Là một người lính với 70 năm tuổi đời, trải qua thời binh lửa, từ bài ca đầu tiên viết trong hầm pháo trên đảo Ngọc Vừng năm 1972 đến nay, nhạc sĩ Nguyễn Trung đã có hơn 50 năm sáng tác âm nhạc với hàng trăm ca khúc khác nhau được công chúng yêu nhạc mến mộ.
Nhạc sĩ Nguyễn Trung tên đầy đủ là Nguyễn Quang Trung. Ông sinh ra trong một gia đình công nhân mỏ ở Hà Lầm. Nguyễn Trung lớn lên, gắn bó sâu nặng với Quảng Ninh từ những năm tháng tuổi thơ cùng chúng bạn leo đồi hái sim, lên tầng nhặt than, xuống biển. Để rồi sau này những kỷ niệm ấy đã đi vào ca khúc của ông thiết tha, sâu lắng.
Nguyễn Trung yêu âm nhạc từ những năm niên thiếu. Ông kể: Không biết cái bài hát “Xe đạp ơi” nó có từ bao giờ chứ ngay từ hồi còn là học sinh Trường Cấp 3 Hòn Gai, nhà không có xe đạp, sáng sáng tôi đã phải dậy sớm cuốc bộ 8km từ Hà Tu ra Cọc 3 để tới trường. Thi thoảng gặp cô bạn cùng lớp da trắng, tóc dài, nhà ở Cọc 8 cho đi nhờ xe, mình sĩ diện không để con gái đèo, gò lưng đèo bạn đạp qua mấy cái dốc xong, hôm sau gối mỏi, chân chồn, lòng nhủ lòng cạch đến già không dám đi nhờ xe đạp nữa.
Vùng than gắn bó với Nguyễn Trung ngay từ những câu hát tuổi thơ như: “Em yêu đất mỏ quê em” hay “Bưng bát cơm trắng chớ quên hòn than đen” v.v.. Hơn thế nữa, đây còn là nơi người mẹ thân yêu của ông đã ngã xuống trong trận bom Mỹ trút xuống Hòn Gai trưa ngày 30/7/1966 tại hầm Văn phòng mỏ Hà Tu, khi bà là cấp dưỡng đang làm việc tại mỏ.
Cất giữ tấm ảnh mẹ trong ba lô, năm 1971, Nguyễn Trung nhập ngũ, làm anh lính ở đảo Cô Tô với nhiệm vụ trắc thủ đo xa pháo 122 bắn biển. Trong thời gian quân ngũ, ông tham gia các hội diễn nghệ thuật quần chúng quân khu, binh chủng và toàn quân. Ngày ngày, trên cao điểm 180 của đảo, phóng tầm mắt dõi về hướng đất liền, lòng Nguyễn Trung bỗng trào lên nỗi nhớ Vùng than, thôi thúc trong lòng quyết tâm bảo vệ đảo. Ông kể, hồi đó trang thiết bị sinh hoạt văn hoá văn nghệ của bộ đội trên đảo vô cùng thiếu thốn. Cả đơn vị có mỗi cây đàn ghi ta, anh em dành nhau chơi, lắm khi đứt dây phải nối nhằng nhịt như dây chão. Nhưng con đường đến với âm nhạc của Nguyễn Trung cũng bắt đầu từ cây ghi ta cổ điển ấy. Một anh bạn cùng đơn vị dạy ông chơi ghi ta. Lại thêm hồi đó có một cô bạn ở Văn công Phòng không – Không quân thường xuyên gửi các bản nhạc soạn cho ghi ta. “Thế là tôi trở thành học trò “học qua thư” của các danh cầm nổi tiếng như: Văn Vượng, Tạ Tấn, Phạm Ngữ… Cái tên “Trung ghi ta” mà các nữ dân quân trên đảo đặt cho tôi cũng bắt đầu từ ngày ấy” – Nhạc sĩ Nguyễn Trung kể.
Nguyễn Trung cho rằng, chính cuộc sống gian khổ trên đảo với những cuộc chiến đấu ác liệt chống chiến tranh phá hoại của máy bay và tàu chiến Mỹ đã cho ông cảm hứng sáng tác nên những bài hát phục vụ quân và dân trên đảo. Hiện thực của cuộc sống đã tạo nên cơ duyên cho ông đến với âm nhạc. Hay nói đúng hơn, những người hoạt động nghệ thuật như các ông đã sáng tạo nên những tác phẩm để phục vụ cho cuộc sống.
Sáng tác đầu tiên của Nguyễn Trung là ca khúc “Phân đội chỉ huy” được viết ngay trên cao điểm 180 trong những ngày đó. Rồi sau đó, những ca khúc như: “Tiếng hát trên sóng Hạ Long”, “Giữ biển”, “Cô gái tổng đài”, “Lên đồi cao”, “Đường lên tầng” v.v.. lần lượt ra đời. Mỗi một ca khúc ra đời là một kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên với Nguyễn Trung. Nhạc sĩ cho biết, bài hát “Tiếng hát trên sóng Hạ Long” được ông viết năm 1972, khi đang là Trung đội trưởng pháo binh thuộc Trung đoàn 242 đóng quân ở đảo Ngọc Vừng. Bài hát ấy cho tới bây giờ, nhiều bà con trên đảo vẫn thuộc và hát. Trong một lần về thăm đảo, Nguyễn Trung gặp lại các nữ dân quân đã từng phối hợp chiến đấu với đơn vị của ông bảo vệ đảo năm xưa. Họ reo lên: “Trung Ghita!” và hát lại bài hát “Tiếng hát trên sóng Hạ Long”. Ông bảo niềm hạnh phúc ấy, có lẽ không giải thưởng nào có thể so sánh được.
Năm 1976 ông được cử về học tại Trường Sĩ quan Chính trị nay là Trường Đại học Chính trị đóng ở huyện Phổ Yên, tỉnh Bắc Thái cũ, nay là tỉnh Thái Nguyên. Đây cũng là nơi để ông sớm bộc lộ khả năng sáng tác âm nhạc của mình. Nguyễn Trung say sưa đàn Accordion, một nhạc cụ phổ biến trong các đơn vị bộ đội thời bấy giờ. Ông còn tham gia nhiệt tình vào các phong trào văn nghệ xung kích của đơn vị. Những ca khúc của ông lần lượt ra đời trong thời kỳ này như: “Hành khúc học viên”, “Lên đường”, “Chiếc xe phim” v.v..
Sau đó, Nguyễn Trung được giữ lại Học viện làm cán bộ tuyên huấn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn nghệ Trường Sĩ quan chính trị Bắc Ninh. Đây là điều kiện tốt để ông sáng tác và biểu diễn. Có lẽ, những năm tháng sống và làm việc trên quê hương Quan họ đã giúp ông có được nhiều vốn sống để thăng hoa trong sáng tác âm nhạc. Nhiều ca khúc mang đậm dấu ấn của người lính được ông sáng tác thời kỳ này. Đó là: “Hành khúc xây dựng Đảng”, “Lên đường”, “Gánh cơm ra thao trường”, “Lời những hàng dâu”, “Trên mặt trận mới”… Trong thời gian quân ngũ, ông tham gia các hội diễn nghệ thuật quần chúng quân khu, binh chủng và toàn quân. Ông đã có những ca khúc, ca cảnh đạt giải như: “Giữ biển”, “Tiếng hát trên sóng Hạ Long”, “Cô gái tổng đài”...
Một bài hát khác cũng có gợi nhớ đến Quảng Ninh là “Gánh cơm ra thao trường” được viết khi ông về học tại Trường Sĩ quan chính trị. Nhìn hình ảnh các nữ chiến sĩ nuôi quân ngày ấy, kĩu kịt gánh những gánh cơm cho học viên đi rèn luyện trên thao trường khu vực chùa Bổ Đà, bên kia sông Cầu, ông đã xúc động viết bài hát này. Nguyễn Trung cho biết, ông viết về các chiến công từ chiến tích của Lý Thường Kiệt chống giặc Tống trên phòng tuyến sông Cầu (Bắc Ninh) đến chiến công của Trần Khánh Dư phá tan đoàn thuyền lương của quân Nguyên trên biển Vân Đồn. Ông muốn gửi một lời nhắn nhủ với các chiến sĩ về niềm tự hào của truyền thống cha ông chiến thắng quân xâm lược.
Năm 1984, Nguyễn Trung xin chuyển ngành về làm cán bộ công đoàn Công ty Xây dựng số 4, Bộ Xây dựng. Tại đây, ông đã đóng góp rất nhiều cho phong trào văn hóa văn nghệ của công ty. Ca khúc của ông ở giai đoạn này khúc triết hơn và cũng khoáng đạt hơn. Có thể kể ra các ca khúc như: “Một trong năm khúc gọi đò”, “Trên mặt trận mới”, “Hội làng mùa xuân”, “Từ sông Đông đến sông Cầu”, “Bến nước quê hương”, “Đảo nhớ”, “Giữ biển” v.v.. Đặc biệt là bài “Tìm em trong chiều hội Lim“ đã ra đời và ngân vang trong rất nhiều hội diễn cả trong tỉnh lẫn ngoài tỉnh.
Khi chuyển về Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh, ông công tác tại Phòng Văn nghệ làm đạo diễn các chương trình ca nhạc, tham gia nhiều chương trình liên hoan truyền hình toàn quốc. Ông được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2007.
Nhạc sĩ Nguyễn Trung có nhiều ca khúc được phổ biến rộng rãi, được giải thưởng cấp Trung ương, khu vực và cấp tỉnh, là một trong những người có đóng góp tích cực xây dựng, phát triển đội ngũ hoạt động âm nhạc ở Bắc Ninh. Ông đã giành được nhiều huy chương vàng, bạc trong các liên hoan truyền hình, liên hoan âm nhạc. Hiện nay, nhạc sĩ Nguyễn Trung là Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc tỉnh Bắc Ninh. Ông đang sống và sáng tác tại Bắc Ninh nhưng mỗi khi có điều kiện ông lại trở về Quảng Ninh, nơi đã lưu giữ biết bao kỷ niệm vui buồn thời trai trẻ.