Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại

Ngày 30/9/2009, Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là vinh dự, tự hào không chỉ riêng của Bắc Ninh – Bắc Giang mà của cả Việt Nam. Đến nay, Việt Nam có 4 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận gồm: Nhã nhạc cung đình, Không gian Cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh và Ca trù Việt Nam.

Mặc dù khi công nhận chỉ lấy tên là Quan họ Bắc Ninh, nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng: Quan họ không chỉ riêng của Bắc Ninh mà Quan họ nằm trong cả một địa bàn rộng của vùng Kinh Bắc trước kia.

Quan họ hay văn hoá Quan họ là sự kết tinh, thăng hoa, vượt lên nhiều loại hình, dân ca của các dân tộc, các vùng miền, của một vùng văn hiến ở phía bắc Kinh Kỳ – Thăng Long – Đông Đô. Vùng văn hiến ấy đã gắn kết cùng nhau, qua những triều đại khác nhau, như: Bắc Giang lộ, Như Nguyệt Giang lộ (thời Lý, Trần 1010 – 1225), Bắc Đạo, Kinh Bắc xứ thời Lê Sơ, Lê Trịnh, Tây Sơn (1427-1802), Bắc Ninh trấn, rồi Bắc Ninh tỉnh (thời Nguyễn). Năm 1822, Minh Mệnh đổi Kinh Bắc trấn thành Bắc Ninh trấn và năm 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Ngày 10/10/1895, người Pháp chia tỉnh Bắc Ninh thời Nguyễn thành 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Ngày 27/10/1962 Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà lại hợp nhất tỉnh Bắc Giang – Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc (Trung tâm tỉnh lộ đặt tại thị xã Bắc Giang). Ngày 6/11/1996 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Quyết định tái lập tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.

Trao bằng công nhận của UNESSCO cho Dân ca quan họ

Trao bằng công nhận của UNESSCO cho Dân ca quan họ

Như vậy, về mặt khoa học và thực tiễn, muốn nghiên cứu, tìm hiểu Quan họ, một hiện tượng văn hoá – lịch sử có từ hàng trăm năm qua, trong đó có địa bàn và không gian Quan họ, thì phải đặt hiện tượng văn hoá Quan họ, dân ca Quan họ trong môi trường lịch sử, kinh tế, văn hoá… của không gian và vùng văn hoá đã có hàng ngàn năm lịch sử đến nay, cùng chung một vùng văn hoá mà cái nôi chung nhất trong một địa vực hành chính là vùng Kinh Bắc. Các nhà nghiên cứu đi trước đã lấy tiêu chí để công nhận làng Quan họ là: làng có truyền thống hát Quan họ từ 3 thế hệ trở lên, có tục kết bạn với làng Quan họ khác thường tổ chức hát quan họ ở hội làng, hội vùng và được quan họ các làng khác thừa nhận. Như vậy, tuy còn chưa thật đầy đủ nhưng những năm đầu thế kỷ XX các nhà nghiên cứu Quan họ đã điều tra và công nhận có 49 làng Quan họ ở huyện Tiên Du, Yên Phong, Võ Giàng (tỉnh Bắc Ninh) và huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang). Danh sách 49 làng Quan họ này được trình bày trước các nghệ nhân Quan họ của tỉnh Hà Bắc lúc bấy giờ (9/3/1971). Cuối cùng, danh sách này được báo cáo tại Hội nghị khoa học về Quan họ, tổ chức tại núi Lim từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 5 năm 1971.

Đối với Quan họ vùng bắc Sông Cầu (thuộc Bắc Giang ngày nay), theo báo Trung Bắc Tân Văn, nhà báo Minh Trúc đã viết nhiều về Quan họ, có các bài viết liên tiếp trong 8 số báo các bài viết của nhà báo Minh Trúc, trong đó nêu: “Trong khoảng đất từ các làng Thổ Hà, Mật Ninh và Nội Ninh…(Bắc Giang) ở phía Bắc cho đến các làng của tỉnh Bắc Ninh, giáp giới miền Hà Nội như làng Lũng Giang, Nội Duệ, Long Khám ở phía Nam (Bắc Ninh) ở đây làng nào cũng biết hát Quan họ”. Còn hát ở hội, ở bắc sông Cầu có thể kể đến hội Nếnh (hội Nghè Nếnh) thuộc 6 chạ (Yên Ninh, Ninh Khánh, Cộng Ninh, Mật Ninh, Sen Hồ, Đồng Mang) có liền anh liền chị ở bắc và nam sông Cầu) về tham dự, nhà nghiên cứu phong tục Việt Nam, Toàn Ánh đã viết năm 1943: “Từ ngày 4 tháng giêng, mùa Quan họ ở khắp mọi làng vùng Bắc bắt đầu – trai gái tụ họp nhau để buổi đầu tiên ở Hội Chắp (Hữu Chấp) rồi họ lần lượt hẹn nhau đi khắp các hội ở mấy huyện Võ Giàng, Yên Phong, Tiên Du (Bắc Ninh). Rồi Lục Ngạn, Việt Yên (Bắc Giang)”.

Trong sách Phong tục Việt Nam Toàn Ánh cũng đã viết “Quan họ vùng Bắc Giang, Bắc Ninh họ hát giọng đôi…”.

Cuộc họp các nghệ nhân ngày 9/3/1971 tại thị xã Bắc Ninh và Hội nghị khoa học (5/1971) tại Núi Lim đều thống nhất  khẳng định: “vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX còn nhận biết ở bờ bắc sông Cầu ít nhất cũng còn có 5 làng đó là: Giá Sơn, Hữu Nghi, Nội Ninh, Mai Vũ, Sen Hồ”.

Do hoàn cảnh điều kiện lich sử và nhiều yếu tố khác nhau, đến nửa đầu thế kỷ XX phong trào hát Quan họ ở cả bờ nam và bờ bắc sông Cầu đều bị suy giảm.

Năm 1956, nhạc sỹ Lưu Hữu Phước và nhạc sỹ Lê Yên cùng đoàn cán bộ thuộc Ban Nghiên cứu Âm nhạc, Vụ Nghệ thuật, Trường Âm nhạc Việt Nam, Đoàn Ca múa nhạc Trung ương đã về Bắc Ninh sưu tầm, lúc đó chỉ còn 18 làng Quan họ theo tiêu chí. Đoàn đã thu được 314 bài hát quan họ. Đến tháng 3/1962 khi họp đại biểu nghệ nhân quan họ để kiểm định lần cuối các tài liệu trong cuốn sách Quan họ sẽ xuất bản lúc ấy xác định cả Bắc và Nam Sông Cầu thống kê có 34 làng có người còn nhớ hát Quan họ. Đến năm 1971, theo xác định của các nghệ nhân thì có 49 làng quan họ (44 làng ở Bắc Ninh và 5 làng ở Bắc Giang).

Năm 2005, thực hiện chủ trương của Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) nhóm nghiên cứu do Viện Văn hoá và Sở Văn hoá – Thông tin Bắc Giang đã tiến hành “Điều tra văn hoá Quan họ Bắc Sông Cầu”. Đoàn điều tra đã tiến hành tập trung ở 18 làng trong 7 xã của huyện Việt Yên. Theo tiêu chí mà các nhà nghiên cứu trước đó đã đề ra thì ở các làng đã điều tra vẫn còn đủ các yếu tố để xác định là làng quan họ như: làng Quang Biểu, làng Núi Hiểu, làng Tam Tầng (xã Quang Châu), làng Thổ Hà (xã Vân Hà), làng Tiên Lát Thượng, làng Tiên Lát Hạ, thôn Thần Chúc (xã Tiên Sơn), làng Sen Hồ, làng Yên Ninh (thị trấn Nếnh); làng Nội Ninh, làng Giá Sơn, làng Mai Vũ, làng Hữu Nghi (xã Ninh Sơn); làng Trung Đồng (xã Vân Trung); làng Đình Cả, làng Đông Long, làng Khả Lý Thượng (xã Quảng Minh).

Tuy nhiên, cũng như ở Bắc Ninh, do gần đây các làng mới điều tra nên không kịp đưa vào danh sách đề nghị UNESCO công nhận mà chỉ đưa 44 làng của Bắc Ninh và 5 làng của Bắc Giang.

Như vậy, trong 49 làng được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại thì Bắc Ninh có 44 làng và Bắc Giang có 5 làng (theo thống kê báo cáo từ năm 1971).

Từ khi lập hồ sơ cho đến khi được UNESCO công nhận, phong trào hát Quan họ ở Việt Yên đã được duy trì và phát triển. Đến nay, Bắc Giang đã có trên 40 câu lạc bộ thường xuyên sinh hoạt. Đón nhận tin vui mừng, sẽ có kế hoạch tiếp theo để chỉ đạo, duy trì và phát triển Quan họ cho xứng tầm là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại trong thời gian tới, không chỉ ở 5 làng Quan họ cổ mà ở tất cả các làng, các câu lạc bộ Quan họ. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với UBND huyện Việt Yên chỉ đạo tổ chức đón nhận Bằng công nhận với nghi thức văn hoá Quan họ theo sự chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đồng thời, có chương trình triển khai công tác bảo tồn, tất cả di sản văn hoá Quan họ ở vùng đất ven sông Cầu (Việt Yên) nói riêng và ở các huyện trên địa bàn Bắc Giang.

Ngô Văn Trụ

Thảo luận cho bài: "Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương