Vợ chồng chị Hai Thềm và duyên quan họ

ANTĐ – Đoạt giải cao trong các cuộc thi hát dân ca trong nước, là khách mời biểu diễn trên sân khấu lớn nước ngoài, nhưng không mấy ai hiểu đằng sau những giải thưởng đó của chị Hai Thềm lại là hình bóng của người chồng – thượng tá Nguyễn Văn Hùng đã đồng hành cùng chị trong mấy chục năm qua.
Chị Hai Thềm hát say sưa làn điệu quan họ truyền thống

Chị Hai Thềm hát say sưa làn điệu quan họ truyền thống

Nên duyên bởi tình yêu quan họ

May mắn được sinh ra ở một làng quan họ gốc, bố mẹ lại là người chơi quan họ nên ngay từ nhỏ chị Nguyễn Thị Thềm – chị Hai Thềm, làng Diềm, Bắc Ninh đã được tiếp xúc với các làn điệu quan họ, từ lúc ăn cơm đến khi chào hỏi, hát ru… Cứ thế chất quan họ ngày càng ngấm dần, ăn sâu vào tiềm thức và trở thành niềm đam mê ca hát của cô gái Kinh Bắc tự lúc nào.

Là một trong số những người con được thừa hưởng chất giọng quan họ và được truyền dạy từ cha mẹ, cô gái tên Thềm ngày ấy đã không ngừng luyện tập chăm chỉ. Chị hát say mê bất kể thời gian nào, bất cứ làm việc gì, ở đâu để rồi ngay cả khi nấu cơm hay làm việc đồng áng người dân làng vẫn thường nghe thấy những làn điệu quan họ nhẹ nhàng mà thắm tình quê của chị.

Cũng bởi “say” quan họ, “say” giọng hát ngọt ngào cùng vẻ đẹp đằm thắm của cô bạn học cùng lớp, chàng trai Nguyễn Văn Hùng của làng Diềm ngày đó đã đem lòng yêu cô bạn thân lúc nào không hay. Và rồi từ những buổi hát ở trường phổ thông, những canh quan họ của làng… họ đã sóng đôi cùng nhau và nên duyên vợ chồng.

Trải qua những thăng trầm của một thời gian khó cùng đất nước, đôi vợ chồng trẻ ở vùng quê ngày ấy vẫn luôn yêu và nặng lòng với các làn điệu quan họ của quê hương. “Nhớ ngày đó, dù kinh tế gia đình còn khó khăn lại bận rộn với công việc của người chiến sỹ công an, thế mà anh vẫn chạy khắp nơi mua cho được cái đài cassette để thu âm các bài dân ca quan họ của mẹ vợ. Nhờ thế mà khi cụ không còn nữa, những làn điệu quan họ truyền thống vẫn được lưu giữ cho con cháu đời sau”, chị hai Thềm nhớ lại kể.

Gia đình hạnh phúc của chị Hai Thềm và thượng tá Nguyễn Văn Hùng

Gia đình hạnh phúc của chị Hai Thềm và thượng tá Nguyễn Văn Hùng

Sẻ chia gian khó

Yêu thích ca hát nên ngày chị vất vả, lo toan cho cuộc sống đời thường, tối đến chị lại dằn lòng để các con ở nhà, mà ra cửa đình hát quan họ cùng các bậc liền anh liền chị. Và có những câu chuyện đi hát mà giờ chị vẫn không quên được về cái thời ăn không đủ no ấy. Chị kể: “Có lần để ba đứa con nhỏ ở nhà và dặn chúng khi nào học xong thì đi ngủ. Còn mình tranh thủ ra đình hát quan họ nhưng hôm đó về khuya, sợ làng xóm dị nghị, bố mẹ lo lắng nên mình không dám gọi cửa, đành trèo tường vào trong sân gọi nhỏ thằng lớn dậy mở cửa cho mẹ.

Đam mê hát quan họ, thậm chí phải “bỏ tiền túi” ra để đi hát vào những năm tháng khó khăn ấy; công việc gia đình và chăm sóc con cái đôi khi chị cũng không chăm lo chu toàn nhưng điều hạnh phúc lớn nhất mà chị luôn nhận được là sự cảm thông và sẻ chia gian khó từ chồng. “Đàn ông đi công tác cũng lo lắng việc gia đình. Thấy cô ấy “say” quan họ và có năng khiếu, nhiều đoàn văn nghệ cất công lặn lội cả ngày đường về nhà mời đến biểu diễn, nên dù không muốn để vợ đi hát xa vất vả nhưng cũng đành chiều theo đam mê của cô ấy”, thượng tá Hùng tâm sự.

Không chỉ thấu hiểu, thông cảm mà người chiến sỹ công an tỉnh Bắc Ninh còn là người luôn đồng hành cùng vợ trên con đường bảo tồn, gìn giữ và phát triển làn điệu quan họ truyền thống của dân tộc. Với chị, anh không chỉ là người chồng, người cha của các con, mà còn là người bạn đời chị luôn thầm cảm ơn về tình yêu anh dành cho chị suốt mấy chục năm qua.

Không quên được lần mình đưa cả con gái út đi hát quan họ ở Bắc Giang. Trời mưa gió rét là thế nhưng vẫn đi chỉ vì một nỗi yêu thích đến độ đam mê, không sao bỏ được. Ở nhà, anh ấy lo lắng, không yên tâm nên lại lặn lội lên tận Bắc Giang đón hai mẹ con về”, chị bồi hồi kể lại.

Cũng chính vì luôn nhận được sự ủng hộ, cảm thông lớn cùng một tình yêu bền chặt từ phía chồng, chị Hai Thềm ngày nào thường phải “trốn” mẹ chồng, làng xóm đi hát quan họ, để rồi nay chị liên tiếp nhận được các giải thưởng cao trong các cuộc thi hát dân ca: Giải nhất cuộc thi hát quan họ của tỉnh Bắc Ninh năm 1994, giải A cuộc thi hát dân ca Việt Nam năm 2009, giải nhất cuộc thi Gia đình tài tử năm 2010. Tết năm 2012, chị được mời sang Pháp hát quan họ trong một đoàn gồm 10 người Việt Nam qua đó tham dự chương trình giao lưu văn hóa giữa các nước. Tuy đã chuẩn bị chu đáo cho cái Tết của gia đình trước khi sang Pháp, nhưng chị vẫn luôn canh cánh “không biết Tết ở quê nhà ra sao và chỉ mong được trở về sớm sum họp cùng chồng con”.

Hạnh phúc giản đơn

Tổ ấm gia đình của chị hai Thềm giờ đây không lúc nào ngớt tiếng cười, tiếng bi bô tập nói của đứa cháu nội đầu tiên. Lên chức ông bà ở tuổi ngoài 50, hai vợ chồng chị mừng vui trước sự khôn lớn, trưởng thành của các con. Người con trai cả (Nguyễn Mạnh Cường) hiện đang công tác tại Chi cục đê điều, con trai thứ hai (Nguyễn Thanh Tuấn) là công an của tỉnh Bắc Ninh và cô con gái út (Nguyễn Trang Nhung) đang làm việc tại phòng Khoa học – Hợp tác Quốc tế, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. Dù mỗi người đều có công việc và gia đình riêng, nhưng các con của chị vẫn luôn trở về thăm bà nội và cha mẹ, vẫn hướng về các làn điệu quan họ của quê hương.

“Ngày bé, mẹ đi hát ở đâu đều dẫn con gái đi cùng nên những lời ca chẳng cần học mà vẫn thuộc. Nhưng lớn lên, đi học xa nhà, không có điều kiện ở gần mẹ và luyện hát nhiều, thêm nữa, chuyên ngành học lại là ngoại ngữ, cách phát âm và ngữ điệu khác nhiều so với lối hát truyền thống nên chỉ có thể hát đúng giai điệu, còn nói đến “vang, rền, nền, nảy” chắc con gái phải nhờ mẹ dạy lại”, cô con gái út nhìn mẹ, cười nói.

Giờ mỗi ngày chị hai Thềm lại bận rộn với việc dạy hát miễn phí cho sinh viên ở các trường văn hóa nghệ thuật gửi về để làm quen với lề lối, làn điệu quan họ của làng quê đất Kinh Bắc hay tham gia các chương trình biểu diễn của làng Diềm, của thành phố. Nhưng dù bận đến mấy, chị vẫn dành thời gian để nấu những món ăn mà chồng thích, nấu những bữa cơm ngon cho gia đình, bởi với chị nếu không có chồng, không có gia đình ở bên, quan tâm, sẻ chia, chị sẽ không thể trụ được để hát quan họ đến bây giờ.

Còn anh, thượng tá Nguyễn Văn Hùng, người luôn tất bật với những chuyên án phòng, chống ma túy đầy nguy hiểm, vẫn luôn dành khoảng thời gian ít ỏi để đưa vợ đi hát quan họ mỗi buổi tối muộn nơi cửa đình.

Lần nào đưa vợ đi, vào nghe hát là mình mê lắm vì càng về đêm canh quan họ càng hay, từ ca từ đến giai điệu như mang tính nghệ thuật bác học”, anh cười hồn hậu, nói đầy tự hào về nét đẹp truyền thống của gia đình, quê hương.

Nhìn anh hào hứng hát quan họ đãi “khách” tới thăm, làn điệu mà anh đã học được trong những lần đưa vợ đi hát, bên cạnh là chị Hai Thềm đang mỉm cười âu yếm khích lệ anh, mới thấy tình yêu họ dành cho nhau. Tình yêu ấy đã đi cùng năm tháng. Và với vợ chồng chị đôi khi hạnh phúc chỉ giản đơn là sự quan tâm, là câu nói mong chồng về sớm mà chị đã dành cho anh, khi anh vội vã ra khỏi nhà vì công việc để lại câu hát còn dang dở cứ ngân lên trong ánh chiều “người ơi, người ở đừng về”.

Thảo luận cho bài: "Vợ chồng chị Hai Thềm và duyên quan họ"

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương