Nhạc sỹ Ngô Quốc Tính và những ca khúc về miền Quan họ

Vào dịp lễ hội đền Đô tôi có vinh hạnh được nghe nhạc sĩ Ngô Quốc Tính hát bài ông mới sáng tác về quê hương Bắc Ninh. Ông hát cho bạn bè nghe mà say sưa hào sảng đầy truyền cảm.

Vốn đã yêu thích Trên công trường rộn tiếng ca từ lâu, nay được gặp mặt, thậm chí còn được nghe tác giả trực tiếp hát khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ. Đến khi nghe nhạc sĩ Ngô Quốc Tính mời về nhà ông ở Phật Tích chơi thì tôi thật sự ngỡ ngàng, ngỡ ngàng vì bây giờ mới biết người nhạc sĩ hào hoa mình rất hâm mộ ấy lại là người quê mình, ngỡ ngàng vì sự dễ gần hiếu khách của con người mình cho là rất nổi tiếng ấy.

Nhạc si Ngô Quốc Tính

Nhạc si Ngô Quốc Tính

Nhà nhạc sĩ Ngô Quốc Tính ở thôn Vĩnh Phú (xã Phật Tích-huyện Tiên Du) ngay dưới chân núi Phật Tích đầy màu xanh cây lá và huyền thoại của vùng đất sơn thủy hữu tình. Ngay trong khuôn viên nhà ông cũng đầy màu xanh cây trái, đúng là cảnh về vườn thung dung tự do tự tại. Đến khi ngồi hỏi chuyện tôi lại một lần nữa phải ngỡ ngàng vì nhạc sĩ Ngô Quốc Tính không phải quê Phật Tích mà ông chỉ chọn nơi đây là nơi đất lành chim bồ câu đến ở từ ngày về hưu năm 2002 thôi.

Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính quê ở Bình Lục-Hà Nam, sinh năm 1943 ở Hà Nội trong gia đình có học. Sau đó cụ thân sinh chuyển gia đình về quê sống bằng nghề nông và cụ dạy học ở trường làng. Học xong cấp 3 ông lên Hà Nội tự kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau để thi vào trường Mỹ thuật. Học vẽ nhưng ông thích cả âm nhạc nên tự học thêm cả nhạc lý và chơi đàn. Bằng sự nhạy cảm, năng khiếu cá nhân ông đã bắt đầu sáng tác ca khúc ngay từ thời thanh niên sôi nổi ấy. Năm 1964 bài hát Niềm vui cô thợ dệt được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam giúp ông tự tin đi trên con đường dài âm nhạc. Học xong trường Mỹ thuật ông về công tác ở quận Ba Đình, đến năm 1966 ông trở thành hội viên sáng lập Hội Văn học – Nghệ thuật Hà Nội. Ông được cử đi nghiên cứu chèo để viết nhạc kịch đầu tiên cho vở chèo Nhịp cầu non nước của tác giả Lương Tá, nghệ sĩ nhân dân Trần Hoạt đạo diễn. Năm 1968 ông về công tác ở tỉnh Ninh Bình. Năm 1970-1971 ông là Chỉ đạo nghệ thuật dẫn Đoàn văn công xung kích tỉnh Ninh Bình vào Nam phục vụ ở các chiến trường B-C. Những ngày lăn lộn ở chiến trường ác liệt này đã cấp cho ông những cảm hứng nghệ thuật lớn về Tổ quốc, về nhân dân để ông đưa vào tác phẩm, từ đó có sự bứt phá tạo nên tên tuổi cá nhân đậm dấu ấn trong lòng công chúng. Như năm 1973 ký Hiệp định Pari ông đến thăm công trường xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình đã có cảm xúc viết nên tác phẩm Trên công trường rộn tiếng ca. Hay năm 1979 ông đi thực tế ở Lạng Sơn đã viết nên tác phẩm Hương hồi xứ Lạng… Năm 1974 ông học sáng tác hệ đại học chính quy ở Nhạc viện Hà Nội. Từ năm 1992 ông là Chánh văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam đến lúc nghỉ hưu năm 2002.

