Cụ Phương kể: Tôi sinh năm 1913, năm nay 96 tuổi. Bố và anh trai tôi đều là các Liền anh quan họ và tôi được học hát từ cha và anh khi còn rất nhỏ. Đến năm 15 tuổi thì được nhập “Bọn” quan họ của làng. Làng tôi có tới 4 bọn quan họ: hai bọn quan họ nam và hai bọn quan họ nữ. Các bọn quan họ nam của làng tôi kết bạn quan họ truyền đời với các bọn quan họ nữ làng Điều Thôn, còn các bọn quan họ nữ làng tôi chơi với các bọn quan họ nam làng Đọ Xá. Bọn quan họ nữ chúng tôi có bẩy người: Đứng đầu là Liền chị hai Mân, sau đến ba Đậu, tư Sáng, năm Phương, sáu Khuê, bẩy Tích. Chơi với nhau trong bọn quan họ, chúng tôi quý trọng nhau lắm, coi nhau như chị em ruột thịt; không những rủ nhau đi học hát, khi nhà ai trong bọn có công to việc lớn chúng tôi đều đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên. Và mỗi khi đình đám hội hè là chúng tôi rủ nhau đi hát hội, hát canh.
Cụ Phương kể tiếp: “Chơi” quan họ là phải theo lề lối. Hàng năm, mỗi khi đình đám hội hè, làng có hội phải cử đôi quan họ đến các làng quan họ kết chạ để mời. Đúng hẹn, các Liền anh Liền chị được mời đến đông đủ. Ngay từ cổng làng, cổng đình chùa, quan họ chủ nhà đã ra đón khách: Tay bê cơi trầu miệng hát mời đón khách bằng những lời ca nghe ngọt ngào, tế nhị. Sau đó, quan họ chủ nhà mời quan họ bạn đi lễ Phật, lễ thánh, hát hội. Và ngày xưa hát hội là để giao lưu văn hoá giữa các bọn quan họ nam và nữ, chứ không có thi hát lấy giải. Vui chơi hát hội đến sẩm tối, quan họ chủ nhà mời quan họ bạn về nhà ông (bà) Trùm để hát canh vào mỗi canh quan họ thường thâu đêm đến sáng.
Vào canh quan họ, các Liền anh Liền chị ngồi trên tràng kỷ hoặc phản thành bọn nam riêng và bọn nữ riêng để hát đối đáp và bao giờ cũng phải hát bằng hệ thống giọng lề lối như Hừ La, La Rằng…, sau đó chuyển sang giọng Sổng, giọng Bỉ, giọng Vặt và cuối cùng là giọng Giã Bạn. Bao giờ, giữa canh quan họ, quan họ chủ nhà cũng mời cơm quan họ. Gọi là cơm quan họ, nhưng thực ra là cỗ ba tầng có đầy đủ các món ăn đặc sản của địa phương như giò, chả, nem, bóng, nấm… và bánh trái hoa quả. Trong khi ăn uống, quan họ luôn mời mọc nhau bằng những lời ca, tiếng hát nghe ngọt ngào, tế nhị. Ăn uống xong, các bọn quan họ nghỉ ngơi chốc lát, sau đó lại hát tiếp đến khi nghe thấy tiếng chuông chùa thỉnh mới tàn canh quan họ và chia tay nhau để ra về. Quan họ chủ nhà tiễn bạn ra tận đầu làng và còn lưu luyến nhau bằng đôi câu quan họ để đến hẹn lại lên.
Cụ Phương còn cho biết: Hiện nay làng Thượng Đồng, ngoài tôi, còn đông các Liền anh, Liền chị cao tuổi như: Tống Thị Lợi (83 tuổi), Tống Thị Đôn (86 tuổi), Tống Thị Khánh (79 tuổi), Tống Thị Lộc (68 tuổi), Tống Thị Lễ (65 tuổi) và các cụ đang truyền dạy cho con cháu trong làng. Tâm tư của các bậc Liền anh, Liền chị cao niên là luôn mong ước cho quan họ được mãi gìn giữ và phát huy.
Lúc chia tay với cụ Phương tôi bâng khuâng như người sực tỉnh sau những đam mê của các Liền anh Liền chị, qua các hội làng, qua các canh hát quan họ. Và hiểu sâu sắc rằng mình thật may mắn được tiếp xúc với “Báu vật nhân văn sống” của đất Bắc Ninh ngàn năm văn hiến.
Đỗ Thị Thủy