả nhóm cùng đi.

Năm 1974, là cái mốc đánh dấu sự hồi sinh của Quan họ. Bởi đó là năm người dân miền Bắc được xem bộ phim “Đến hẹn lại lên” Thúy Cải cũng có một vai diễn trong bộ phim ấy. Cùng với việc đưa đoàn đi biểu diễn cho lãnh đạo Đảng, nhà nước và khách Quốc tế xem, Quan họ Bắc Ninh đã sống lại như lời nhận xét của vị Bộ trưởng bộ Văn hóa thời đó. Từ năm 90 về sau Quan họ vào miền Nam, giới thiệu cho khách du lịch, khách quốc tế. Phải chờ đến 20 năm, mãi những năm 90, khi Quan họ đã tạo được sự tin yêu trong và ngoài nước, những nghệ sỹ Quan họ mới có dịp biểu diễn trong và ngoài nước thì Thúy Cải cùng các nghệ sỹ trong đoàn mới sống được với nghề.

Thúy Cải và một số nghệ sỹ trong đoàn đã đi hàng chục nước trên thế giới với mục đích là giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết được một dòng dân ca đặc sắc của đất nước Việt Nam. Có thể nói trước đây, bạn bè trên thế giới chưa biết gì về Quan họ. Những chuyến đi ấy đã làm cho bạn bè thế giới hiểu và yêu Quan họ hơn. Sự giao lưu với bạn bè quốc tế đã góp phần để dân ca Quan họ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới vào năm 2009. Thúy Cải vẫn không quên một kỉ niệm khi chị sang thăm và biểu diễn ở Nhật Bản. Từ sân bay về nơi biểu diễn, ảnh Thúy Cải và một vài nghệ sỹ đã được phóng to treo cả trên đường và trong hội trường.

Chị được nhận danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú trong đợt phong tặng đầu tiên của Nhà nước, năm 1988 cùng với các nghệ sỹ nổi tiếng như Thanh Hoa, Thu Hiền. Được tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội, và làm Phó đoàn, rồi Trưởng đoàn Quan họ 12 năm từ 1996 đến tháng 8 năm 2008, chị nghỉ hưu. Trong khoảng thời gian đó, công việc của chị bận rộn hơn nhiều, nhưng trước sau chị vẫn làm nghệ thuật, vẫn là chị hai lúng liếng trên các đợt biểu diễn. Cùng với chị đã có 5 nghệ sỹ của đoàn được phong danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú.

Rời làng đi thoát ly từ tuổi mười sáu đến bây giờ gần sáu mươi xuân. Đó là một quãng đường xa của một đời người. Hơn bốn mươi năm ấy chị thủy chung với Quan họ. Những khi mệt mỏi Thúy Cải lại mở các băng đĩa cũ nghe lại những bài hát của một thời đã xa, hoặc cùng chồng về thăm quê, đến với những cảnh cũ người xưa. Những người thầy, những người bạn từng dẫn dắt, cùng chia sẻ với chị nay kẻ còn, người mất. Hôm tôi đến nhà, chị phấn khởi khoe với tôi, vừa tiếp một người hâm mộ từ Hải Dương phóng xe lên thăm chị. Vị khách ấy bảo biết tên chị đã mấy chục năm, mê tiếng hát Quan họ mượt mà của chị nên đến thăm và tặng chị bài thơ nói lên cảm xúc chân thành của mình đối với chị và đối với dòng dân ca đặc sắc này.

Kì lạ thay cuộc đời một nghệ sỹ, hơn bốn mơi năm rồi, cả thanh và sắc vẫn giữ được bền, chỉ chín chắn hơn, lịch lãm hơn và sâu đậm nghĩa tình hơn mà thôi. Trước lúc chia tay, Thúy Cải dặn tôi: “Nhờ anh qua bài báo cho em gửi lời cám ơn hai cụ Nguyễn Đức Siêu, Nguyễn Đức Sôi những người thầy đầu tiên của em nay các cụ đã đi xa, những nghệ nhân ở các làng Quan họ, bạn bè và người thân đã dìu dắt em, truyền cho em tình yêu Quan họ, để em gắn bó cả đời em với Quan họ, đưa tiếng Quan họ đến với những người mến mộ trong và ngoài nước”./.

Bắc Ninh cuối Thu – 2011

Bài, ảnh: Nguyễn Đình Tùng (theo báo Bắc Ninh).

Thảo luận cho bài: "Nghệ sỹ Ưu tú Thúy Cải – Bốn mươi năm lẻ vẫn còn duyên"

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương