Giới trẻ mê quan họ

Đến hẹn lại lên, hai tuần một lần vào tối chủ nhật, tầng 2 của nhà ăn A1-5 ĐH Bách khoa Hà Nội, lại rộn ràng lời ca tiếng hát quan họ của một nhóm bạn trẻ. Họ là thành viên trong câu lạc bộ quan họ Bắc Ninh.

Giải thích việc thành lập câu lạc bộ, Trịnh Văn Tỉnh, sinh viên khoa Điện tử viễn thông, ĐH Bách Khoa Hà Nội, nói: “Thấy nhiều người quê Bắc Ninh nhưng không biết hát quan họ nên mình và các anh chị trong hội đồng hương Kinh Bắc đã cùng nhau thành lập câu lạc bộ để mọi người tìm hiểu, học hát và yêu quan họ hơn”.

Năm 2007, câu lạc bộ được thành lập. Thời gian đầu chưa có địa điểm sinh hoạt cũng như thầy dạy, các thành viên tự mày mò tìm hiểu, người biết hát dạy cho người chưa biết. Rất may, câu lạc bộ nhận được sự giúp đỡ của các thầy ĐH Bách khoa vốn là con em đất quan họ, thêm vào đó được giám đốc nhà ăn của trường cho mượn địa điểm sinh hoạt.

Buổi sinh hoạt của câu lạc bộ. Ảnh: Hiên Trần.

Ban đầu, câu lạc bộ chỉ có vài ba thành viên là người Bắc Ninh. Cho đến nay, số thành viên lên tới vài chục, trong đó có nhiều người từ các tỉnh khác như: Ninh Bình, Hà Nội, Hải Dương… Có người hát được quan họ, có người chỉ đến nghe hát bởi một lý do yêu mến những câu quan họ đằm thắm, mượt mà, níu giữ lòng người.

Hiện câu lạc bộ nhận được sự giúp đỡ tận tình của anh Nguyễn Hữu Duy (Trung tâm phát triển nghệ thuật Việt Nam). Mỗi buổi sinh hoạt, gần 20 thành viên câu lạc bộ say sưa nghe anh Duy giảng giải về văn hóa quan họ, tại sao người hát không lấy nhau; tại sao gọi là anh hai, chị hai mà không gọi là anh cả, chị cả… “Những kiến thức này nhằm giúp các bạn hiểu về phong tục, lề lối của quan họ và yêu quan họ hơn”, anh Duy giải thích.

Song vui nhất là phần học hát. Nguyễn Thanh Biên, sinh viên khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện là Chủ nhiệm câu lạc bộ quan họ, bật mí: “Khi mới học mình thấy sao khó thế, cứ nghĩ hát như trên băng đài là được rồi. Đi học, thầy Duy mới dạy cho thế nào là vang, rền, nền, nảy. Thầy còn dạy cách lấy hơi, xử lý các câu, các bài ra sao”.

Quê ở Đông Phù, một làng quan họ cổ ở xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, được sống trong không khí quan họ qua các buổi tập văn nghệ của thôn xã, qua hội làng, Lưu Đình Cải, sinh viên năm thứ ba, khoa Điện, ĐH Bách khoa Hà Nội, bị cuốn hút bởi những câu ca ngọt ngào ấy. “Lời ca quan họ rất giản dị mà sâu xa, thâm thúy và mang tính giáo dục cao. Cũng qua quan họ, em thấy ngày xưa, các cụ trao duyên rất là tình tứ”, Cải bộc bạch.

Không chỉ sinh viên, nhiều thanh niên say quan họ cũng đến với câu lạc bộ. Anh Trần Đức Tài, hiện làm ở công ty Kim khí Hà Nội, quê Ninh Bình, là một trong số đó. Anh Tài tâm sự yêu lắm những “Còn duyên”, “Cái ả”, “Người ơi người ở đừng về”, “Yêu nhau ngả nón ra ngồi”…

Một buổi biểu diễn của thành viên câu lạc bộ. Ảnh: CTV.

Một năm hai lần, câu lạc bộ lại tổ chức giao lưu quan họ với tên gọi “Đến hẹn lại lên” và “Xuân qua miền quan họ”. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng đi giao lưu biểu diễn ở các trường đại học để có thêm kinh nghiệm.

Không chỉ vậy, câu lạc bộ còn bỏ công sưu tầm hơn 500 bài quan họ cổ và quan họ cải biên, các bài nghiên cứu về quan họ, giải thích về các điển tích, điển cố, tìm hiểu về văn hoá, phong tục tập quán vùng quê Kinh Bắc. “Quan họ là nét đặc trưng của quê hương Kinh Bắc. Giữ lại nét văn hóa đó là trách nhiệm của riêng mình cũng như của các thành viên trong hội đồng hương Kinh Bắc”, Lương Đình Cải chia sẻ.

Hiên Trần

Thảo luận cho bài: "Giới trẻ mê quan họ"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© Bản quyền 2019 bởi Quan Họ Bắc Ninh - Đến hẹn lại lên.
Phát triển nội dung bởi các thành viên. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Duy, Trịnh Văn Tỉnh.
Điện thoại: 0935.36.8088 / E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc, phản hồi vui lòng gửi về E-mail: tinhbk21@gmail.com.
Liên kết: Nhạc dân ca, Soạn bài, kỹ thuật nuôi trồng, Cải lương