Về Kinh Bắc nghe câu Dân ca Quan Họ

“Một lần đến Kinh Bắc
Hồn lơ thơ sông Cầu
Nghe một lần Quan họ
Đắm suốt đời trong nhau”

Đi khắp bốn phương trời, ai không mang trong lòng những kí ức đẹp về một cây đa, bến nước, con đò… nơi mình sinh ra và lớn lên. “Quê hương”- hai tiếng thiêng liêng ấy luôn khắc sâu trong tâm khảm và thổn thức nỗi nhớ mong vô hạn trong lòng mỗi người con mưu sinh xa xứ như tôi (AD Nguyễn Hồng Hoa)… Tôi được sinh ra bên dòng sông Cầu thơ mộng như trong cổ tích. Lớn lên trong tiếng ru của mẹ, lời ca của bà, câu hát Quan họ tình tứ ngấm sâu vào máu thịt mỗi người con đất Kinh Bắc chúng tôi. Người ta bảo rằng, trẻ con sinh ra và lớn lên ở đất Kinh Bắc “ngấm” chất Quan họ từ trong bụng mẹ để rồi đi xa lại vương vấn nhớ thương vùng đất mà thơ nhạc đã ngợi ca là miền quê mà “Một làn nắng cũng mang điệu dân ca”.

quan-ho-kinh-bac

Nhắc đến Kinh Bắc là ai cũng nhớ đến những làn điệu dân ca Quan họ ngọt ngào tình tứ. Quan họ là những làn điệu dân ca được hình thành và phát triển ở vùng đất gắn liền với nền văn minh lúa nước sông Hồng của đồng bằng Bắc Bộ từ nghìn đời nay; tập trung ở vùng văn hóa Kinh Bắc – mà trọng tâm là 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. 49 làng Quan họ xưa tập trung ở các huyện Yên Phong, Từ Sơn, Tiên Du, thành phố Bắc Ninh… (Quan họ bờ Nam sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Ninh), và các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa…(còn gọi là Quan họ bờ Bắc sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Giang). Bởi vậy mà người Quan họ có câu hát:

Sông Cầu nước chảy lơ thơ
Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi

Ngày 30 tháng 9 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28/9 tới ngày 2/10/2009), Quan họ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người Kinh Bắc chúng tôi càng thêm tự hào về câu dân ca quê mình. Về Kinh Bắc bây giờ không chỉ có 49 làng Quan họ cổ mà con số ấy đã phát triển theo cấp số nhân thành hàng trăm làng Quan họ dọc hai bên bờ Bắc và bờ Nam sông Cầu.

Câu Quan họ “ngấm” vào máu thịt những người con Kinh Bắc trong cả bữa ăn, giấc ngủ, theo trẻ thơ cả khi đến lớp, khi ra đồng chăn trâu, thả diều, thổi sáo… Người Quan họ từ đời này qua đời khác cha truyền con nối. Ông bà hát thì con cháu học theo. Ai đã trót bị “ngấm” Quan họ vào người thì sẽ vương vấn suốt cả cuộc đời mãi không thôi. Về Kinh Bắc bây giờ không khó để được nghe người Quan họ hát câu dân ca. Phong trào người người hát Quan họ, nhà nhà hát Quan họ phát triển trong từng làng xã, từng thôn xóm, góc phố. Trẻ em lên ba lên năm dẫu chưa thuộc mặt chữ song đã có thể hát được những làn điệu dễ nhớ dễ thuộc như: “Cây trúc xinh”, “Vào chùa”, “Trên rừng 36 thứ chim”, “Trống cơm”… bởi cách dạy Quan họ truyền khẩu của các bà, các mẹ… Trong làng trong phố, nhà ai có đám cưới, đám hỷ là lại mời các liền anh liền chị đến biểu diễn hát mừng đến tận thâu đêm. Cũng bởi vậy mà đời sống của các anh chị em nghệ sĩ Quan họ bây giờ đã được cải thiện hơn nhiều so với xưa. Họ hoàn toàn sống được với nghề của mình bằng một niềm đam mê cháy bỏng câu dân ca quê mẹ.

Tháng Giêng mùa hát hội, Quan họ tưng bừng làng trên xóm dưới khắp vùng Kinh Bắc. Du khách bốn phương một lần đến hội Lim, một lần về làng Diềm thăm đền Vua Bà thờ Thủy tổ Quan họ đều không khỏi bồi hồi trước những anh Hai áo the khăn xếp, xao xuyến trước những chị Hai duyên dáng trong tà áo tứ thân với khăn mỏ quạ và chiếc nón ba tầm.

Ai làm chiếc nón quai thao?
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh…

Em là con gái Bắc Ninh
Tay nâng vành nón, mái đình nghiêng theo

Ngày xưa các cụ nhà ta không gọi là đi “hát Quan Họ” mà các cụ gọi là “ca Quan Họ”, đi ”’chơi Quan họ”’:

Dưới giời mấy kẻ biết ra
Biết ra chỉ có vùng nhà mà thôi
Trong sáu tỉnh nghe đà chưa tỏ
Ngoài năm thành chỉ có Bắc Ninh
Yêu nhau nghĩ lại xuân tình
Nghề chơi Quan họ có tinh mới tường

Cho đến nay đã có khoảng trên dưới 200 bài Quan họ đã được ký âm. Các bài Quan họ được giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca bao gồm hàng trăm bài Quan họ cổ đã được nghệ nhân ở các làng Quan họ biểu diễn, lưu truyền cho hậu thế.

Quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê. Trong Quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh. Hát cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, hát mừng… “Chơi quan họ” truyền thống không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức (thưởng thức “cái tình” của bạn hát).

Hôm nay sum họp trúc mai
Tình trong một khắc nghĩa dài trăm năm

Ngày nay, theo nhịp sống của thời đại, Quan họ phát triển thêm hình thức biểu diễn trên sân khấu, tức là Quan họ mới, có kèm theo nhạc đệm để hỗ trợ tiết tấu cho bài hát, song các nghệ sĩ Quan họ đa phần cũng chỉ dùng đến nhạc cụ dân tộc như: trống, phách, sáo trúc, đàn bầu… để giữ được “hồn” của dân ca chứ ít khi dùng đến sự hỗ trợ của nhạc cụ điện tử tân nhạc. Quan họ mới luôn có khán thính giả, người hát giao lưu, truyền tải thông điệp của từng làn điệu tới người nghe chứ không chỉ dừng lại là tình cảm giữa bạn hát với nhau. Quan họ mới không còn nằm ở không gian làng xã mà đã vươn ra xa ở nhiều nơi, đến với nhiều thính giả ở các quốc gia trên thế giới.

Từ xưa, các làng “chơi Quan họ” đã có tục kết chạ (kết nghĩa) với nhau. Đó là mối tình huynh đệ gắn bó ngàn đời giữa các làng Quan họ cổ bên dòng sông Cầu. Bởi vậy mà khi đã kết chạ Quan họ với nhau thì trai gái, liền anh liền chị của 2 làng đó không được nên duyên chồng vợ để giữ trọn sự thanh khiết, trong sáng cho câu hát Quan họ. Cái lệ “Quan họ không lấy nhau” cũng từ đó mà ra. Trong vùng Kinh Bắc có thể kể một số “bọn” (“Bọn” là từ dùng để chỉ một tập thể đồng chất chứ không mang nghĩa xấu) Quan họ kết chạ như: Bựu Sim (Hoài Thị) – Làng Diềm (Viêm Xá)̣, Phù Lưu – Hạ Giang, Lũng Giang – Tam Sơn, Bồ Sơn – Y Na, Ném Đông – Ném Đoài…

Người Kinh Bắc khi khách đến chơi nhà thì hát câu mời nước, mời trầu. Về mời nước, người Quan họ có câu:

Mấy khi khách đến chơi nhà
Đốt than, quạt nước, pha trà mời người xơi
Trà này ngon lắm người ơi!
Mỗi người mỗi chén cho em vui lòng

Về mời trầu, người người Quan họ thường nói:

Gặp đây ăn một miếng trầu
Không ăn cầm lấy cho nhau vừa lòng
Trầu này trầu tính trầu tình
Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta
Yêu nhau đứng ở đằng xa
Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần

Về mời rượu, người Quan Họ lại nói:

Tay tiên chuốc chén rượu đào
Đổ đi thời tiếc, uống vào thời say

Tuy nhiên ăn xong mà có hát canh thì không được uống rượu. Trong bữa, khách ăn trước, chủ ngồi cạnh ca cho khách nghe. Khách xơi cơm xong, chủ mới ngồi vào mâm của mình, đến lượt khách ngồi cạnh ca cho chủ nghe.

Xưa kia, mâm cỗ đãi khách ở tất cả các làng Quan họ gốc có chung đặc điểm là 3 tầng, đều được bày trên “mâm đan, bát đàn” nghĩa là mâm tròn bằng gỗ, sơn đỏ, bát tiện bằng gỗ cây bạch đàn (sau chuyển thành bát sứ tráng men trắng của người Trung Quốc), nhưng mỗi làng lại có những món ăn đặc trưng, riêng biệt và tầng trên cùng thường dành để bày những món ăn đặc sản của làng mình. Chỉ một số món đựng bằng bát lớn, khó chồng lên trên thì mới phải đặt ở tầng dưới, như: cháo cái Đào Xá, bún riêu Đương Xá…

Trong giao tiếp phải lịch thiệp, tao nhã thể hiện ra bằng câu nói vừa thực thà, dân dã vừa giàu chất văn chương, thi ca. Vì thế, khi mời khách xơi cơm, từng thành viên trong “bọn” Quan họ chủ đều phải lần lượt có lời mời, từ chị Hai tới chị Sáu (hoặc từ anh Hai đến anh Sáu) chứ không phải chỉ là cử đại diện mời. Lời mời cơm cũng phải rất lịch thiệp kiểu như: ”… Năm mới, tháng xuân, đương Quan họ liền anh (hoặc liền chị) không chê làng nước chúng em nghèo mà sang chơi. Chúng em sắm bữa cơm quê, gọi là mâm đan, bát đàn… Đầu mâm đĩa muối, cuối mâm đĩa gừng, xin mời đương Quan họ người nâng bát, dựng đũa xơi thật nhiệt tình cho chúng em mừng ạ!”.

Tàn canh hát, Quan họ hát câu giã bạn đầy lưu luyến vấn vương:

Người về em vẫn trông theo
Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi
Người về em vẫn khóc thầm
Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa
Người về em dặn mấy nhời
Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua
Người về em dặn tái hồi
Đâu hơn người kết, đâu bằng người đợi em

Người Quan họ sống thanh tao, ý vị và cũng rất trọng nghĩa tình:

Tiếc thay cành quế loan vời
Lời Quan họ nói, biết đời nào quên
Bao giờ lở núi Tản Viên
Cạn sông Tô Lịch không quên nghĩa người
Nghĩa người em để lên cơi
Nắp vàng đậy lại để nơi giường nằm
Một ngày ba, bẩy lần thăm
Bên vàng nặng chín, bên ân nặng mười

Tình nghĩa ở cái “hữu duyên” trong mỗi “bọn” Quan họ ấy thật mãnh liệt, dù cách xa mấy họ cũng tìm đến tận nơi để hát giao duyên và “chơi Quan họ” với nhau:

Chơi cho nước Hán sang Hồ
Nước Tần sang Sở, nước Ngô sang Lào
Chơi cho chín trận mưa rào
Một trăm trái núi lọt vào trôn kim
Chơi cho bong bóng thì chìm
Đá bia thì nổi, gỗ lim mập mờ
Chơi cho bể cạn sông khô
Căng buồm xuôi gió Hán- Hồ gặp nhau
Chơi cho sông Lục sáu đầu
Cạn sông hết nước, giống mầu giữa sông
Chơi cho con ốc có sừng
Con lươn có vẩy mới ngừng đi chơi

Về Kinh Bắc, xơi một chén trà mạn hảo, thưởng thức một miếng trầu têm cánh phượng, uống chén rượu làng Vân… nghe kể chuyện Thái tổ Lý Công Uẩn, Nguyên Phi Ỷ Lan, chuyện “hùm thiêng Yên Thế” Hoàng Hoa Thám… cũng đủ níu chân bao khách lữ hành đi ngang qua miền Quan họ.

Cả một vùng quần thể văn hiến Kinh Bắc với: chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bổ Đà, đền thờ Lý Bát Đế, đền Bà Chúa Kho, lăng Kinh Dương Vương, thành Luy Lâu… Những món ăn ẩm thực dân dã như: bánh đa Kế, bánh Phu Thê Đình Bảng, bánh đúc lạc Đình Tổ, bánh Khúc làng Diềm, nem Bùi Thuận Thành, mì Chũ… qua đôi bàn tay chế biến khéo léo của những cô gái Quan họ đã trở thành thứ đặc sản ẩm thực, làm lòng người xa xứ không khỏi bồi hồi nhớ về hương vị thanh đạm nơi quê hương.

Kinh Bắc không quá ồn ào, hối hả, tấp nập như Hà Nội, Sài Gòn nhưng cũng không quá vắng vẻ, tĩnh lặng… Cái cảm giác huyên náo đủ để con người ta cảm thấy muốn lắng mình trong những cung bậc xúc cảm của cuộc sống đời thường, đủ cho những ai đã từng có lần đến rồi đi vẫn mong chờ một khoảng lặng để nghĩ về những ngày đã qua ở miền Quan họ hiếu khách này.

Vùng đất “Địa linh nhân kiệt” có “Trai Cầu Vồng- Yên Thế, gái Nội Duệ- Cầu Lim” đã khiến bao người ngẩn ngơ, động lòng trước “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” để rồi cứ thẩn thơ đi tìm một “Lá Diêu bông” phía “Bên kia sông Đuống”, xa rồi lại bồi hồi:

Nhớ mưa Thuận Thành
Long lanh mắt ướt…
Ngón tay trắng nuột
Nâng bồng Thiên Thai…
Hạt mưa chưa đậu
Vai trần Ỷ Lan…

Lại ao ước mong chờ về miền Quan họ để say trong miếng trầu têm cánh phượng, bên chén rượu làng Vân, nghe các liền anh liền chị hát câu Quan họ “vang, rền, nền, nảy”… “Người ơi! Người ở… đừng về”…
Để rồi lại da diết trong lời dặn dò… người ơi! Đến hẹn lại về..

— Hồng Hoa — (duyenquanho.vn)

Thảo luận cho bài: "Về Kinh Bắc nghe câu Dân ca Quan Họ"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương