Giữ lửa quan họ
Tôi về thôn Kim Đôi (xã Kim Chân, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) gặp ông Nguyễn Văn Quyển. Sở dĩ có chuyến đi này bởi gần đây ông Quyển có viết thư gửi Tiền Phong, trong đó cho biết cuối năm vừa qua vợ chồng ông đã hoàn thành cuốn “Tuyển tập Dân ca Quan họ” với hơn 1.000 bài quan họ cổ. “Sở dĩ tôi gửi báo Tiền Phong vì yêu mến tờ báo của Đoàn, đồng thời muốn các bạn trẻ biết thêm về dân ca quan họ”- ông Quyển nói với tôi khi gặp mặt.
Ông Quyển vốn là nhà giáo, sinh ra tại làng Yên Mẫn (nay thuộc phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh), một làng quan họ cổ nổi tiếng. Từ nhỏ, ông đã được sống trong những làn điệu quan họ mượt mà, trữ tình của quê hương. Năm 1960, một sự kiện đến với ông khi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước dẫn một đoàn của Viện Âm nhạc Việt Nam về làng Yên Mẫn để nghiên cứu quan họ.
Đoàn lưu trú tại đây 2 tháng, nên thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Quyển có dịp tìm hiểu về công việc mà mọi người làm. Sau đó, nhạc sĩ Hồng Thao, một chuyên gia quan họ cũng về làng Yên Mẫn trong thời gian dài để nghiên cứu về dòng nhạc dân gian độc đáo này. Khi đó, ông Quyển nghĩ: “Hóa ra, từ trước tới nay mình sống trong cái nôi của quan họ mà không biết giữ gìn, còn những người ở xa lại tìm về đây để ghi chép, nghiên cứu”.
Sau đó ông lại nghĩ, trong làng có rất nhiều nghệ nhân lớn tuổi, nếu nay mai họ mất đi thì liệu có ai còn nhớ những bài hát quan họ đó? Từ những ý nghĩ này, Nguyễn Văn Quyển bắt đầu đến nhà các nghệ nhân quan họ trong làng để nghe họ hát, rồi chép lời vào sổ. Đây không hề là công việc đơn giản khi các cụ hát nhanh, lại có những đoạn cứ “ì a ới a…” liên tục nên không chỉ chép một lần đã xong.
Thấy chàng trai trẻ cần mẫn, nhiều nghệ nhân đọc cho chép, rồi dạy thêm những kỹ năng hát quan họ. Bởi phải hiểu, phải hát được quan họ thì mới ghi chép được đúng tinh thần, làn điệu của bài hát. Ban đầu, ông phải học những bài “giọng vặt” như Ngồi tựa mạn thuyền, Song đào, Cây trúc xinh, Xe chỉ luồn kim, Đêm qua nhớ bạn…, sau đó mới học hát các bài “lề lối” cơ bản như Tình tang, Cây gạo, Gió mát, Đường bạn, La rằng…
“Từ học hát, sau này tôi học thêm về nhạc lý để hiểu thêm cái hay của quan họ. Việc học đó đến nay giúp tôi có thể bổ sung phần nhạc trên phần lời những bài hát quan họ mà mình ghi chép được”- ông Quyển cho biết.
Từ việc chép các bài hát quan họ ở làng, ông Quyển đã đến các làng quê khác trong tỉnh để ghi chép, sưu tầm. Khi thì ông đến các hội làng, lúc thì đến nhà riêng gặp các nghệ nhân. Cũng may, nghề dạy học khiến thầy giáo Quyển có một số thời gian trống để thực hiện ý định của mình.
“Có thời điểm nghỉ hè, tôi dành nhiều ngày ở làng Diềm, nơi thủy tổ của quan họ để xem hát, ghi chép. Có những hôm đói quá, may nhờ có phẩm oản của đình chùa phát mà tôi có thể trụ lại đây nhiều ngày”- ông Quyển kể.
Ông Quyển cho biết, đến nay tất cả các làng quan họ của đất Bắc Ninh ông đều đã qua. Ông đưa tôi xem những quyển sổ ghi chép các bài quan họ mà mình đã sưu tầm trong nhiều năm. Những quyển sổ này bìa đã thâm đen, giấy ố vàng, trong đó một số trang được chủ nhân dán thêm tờ giấy nhỏ hoặc tờ lịch cũ để bổ sung thông tin.
Tuy nhiên, việc ghi chép được ông hệ thống khá khoa học với đầy đủ danh mục, làn điệu, giọng… Phải có kiến thức vững về quan họ cùng sự cần mẫn mới có thể hệ thống được như thế.
Không dừng ở việc sưu tầm, những bài hát quan họ còn được ông Quyển phổ biến cho mọi người. Đến nay, người dân Yên Mẫn quê ông có thể tự hào là làng quê đầu tiên có câu lạc bộ (CLB) quan họ. Đó là vào năm 2000, CLB làng Yên Mẫn được thành lập và ông Quyển được bầu làm Chủ nhiệm. Ngoài việc sinh hoạt, CLB do ông phụ trách còn tổ chức lớp dạy hát quan họ, thu hút cả những người từ các địa phương khác trong tỉnh đến học.
Không nhận nhuận bút khi xuất bản sách
Từ đầu cuộc gặp, ông Quyển kể nhiều về làng Yên Mẫn, nơi ông bắt đầu công việc ghi chép những bài hát cổ. Vậy tại sao giờ ông lại chuyển về thôn Kim Đôi, ở bên người vợ kém mình hai chục tuổi? Số là hơn chục năm trước vợ ông Quyển mất, các con trưởng thành ra ở riêng nên ông sống một mình. Công việc của CLB quan họ tuy chiếm phần lớn thời gian, nhưng ông vẫn có những khoảng trống không nhỏ.
Bên cạnh đó, ông Quyển cũng muốn tập hợp những bài quan họ cổ đã sưu tầm trong nhiều năm thành một cuốn sách, nhưng lượng sức không làm nổi. Vì vậy, có lần ông buột miệng: “Nếu có người ở bên cạnh hiểu và hợp sức cùng mình để làm cuốn sách về quan họ thì hay biết mấy”. Lời nói bâng quơ ấy đâu ngờ lại được những người quý mến ông lưu tâm.
Một lần, trong số những người từ các địa phương khác đến học có bà Nguyễn Thị Thơm, người thôn Kim Đôi. Từng không may mắn trong hôn nhân, bà Thơm một mình nuôi con. Khi các con lập gia đình, bà Thơm mới có dịp theo học kỹ quan họ, làn điệu dân ca quê hương mà bà yêu thích từ nhỏ. Bà Thơm từng về làng Diềm để nhờ nghệ nhân dạy quan họ, nhưng chưa thấy thỏa mãn. Rồi nghe nói ông Quyển từng là nhà giáo nên dạy quan họ rất có phương pháp, bà Thơm bèn theo học. Sau khi học, không những hát tiến bộ mà bà còn hiểu thêm về quan họ, nên rất quý thầy Quyển. Thấy hai người ý hợp tâm đầu, mọi người có ý tác thành.
Ban đầu, khoảng cách tuổi tác khiến bà Thơm có đôi chút ngại ngần. Sự ngại ngần đó thể hiện ở lời đề nghị “nếu đồng ý thì anh về Kim Đôi nhà em”. Ông Quyển đồng ý.
Từ đó, trong ngôi nhà nhỏ bên bờ kênh Kim Đôi, hai vợ chồng sống cùng niềm đam mê quan họ. Họ mở lớp tại địa phương, dạy miễn phí cho những người yêu thích quan họ. Ông dạy người lớn tuổi, đồng thời giúp vợ thành lập CLB Quan họ Măng non Kim Đôi. Đáp lại nhiệt huyết của vợ chồng ông, nhiều người đã tham gia lớp học. Đặc biệt, CLB Quan họ Măng non Kim Đôi là CLB quan họ dành cho trẻ em đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh.
Ông Quyển cho biết: “Đến nay, sau 10 năm thành lập, các cháu trong CLB Quan họ Măng non Kim Đôi đã là thanh niên, vẫn tiếp tục sinh hoạt quan họ. Hiện CLB vẫn tiếp tục dạy các cháu nhỏ thích hát quan họ tại địa phương”- ông Quyển cho biết.
Bên cạnh việc phát triển quan họ tại địa phương, bà Thơm cũng giúp ông thỏa ý nguyện làm cuốn sách về quan họ. Ở tuổi ngót sáu mươi, bà vẫn đi học vi tính để đánh máy những bài hát quan họ mà ông đã sưu tầm sau hơn nửa thế kỷ. Tiếp đó, bà học thêm ký âm để giúp ông biên soạn từng bài hát gắn với bản nhạc. Lần đầu thấy vợ sử dụng phần mềm vi tính để hoàn thành bản nhạc, ông rất ngạc nhiên và cảm động.
“Sau khi hoàn thành 400 bài đầu tiên, vợ chồng tôi bàn nhau in sách. Và cuốn sách “Dân ca Quan họ Bắc Ninh” với 400 bài đối đáp được Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản năm 2011, sau khi Quan họ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại”- bà Nguyễn Thị Thơm cho biết.
Sau thành công ban đầu, vợ chồng ông Quyển tiếp tục làm cuốn “Tuyển tập Dân ca Quan họ” với hơn 1.000 bài hát. “Làm tập sách này, chúng tôi kế thừa 400 bài hát của cuốn sách trước và tập hợp tiếp trên 600 bài hát nữa”- ông Quyển cho biết. Với hơn 600 bài hát nói trên, vợ chồng ông tiếp tục mất hơn 4 năm, đến cuối 2015 mới hoàn thành.
Cầm cuốn sách dày hơn nửa gang tay do ông Quyển đưa xem, tôi thấy sách được phân bổ rất cụ thể như: Hệ Lề lối, hệ Vặt, hệ Giã bạn, hệ Bài độc với tổng cộng 1.176 bài. Đây là con số mà có lẽ cả những nhà nghiên cứu cũng khó ngờ tới. “Nguyện vọng của vợ chồng tôi là cuốn sách này được xuất bản để làm tài liệu cho thế hệ sau. Chúng tôi nguyện không nhận nhuận bút khi xuất bản cuốn sách”- vợ chồng ông Quyển cho biết.
Bữa đến nhà ông Quyển, tôi gặp ông Viêm Xuân Doãn, Chủ nhiệm CLB Quan họ Chu Mẫu (phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh). Ông Doãn từng học Trường Sư phạm Nhạc họa T.Ư, rồi dạy nhạc suốt quá trình công tác. Ông Doãn cho biết: “Năm 2000, sau khi nghỉ hưu, tôi đến học thầy Quyển và cảm phục trước kiến thức về quan họ của thầy. Từng được thầy tặng cuốn “Dân ca Quan họ Bắc Ninh”, tôi thấy cuốn sách rất bổ ích cho những người muốn tìm hiểu và học loại hình dân ca này. Nay cuốn “Tuyển tập Dân ca Quan họ” vừa hoàn thành đây là một tư liệu rất có giá trị”.