NSND Thúy Cải: ‘Quan họ không ai ngửa nón để xin tiền’

Nữ nghệ sĩ thổ lộ rằng, chị phục vụ nhân dân từ năm 16 tuổi, cả đời gắn bó với dân ca và hiểu rõ văn hóa miền quan họ, không liền anh – liền chị nào lại đi ngửa nón để xin tiền cả.

Thúy Cải là liền chị nổi tiếng bậc nhất miền quan họ, một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Chị cũng được xem là gương mặt nghệ sĩ góp công không nhỏ trong quá trình đưa nghệ thuật dân ca quan họ ra thế giới. NSƯT Quý Tráng, liền anh thân thuộc trong những lần “trao duyên” của Thúy Cải nhận xét về người bạn diễn lâu năm của mình rằng “Quan họ sinh ra để dành cho Thúy Cải như một bông hoa nguyên chất không cần cấy ghép”.

Với những đóng góp không ngưng nghỉ cho di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Thúy Cải vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý nhất dành cho nghệ sĩ. Ngay sau khi chính thức trở thành Nghệ sĩ Nhân dân, liền chị nổi tiếng đã dành cho Zing.vn một cuộc gặp gỡ chân thành.

NSND Thúy Cải: ‘Quan họ không ai ngửa nón để xin tiền’

NSND Thúy Cải: ‘Quan họ không ai ngửa nón để xin tiền’

Danh hiệu hay không thì tôi vẫn phục vụ nhân dân

Tôi rất vui mừng, phấn khởi khi được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân và trở thành một trong hai liền chị của miền quan họ có được danh hiệu cao quý này. Tôi luôn tâm niệm mình cứ phục vụ nhân dân, cứ cống hiến thì chắc chắn sẽ có ngày mình được ghi nhận xứng đáng. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói thật rằng, dân ca quan họ Bắc Ninh còn nhiều người xứng đáng với danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, họ là những người cùng thời với tôi và đóng góp rất nhiều trong quá trình gìn giữ và phát triển quan họ. Cả miền quan họ mới chỉ có hai Nghệ sĩ Nhân dân là tôi và Thúy Hường, như vậy là hơi ít so với các ngành nghệ thuật khác.

Tôi từng bị đánh “trượt” trong một đợt xét tặng trước nhưng tôi không lấy điều đó làm buồn. Lúc đó, nhiều người thắc mắc tại sao Thúy Hường là thế hệ sau mà lại được phong tặng danh hiệu trước trong khi Thúy Cải và Quý Tráng lại chưa được. Thực ra, Thúy Hường hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu này dù cho tuổi đời và tuổi nghề có ít hơn chúng tôi. Thúy Hường là một trong những liền chị quan họ nổi tiếng nhất nước ta, tôi nghĩ rằng, nhắc đến Thúy Hường, Thúy Cải chắc mọi người cũng đều biết cả, dù có thể không sinh sống ở Bắc Ninh.

Tôi không được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cùng đợt với Thúy Hường cũng có nguyên nhân của nó. Trong quá trình lãnh đạo đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh, tôi đã quá quan tâm đến chế độ của diễn viên, nghệ sĩ trong đoàn thành ra có cái mình làm sai nguyên tắc. Thế nên, đợt phong tặng đó, hồ sơ của tôi phải để lại, dù nhiều người tiếc nuối. Nhưng tôi tin rằng sớm hay muộn thì Nhà nước cũng công nhận mình. Bây giờ thì tôi cũng được phong tặng danh hiệu này rồi. Tôi thực sự rất hạnh phúc.

Ngửa nón đưa trầu chứ đâu phải xin tiền

NSND Thúy Cải: ‘Quan họ không ai ngửa nón để xin tiền’
Thúy Cải cho biết chị hát phục vụ nhân dân từ năm 16 tuổi. Ảnh: Khuê Tú.

Tôi phục vụ nhân dân từ năm 16 tuổi, gắn bó cả cuộc đời với dân ca quan họ Bắc Ninh, từ khi đi gặp các nghệ nhân để học hỏi đến khi truyền dạy lại cho thế hệ trẻ là cả một quá trình dài, không thể kể xiết được. Tôi hiểu văn hóa và các nét đẹp của người quan họ. Thế nên, khi mọi người nhận xét rằng “quan họ ngửa nón xin tiền”, tôi thấy rất chạnh lòng. Không nên nói như thế vì tôi thấy điều đó không đúng.

Nón quai thao của người quan họ là vật làm duyên, làm dáng. Khi liền anh, liền chị hát đôi với nhau thì chiếc nón có rất nhiều tác dụng. Nón quai thao là vẻ đẹp văn hóa chứ không phải dùng để xin tiền. Còn về chuyện ngửa nón thì xuất phát từ việc liền anh, liền chị quan họ thường hát dưới thuyền trong các lễ hội. Ở dưới thuyền bao giờ cũng có trầu têm cánh phượng. Người dân thì thích miếng trầu mà khoảng cách từ thuyền lên bờ thì xa nên mới có chuyện đặt miếng trầu vào nón quai thao và đưa lên bờ cho người nào mong muốn. Khán giả sau khi nhận miếng trầu lại để tiền vào nón quai thao rồi mọi người quay phim, chụp hình thành ra nhận xét rằng, quan họ ngửa nón xin tiền. Tôi thấy nhận xét như vậy là chưa thực hợp lý.

Người quan họ gọi việc khán giả tặng tiền cho mình là “thưởng”. Tôi đi hát nhiều năm tôi biết, thướng cho liền anh, liền chị có từ lâu lắm rồi, từ ngày xửa ngày xưa chứ không phải bây giờ mới có. Đó là tình cảm mà nhân dân dành cho nghệ sĩ quan họ. Nhiều lần đi phục vụ nhân dân, tôi biết, có những bà lão 80, 90 tuổi mất công mở túi đựng tiền, gỡ kim bằng cài túi để lấy 2000 đồng tặng tôi, họ bảo cô Thúy Cải mà không nhận là coi thường họ. Người nông dân họ chân chất vậy, mình phải nhận chứ, càng nhỏ càng phải nhận vì không nhận họ buồn. Quan họ không ai ngửa nón để xin tiền đâu.

Nhiều nghệ sĩ trẻ hát chưa ra chất quan họ

NSND Thúy Cải: ‘Quan họ không ai ngửa nón để xin tiền’
Liền chị nổi tiếng đang miệt mài với công tác đào tạo nghệ sĩ quan họ. Ảnh: Khuê Tú.

Hát quan họ không hề đơn giản, ngoài “cái nôi” nghệ thuật thì cũng cần phải có năng khiếu. Một giọng hát quan họ hay thì phải vang, rền, nền, nảy. Tôi cũng thấy là nhiều em hiện nay hát chưa ra được chất quan họ. Tôi là một trong những nghệ sĩ tham gia giảng dạy cho trường Văn hóa – Nghệ thuật Bắc Ninh, tôi biết, nhiều em không nảy hạt được. Nảy trong “vang, rền, nền, nảy” được hiểu là những hạt nhỏ từ trong thanh đới phát ra qua hơi đẩy.

Nảy trong quan họ vô cùng quan trọng nhưng không phải ai cũng nảy được, muốn làm được điều này, thế hệ trẻ cần phải học hỏi rất nhiều, ngoài học ở trường lớp thì còn phải tự tìm hiểu và học ở những nghệ nhân tại các làng quan họ cổ. Các em, các cháu trẻ để đạt được vị trí trong lòng công chúng thì cần phải luyện tập rất kỳ công. Quan họ không thể học nhanh vội được mà phải có quá trình, nhiều khi rất lâu, thậm chí là cả đời mới có được nảy vàng, nảy bạc như một số người.

Tôi thấy, các em hiện nay rất yêu nghề, do vậy, chỉ cần siêng năng, rèn giũa tập luyện nữa là có thể thành công. Học hết cái này sang cái khác, không bao giờ được dừng lại. Học cách lấy hơi nhả chữ xong rồi thì phải tìm hiểu ý nghĩa lời ca, tiếng hát của người quan họ, xem lời ca đó nói về cái gì thì mới có thể hát hay được. Các em, các cháu có lợi thế là sự hướng dẫn của thế hệ nghệ sĩ đi trước như chúng tôi, những người đã trực tiếp học hỏi từ các nghệ nhân. Tôi hiện nay đã nghỉ hưu, do vậy, tôi có nhiều thời gian để giảng dạy và hướng dẫn cho các em, chắc chắn trong thời gian tới tôi sẽ tập trung hơn nữa vào công việc đào tạo nghệ sĩ quan họ.

Sơn Minh Khuê Tú (ghi)

Nguồn: http://news.zing.vn/NSND-Thuy-Cai-Quan-ho-khong-ai-ngua-non-de-xin-tien-post618862.html

Thảo luận cho bài: "NSND Thúy Cải: ‘Quan họ không ai ngửa nón để xin tiền’"

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương