Vấn đề cải biên cũng như sáng tác các bài bản quan họ mới vốn đã được bàn luận từ lâu và ở nhiều loại hình diễn đàn khác nhau. Lý thuyết, tranh luận, thử nghiệm, giám định… đều không ít. Nhưng tới nay, ánh sáng về một giải pháp mang tính thực tiễn cho vấn đề này hầu như vẫn chưa mấy sáng tỏ.
Dẫu vậy, điều đáng mừng là: Ngay ở trong các thôn cùng ngõ hẻm của làng quê quan họ, tiếng hát quan họ vẫn được bảo tồn như một nhu cầu tất yếu của đời sống. Chính từ nơi sản sinh ra loại dân ca độc đáo này, các nghệ nhân quan họ – những người không hề biết một nốt nhạc nào, theo phương pháp dân gian, đã sáng tạo không ít các bài bản quan họ mới. Nhanh chóng du hành qua thời gian và không gian, nhiều bài mới đã hòa nhập vào vốn cổ truyền. Song hành với tiến trình này, một số bài bản quan họ cổ cũng được các nghệ nhân cải biến, nâng cao và được sử dụng một cách phổ biến. Một trong những nghệ nhân đó là cụ Nguyễn Đức Sôi, 81 tuổi ở làng quan họ cổ Ngang Nội (Hiên Vân, Tiên Sơn).
Bài viết này nhằm khảo sát, miêu tả và suy nghĩ từ một hiện tượng thực tế hơn là khái quát hóa thành những thủ pháp sáng tác. Mong rằng đó cũng là một trong những gợi ý cho các tác giả có lòng ưu ái và say mê với việc sáng tạo bài hát quan họ.
Ngang Nội không những là làng quan họ mà còn là một làng chèo. Ngay từ khi còn trai trẻ, cụ Sôi đã có chân trong gánh hát chèo Ngang Nội. Cho mãi tới bây giờ, cứ mỗi độ xuân thu nhị kỳ, tiếng trống chèo Ngang Nội vẫn vang ngân trong các ngày hội lễ của nhiều thôn xóm. Có lẽ chính truyền thống ấy của quê hương đã tác động và tạo nên bản sắc riêng trong các bài bản quan họ do cụ Sôi sáng tác.
Tuy vậy, tiếng hát quan họ vẫn là niềm say mê vô hạn của cụ Sôi trong hơn nửa thế kỷ qua. Là nghệ nhân, cụ được mời lên dạy hát cho diễn viên Đoàn Dân ca quan họ ngay từ khi đoàn mới thành lập. Rồi tiếp đó, cụ là giáo viên quan họ tại Trường Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh. Trong thời gian ấy, và ngay cả những năm tháng đã nghỉ hưu, lòng ham say quan họ đã đưa cụ tới thâm nhập nhiều làng quan họ gốc để học hỏi, sưu tầm ở các nghệ nhân có tên tuổi, những anh Hai, chị Hai… nổi tiếng một thời. Do vậy, cụ rất tinh hiểu về sinh hoạt văn hóa quan họ và thông thuộc hàng trăm làn điệu quan họ với những phong cách khác nhau.
Có thể nói rằng, chính những hoàn cảnh trên là điều kiện cơ bản tạo nên một số thành công của nghệ nhân, đồng thời là nghệ sĩ sáng tác dân gian Nguyễn Đức Sôi.
Từ những năm 60 (của thế kỷ XX) trở lại đây, cùng với việc cải biên, cụ đã sáng tác gần 40 bài quan họ. Vừa qua, chúng tôi đã ghi trên băng từ hầu hết các bài bản này, do chính cụ hát. Đồng thời, cũng đã có điều kiện ghi âm nhiều bài của cụ do các ca sĩ trình diễn ở các hội thi, hội diễn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phép đối chứng thực tiễn ấy nhằm đánh giá khách quan một hiện tượng sáng tạo.
Các bài bản quan họ do cụ Sôi sáng tạo có thể tạm phân định thành những loại sau:
Thứ nhất: là những bài sáng tác mới cả về lời và giọng (giai điệu âm nhạc), trong đó tiêu biểu nhất là những bài Ăn ở trong rừng, Con sông Vị Thuỷ, Nhớ mãi không nguôi.
Ăn ở trong rừng được sáng tác từ đầu những năm 60. Nhạc sĩ Hồng Thao, chuyên gia nghiên cứu âm nhạc quan họ, trong bài Những làn điệu quan họ khác nhau đã ghi “… 76- Ăn ở trong rừng- cụ Bé – Yên Mẫn”1. Như vậy, anh Hồng Thao đã xếp Ăn ở trong rừng vào đội ngũ 174 làn điệu quan họ khác nhau. Điều đặc biệt là, nhạc sĩ đã ghi âm bài này ở làng Yên Mẫn (Kinh Bắc, Bắc Ninh) do cụ Bé cung cấp. Điều đó chứng tỏ Ăn ở trong rừng đã được hòa nhập vào vốn cổ truyền, bởi chính nghệ nhân quan họ nhiều làng đã dạy bài này cho thế hệ sau. Từ nhiều năm nay Ăn ở trong rừng đã được phổ biến rộng khắp đến mức nhiều người không biết tác giả của nó là ai. Anh Hai Biên ở làng quan họ Khúc Toại (Khúc Xuyên, Yên Phong) đã sáng tác bài Ăn ở dưới đò để đối lại Ăn ở trong rừng tạo thành một cặp ứng – đối hoàn chỉnh theo lề lối hát quan họ.
Ăn ở trong rừng có lời thơ trau chuốt. Nhịp thơ có nhạc điệu, phát triển theo cung bậc tình cảm, không bị gò bó bởi số tiếng trong câu cũng như âm vận. Ý thơ mượn cảnh, mượn vật để nói tình, nói người. Thể thơ là sự kết hợp hài hòa giữa tự sự và trữ tình. Những đặc điểm lời, nhịp, ý thơ như trên, theo chúng tôi, chính là đặc trưng cơ bản nhất của thơ quan họ. Có thể nói đây là một bài thơ hay:
Ba, bốn năm ăn ở trong rừng
Chim kêu, vượn hót nửa mừng nửa lo
Sa chân lỡ bước xuống đò
Sông sâu, sào ngắn khôn dò tới nơi
Hiu hiu gió thổi về chiều
Đàn chim nhạn trắng dập dìu trên non
Đêm sông sương tiếng vượn ru con…
Bài Ăn ở trong rừng được sáng tác dựa trên âm điệu một số làn điệu của hát chèo như đường trường bắn thước, đường trường trên non…, đồng thời đã dùng các thủ pháp luyến láy từ ngữ, sử dụng nhiều tiếng đệm đặc thù của quan họ. Đây là một thể nghiệm có kết quả của cụ Sôi về việc chuyển hóa dân ca, nhạc cổ khác thành quan họ.
Bài Con sông Vị Thuỷ cũng đã được không ít người ở nhiều địa phương biết đến, coi như một làn điệu quan họ cổ. Ở hội thi tiếng hát quan họ toàn tỉnh Hà Bắc mùa xuân Quý Dậu 1993, anh Tế và anh Thịnh (Tiên Sơn) hát đôi bài Con sông Vị Thuỷ đã đoạt giải cao. Trong bài luyện giọng (luyện năm cung) gần đây, có địa phương đã đưa giai điệu của Con sông Vị Thuỷ vào như bốn giọng khác trong bài. Như vậy, bài Con sông Vị Thuỷ do cụ Sôi sáng tác đã đi vào làng bài bản quan họ một cách tự nhiên.
Lời ca Con sông Vị Thuỷ mang đầy đủ đặc điểm thơ quan họ. Thông qua lời kể (tự sự) về Lã Vọng nhớ Ngư ông, bài ca nói tới tình bạn gắn bó thắm thiết (trữ tình):
Con sông Vị Thuỷ có con cá kình
Hỏi ông Ngư Phủ đi đâu
Để ông Lã Vọng ngồi câu thạch bàn
Tai nghe ai gẩy cung đàn
Lời ca quan họ càng say huê tình
Càng thêm nhớ khách tri âm
Biết nơi đâu mà tìm…
Về nhạc, chủ yếu là dựa trên giai điệu Đường trường Vị Thuỷ của hát chèo.
