Hai “báu vật” cuối cùng của quan họ

(TT&VH) – Mang tin vui quan họ vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của nhân loại về Bắc Ninh, chúng tôi tìm gặp các nghệ nhân “đỉnh cao” của quan họ – những người đã được Nhà nước phong tặng là “Di sản nhân văn sống” cách đây 5 năm. Thật bất ngờ, trong 6 “di sản nhân văn sống” ngày đó, đến giờ chỉ còn 2.

Vui quá hóa nhớ các “liền anh”, “liền chị” đã khuất

nghe-nhan-nguyen-thi-nguyenGiữa trưa ngày rằm Trung Thu, chúng tôi về làng Khả Lễ, phường Võ Cường (TP Bắc Ninh), tìm đến nhà cụ Nguyễn Thị Nguyên (89 tuổi), một trong sáu nghệ nhân quan họ đã được Cục Di sản, Bộ VH-TT (nay là Bộ VH,TT&DL) phong tặng là Di sản nhân văn sống (2004). Cụ Nguyên và cụ Ngô Thị Nhi ở làng Diềm (Hòa Long) là 2 trong tổng số 6 di sản nhân văn sống hiện vẫn còn sống với cháu con, với quan họ, còn lại bốn nghệ nhân được vinh danh cùng đợt với hai cụ đều đã là người thiên cổ.

Cụ Nguyên vừa đi dạy quan họ ở nhà văn hóa xã về, đang ngồi thu gối giã trầu ngay bên cột cổng trong khi trời thì nắng chang chang. Vì không có chìa khóa mở cửa nên mấy cụ cháu chúng tôi ngồi bệt luôn ngoài hè để trò chuyện. Cụ hỏi chúng tôi tìm cụ để học chơi quan họ hay để quay phim, chụp ảnh, viết báo? Tôi thưa là vì quan họ vừa “đăng quang” nên mang tin vui về “khoe” với cụ để cụ mừng. Cụ im lặng hồi lâu rồi bảo: “Giải nhất hay giải mấy? Thi quan họ với nước ngoài cơ à? Lần sau thi ở nước mình thì ới tôi đi với? Tôi chơi được đấy. Đừng tưởng…”.

Biết là cụ hiểu nhầm nên chúng tôi phải giải thích để cụ hiểu, nhưng bị cụ chất vấn lại: Tôi không hiểu di sản là như thế nào? Nhưng nếu di sản là cái quý, cái vô giá thì với người dân Bắc Ninh, Bắc Giang, tất cả những ai biết hát quan họ thật, quan họ cổ truyền, quan họ chay thì quan họ đã là di sản từ lâu rồi. Ở đây này (cụ Nguyên di ngón tay theo mạch máu nổi xanh dưới làn da nhăn nheo trên tay, ý muốn nói quan họ ngấm trong máu lâu rồi – PV). Chỉ tiếc là…”.

Chơi quan họ từ lúc “Răng non trắng tựa như ngà/ Đến nay trơ lợi còn ca rõ nhời” thì mãn nguyện một phần rồi… (lời cụ Nguyễn Thị Nguyên)
Thấy cụ moi khăn chùi nước mắt, cứ nghĩ vì “cái của quý” như cụ nói đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Đại diện của nhân loại làm cụ vui phát khóc, nhưng đến đây thì chúng tôi lại hiểu nhầm cụ. Cụ khóc vì nghĩ đến những người đã khuất núi là những nghệ nhân cốt cán, đại diện cho đỉnh cao quan họ cổ truyền nói chung mà cụ từng biết, thân thiết và từng chơi quan họ với nhau (chứ không riêng gì đối với 4 nghệ nhân cùng được vinh danh với cụ năm 2004) không được vui niềm vui cùng cụ, cùng tất cả những người biết chơi quan họ cũng như những người yêu quý, trân trọng quan họ trong cả nước và thậm chí là cả thế giới. Cụ ngậm ngùi: “Vui quá hóa nhớ các cụ đã khuất núi mà khóc. Lạy giời, các cụ từng là liền anh, liền chị hay tin vui này mà yên lòng, người còn sống thì cố mà bảo tồn, gìn giữ…”.

Phải có “trùm quan họ” mới giữ được quan họ

"Di sản nhân văn sống" Nguyễn Thị Nguyên

“Di sản nhân văn sống” Nguyễn Thị Nguyên

Năm nay cụ Nguyên tròn 89 tuổi, nhưng còn khá minh mẫn, hoạt bát và máu mê quan họ vẫn hừng hực trong huyết quản. Trong lúc tiếp chuyện chúng tôi, thỉnh thoảng cụ lại yêu cầu cho được chơi một vài câu quan họ với lý do: “Nói đến quan họ, nhắc đến quan họ mà chỉ lý thuyết không mà không có thực hành thì chán lắm, không biết nói gì hơn đâu!”.

Và khi cụ hát, dù răng cụ không còn chiếc nào, giọng đã yếu nhưng chúng tôi vẫn thưởng được cái tinh túy, tinh hoa của lề lối quan họ qua những làn điệu rất đỗi mượt mà, ngân nga, nhấn vuốt từng chữ của cụ.

Cụ bảo: “Tôi biết chơi quan họ từ năm lên mười. Nhà tôi có ba đời chơi quan họ và hầu hết chỉ hát quan họ mộc chứ không đệm đàn, ghép sáo như bây giờ. Mẹ tôi là bà Sáu Cáy, một bà trùm quan họ đình đám khắp Bắc Ninh, Bắc Giang trước đây. Xưa kia, hai cụ đi dạy quan họ ở đâu là tôi theo đấy, nên ngấm dần, đến lúc học thì nhanh lắm. Tôi không nhớ hết những nơi tôi đã đi chơi quan họ mà chỉ nhớ hình như tôi không chơi gì khác ngoài quan họ. Được chơi quan họ, sống với quan họ, “đàn đúm” với quan họ từ lúc “Răng non trắng tựa như ngà/ Đến nay trơ lợi còn ca rõ nhời” thì mãn nguyện một phần rồi…”.

Khi được hỏi vì sao cụ mới chỉ “mãn nguyện một phần” trong khi quan họ đã được vinh danh là Di sản của nhân loại? Cụ nôm na: “Cũng giống như tôi và năm nghệ nhân khác đã được “giấy chứng nhận” là Di sản nhân văn sống ấy mà. Đó là nguồn động viên lớn lao, kịp thời của Nhà nước cho những đóng góp của chúng tôi. Tuy nhiên, nó sẽ không có giá trị gì nếu sau khi vinh danh xong, chúng tôi im, không chơi, không truyền dạy quan họ nữa. Người ta cứ bảo vấn đề cốt tử để bảo tồn quan họ chính là nghệ nhân là chưa chính xác. Ai biết chơi quan họ, tôi cho đã là nghệ nhân rồi. Thế nên, muốn quan họ cổ truyền sống mãi, trước tiên phải giữ và đào tạo cho được những “trùm quan họ”. Trùm quan họ là những người biết tất thảy những lối chơi tinh hoa, tinh vi, cổ truyền của quan họ. Quan họ đích thực tôi quan niệm không có kỹ thuật và không được hát mà chỉ có lối chơi và lối ca quan họ. Ở làng tôi, có ông Thà (đã mất – PV) là người duy nhất từ xưa cho tới trước khi cụ mất, chơi quan họ được 36 giọng, nhưng tiếc là chả ai tìm đến cụ và cũng không ai học được lối chơi đỉnh cao ấy từ cụ, kể cả tôi. Ngày nay, đúng là toàn dân hát quan họ, nhưng lối chơi cách tân rườm rà và lối ca không cho thấy nét tinh hoa truyền thống, có lẽ với những người già như tôi chưa thể hài lòng”.

Hiện nay, cụ Nguyên đang đào tạo 2 lớp “trùm quan họ”, một lớp 2 cặp dạy tại nhà, một lớp 3 cặp dạy tại Nhà văn hóa làng Khả Lễ. “Học viên” của hai lớp này toàn những người đã nên ông nên bà và hầu hết đều đã chơi quan họ khá tốt. Theo cụ Nguyên thì cũng chỉ những người như vậy mới có khả năng làm trùm và cụ mới dám dạy và dạy hoàn toàn miễn phí.

Hy vọng, dưới sự hướng dẫn, hàm thụ của cụ Nguyên, rồi đây đất quan họ sẽ có được lớp “trùm quan họ” vừa kế tục truyền thống lâu đời của ông cha vừa tiếp tục truyền dạy lại cho lớp trẻ kế cận, góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc của địa phương, khẳng định vai trò của di sản trong kho tàng văn hóa phi vật thể truyền thống của Việt Nam và của nhân loại được sống mãi trong đời sống đương đại.

Danh sách 6 “Di sản nhân văn sống”

Ngày 10/ 1/ 2004, Cục Di sản, Bộ VH-TT (nay là Bộ VH,TT&DL) dựa trên 3 tiêu chí: phải là nghệ nhân các làng quan họ gốc, phải tham gia một tổ chức quan họ truyền thống trước năm 1940; có công lao trong việc duy trì, phát triển quan họ; trình độ nghệ thuật điêu luyện, khả năng trình diễn xuất sắc, có lối sống của người quan họ. Lúc đó đã chọn được 6 nghệ nhân đại diện cho 64 nghệ nhân trên 49 làng quan họ gốc Bắc Ninh là Di sản nhân văn sống, một danh hiệu cấp Nhà nước lần đầu tiên được phong.

1. Nguyễn Thị Khướu, 103 tuổi, hát quan họ từ năm 13 tuổi. Làng Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du.

2. Nguyễn Văn Thị, 97 tuổi, hát quan họ từ năm 16 tuổi. Làng Viêm Xá, xã Hòa Long, huyện Yên Phong.

3. Vũ Thị Chịch, 84 tuổi, hát quan họ từ năm 15 tuổi. Làng Y Na, phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh.

4. Nguyễn Thị Nguyên, 87 tuổi, hát quan họ từ năm 15 tuổi, làng Khả Lễ, xã Võ Cường, TP Bắc Ninh.

5. Ngô Thị Nhi, 89 tuổi, hát quan họ từ năm 10 tuổi. Làng Viêm Xá, xã Hòa Long, huyện Yên Phong.

6. Nguyễn Thị Bé, 84 tuổi, hát quan họ từ năm 13 tuổi. Làng Đào Xá, xã Phòng Khê, huyện Yên Phong.

Huy Thông

Thảo luận cho bài: "Hai “báu vật” cuối cùng của quan họ"

6 Comments

  • tôi cũng là người Bắc Ninh khi nghe các ca khúc quan họ tôi thấy thật ấm lòng
    tuy nhiên tại sao tôi tìm trên rất nhiều trang mà không thể tìm thấy những ca khúc được chính các cụ được coi là báu vật sống của quan họ hát?
    có bạn nào biết ở trang nào có giọng ca của các cụ thì giới thiệu cho mọi người yêu quan họ cùng thưởng thức

  • Tôi đã rất ấn tượng với cách bạn bày tỏ suy nghĩ của bạn về Hai “báu vật” cuối cùng của quan họ. Tôi không thể luôn tin rằng ai đó có thể viết một câu chuyện tuyệt vời như thét về tôi tình yêu Hai “báu vật” cuối cùng của quan họ.

  • Tôi thực sự có thể nói rằng tôi chưa bao giờ đọc rất nhiều thông tin hữu ích về Hai “báu vật” cuối cung của quan họ. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi đến quản trị trang web của blog này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương