Về Ngang Nội nghe câu quan họ

(HNM) – Từ lâu tôi đã nghe quan họ trên đài, xem quan họ trên ti vi. Nhưng “mục sở thị” thì chưa một lần. Một ngày giữa xuân 2014, được nhà văn Trần Chiến, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ rủ về Ngang Nội “chơi hội làng và nghe quan họ”, thế là đi…

Ngồi trên xe, Nguyễn Hùng Vĩ gọi điện thoại, nói rất tự nhiên: “anh luộc cho mấy củ su hào nhổ ở vườn nhà nhé”. Cuộc điện thoại ấy chứng tỏ ông rất thân tình với “liền anh quan họ” nào đó ở làng. Vốn thích sự bất ngờ, nên chẳng ai nỡ hỏi…

Hát quan họ tại làng Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.

Hát quan họ tại làng Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.

Ngang Nội giờ thuộc xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Làng cổ này xưa nằm trong xã Hiên Ngang, tổng Khắc Niệm. Hiên Ngang có ba thôn là Nội Trang, Trung Trang và Cầu Trang, sau dân làng lấy chữ Nội để đặt tên làng nên Nội Trang đổi thành Ngang Nội. Cũng không biết thôn này hát quan họ từ bao giờ, chỉ biết là một trong 49 làng quan họ cổ của xứ Kinh Bắc. Không chỉ hát quan họ, Ngang Nội cũng hát chèo từ rất lâu, trong đó có những gia đình ba đời theo nghiệp chèo, đáng kể như gia đình cụ Nguyễn Đức Nhuận có thể diễn trọn vở mà không cần phải mượn vai.

Xưa Ngang Nội đất đã chật, người đã đông nên ngoài cấy lúa, trồng màu, dân làng còn làm nhiều nghề phụ như: Thợ mộc, làm đậu phụ, thợ xây, nấu rượu, chăn nuôi. Rượu Ngang Nội nổi tiếng khắp vùng, ông Vĩ nói rằng, cái tên rượu Ngang (để chỉ rượu quốc lủi) có xuất xứ từ tên làng Ngang, xem ra cũng có lý. Ông Vĩ còn cho rằng, rượu làng Ngang có thể sánh ngang với rượu làng Vân.

Bây giờ Ngang Nội không còn dáng dấp của một làng cổ. Ao hồ bị lấp, vườn tược không còn, đường làng xưa là gạch nay đã trải nhựa, ngõ đổ bê tông. Làng thành phố thị, có nhà cao tới 4-5 tầng. Tuy không gian quan họ mất đi nhưng được cái “máu quan họ” vẫn chảy. Một bà cụ bán hàng nói với tôi như vậy. Bà bảo, dân khắp nơi vẫn đổ về các gia đình nghệ nhân nghe hát và dù nhiều người làng không có năng khiếu “nhưng ai cũng thuộc, ít nhất là một làn điệu”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ dẫn chúng tôi vào ngôi nhà hai tầng, sân gạch khá rộng. Một người đàn ông trong bộ quần áo lụa màu cà phê sữa may theo kiểu nửa ta nửa tàu, ân cần mời khách vào chơi nhà. Nhờ Nguyễn Hùng Vĩ giới thiệu, tôi mới biết ông là nghệ sĩ Vũ Tự Lẫm, thân phụ của nghệ sĩ chèo Tự Long. Nghe tên tôi sực nhớ ông có tham gia bộ phim “Đến hẹn lại lên” của đạo diễn Trần Vũ, đóng vai Chi, một thanh niên làng quan họ yêu cô Nết (Như Quỳnh đóng). Hơn 40 năm đã qua, “anh Chi” đã già, thảo nào không thể nhận ra. Một bà bế cháu đang ngủ đon đả ra chào khách, đó là nghệ sĩ Minh Phức, vợ liền anh Tự Lẫm. Ngôi nhà mà chúng tôi vào vốn không phải nhà của thân phụ, thân mẫu Tự Long mà là nhà của chị gái, liền chị Minh Phức và từ bé bà Phức đã sống, lớn lên và hát quan họ ở đây.

Năm 1969, khi cấp trên cho phép thành lập đoàn quan họ, ông Lê Hồng Dương khi ấy là Trưởng ty Văn hóa tỉnh Hà Bắc (sau này tách ra thành Bắc Giang và Bắc Ninh) đã nài nỉ xin Đoàn chèo trung ương cho ông Nguyễn Đức Siêu là diễn viên có hạng về lập đoàn. Vốn quê quan họ nên ông Siêu nhận lời ngay và hằng ngày, ông lóc cóc đạp xe đi khắp vùng tìm kiếm hạt giống và mời nghệ nhân. Ông mời cụ Nguyễn Đức Sôi làm thầy dạy và bước đầu tuyển được 7 diễn viên, trong số đó có Vũ Tự Lẫm và Minh Phức. Vũ Tự Lẫm hát quan họ từ năm 13 tuổi, khi thử giọng, nghe Lẫm hát mà ông Siêu ngạc nhiên. Khi trở thành diễn viên của Đoàn quan họ Hà Bắc, liền anh Tự Lẫm gặp liền chị Minh Phức và sau này hai người đã cưới nhau. Tự Lẫm vốn quê đất văn hiến, thôn Trang Liệt, thị xã Từ Sơn.

Hai mâm cơm dọn ra như cỗ Tết và có thêm đĩa su hào luộc. Mâm tú hụ mà người quan họ vẫn bảo chúng tôi xơi bữa cơm “rau dưa” với gia đình. Ông Lẫm thú nhận lúc nãy hơi mệt vì vừa đi thực hiện cảnh quay trong phim “Đào sen” ở Phả Lại mới về. Liền anh Tự Lẫm rót rượu, chỉ sau vài lần cạn chén, liền anh Tự Lẫm khác hẳn, ông trở nên hoạt bát hơn và vô cùng hóm hỉnh, có lẽ không phải vì rượu mà liền anh và khách đã gặp nhau khi bàn về quan họ. Uống rượu mới thấy Nguyễn Hùng Vĩ nói đúng. Rượu Ngang Nội uống êm nhưng đậm, dễ chịu hơn rượu làng Vân. Một người cháu của liền chị Minh Phức bảo, rượu Ngang Nội ngon do nguồn nước ở làng, do men và kinh nghiệm nhiều đời truyền lại. Câu chuyện dồn vào quan họ, chèo, hát văn và chuyện đạo diễn Trần Vũ về 49 làng quan họ cổ tìm diễn viên đã chấm ngay Tự Lẫm cho phim “Đến hẹn lại lên”. Cảnh đầu cũng chỉ quay có 5 đúp, ít hơn cho phép. Mấy cử nhân văn khoa, bạn đồng niên của nhà văn Trần Chiến và Nguyễn Hùng Vĩ, ăn vội vì sốt ruột muốn nghe các liền anh liền chị hát, chiều lòng “khách phương xa”, Tự Lẫm và một học trò cùng bạn đàn bắt đầu so dây, chỉnh đàn thì nghệ sĩ Lệ Ngải đến. Trông chị hiền lành, ăn mặc giản dị.

Thực ra đây không phải là canh hát mà chỉ là buổi hát mang tính “vui bạn, vui bè”. Tự Lẫm đánh trống ban, gõ phách cho hai chị em họ Lệ Ngải và Minh Phức hát câu chào khách. Liền chị Minh Phức vừa bế cháu vừa hát, thoải mái như hát ru cháu. Đúng là “danh bất hư truyền”, dù không danh hiệu gì nhưng giọng hát của Lệ Ngải và Minh Phức mượt mà và tình cảm, đúng là “vang, dền, nền, nẩy”. Rồi bà Tình đến, dù cao tuổi nhưng nét đẹp thời con gái vẫn chưa phai là mấy. Bà Tình hát chèo hay nổi tiếng từ thời còn tỉnh Hà Bắc. Cùng với Minh Phức, bà hát trích đoạn chèo “Quan Âm Thị Kính”, nhuần nhuyễn và ngọt ngào trong tiếng nhị đằm sâu của Tự Lẫm. Quả thật, nhìn Tự Lẫm đánh đàn nguyệt, kéo nhị hay đánh trống ban, gõ phách cứ như người nhập đồng. Có lúc ông vừa đàn, vừa đùa với mọi người bằng các động tác đánh mắt, vung tay hay câu đế duyên kinh khủng. Tự Long diễn hay hát hay, có lẽ nhờ gen cha mẹ, thật đúng là “hổ phụ sinh hổ tử”!

Rồi mọi người “kiến nghị” Tự Lẫm hát xẩm, và khi câu đầu tiên trong bài xẩm “Thập ân phụ mẫu” cất lên, tôi nghĩ ông hát xẩm rất tuyệt giọng bi nhưng không hề lụy: “Con ơi đất rộng trời cao, sánh làm sao được công lao mẹ hiền. Mẹ đã có thai, kể từ một ân thì con, mẹ mới có thai. Âm dương là âm dương nhị khí… ới nào ai biết gì. Ở trong lòng ở luống những sầu bi…”. Hát hết đoạn đầu, ông liền kéo nhị, uyển chuyển như chơi với cây nhị chứ không phải đang đàn. Hát xong “Thập ân phụ mẫu”, ông lại chuyển sang hát văn, theo điệu Xá (một điệu quan trọng trong hát hầu đồng). Một chị như nhập đồng lắc lư, hai tay vẫy theo nhịp. Rồi ông lại cùng vợ hát “Hương Sơn phong cảnh”, theo thể ca trù. Bài thơ của Chu Mạnh Chinh nổi tiếng hàng trăm năm nay vì mỗi câu đều chứa đựng âm thanh, hình ảnh ngợi ca vẻ đẹp non nước phong cảnh Hương Sơn. Hát theo thể ca trù bài này không dễ, phải hát làm sao để người nghe như đã đến được Hương Sơn đất Phật.

Giọng hai người lúc lên lúc xuống nhịp nhàng, rồi ngắt quãng, kéo dài âm đã tạo ra cảm giác Hương Sơn ngay trước mắt chúng tôi:

…Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.

Và như “nịnh” khách Hà Nội, Tự Lẫm hát ca trù bài “Thưởng hoa”, có nội dung về khách đến làng Ngọc Hà thưởng hoa ngày xuân. Nhưng trùm lên cuộc hát chơi này vẫn là quan họ…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ kể, có canh hát, liền anh liền chị hát giã bạn từ tối đến sáng mà vẫn chưa chia tay được. Và cuộc chia tay của chúng tôi với liền anh Tự Lẫm, rể Ngang Nội cũng giống như câu chuyện của ông Vĩ, chia tay trong nhà, chia tay ngoài sân, ra ngõ lại chia tay và chia tay cả khi khách đã ngồi trong ô tô, tôi nghĩ chả khác xưa. Một đêm nghe hát mới chỉ “sơ kiến” quan họ. Lần sau, nếu về Ngang Nội, tôi sẽ tìm đến nghệ nhân khác vì nghe nói ở đây còn nhiều gia đình mấy đời hát quan họ. Và ở Ngang Nội vẫn còn nhiều người nắm giữ điệu quan họ cổ bị cho là thất truyền.

Giêng, Hai làng làng mở hội, có dịp nghe quan họ gốc mới hiểu văn hóa thuần Việt trường tồn là nhờ vai trò chủ thể của nhân dân, trong đó có người Ngang Nội.

Nguyễn Ngọc Tiến (Báo Hà Nội Mới)

Thảo luận cho bài: "Về Ngang Nội nghe câu quan họ"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương