Đội quan họ U-90

13 cụ tuổi từ 74-88, tóc bạc trắng vẫn khăn xếp, áo the, áo yếm đi biểu diễn quan họ cổ. Đó là đội quan họ cổ ở thôn Trung Đồng, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang.

Những lời hát quan họ cổ được vang lên đằm thắm, thiết tha - Ảnh: Hà Ánh Dương

Những lời hát quan họ cổ được vang lên đằm thắm, thiết tha – Ảnh: Hà Ánh Dương

Làng tôi trước đây bốn phía là đồng chiêm trũng, quanh năm nước ngập, người dân nghèo lắm. Tuy cực khổ, nhưng 100 năm nay chưa bao giờ vắng tiếng hát quan họ cổ trên chiếu sân làng, ngoài cửa đình. Với gần 400 hộ dân, lúc nào trong làng cũng có thể huy động được 20-30 cụ cao niên sẵn sàng hát những bài quan họ cổ mà chỉ có ở vùng đất bờ bắc sông Cầu này”… – ông Vũ Văn Đài, trưởng thôn Trung Đồng, hãnh diện nói.

Các cụ thể hiện những bài hát cổ theo lối đối đáp ngoài sân chùa - Ảnh: Hà Ánh Dương.

Các cụ thể hiện những bài hát cổ theo lối đối đáp ngoài sân chùa – Ảnh: Hà Ánh Dương.

Ông chủ nhiệm đam mê quan họ lạ kỳ

Cụ Hoắc Công Chờ, 74 tuổi, được người dân Trung Đồng phong cho chức danh nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà văn hóa dân gian của làng. Ở tuổi thất thập cổ lai hi nhưng cụ Chờ vẫn còn rất khỏe, vóc dáng nhanh nhẹn. Cụ kể lại: “Hơn một thế kỷ trước, người trong làng Trung Đồng đã tự sáng tác và hát những bài quan họ của riêng mình. Ngay bản thân ông bà nội và bố mẹ tôi cũng nằm trong đội quan họ của làng thời phong kiến ấy. Lúc còn để chỏm, tôi đã được bố mẹ truyền miệng các bài quan họ cổ…”.

[box type=”right”]Sau một thời gian đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ kinh phí, vật  chất để duy trì đội hát quan họ cổ, ngày 20-7-2009, Sở Văn hóa – thể  thao và du lịch Bắc Giang sẽ hỗ trợ đội hát quan họ cao niên ở Trung  Đồng 20 bộ trang phục biểu diễn.[/box]

Nửa thế kỷ qua, cụ Chờ luôn là đầu tàu khơi dậy phong trào hát quan họ của Trung Đồng. Hiện nay, cụ là chủ nhiệm đội hát quan họ cổ, ngày ngày sống với lời ca tiếng hát bằng một tình yêu đam mê đến lạ kỳ. Tất cả những gì thuộc về quan họ cổ của Trung Đồng cụ Chờ đều sưu tầm, lưu giữ. Để minh chứng, thuyết phục khách, cụ cho chúng tôi xem nhiều tài liệu viết tay cũng như đã in thành sách rất quý hiếm về văn hóa quan họ vùng đất này. Tài liệu đầu tiên mà chúng tôi được thấy trong kho tư liệu chính là tên những người thuộc ba thế hệ trước từng sáng tác và hát quan họ cổ.

Đó là thế hệ nếu tính đến nay đã 150 tuổi, 120 tuổi và 95-100 tuổi. Cụ Chờ muốn sưu tầm tên những con người này như để khẳng định quan họ Trung Đồng có lịch sử lâu đời, cũng với mục đích nhắn nhủ thế hệ sau luôn nhớ tới và sẽ tiếp tục phát huy nét văn hóa truyền thống làng. Tài liệu thứ 2 chính là kho tàng trên 100 lời bài hát quan họ cổ mà cụ Chờ đã lặn lội đi khắp làng trên xóm dưới nghe các cụ cao niên hát để ghi lại lời, nhịp điệu.

Khi chúng tôi ngỏ lời đề nghị được nghe thử cụ Chờ hát quan họ, cụ rất tự nhiên ngân nga vài câu: “Bây giờ tôi ở có bạn a à về điều hay là hay nói bạn điều chê, chứ chê bạn đừng chứ tay í i tôi bưng tôi bưng là bưng chén muối với đĩa a à gừng, gừng cay là cay muối mặn xin à đừng, xin đừng chớ quên à á a nhau chị hai ơi ta yêu nhau ta giữ lấy nhời…”. Hát xong cụ phân tích: “Nếu bên quan họ Bắc Ninh có bài Giã bạn thì Trung Đồng có bài quan họ cổ Dặn bạn lúc ra về. Nhưng không chỉ khác nhau về lời mà bài quan họ cổ của Trung Đồng còn có nhịp điệu chầm chậm hơn quan họ Bắc Ninh”. Hiện cụ Chờ đang truyền dạy quan họ cho lớp trung niên 50-60 tuổi. Người truyền nghề sẵn sàng dạy không công bao năm nay, còn người học cũng học với tinh thần nhiệt tình, tự nguyện.

Đội hát “có một không hai”

Không chỉ say sưa hát những làn điệu hát cổ và tận tình truyền dạy, cụ Chờ đã và đang duy trì một đội hát quan họ cổ rất đặc biệt với 13 cụ ông, cụ bà từ 74-88 tuổi mà chúng tôi xin mạo muội đặt cho cái tên: Đội quan họ cổ U-90. Đặc biệt trong đội hát quan họ cổ này có đến bảy cụ mang họ Hoắc, một cái họ phổ biến ở làng. Thậm chí trong số 13 cụ có hẳn ba anh em ruột, chính là cụ Hoắc Công Tào – 88 tuổi, cụ Hoắc Thị Chướng – 79 tuổi và Hoắc Công Chờ – 74 tuổi. Ngoài ra, trong đội hát U-90 này còn có một trường hợp khá đặc biệt khác, đó là cụ Vũ Thị Sáu, 77 tuổi và con dâu, con gái đang tham gia lớp quan họ cổ kế cận do cụ Chờ truyền dạy. Dù tuổi tác và nơi ở mỗi cụ rải khắp làng, nhưng chỉ cần cụ Chờ lên tiếng là đội quan họ U-90 ấy sẵn sàng xuất hiện nhanh chóng biểu diễn ngoài chùa, đình làng.

Điều chúng tôi quá đỗi khâm phục ở các cụ không chỉ ở tuổi tác, tình yêu quan họ rất dị thường ấy mà còn phải kể đến những khó khăn về vật chất toàn đội đã vượt qua. Toàn đội hát không hề có một quỹ chung, đồng thời các cấp chính quyền địa phương chưa bao giờ hỗ trợ bất kỳ một nguồn kinh phí nào. Khăn xếp, nón ba tầm, áo the, áo yếm, áo lụa… phục vụ biểu diễn các cụ đều phải bỏ tiền mua. Khi đi biểu diễn xa, các cụ nhờ con cháu lo cho mình mọi khoản kinh phí.

“Không có tiền, chẳng ai hỗ trợ vật chất, chúng tôi vẫn hát. đó như một thứ tình yêu văn hóa rất đỗi tự nhiên đã ngấm vào máu thịt rồi. Chúng tôi tự nguyện lập đội hát là để giữ gìn những giá trị văn hóa cổ của quê hương đã bao năm qua, chứ không phải gần đây. Nhưng thật sự chúng tôi rất đau xót nếu quan họ cổ Trung Đồng bị mai một, bởi một lẽ chúng tôi đều thuộc lớp người đã ở ngưỡng có thể rời khỏi thế gian này bất kỳ lúc nào. Bên cạnh đó, nếu không có kinh phí thì lớp trẻ sẽ chẳng ai muốn nối nghiệp cha ông đâu”. Những tâm sự đó của các cụ trong đội hát quan họ cổ vẫn cứ canh cánh trong lòng chúng tôi khi nhớ về Trung Đồng.

Nguy cơ mai một

Tiến sĩ Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa nghệ thuật VN) – người đã  nghiên cứu và tìm hiểu rất kỹ, sâu sắc về văn hóa quan họ bờ bắc sông  Cầu, trong đó có làng quan họ cổ Trung Đồng – cho biết: “Do sự hạn chế  về điều kiện kinh tế – xã hội, hơn nữa Trung Đồng nằm ở vị trí hẻo lánh  nên từ trước tới nay chúng ta vẫn chưa thể tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về  giá trị trong vốn quan họ cổ ở làng này”.

Xét trong tổng thể vùng văn hóa quan họ cổ bờ bắc sông Cầu thì làng  Trung Đồng hiện có số người cao niên còn hát được quan họ cổ thuộc loại  đông đảo nhất. Đội hát quan họ cổ ở đây đã ở ngưỡng 70-80 tuổi, thậm chí  hơn thế vẫn có chất giọng rất tốt. Cụ thể qua việc các cụ vẫn lấy hơi,  luồn giọng rất tốt khi thể hiện các bài quan họ… So với các làng quan  họ khác thì quan họ Trung Đồng có những nét đặc sắc và những điểm khác  biệt về lời, ca từ cũng như cách thể hiện các làn điệu.

Với hiện trạng báo động mối nguy cơ mai một một làng quan họ cổ như  Trung Đồng hiện nay, tiến sĩ Thanh cũng nhấn mạnh cần phải sớm có những  đánh giá, khẳng định nhằm bảo tồn một giá trị văn hóa quan họ cổ quý giá  ở vùng bờ bắc Sông Cầu.

Theo HÀ ÁNH DƯƠNG
TTO

Thảo luận cho bài: "Đội quan họ U-90"

2 Comments

  • Thực trạng Quan Họ ở Bắc Giang nói chung và ở Trung Đồng nói riêng rất phong phú không chỉ phong phú về loại hình, cách sinh hoạt mà nó còn mang nét riêng của vùng không gian văn hoá đặc sắc bờ Bắc sông Cầu. Trung Đồng là làng Quan Họ hiếm hoi ở bờ Bắc song Cầu có đền thờ vua bà thuỷ tổ Quan Họ. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị mà Quan Ho Trung Đồng còn giữ lại cần được phát huy. Rat mong các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa và đặc biệt khi Quan Họ là di sản phi vật thể của nhân loại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương