Ngả nón xin tiền sau mỗi câu hát quan họ, “cài cắm’ “liền chị” nhí để kiếm tiền, “kỷ lục hóa” quan họ…. Đó là những hình ảnh chưa đẹp khi đi thưởng thức di sản văn hóa nhân loại. Nghệ sĩ trẻ tài năng Thanh Quý, một liền chị đang sống hết mình với quan họ, trao đổi xung quanh các hiện tượng này.
– Làm “hoen ố” Quan họ là màn liền anh, liền chị ngả nón xin tiền tồn tại từ nhiều năm nay. Không ít du khách ngán ngẩm thất vọng khi chứng kiến cảnh các “liền anh, liền chị” cưỡi thuyền rồng, hát giao duyên để “xin tiền” du khách. Là một người nghệ sĩ nặng lòng với câu ca quan họ, Thanh Quý nghĩ gì về điều này?
– Theo tôi, việc “ngả nón…” không phải bây giờ mới có, mà có từ xa xưa. Trước đây, mỗi khi có lễ hội, các liền anh, liền chị cưỡi thuyền rồng trên dòng sông để hát giao duyên. Họ hát hết mình, hát với tình yêu quan họ mà không nghĩ gì về tư lợi. Mỗi câu hát thấm đẫm tình yêu, tình cảm ấy được những người thưởng thức quan họ trên bờ đón nhận một cách say mê và nghĩ cách thưởng chút tiền cho những liền anh, liền chị.
Vì khoảng cách từ dưới sông đến bờ khá xa, nên những liền chị ấy phải gỡ nón quai thao trên bờ đón lấy số tiền mà người nghe thưởng; sau khi đón nhận tình cảm của người nghe, các liền anh, liền chị cúi đầu cám ơn. Hành động này hết sức tao nhã và lịch lãm.
Nhưng bây giờ, hành động tao nhã ấy đang bị thương mại hóa rất nhiều. Có liền anh, liền chị hát quan họ ít dành tâm sức vào việc hát mà chỉ chú trọng vào việc “ngả nón xin tiền”. Đối với họ, “xin” được càng nhiều tiền của khách thập phương càng tốt, còn người nghe thưởng thức giai điệu quan họ như thế nào, họ chẳng buồn quan tâm. Thế nên mới có chuyện, có khúc sông nhỏ mà tới 4-5 thuyền rồng quan họ “xin tiền”.
Với công chúng, nghệ sĩ Thanh Quý đã được biết đến là một nghệ sĩ tài năng, có nhiều cống hiến cho dân ca quan họ Bắc Ninh.Qua giọng ca mang mang đậm tố chất “ vang, dền, nền, nảy” cùng khả năng diễn xuất, Thanh Quý đã làm hài lòng những khán thính giả khó tính nhất trong thưởng thức dân ca quan họ. Thanh Quý từng đoạt nhiều giải thưởng trong âm nhạc như giải A liên hoan dân ca Việt Nam năm 2005, HCV và HCB toàn quốc năm 2006… Chị đang công tác tại Nhà hát dân ca quan họ tỉnh Bắc Ninh. |
– Về sự kiện Hội Lim năm nay có đến gần 3.000 người tham gia mặc trang phục quan họ và cùng hát để xác lập kỷ lục Việt Nam, Thanh Quý thấy sao?
– Đây chỉ là hình thức của Ban tổ chức thực hiện để ghi kỷ lục, tạo dấu ấn cho Hội Lim năm nay thôi. Chứ còn hát quan họ thực sự chỉ có liền anh – liền chị giao duyên với nhau.
Quan họ vốn là một nghệ thuật thanh nhạc tinh tế với hệ kỹ thuật nhấn nhá nhả chữ, nảy hạt ở đẳng cấp cao trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền. Với bản chất một thể loại hát đối đáp trai gái, theo truyền thống, việc diễn xướng các làn điệu bao giờ cũng do từng cặp liền anh hay liền chị thể hiện. Thể thức này không thể thay đổi được. Đó chính là nét duyên riêng biệt của quan họ.
– Việc truyền bá âm nhạc cổ truyền đến với giới trẻ bằng con đường cách tân, kết hợp với âm nhạc đương đại, nên chăng?
– Theo tôi, hãy để quan họ đến với các bạn trẻ một cách nguyên thủy có vậy mới giữ gìn và phát huy Di sản văn hóa nhân loại.
– Vừa cho ra mắt DVD đầu tiên mang tên “Sở cầu như ý”, Thanh Quý có sợ mình nhạt nhòa giữa kệ đĩa quan họ của những liền anh, liền chị đã đi trước?
– DVD “Sở cầu như ý” do Cty Nghe nhìn Thăng Long phát hành gồm 11 bài: Chè mạn hảo, Súc miệng ấm đồng, Chim khôn đỗ ngọn thầu dầu, Đôi bên bác mẹ cùng già, Vốn liếng em có 30 đồng, Chim khôn đậu nóc nhà quan, Lệnh ngự, Thuyền mở lái chèo, Sở cầu như ý, Xin ra về … được cấu tứ như một câu chuyện tình lãng mạn của một liền chị và một liền anh.
Chính vì muốn tìm thấy sự khác biệt cũng như gìn giữ nét tinh túy của câu ca quan họ xưa, tôi đã cố gắng thể hiện một số làn điệu quan họ cổ . Ngoài nội dung, phần hình ảnh và cách thể hiện khác lạ về bối cảnh, về phong cách thể hiện câu chuyện… của đạo diễn Phạm Đông Hồng.
Đạo diễn tài năng này đã đưa người xem về một không gian cổ xưa của vùng quê đồng bằng Bắc bộ, một bức tranh giàu chất dân gian mà nơi đó có cây đa, bến nước, mái đình, cánh cò trắng, con đò và làng nghề thủ công nơi sản sinh ra những làn điệu dân ca mà mãi mãi còn lắng đọng trong mỗi người việt chúng ta mặc dù họ ở bất cứ nơi nào…
– Cảm ơn Thanh Quý.
Thùy Dương (thực hiện)
Nguồn : Pháp luật VN