Việc tiếp thu và cải biên những làn điệu của chèo để sáng tạo các bài bản quan họ như trường hợp những bài trên là phù hợp với đặc điểm chung mà dễ tìm thấy ngay cả trong thủ pháp sáng tác nhiều bài quan họ truyền thống. Ở những mức độ khác nhau (thông qua vai trò của người sáng tạo), dân ca quan họ truyền thống vốn đã tiếp thu nhiều làn điệu, âm điệu, nét nhạc của các loại hình dân ca, nhạc cổ khác để làm giàu cho vốn của mình. Ví như những bài Trấn thủ lưu đồn, Suông hời suông hỡi, Gọi đò (Hiên Vân)… tiếp thu từ chèo; Phùng quan tế hội, Hồ Quảng, Gọi đò (Thị Cầu)… tiếp thu từ tuồng; Trèo lên trái núi Thiên Thai, Ai lên quán dốc, Con sáo sang sông… tiếp thu từ các điệu lý Trung và Nam Bộ. Rồi bài Chia rẽ đôi nơi dựa theo âm điệu cò lả, bài Cây kiêu bổng (còn gọi là Văn thượng ngàn) mang âm điệu của chầu văn, v.v…
Hát Quan họ
Nhớ mãi không nguôi là sáng tác cho quan họ nam hát ở chặng giã bạn. Bài này sáng tạo theo thủ pháp của các bài luyện cung (lề lối). Chẳng hạn bài Luyện năm cung ở Ngang Nội là sự kết hợp nhuần nhuyễn giai điệu của năm bài: Giọng thơ, Bóng quế, Luyện sơn trang, Hoa thơm bướm lượn, Đường trường Vị Thuỷ. Bài Nhớ mãi không nguôi (giã bạn) đã liên kết, cải biên hợp lý âm điệu của các bài quan họ cổ trong chặng giã bạn: Tạm biệt từ đây, Con nhện giăng mùng, Kẻ Bắc người Nam, Chuông vàng gác cửa tam quan…
Sự kết hợp giai điệu của nhiều bài giã bạn như thế đã tạo nên những cung bậc tình cảm phong phú, tạo hiệu quả nhớ thương da diết khi dứt áo ra về. Đó là cái tình cảm bâng khuâng dở tỉnh dở say “tỉnh ra mới biết là mình chiêm bao” của nam quan họ đối với người bạn hát của mình.
Nhớ mãi không nguôi mới được sáng tác gần đây, nên chưa đủ điều kiện thời gian thử thách để gia nhập vào vốn bài bản quan họ phổ biến. Vậy những điều có thể nói là: tác giả đã phát huy được bài bản cũng như những hiểu biết sâu sắc của mình về quan họ để sáng tác bài này.
Thứ hai: Phần chủ yếu trong sáng tác của mình là cụ Sôi sáng tác những bài bản để đối lại những bài quan họ cổ mà trước nay chưa có người đối.
Trong vốn bài bản quan họ truyền thống, với đặc điểm là hát đối giọng, nên nhìn chung thường tạo thành những cặp bài ứng – đối. Ví như: Ngồi tựa mạn thuyền – Ngồi tựa song đào, Lúng liếng – Lóng lánh,v.v… Có ứng, có đối song phương như thế mới bảo đảm sự hoàn chỉnh trong lề lối hát quan họ. Dẫu vậy, cũng còn không ít bài, do nhiều nguyên nhân mà tới nay vẫn chưa có bài đối. Nhằm bổ sung vào phần khuyết ấy, cụ Sôi đã sáng tác hàng chục bài đối.
Bài Réo rắt chim oanh sáng tác cho nữ để đối lại bài Thân lươn bao quản lấm mình của quan họ nam. Bài đối như tiếp tục một cuộc đối thoại tinh ranh mà tế nhị, hóm hỉnh của hát ví. Sau những lời bông đùa của bên nam:
Có yêu nhau thì lấy quách nhau đi
Kẻo mai quá lứa lỡ thì lại đổ tại tôi
(Thân lươn bao quản lấm mình)
Bên nữ đáp lại thật sắc sảo, mà vẫn là mượn cảnh vật để nói người của quan họ:
Lơ thơ tơ liễu buông mành
Con oanh học nói trên cành líu lo
(Réo rắt chim oanh)
Cạn chén trăng thề là sáng tác đối lại bài Đêm qua nhớ bạn. Ở bài đối này, nỗi buồn đơn chiếc của Nhớ bạn đã trở thành niềm vui của buổi trăng thề Cùng nhau nguyện ước Trần- Châu.
Bài Có hay chăng tá là sáng tác lại bài Cây kiêu bổng (Văn thượng ngàn).
Bài Lên ngàn xuống biển đối với giọng Trèo non lội suối.
Bài Bóng xế non đoài là sáng tác mới cho chặng giã bạn, đối lại bài Con nhện giăng mùng, v.v…
Hầu hết các bài trên đều có lời ca bóng bẩy không kém những bài ứng trước, chẳng hạn như bài Bóng xế non đoài:
Mặt trời bóng xế non đoài
Trống thu đã giục bồi hồi chả yên
Ra về luống những bâng khuâng
Để thương, để nhớ vấn vương trong lòng
Ra về tựa bóng đèn chong
Năm canh vò võ cô phòng lẻ loi
Ra về nhớ mãi không nguôi…
Ngoài ra, cụ Sôi còn sáng tác nhiều bài khác để đối lại một số bài quan họ cổ vốn đã có người đặt bài đối nhưng chưa được lưu truyền rộng. Chẳng hạn những bài như:
Thiều quang chín chục đối với Phùng quan tế hội.
Dệt cửi đêm xuân là sáng tác cho nữ, đối lại bài Trăng thanh gió mát của nam Thị Cầu.
Tiết thanh minh đối lại Trèo lên trên núi.
Cuốc đã gọi hè sáng tác cho quan họ nữ, đối lại bài Lấy chi làm thú giải phiền của các liền anh Khúc Toại.
Quả cau non là bài nữ đối với Chè mạn hảo của nam Thị Cầu.
Chuyến đò nên nghĩa đối lại Ai xuôi về
Lạc lối Đào Nguyên đối với Lên tiên cung.
Mảnh tre ngà đối lại Như ruộng năm sào.
Phong cảnh hữu tình đối với Trấn thủ lưu đồn.
Sao nỡ dứt tình đối lại Kẻ Bắc người Nam,v.v…
Không ít bài sáng tác trên đã được nhiều người ưa thích, đã học và hát, nhất là ở Hiên Vân – quê hương tác giả. Điều đặc biệt là tác giả đã vận dụng nhiều câu ca dao, thơ Truyện Kiều và thơ của các truyện nôm khuyết danh nổi tiếng khác để đưa vào bài hát trong những hoàn cảnh đối thích hợp, cho nên đã gây hiệu quả dễ nhớ, dễ thuộc, dễ lưu truyền. Đó cũng là kế thừa thủ pháp đặt lời phổ biến ở nhiều bài quan họ cổ. Ví như bài: Tiết thanh minh đã sử dụng nguyên văn đoạn tả cảnh mùa xuân trong Truyện Kiều:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa…
Hoặc vận dụng ca dao trong bài Lên ngàn xuống biển:
...Tò vò nó khóc tỉ ti
Chim kêu vượn hót dạ thì héo hon
Sông Cầu nước chảy đá mòn
Con tằm đến thác hãy còn vương tơ…
Về những sáng tác bài đối, đặt ra những vấn đề:
– Phải chăng cũng giống như đặt lời mới hiện nay?
– Quả thực có điểm giống nhau là cùng đặt lời mới cho một làn điệu vốn đã có sẵn. Song lại khác nhau về mục đích và đặc điểm thơ. Sáng tác bài đối là đối cả giọng và ý, mục đích là để hoàn chỉnh các bài bản quan họ về lề lối. Nội dung đối, dù là phản ánh con người mới, cuộc sống mới, đều ở thể trữ tình (tự sự để trữ tình), tóm lại là phải tuân thủ theo đặc điểm lời, nhịp, ý, thể của thơ quan họ truyền thống.
Còn việc đặt lời mới hiện nay mục đích chủ yếu là để đăng tải một nội dung bất kỳ nào đó, nhiều khi còn phản ánh những vấn đề lý trí khô cứng, tính kể lể, tự sự nổi lên hàng đầu, thường hay nói thẳng vào vấn đề muốn biểu hiện.
Tuy vậy, ở một số bài lời mới được quần chúng yêu thích (như một số bài của Đức Miêng, Tân Huyền) là do đã tuân thủ theo đặc trưng thơ quan họ, đã phản ánh những nội dung thuộc lĩnh vực tình cảm, tình nghĩa con người.
– Nên sáng tác đối lại những loại bài nào?
– Cũng cần xem lại đặc điểm hát đối của quan họ. Theo chúng tôi biết, ở chặng giã bạn không có đối. Khi chia tay, người ta hát với nhau để bộc lộ tình cảm nhớ thương, biểu hiện tâm trạng Kẻ Bắc người Nam chứ không cần tuân thủ theo lề lối hát ở những chặng trước.
Thứ ba: là việc cải biên một số bài quan họ cổ, trong đó có kết quả nhất là chỉnh lý, cải biên bài Ngồi tựa mạn thuyền.
Về thơ, bài Ngồi tựa mạn thuyền phổ biến trước đây có thể 4-8, cụ Sôi đã chỉnh lý thành thơ lục bát (thêm vào Đêm qua, Nhác trông, Đôi tay):
Đêm qua ngồi tựa mạn thuyền
Trăng in mặt nước càng nhìn càng xinh
Nhác trông sơn thuỷ hữu tình
Thơ ngâm ngoài lái, rượu bình trong khoang
Đôi tay tôi dạo cung đàn
Tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng trầm thiết tha…
Về nhạc: Trước kia các nơi đều hát Ngồi tựa mạn thuyền (ở trổ đầu) cả trên và dưới đều một cung. Cụ Sôi đã nâng cung sau cao hơn để thay đổi sắc thái biểu cảm của bài hát.
Sự chỉnh lý, cải biên nói trên đã có hiệu quả thực tế. Hiện nay, ở tất cả mọi nơi, mọi người – kể cả diễn viên chuyên và không chuyên – đều hát theo bài đã chỉnh lý, cải biên của cụ Sôi.
Công trình sáng tác của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi đương nhiên có kết quả ở những mức độ khác nhau. Việc nghiên cứu các tác phẩm ấy cần phải được tiếp tục chuyên sâu cả về âm nhạc, văn học, dân tộc học… đặng có thể đúc rút những điều có giá trị thực tế. Tuy vậy, ở cái nhìn khái quát nhất, có thể nói rằng: Những ai muốn có kết quả trong việc sáng tác bài hát quan họ (kể cả kế thừa, cải biên phát triển) điều cơ bản trước tiên là phải có lòng yêu say đắm và sự am hiểu sâu sắc về văn hóa quan họ, từ lề lối sinh hoạt tới ca hát. Đồng thời phải thông thuộc, thông hiểu nhiều bài bản quan họ cổ.
Thực tế đáng mừng là hiện nay đã xuất hiện một tầng lớp nghệ nhân mới (thông thuộc nhiều bài bản, có giọng hát hay, vừa học hỏi các lão nghệ nhân, vừa truyền lại cho thế hệ sau). Chẳng hạn như chị Hình, chị Khánh ở Bò Sơn, chị Sổ, chị Ly ở Khúc Toại, các diễn viên lớp trước của Đoàn Dân ca quan họ, v.v… Chúng tôi cho rằng cần có những hình thức khuyến khích để tầng lớp nghệ nhân mới này tham gia sáng tác như là các liền anh, liền chị quan họ ngày xưa đã làm.
Liên tiếp ba mùa xuân vừa qua, Hà Bắc đã tổ chức liên hoan, hội thi tiếng hát quan họ. Đó là một hình thức hoạt động mới mang tính đặc thù của quê hương. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng: nên chăng trong hội thi những năm tới, cần có thể lệ mới để khuyến khích sáng tác. Chẳng hạn, quy định khi vào chung khảo, ngoài việc hát bài đã được duyệt sơ khảo, các thí sinh phải trình diễn một sáng tác của mình… có như thế mới động viên được vai trò chủ thể sáng tạo của tự thân quần chúng vùng quan họ.
Chúng tôi nhấn mạnh vai trò sáng tạo của quần chúng, là bởi vì, thực tế sáng tác của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi đã chứng minh một cách sinh động rằng: Họ là những người có đầy đủ điều kiện và khả năng để giữ gìn và làm giàu thêm vốn tài sản văn hóa tinh thần vô cùng quý giá của quê hương./.
Mùa xuân 1993/Lê Danh Khiêm/ (Văn nghệ Hà Bắc, số Xuân Giáp Tuất, 1994)