Khi được hỏi vì sao ông lại về ở vùng quê bên núi Cô Tiên tỉnh Bắc Ninh, nhạc sĩ Ngô Quốc Tính trả lời chân tình “Thì đất lành chim đậu thôi”, nhưng qua hàng loạt ca khúc mới như: Hành khúc thành phố Bắc Ninh, Kinh Bắc nẻo đường xa, Yêu lắm Tiên Du, Dòng tranh lúng liếng, Bắc Ninh thành phố gọi thơ, Bè trầm la lả (phổ thơ Phạm Văn Nam người Phật Tích), Chiều chưa em (phổ thơ Giáp Đình Chiến), Dòng trăng lúng liếng và đặc biệt là hai tác phẩm bề thế Nàng nhũ hương (kịch hát về Vua Bà thuỷ tổ Quan họ), Phật Tích (tổ khúc hợp xướng 4 chương) thì thấy chính sức hút của bề dày truyền thống văn hiến Bắc Ninh-Kinh Bắc đã đưa nhạc sỹ về đây. Ông đã đọc nhiều sách viết về văn hóa, về Quan họ Bắc Ninh nhưng theo ông như thế vẫn chưa đủ, chưa ngấm được hết chất men say của vùng đất đặc biệt này trong lịch sử phát triển nền văn hóa dân tộc. Chỉ có sống cuộc sống như người dân nơi đây mới có thể cảm thấy hết được chiều sâu trầm tích làm nên diện mạo văn hóa đặc trưng quê Quan họ. Và ông sống đúng như vậy. Luôn là một người dân gương  mẫu, hòa đồng cùng dân làng. Ông tham gia Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh, giảng bài ở trường Văn hóa Nghệ thuật, đi điền dã các làng quê mới, giao lưu bạn bè mới. Chưa đầy mười năm chất Kinh Bắc dường như đã ngấm đủ để ông viết tác phẩm Phật Tích có những câu vừa lão thực vừa tài hoa thế này:

Có phải những tiếng chuông từ vương triều Lý
Ngân nga tới tận cửu trùng
Và hương ngâu vẫn nhuộm tím tiếng chuông chùa
Lúng liếng hoa cau vẫn nép vào trang sách
Trang sách giật mình hóa Tiến sỹ Nhà thơ

Phật Tích-Tiên Du-Bắc Ninh-Kinh Bắc
Nền văn hiến uốn cong nòng súng
Quan họ canh dài mài sáng quắc đường gươm.

(trích từ chương 2 Huyền tích phú của Tổ khúc hợp xướng 4 chương Phật Tích)

Hiện nay chùa Phật Tích đang được tôn tạo và xây mới nhiều hạng mục bề thế, đặc biệt là pho tượng Thích Ca cao vài chục mét trên đỉnh núi Tiên sẽ biến nơi đây thành đại danh lam khôi phục lại diện mạo hưng thịnh thời Lý Trần. Du khách trẩy về đây càng ngày càng đông hơn và khi ấy nét nhạc Phật Tích hẳn sẽ làm rung động lòng người một cách sâu lắng hơn, trầm mặc hơn.

Bắc Ninh-Kinh Bắc trước đây đã có một Hồng Thao cả đời sưu tầm nghiên cứu Quan họ, một Nguyên Hồng bỏ chức tước về ở hẳn ấp Cầu Đen chuyên tâm viết văn. Ngày nay lại có họa sĩ Phan Cẩm thượng về ở tại chùa Dâu và chùa Bút Tháp để nghiên cứu thiền họa và nghệ thuật ngày thường. Và còn phải kể đến nhạc sĩ Ngô Quốc Tính ngụ bên non Tiên làm nhạc nữa chứ!

Phạm Thuận Thành
Thường Vũ, An Bình, Thuận Thành

Thảo luận cho bài: "Nhạc sỹ Ngô Quốc Tính và những ca khúc về miền Quan họ"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương