Nghệ nhân Quan họ Mai Văn Sỹ

Cầm trên tay đề cương tập sách “Làng Quan họ gốc và nghệ nhân Quan họ”, tôi tìm đến nhà nghệ nhân Mai Văn Sỹ ở thôn Xuân ổ A, phường Võ Cường (thành phố Bắc Ninh). Đã ở tuổi 87, tai không còn nghe rõ, mỗi câu nói phải nhắc lại đến mấy lần, song khi biết tôi hỏi về nghề chơi và người chơi Quan họ thời xưa thì cụ Sỹ rành rọt kể tường tận.

Cụ Mai Văn Sỹ là một trong 25 nghệ nhân Quan họ được xác định trên cơ sở khảo sát những tiêu chí chung đã được thông qua trong cuộc hội thảo khoa học do Cục Di sản văn hoá phối hợp với Sở Văn hoá – Thông tin Bắc Ninh (trước đây) tổ chức năm 2003 với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu T.Ư và địa phương.

Theo lời nghệ nhân thì cụ chơi Quan họ từ năm 14 tuổi, lúc đó được chị Hai Nghiên là người làng Đào Xá, lấy chồng về Xuân ổ truyền dạy lại. Những ngày xa lắm rồi, giờ chỉ còn lại trong ký ức của người nghệ nhân cao tuổi đã đi gần trọn vẹn cuộc đời.

Cái nghề chơi Quan họ cũng thật lắm công phu, nếu không ham và say thì thật khó gắn bó được. Thời cụ Sỹ, để thu nhận được nhiều nhất vốn quý của cha ông phải học cả ngày cả đêm. Học từ người truyền dạy trực tiếp là chị Hai Nghiên một phần, phần khác được trang bị ở các cuộc giao lưu mà cụ gọi là “chơi” Quan họ. Từ năm 14 tuổi, khi bắt đầu mê và tham gia chơi Quan họ, chàng thiếu niên Mai Văn Sỹ đã cùng “bọn Quan họ” làng Xuân ổ đi chơi ở Bịu. Vẫn nhớ 12 năm “khăn gói” về làng Bịu rồi mấy mươi năm tiếp theo chơi ở Đào Xá, song khi nhắc đến những bạn chơi: ông Ninh, ông Lượng, ông Thuần, ông Hoà… thì cụ Sỹ ngậm ngùi bởi nay đều đã trở thành người thiên cổ rồi. “Ngày ấy chúng tôi chơi với nhau tình nghĩa lắm. Cái nghĩa, cái tình của người Quan họ không phải là tình yêu trai gái như trong lời hát đâu, mà bằng sự thủy chung, trọn vẹn trong đường ăn nhẽ ở”, “Không chỉ là  tình nghĩa giữa các liền anh, liền chị với nhau mà còn là tình nghĩa với gia đình, người nhà nữa. Bố mẹ ai đau yếu thì dù xa xôi đến mấy cũng phải đến thăm nom”.

Như được cởi tấm lòng, khi tôi hỏi về lề lối chơi và các giọng Quan họ, liền anh Mai Văn Sỹ hào hứng “Đã không chơi thì thôi. Một buổi chơi Quan họ công phu, tường tận lắm chứ”. Và cứ thế, cụ Sỹ vừa diễn giải vừa hát minh hoạ cho tôi nghe các giọng lề lối, giọng lẻ, giọng vặt và giọng giã bạn. “Nếu kể ra thì giờ tôi còn nhớ được khoảng 60 câu. Cũng già lắm rồi. Nhưng tôi không nghe được cách hát của người bây giờ, không đúng. Mà những bài chúng tôi hát ngày xưa giờ người ta cũng không học được, không theo được là vì ngày xưa vừa hát vừa chơi Quan họ, có hàng loạt những quy định khắt khe. Mỗi thời một khác, ngày ấy, chúng tôi đi cày về, mệt thế mà cứ đi hát là lại khoẻ”.

Ngày xưa say chơi Quan họ đến độ hát thâu đêm suốt sáng, ngày này qua ngày khác mà vẫn không chán nên giờ có tuổi, bạn Quan họ cứ mất dần, cụ Sỹ càng nhớ những ngày đã xa. Con cháu kể, nhiều đêm không ngủ được cụ lại trở dậy hát mấy câu. Một trong những câu liền anh ấy hát cho tôi nghe là “Yêu nhau chẳng lấy được nhau. Nếu mà lấy được đâu nên thế này. Đây là Xuân ổ nay. Cách mạn không xa miền. Bởi chưng trời tối nên duyên vẫn chưa se đường. Cách con sông Thương nước chảy đôi dòng. Dù trong hay đục người trông bên nào. Nhác trông lên giời thấy bốn ông sao. Chỗ quang không mọc mọc vào đám mây. Cái giếng hồ Tây biết bao giờ cạn. ở trong vườn đào lòng tôi hướng cao. Hỏi khách má đào, chị Năm chị Sáu cùng tưởng nơi nào hơn chúng tôi…”. Cụ bảo, câu này do cụ sáng tác, từng hát rất nhiều cho mọi người nghe, nhưng lần nào cũng chỉ hát có một lần chứ không hát lại bao giờ dù rằng nhiều người thích và muốn được nghe lại.

Từng truyền dạy chút vốn cho chị em nghệ sỹ Thuý Cải, nghệ nhân Sỹ vẫn nhớ, đó là cô học trò chăm chỉ và tiếp thu rất nhanh, hát rất có hồn. Bây giờ, phần vì tuổi cao không đi xa được, phần vì cũng chẳng có nhiều người tâm huyết, cụ Sỹ bảo nếu ai muốn học thì đến nhà cụ truyền dạy. Đem băn khoăn “Làm gì để duy trì và phát triển được vốn Quan họ truyền thống trong điều kiện hiện nay?”, người nghệ nhân già chia sẻ nỗi niềm: “Ngày xưa chúng tôi vì say mà gắn bó được nên bây giờ muốn giữ được vốn quý cha ông để lại phải có những người thực sự yêu thích”.

V.H

Thảo luận cho bài: "Nghệ nhân Quan họ Mai Văn Sỹ"

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương