Lời bài hát: Mời nước mời trầu
Bài hát Mời nước mời trầu - NSƯT Hải Xuân
Mời nước
(Khách đến chơi nhà)
Dân ca Quan họ cổ
Khách đến í đến chơi hự hừ nhà là chơi hự hừ nhà /.
Đốt than ớ ơ dậu mà quạt i nước mấy pha trà mời người xơi i là chén có a trà này/, quý i vậy í ơ ớ ở ơ quý i vậy í đôi người ơi/.
Mỗi người ì là người xơi mỗi chén mấy cho em í i vui lòng là em í i muốn cho/, sông i cạn í ơ ớ ở ơ sông i cạn í ơ đất liền/.
Để em ớ ơ dậu mà đi i lại mấy kẻo phiền là đò giang là em í i vào chùa/, thấy i chữ í ơ ớ ở ơ thấy i chữ linh à nhang/.
Gần chùa là chùa chả i bén mấy duyên hương í i chút nào là sáng có ả trăng xuông/, sáng i cả í ơ ớ ở ơ sáng i cả í ơ vườn đào/.
Ba bốn người ì là người ngồi i đấy mấy người nào là còn không là có ới ả nên chăng/, se sợi í ơ ớ ở ơ se sợi í ơ chỉ hồng.
Lời thơ:
Mấy khi khách đến chơi nhà,
Đốt than quạt pha trà em mời người xơi.
Trà này quý vậy người ơi,
Mỗi người mỗi chén cho em vui lòng.
Em muốn cho sông cạn đất liền,
Để em đi lại kẻo phiền đò giang.
Vào chùa thấy chữ linh nhang,
Gần chùa chả bén duyên hương chút nào!
Sáng trăng xuông sáng cả vườn đào,
Ba bốn người ngồi đấy, có người nào còn không?
Nên chăng se sợi chỉ hồng!
“Khách đến chơi nhà” Quan họ là một nghề chơi: Chữ “chơi” trong QH được sử dụng phổ biến. Trong 200 bài ca phổ biến thì có tới 165 bài có chữ “chơi”: Khách đến chơi nhà, Chơi cho sấm động mưa sa, Chơi cho nước Hán sang Hồ, Chơi cho hòn đá nẩy mầm, Dưới giời mấy kẻ biết chơi, Khi vui chơi trà rồi lại tửu, Tiên sa xuống cõi trần chơi, Đi chơi khắp 4 phương trời. Ai ơi chơi lấy kẻo già …
Muốn chơi QH thì phải có nghề.
Trong sáu tỉnh người đà chưa tỏ
Ngoài năm thành chỉ có Bắc Ninh
Yêu nhau mấy độ xuân tình
Nghề chơi quan họ có tinh mới tường.
Thông qua nghề chơi mới có lối đối nhân xử thế trong giao tiếp và ca hát. Phong cách ấy trở thành phổ biến chung. Từ đó ra đời Văn hóa hành vi QH.
Người ta chơi với nhau thân thiết như anh em ruột thịt, coi nhau như họ hàng, gặp nhau là đi chơi, hát là ca chơi, ” Quan họ du ca tại gia ” tức là ca chơi tại nhà. Người QH có tính lịch thiệp, tao nhã : Rất tài hoa trong giao tiếp và ca hát, xuất phát từ tấm lòng, từ lễ nghĩa mang tính truyền thống vùng QH, lời giao tiếp nào của người QH đều thực thà dân dã, vừa tao nhã vừa giầu tính thơ ca.
Mỗi phần có một sự tương phản và sắc thái riêng: Phần ngâm ở Mở bài và phần hát có nhịp ở Thân bài. Đó là một số bài sau: Khách đến chơi nhà – Chim khôn đỗ ngọn thầu dầu – Người đi sứ sự 10 đông – Trống rồng – Duyên phận phải chiều – Con nhện giăng mùng – Xúc miệng ấm đồng…