Nghệ nhân Quan họ Vũ Thị Chịch

“… Lúc bấy giờ tôi còn con gái, hay đi xem tát ao. Ông Cửu và ông Huyền (hai nghệ nhân Quan họ làng Y Na) là hai bậc đáng tuổi anh hát Quan họ rất giỏi. Các ông ấy vừa đạp guồng nước vừa hát. Tôi đi xem tát ao thật, nhưng thực tình là nghe hát.

Tôi nhập tâm rất nhanh. Các ông hát đến câu nào tôi nhớ đến câu đó. Đến giờ tôi chưa quên một đoạn các ông ấy hát thế này: “

– Đêm ngắn tình dài, suốt đêm thâu canh em còn thao thức hết đứng lại ngồi…”.

Ban ngày nghe hát thế, đến tối mấy chị em chơi với nhau ở sân đình gặp nhau cứ nghêu ngao hát, rồi thuộc lúc nào không hay. Đấy, tôi đến với quan họ bằng con đường nào ư? Tôi còn nhớ được như thế đấy…”.

Nghệ nhân Vũ Thị Chịch ngồi kể lại cái thời xa xưa của mình mà ngỡ như mới hôm qua hôm kia vậy. Cứ nhìn ánh mắt của bà còn tươi, nụ cười thật hiền của bà còn đọng, tôi hiểu ra điều đó. Đây là một liền chị Quan họ có thể nói từng vang bóng, nổi đình nổi đám một thời mà tôi có may mắn được quen biết.

Bà Vũ Thị Chịch (còn gọi là bà Lô) sinh năm 1919 ở thôn Y Na, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh. Năm 1934, mới 15 tuổi bà đã biết hát Quan họ, thuộc và hát được khoảng 20 câu thông thường, hay được bọn Quan họ trong làng hồi ấy cho đi theo chơi hội đó đây. Với Quan họ Y Na, thế hệ trước có ông Cửu, ông Huyền (Sáu Huyền) là một cặp hát rất nổi tiếng. Đến thời bà Chịch, thì ngay từ lúc trẻ, mới mười tám đôi mươi, bà Chịch đã là người khá nổi trội không chỉ ca hát thành thạo trên trăm câu đối đáp, hơn thế bà còn là người giao tiếp giỏi, nói năng lưu loát, nên được các “bọn” Quan họ gần xa tôn vinh làm chị Cả. Về việc này, đã có lần bà kể: “ Thời tôi, làng có hai bọn Quan họ thôi. Bọn nữ chúng tôi có 4-5 chị em, như bà Đệ, bà Miên, bà Tịnh, bà Mí. Khi hát với các anh Quan họ bên làng Yên, hoặc có hôm hát với các anh bên Thị Chung, thường các bà ấy cứ đùn đẩy cho tôi nói trước. Tôi chẳng ngại. Tôi thường mở đầu thế này: – Thưa anh Hai, anh Ba, anh Tư… chúng em xấu ăn vụng nói, vụng gói vụng mở, xin các anh cho phép chị em chúng em được ca trước đấy ạ…

Một câu thưa gửi trước các liền anh của bà Chịch chúng tôi vừa trích dẫn… ngẫm ra thấy khiêm nhường mà khôn ngoan, mộc mạc nhưng đáo để, và thế mới xứng nơi trai tài gái sắc. Đến tận bây giờ, bà Chịch gần như cả cuộc đời gắn bó với ca hát Quan họ, với biết bao câu chuyện buồn vui, có lẽ viết đến cả cuốn sách không hết. ở đây, tôi chỉ ghi tóm tắt những ý chính liên quan đến bài viết thông qua lời bà kể:

– “Các con tôi đứa nào cũng hát được. Thấy Quan họ nó hay, nó quý thì phải truyền dạy cho các con các cháu trong nhà. Tôi ví như cháu Thiện (bà Nguyễn Thị Thiện 52 tuổi) là cháu gái thứ của tôi hát cũng rất khá. Bằng chứng là năm 1976 cháu được đi hát phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội. Nhưng tiếc là cháu lấy chồng xa, mãi trên Lạng Sơn, không kèm cặp được nhiều. Còn như cháu Lô (ông Nguyễn Sông Lô 62 tuổi) hát cũng rất vững, thuộc nhiều bài, lại am hiểu lối chơi. Hôm nọ cháu nói trên vô tuyến đấy, rằng Quan họ làm gì có sông Cầu nước chảy lơ thơ, chảy lơ thơ là chảy như thế nào? Phải hát là: – Sông Cầu nước chảy lững lờ, đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi, mới đúng chứ…? và đấy là các con tôi. (bà Chịch ngừng lời lấy miếng trầu, quệt thêm tý vôi, cho nốt vào miệng rồi kể tiếp) – Còn người làng ư, tôi cũng đã dạy cho mấy cháu, nhưng khá phải kể đến cháu Nga (bà Nguyễn Thị Nga 52 tuổi) và cháu Nghị (bà Nguyễn Thị Nghị 53 tuổi), hai cháu này hát đều hay, cũng rất tiếc cả hai đều lấy chồng thiên hạ. Đấy nhé, cháu Nga, cháu Nghị, cháu Thiện… toàn những cháu gái hát hay. Chẳng thế mà Y Na chúng tôi từ xưa có tiếng là con gái hát hay. Với Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh thì… tôi dạy nhiều hơn. Các vị ấy năm 1973-1974 đến ở làng tôi, sao tôi không nhớ. Tôi dạy cho anh Lẫm này, chị Phức này, rồi anh Mùi, chị Thúy Cải, anh Hai Tráng… thậm chí đến con ông ấm người làng Yên Mẫn là học sinh Trường Văn hóa nghệ thuật của tỉnh đến nhờ, tôi cũng dạy. Buồn cười, con bé ấy tôi có biết tên đâu, thấy xã người ta dẫn đến nhà, bảo là nhờ dạy cho mấy câu để làm vô tuyến gì đấy, hỏi ra mới biết nó là con ông ấm, ông ấm là con bà cụ Ngư, bà Ngư lại là bạn tôi, trong khi bà cụ Ngư thì mất lâu rồi, nể quá, đành phải dạy. Đấy ông xem, truyền hát Quan họ nó còn lôi thôi dây mơ rễ má như thế ấy chứ. Vì, như ông biết, ngày xưa chúng tôi đi hát khắp nơi, quen biết nhiều, nay gặp, ngại cũng phải giúp. Bây giờ nói đến cái chuyện ông hỏi xa xưa đi chơi quan họ ở những đâu ư? Tôi phải nói với ông thế này: – bên Yên Mẫn, bên Thị Chung, rồi trên Diềm, trên Đặng, nhiều lắm, nhưng thắm thiết nhất, vẫn là chơi với Quan họ Bồ Sơn, vì dưới ấy còn là chỗ kết chạ anh em với Y Na chúng tôi…

Năm nay bà Chịch tròn 90 tuổi, nhưng còn khá minh mẫn. Tai nghe rõ. Thỉnh thoảng (trong lúc nói chuyện với tôi) bà xen kẽ hát một hai câu để ví dụ. Thật tình, ngồi trò chuyện lần này, tôi mới có dịp quan sát. ở bà, từ cách xưng hô, cách nói chuyện, hay cách ăn trầu, hoặc mời uống nước… tất cả vẫn toát lên vẻ đẹp nền nã xa xưa của một thời con gái Quan họ, sao mà gần gũi nhưng rất đỗi kiêu sa. Tuy bà mệt mấy bữa nay, khi biết tôi đến chơi, bà vẫn cố gượng sức ngồi tiếp chuyện chu đáo, tận tình. Bà cười, bảo, có Quan họ đến nhà, thấy người như khỏe ra. Tôi cảm động khi nhận từ tay bà một miếng trầu. Trộm nghĩ, không biết còn được gặp bà cụ để nói chuyện Quan họ mấy lần nữa. Kẻo, các cụ cao tuổi thế này, như chuối chín cây, như đèn trước gió. Lạy giời. Tôi không dám nghĩ xa hơn, không dám phiền hơn một người già đang ốm, vội đứng dậy xin phép ra về, chỉ hỏi lại: “Bà thấy Quan họ làng mình hiện nay thế nào, có gìn giữ được không”?.

– Thì… cũng được. Bà Chịch chậm rãi: – Bây giờ lớp trẻ nó hát theo lối mới, chưa mềm như chúng tôi ngày xưa. Lúc lên cao, lúc xuống thấp phải biết ghìm âm thanh, không được mở cái miệng nó quá to, ô ố, a á như mấy chị mấy anh bây giờ. Quý ở chỗ, cái nét của ngày xưa họ còn giữ được. Nhưng… khó vẫn là chơi. Phải biết chơi Quan họ. Điều ấy mới đáng nói. Thế này nhá:

Gặp nhau chẳng hỏi chẳng chào,
Khi nào nên bạn đời nào nên quen.

Quan họ lề lối nhiều. Nhưng bắt đầu từ nhời chào. Các ông bây giờ có thấy thế không?.

6 di sản nhân văn sống đã được lựa chọn

Ngày 10/12004, Cục Di sản, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) dựa trên 3 tiêu chí: phải là nghệ nhân các làng quan họ gốc, phải tham gia một tổ chức quan họ truyền thống trước năm 1940; có công lao trong việc duy trì, phát triển quan họ; trình độ nghệ thuật điêu luyện, khả năng trình diễn xuất sắc, có lối sống của người quan họ đã chọn được 6 nghệ nhân đại diện 64 nghệ nhân trên 49 làng quan họ gốc Bắc Ninh là Di sản nhân văn sống cấp Nhà nước, 6 cụ đó là:
1. Nguyễn Thị Khướu, 103 tuổi, hát quan họ từ năm 13 tuổi, làng Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du.
2. Nguyễn Văn Thị, 97 tuổi, hát quan họ từ năm 16 tuổi, làng Viêm Xá, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh.
3. Vũ Thị Chịch, 84 tuổi, hát quan họ từ năm 15 tuổi, làng Y Na, phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh.
4. Nguyễn Thị Nguyên, 83 tuổi, hát quan họ từ năm 15 tuổi, làng Khả Lễ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh.
5. Ngô Thị Nhi, 82 tuổi, hát quan họ từ năm 10 tuổi, làng Viêm Xá, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh.
6. Nguyễn Thị Bé, 84 tuổi, hát quan họ từ năm 13 tuổi, làng Đào Xá, xã Phòng Khê, TP Bắc Ninh.

Đức Miêng

Thảo luận cho bài: "Nghệ nhân Quan họ Vũ Thị Chịch"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương