Khởi nguồn câu ca quan họ

Bắc Ninh – quê hương nhà Lý có vị thế khá đặc biệt trong sự hình thành và phát triển văn hóa Việt. Do địa thế bằng phẳng, có núi thấp, ở khoảng giữa của biển phía đông và núi cao phía tây, phù hợp với sản xuất nông nghiệp nên Bắc Ninh sớm trở thành trung tâm của đất nước.

Từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 10, vùng đất Bắc Ninh có các trung tâm Cổ Loa và Luy Lâu. Các nền văn minh lớn từ Ấn Độ, Trung Hoa sớm du nhập vào Luy Lâu, được dân bản địa tiếp nhận, chọn lọc, tạo cho Bắc Ninh có diện mạo văn hóa mang tính cội nguồn mà sản phẩm đặc sắc là dân ca Quan họ. Hiện nay dân ca Quan họ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa nhân loại.

dan-ca-quan-ho-bac-ninh-2

dan-ca-quan-ho-bac-ninh-2

Vậy nguồn gốc dân ca Quan họ được hình thành và phát triển như thế nào?

Dân ca Quan họ cũng như các loại hình dân ca khác đều có đặc điểm chung là bắt nguồn từ nhu cầu hoạt động văn nghệ của quần chúng, từ sinh hoạt đời sống nên khó có thể xác định được thời điểm xuất hiện. Dân ca Quan họ được xác định thời điểm xuất hiện vào thời Hùng Vương. Theo thần tích làng Diềm (thôn Viêm Xá – Hòa Long – Yên Phong), công chúa Nhữ Nam con Hùng Vương đi du xuân gặp mưa to gió lớn dừng chân ở làng Diềm và sau đó ở lại dạy dân làm ăn, giáo hóa lễ nghĩa. Những lúc nông nhàn, bà dạy dân các làn điệu hát đối đáp nam nữ. Nhờ có bà mà dân làng no đủ cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Khi bà mất, dân làng lập đền thờ và tôn làm thành hoàng. Hội đền vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch. Ngoài các nghi thức tế lễ , dâng hương còn có các sinh hoạt quan họ đặc sắc để tưởng nhớ đức Vua Bà thủy tổ Quan Họ.

Từ làng Diềm, các làn điệu và lề lối hát đối Quan họ lan tỏa sang các làng quê khác trong vùng. Theo truyền thuyết, vào thời Lý, dân ca Quan họ đã phổ biến hầu khắp phủ Thiên Đức, ảnh hưởng tới cả các gia đình quyền quý. Chuyện kể về mối tình Trương Chi – liền anh Quan họ bậc nhất làm nghề chài cá với nàng Mỵ Nương – liền chị xinh đẹp con quan thừa tướng đã khẳng định điều đó.

Tuy nhiên, người có công tổ chức hát xướng và bổ sung nâng cao dân ca Quan họ được ghi vào bia đá và có sự trạng rõ ràng là Cơ quận công Đỗ Nguyên Thụy, quê Đình Cả – Nội Duệ – Tiên Du. Ông làm quan thời chúa Trịnh Cương. Hiện nay ở làng quê còn di tích lăng mộ đá và nhà thờ khá hoàn chỉnh, kiến trúc hài hòa với nhiều hiện vật quý, xây dựng từ năm 1734. Tại lăng mộ có bia Thọ phúc thần hiến điền bi kí ghi rõ: Tết Trung thu năm nào Đình Cả và Lộ Bao không tiến hành ca hát được thì phải noi theo các xã, thôn khác chiếu lệ phụng thờ, từng ngày sửa lễ vật như khi có công việc ca hát. Quận công Đỗ Nguyên Thụy tổ chức thi hát Quan họ quy mô hàng tổng với ý nguyện: Mong mỏi các thôn Đình Cả, Lộ Bao cùng Nội Duệ, Lộ Khánh và các xã thôn khác, hằng năm vào dịp cầu phúc, hát xướng tết Trung thu phải cố noi kịp để nuôi dài huyết mạch. Do được đầu tư mạnh về vật chất mà dân ca Quan họ có bước phát triển mới phong phú hơn, nó kế thừa cả các làn điệu dân ca khác. Lời ca cũng được bổ sung văn học bác học làm cho trang trọng hơn. Thậm chí nhạc tuồng Tàu cũng được vận dụng các tiếng đệm hồ, xừ, xang, cống, líu, ư, hự, là… từ đó tạo nên một đặc trưng âm sắc là vang, rền, nền, nẩy.

Bước phát triển mới của nghệ thuật biểu diễn Quan họ vào khoảng năm 1769, Cảnh Trung hầu Nguyễn Diễn cũng người Đình Cả mua nửa núi Hồng Ân (đồi Lim) hiến cho tổng Nội Duệ. Từ cuối thế kỷ 19, nhà văn hóa Đỗ Trọng Vĩ đã viết trong sách Bắc Ninh địa chí như sau: Các xã Lũng Sơn, Lũng Giang ngày xuân ở đình có cây đu, đường làng có trai gái tụ họp ca hát, còn về mặt đình đám hội hè thì nổi tiếng nhất là hội làng Phù Đổng, thứ đến hội núi Hồng Ân tổng Nội Duệ rất đông vui.

Khoảng giữa thế kỷ 20, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã viết khái quát về dân ca Quan họ trong cuốn Tục ngữ, Dân ca, Ca dao Việt Nam: Hát Quan họ được xây dựng trên tình bạn. Về hình thức, hát Quan họ có hàng trăm điệu. Cái đặc biệt của hát Quan họ là hát không có đệm đàn sáo, ở mọi bài hát Quan họ, những tiếng láy đi láy lại, những tiếng đệm, những tiếng đưa hơi rất nhiều, nó làm cho lời ca lên bổng xuống trầm như cung đàn, cho nên một điệu Quan họ cần phải được hát lên người ta mới cảm thấy hết được cái say sưa của nhạc điệu.

Người cất công đi sâu sưu tầm, nghiên cứu Quan họ là nhạc sĩ Hồng Thao và công trình Dân ca Quan họ của ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Hiện nay tỉnh Bắc Ninh có hai cơ quan Nhà nước chuyên nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dân ca Quan Họ là Trung tâm văn hóa Quan họ và Đoàn dân ca Quan họ. Sinh hoạt Quan họ gốc, tục kết chạ và ca hát Quan họ vẫn được bảo tồn ở các làng quê. Hằng năm tỉnh tổ chức thi hát đối vào ngày 10 tháng Giêng để khuyến khích phong trào sinh hoạt Quan họ cổ. Dân ca Quan họ cũng được nâng cao để biểu diễn sân khấu đáp ứng nhu cầu rộng rãi thưởng thức Quan họ của nhân dân cả nước. Ở Bắc Ninh có những liền chị hơn trăm tuổi vẫn hát chuẩn các làn điệu, có liền chị được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú. Rất nhiều liền anh, liền chị là diễn viên chuyên nghiệp đã nổi danh như Thúy Cải, Thúy Hường, Khánh Hạ, Quý Tráng, Quý Thăng, Quang Vinh… Lớp Quan họ trẻ được đào tạo bài bản ở trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh hàng năm làm cho dân ca Quan họ ngày càng phát triển. Nhiều câu lạc bộ Quan họ tự hình thành, phát triển phục vụ ở địa phương và mở rộng giao lưu với mọi miền đất nước như: Câu lạc bộ Quan họ Từ Sơn , Tiên Du, Thuận Thành, Yên Phong…

Vùng quê của Trương Chi – Mỵ Nương ngập tràn lời ca tiếng hát trở thành cảm hứng để các thi sĩ, nhạc sĩ viết nên những tác phẩm hay như: Làng quan họ quê tôi, Xe tăng anh qua miền quan họ, Đêm sông Cầu, Chiều sông Thương…

Chào mừng sự kiện UNSECO công nhận Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tối 7-10 Trung tâm văn hóa du lịch thể thao Phú Sơn phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Bắc Ninh, Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh tổ chức chương trình giao lưu “Dân ca Quan họ Bắc Ninh – Trường tồn và lan tỏa”.

Mùa xuân hàng năm, mời bạn trẩy hội Quan họ để thấy hết nét đặc sắc văn hóa của vùng quê nơi đây./.

– Phạm Thuận Thành –

Thảo luận cho bài: "Khởi nguồn câu ca quan họ"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương