Vang-rền-nền-nảy trong kỹ thuật hát quan họ

Vẫn biết rằng VANG – RỀN – NỀN – NẨY là những yếu tố rất đặc trưng khi hát và thể hiện những bài dân ca Quan Họ. Nhưng để tìm hiểu thật kỹ và làm sao để có được sự điêu luyện thì thật là khó. Rất may là mình tìm được bài viết của Đặng Phương Lan đăng trên mục nghiên cứu – lý luận của web site của Trường đại học sư phạm nghệ thuật trung ương nên hy vọng là có thể biết cách nẩy, cái kỹ thuật mà mình chưa thể làm được chăng?

hat-quan-ho

Có thể nói, cho đến nay hầu như vẫn chưa có tài liệu nào nghiên cứu về đặc điểm vang-rền-nền-nẩy trong hát Quan họ, mặc dù các nghệ nhân, nghệ sĩ đều thống nhất nhận định rằng đặc trưng của hát Quan họ là vang-rền-nền-nẩy. Qua trao đổi với các nghệ nhân, nghệ sĩ và một số nhà nghiên cứu Quan họ, chúng tôi thấy cách hiểu về những đặc điểm này không giống nhau và có phần không rõ ràng, đặc biệt đối với đặc điểm nền và rền. Chẳng hạn, một số người cho rằng nền là nền nã, nền nếp, liên quan đến trang phục và tính cách của người Quan họ. Hoặc có người lại cho rằng, nền nghĩa là bằng phẳng như nền nhà, không gập ghềnh, gấp khúc. Về đặc điểm rền, nhiều người cho rằng, rền cần phải có từ hai người hát trở lên, một người hát chính, một người hát luồn mới tạo ra độ rền trong hát Quan họ. Cũng có ý kiến cho rằng vang-nền là yếu tố “trời cho” và “mang tính di truyền”, còn rền-nẩy là “do luyện tập” (?!)*. Như vậy, có thể thấy, đây là vấn đề cần được thảo luận và cần có lời giải đáp thỏa đáng. Bởi lẽ việc hiểu rõ đặc điểm vang-rền-nền-nẩy trong hát Quan họ không chỉ có ý nghĩa đối với công tác nghiên cứu dân ca, mà còn thật sự cần thiết cho người hát Quan họ, đặc biệt quan trọng đối với người giảng dạy Quan họ.

Chúng tôi cho rằng, để hiểu rõ đặc điểm vang, rền, nền, nẩy trong hát Quan họ, trước hết cần phải có cách tiếp cận phù hợp. Trong bài viết này chúng tôi  xem xét vang, rền, nền, nẩy từ ba góc độ: đặc điểm âm thanh, giá trị nghệ thuật và kỹ thuật hát. Để tiện trình bày, chúng tôi đảo thứ tự là nền, rền, nẩy, vang.

a. Nền

Trước khi bàn đến yếu tố nền, không thể không nhắc đến đặc điểm sử  dụng tiếng đệm trong hát Quan họ. Tiếng đệm là những âm thanh không thuộc phần lời thơ, như i, a, ơ, ư, hự, rằng, là, ru hời, tính tình tang… Nhiều người thường coi tiếng đệm là hư từ, nhưng chúng tôi cho rằng ở đây không phải là quan hệ thực từ – hư từ, mà cần nhận thấy mối quan hệ lời thơ – tiếng đệm. Trong bài Quan họ, tiếng đệm vừa làm nền như một dàn nhạc đệm, vừa là chất kết dính các âm điệu của lời thơ, thông qua các nốt luyến, lướt, hoa mỹ, thêu tạo thành tuyến giai điệu đặc trưng của Quan họ và chi phối nhiều đến kỹ thuật hát Quan họ.

Chúng tôi cho rằng, nền là đặc điểm của các tiếng đệm tạo nên mặt bằng giai điệu, qua đó làm nổi lên lời thơ và cùng với âm điệu của lời thơ tạo nên giai điệu của bài hát. Tiếng đệm thường có giai điệu nằm trong quãng 2, quãng 3, thỉnh thoảng có quãng 4, 5, ít gặp quãng 6. Như vậy, nền ở đây có nghĩa phông nền, chứ không phải nền nã, nền nếp như  một số người quan niệm. Nói đến đặc điểm nền trong Quan họ là nói đến đặc điểm các tiếng đệm như i ơ, hự, rằng là, tính tình tang… tạo nên giai điệu như một dàn nhạc đệm, làm nền và kết nối lời thơ. Chẳng hạn, trong câu Gọi ớ ơ ớ ơ hự à đò không í i thấy i i hự đò là đò thưa í i (bài Gọi đò). Các tiếng đệm i í ơ ớ hự à… í i…i i hự… là…í i làm nền cho lời thơ Gọi đò không thấy đò thưa.

Tiếng đệm thường thấy nhiều trong dân ca Việt Nam và mỗi thể loại có mức độ và cách thức sử dụng tiếng đệm khác nhau. Ở các thể loại dân ca khác tiếng đệm thường được sử dụng để tô điểm, làm chức năng đệm hơi, đệm nhịp hoặc cả đệm nghĩa cho dễ hát và phát triển giai điệu bài hát. Trong Quan họ, tiếng đệm được sử dụng nhiều, chúng cũng có chức năng đệm hơi, đệm nhịp hoặc cả đệm nghĩa, làm cho giai điệu bài hát phát triển, tuy nhiên đặc thù của tiếng đệm trong hát Quan họ là chúng có vai trò thay cho dàn nhạc đệm, làm nền cho lời thơ và hỗ trợ cho các yếu tố vang, rền, nẩy.

Tiếng đệm trong Quan họ đòi hỏi kỹ thuật hát tương đối khó. Thiếu tiếng đệm Quan họ không còn là Quan họ. Để hát được nền phải giữ hơi thở đều, liên tục, khẩu hình vừa phải, vị trí âm thanh ít thay đổi để giai điệu bài hát đều đặn, hoà quyện, nối tiếp nhau và không bị đứt quãng. Đồng thời có thể điều tiết được độ to nhỏ, mạnh nhẹ của tiếng đệm tương quan hợp lý, không những không át đi âm điệu của lời thơ, mà còn làm nổi lên lời thơ trên nền âm thanh đệm…

b. Rền

Rền là đặc điểm âm thanh trong câu hát hay trổ hát có độ rung đều đều, liên tục không dứt. Rền trong Quan họ có được nhờ cách hát luyến láy và rung giọng, giai điệu phát triển liên tục. Rền tạo nên sắc thái âm thanh đặc trưng của phong cách hát Quan họ.

Rền là cách hát nhấn nhá, luyến láy và rung giọng, vì vậy đòi hỏi người hát phải đạt tới kỹ thuật hát tinh tế mới có thể sử lí độ nhấn vuốt của câu hát Quan Họ.  Hát rền cần giữ tư thế và cổ họng thật thoải mái, tự nhiên, khẩu hình mở vừa phải, đặt âm thanh ở hàm trên, hàm dưới rơi tự do, lấy hơi vừa đủ, khống chế hơi, giữ và đẩy hơi ra đều, liên tục mà không đứt, gẫy, đặc biệt cần có độ rung của thanh quản. Âm thanh phát ra vừa phải có độ vang, vừa có độ rung của giọng, mà không bị đứt quãng. Chẳng hạn, trong câu Bỉ bài Gọi đò cần hát luyến từ gọi có độ rung giọng, như có nhiều âm ọi liên tiếp với nhau, hát âm ơ như có nhiều âm ơơơơ… ở độ cao khác nhau.

c. Nẩy

Nẩy hay còn gọi là nẩy hạt là đặc điểm âm thanh bị tắc lại ở họng, sau đó được bật ra ngoài tạo thành độ nẩy của âm thanh. Nẩy hạt thường rơi vào những âm ở họng hoặc tắc họng như ư, hự, í ợ, ạ. Có 2 kiểu nẩy hạt:

– Kiểu 1: Sau khi tắc lại ở họng, âm được bật ra, tiếp tục kéo dài và có độ rung giọng như trường hợp âm ơ, hự, ạ trong câu Bỉ của bài Gọi đò…

– Kiểu 2: Sau khi tắc họng, âm bật ra và dừng lại đột ngột như trong câu la hự, ối hự của bài Tìm người, hoặc câu mía í ơ trong bài Cái ả…

Từ góc độ giải phẫu, nẩy hạt là khi nắp thanh môn (bộ phận nằm gần như đối diện với lưỡi gà) bật lên để âm thanh thoát ra, rồi đóng lại ngay (ở kiểu 1 sau khi đóng lại, nắp thanh môn lại mở ra, cũng kiểu 2 nắp thanh môn đóng lại và giữ nguyên vị trí). Phải chăng từ hạt chính là chỉ nắp thanh môn và vì vậy có tên gọi nẩy hạt?

Nẩy hạt là một kiểu sáng tạo nghệ thuật của dòng âm nhạc dân gian. Nẩy hạt có thể xem như những điểm nhấn trong chuỗi âm thanh rền, làm cho câu hát, trổ hát thêm ấn tượng và độc đáo. Kỹ thuật nẩy hạt không chỉ có trong Quan họ mà còn thấy ở một số thể loại khác như Chèo, Ca trù. Tuy nhiên, mỗi thể loại lại có cách nẩy hạt khác nhau, ví dụ trong hát Ca trù thường nẩy hạt ở âm ư, đóng khẩu hình, nhả âm thanh bằng mũi. Chèo nẩy hạt thường rơi vào âm i, mở khẩu hình và nhả âm thanh bằng mũi và một phần bằng miệng. Trong Quan họ những âm nẩy tương đối phong phú, thường rơi vào những âm đệm như ư, hự, í ợ, ạ… và một số trường hợp nẩy hạt vào những từ thuộc phần lời thơ của bài hát.

Kỹ thuật hát nẩy hạt trong hát Quan họ rất khác biệt làm cho phong cách hát Quan họ không giống với các thể loại dân ca khác. Để hát được nẩy hạt, cần mở khẩu hình vừa phải, phù hợp với từng âm nẩy hạt (hự, ơ…), hàm dưới buông lỏng và hơi hạ thấp cằm xuống, môi và hàm trên hơi nhếch lên, khống chế hơi, dùng lực hơi thở đẩy mạnh âm nẩy hạt bật ra.

d. Vang

Vang là đặc điểm âm thanh truyền đi mạnh và lan toả rộng ra xung quanh. Vang là kết quả cộng hưởng của miệng hát để khuyếch đại âm thanh. Những yếu tố hỗ trợ vang trong hát Quan họ gồm: giai điệu bài hát phát triển liên tục, sử dụng nhiều âm thêu, luyến, nốt hoa mỹ, âm đệm mở như  ơ, í ơ, í a… với độ ngân dài.

Vang là một yếu tố quan trọng không chỉ riêng trong hát Quan họ mà ở tất cả các thể loại dân ca. Về mặt âm nhạc, vang có chức năng làm cho tuyến giai điệu của bài hát phát triển ở nhiều cung bậc trầm bổng khác nhau, làm cho tác phẩm nghệ thuật thật sự sống động. Mặt khác, yêu cầu đối với người hát ở bất kỳ dòng nhạc nào đều đòi hỏi có độ vang nhất định. Tuy vậy, hát vang trong Quan họ lại có điểm  khác biệt với các thể loại dân ca khác. Chẳng hạn, vang của thanh nhạc được ngân, nghỉ vào những âm ở cuối tiết, câu hoặc đoạn nhạc. Còn vang trong hát Quan họ là nhờ vào tuyến giai điệu phát triển liên tục, kết hợp luyến láy và ngân những âm đệm mở tạo nên, đồng thời vẫn giữ được các yếu tố rền, nền, nẩy. Chính vì vậy, cách hát vang của Quan họ  mang nét đặc thù, cần có kỹ thuật hát phù hợp.

Để hát được vang cần hát chậm, hơi thở đầy, khẩu hình mở, vòm họng chống lên cao, có độ rỗng bên trong họng. Hàm dưới rơi tự do, hàm và môi trên hơi nhếch cao để lộ ra hàm răng trên như cười, tạo cảm giác như hai gò má chống lên cao, phát âm phải rõ chữ và có độ sáng… Cần lưu ý ngân trong hát Quan họ có độ rung, chứ không phẳng như thanh nhạc.

Sự phân tích các yếu tố vang-rền-nền-nẩy trong hát Quan họ từ các góc độ khác nhau ở trên cho phép chúng ta nhận diện các yếu tố này dễ dàng và chính xác hơn: mỗi yếu tố có đặc điểm âm thanh riêng, có giá trị âm nhạc nhất định và đòi hỏi kỹ thuật hát phù hợp. Sự kết hợp các yếu tố vang-rền-nền-nẩy trong bài hát Quan họ tạo ra sắc thái âm thanh đặc trưng của bài hát Quan họ. Vì vậy một trong những cái khó của hát Quan họ là người hát phải có được kỹ năng điêu luyện thể hiện kết hợp các yếu tố này.

Một trong những bài rất khó hát và điển hình về kỹ thuật hát Quan Họ như liền anh Vũ Tống Quang ở Bắc Ninh khi nói chuyện với mình về văn hóa hát Quan Họ đó là bài “Lấy gì làm thú giải phiền”. Khó vì ngay trong ca từ cũng có một số từ thật khó hiểu. Một trong những từ ấy là “Rượu thường”. Anh Quang nói với mình rằng, hầu như lời ca Quan Họ lấy từ thơ, ca dao và đặc biệt là truyện Kiều. Anh đã khảo cứu rất nhiều tài liệu liên quan đến truyện Kiều để hy vọng “giải nghĩa” cho từ này nhưng cho đến nay, sau hàng chục năm “mang chuông đi đấm nước người” (Ý anh Quang muốn nói về các cuộc thi hát Quan Họ), anh vận đành dừng lại ở việc tạm hiểu và hát. Nghe Thúy Hường hát bài này thật hay (bản thu thanh khi Hường còn khá trẻ và chưa nổi tiếng).

Trích Blog Chợ Chờ !

Thảo luận cho bài: "Vang-rền-nền-nảy trong kỹ thuật hát quan họ"

3 Comments

  • Tôi cho rằng tác giả bài viết đã hiểu sai chữ “NỀN” trong 4 kỹ thuật hát quan họ “VANG, RỀN, NỀN, NẢY”. Cả bốn từ ấy đều là tính từ, thể hiện cái việc hát tạm gọi là: hát cho ra quan họ, hoặc hát quan họ thì phải được như thế mới gọi là hát. Nền ở đây chính xác là nền nã, mượt mà, chứ hoàn toàn không phải là danh từ “phông nền” hay “cái nền” hoặc “làm nền” như tác giả ngộ nhận. Sự nhầm lẫn này xuất phát từ việc tác giả chệch hướng từ phân tích “kỹ thuật hát” sang phân tích “bài hát, cấu trúc bài hát”.

    Hát quan họ phải hát được cho vang, cho rền nhưng mặc dù vang rền vẫn không được khô cứng, thô ráp mà vẫn phải nền nã mượt mà. Kèm theo đó là phải “nẩy” phải bật được âm, nảy được âm, tròn vành rõ chữ. Thế mới ra quan họ. Bài viết của tác giả rất hay, ngoại trừ việc hiểu chưa đúng chữ “NỀN” trong 4 yếu tố “VANG RỀN NỀN NẨY” khi hát quan họ.

  • Quan điểm của bạn quanho_vuaho về “Nền” tôi thấy đúng một phần. Bạn chỉ nói được “Nền” là nền nã mượt mà mà không phân tích cái nền nã mượt mà có được là do đâu.
    Tác giả bài viết phân tích yếu tố nền rất đúng. Nếu không có “Nền” thì Quan họ không còn là Quan họ nữa. Chính cái phông nền mượt mà đó tạo nên một yếu tố đặc sắc trong Kỹ thuật hát Quan họ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương